Mê đắm với kho báu khảo cổ học Việt Nam

VH- Sáng 12.4, trưng bày “Báu vật khảo cổ học Việt Nam” đã chính thức khai mạc tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia nhằm giới thiệu những thành tựu của các nhà khảo cổ học Việt Nam đạt được trong 60 năm qua. 300 hiện vật trưng bày là các “báu vật” vừa “trở về” Việt Nam sau hơn 2 năm triển lãm tại Đức, trong chương trình phối hợp khảo cổ học hợp tác giữa hai quốc gia.

Mê đắm với kho báu khảo cổ học Việt Nam - Anh 1

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đặng Thị Bích Liên đã đến dự và cắt băng khai mạc Trưng bày.

Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Nguyễn Văn Cường cho biết, trưng bày  “Báu vật khảo cổ học Việt Nam” là hoạt động đặc biệt do Bảo tàng Lịch sử quốc gia phối hợp với một số Bảo tàng tại Việt Nam và ba Bảo tàng quốc gia Đức là: Herne, Chemnitz, Reiss-Engelhorn cùng tổ chức. Thông qua trưng bày  này,  gần 300 hiện vật tiêu biểu từ thời Tiền sử đến thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII- XVIII) đã được giới thiệu đến công chúng, theo ba nội dung: “Báu vật khảo cổ thời Tiền sử”; “Báu vật khảo cổ học thời đại Kim khí”; “Báu vật khảo cổ học thời kỳ lịch sử”.

Mê đắm với kho báu khảo cổ học Việt Nam - Anh 2

Ngay trong ngày đầu tiên khai mạc, trưng bày đã có sức thu hút đặc biệt đối với đông đảo công chúng. Trước đó, trong hành trình quảng bá và giới thiệu văn hóa, lịch sử Việt Nam thông qua những báu vật khảo cổ học trên nước Đức ( từ tháng 10.2016 đến tháng 2.2018), trưng bày đã thu hút trên 100.000 khách tham quan, trong đó có rất nhiều người dân Việt Nam đang sinh sống, học tập tại Đức.  Đây là lần đầu tiên một trưng bày có quy mô lớn, số lượng hiện vật nhiều nhất được tuyển chọn từ các bảo tàng trải dài từ miền Bắc đến miền Nam Việt Nam hiện diện tại Đức. Trong số này, công chúng và các chuyên gia quốc tế đặc biệt quan tâm đến  một hiện vật độc đáo- bảo vật quốc gia “Mộ thuyền Việt Khê”,  minh chứng điển hình cho táng thức và táng tục của cư dân Đông Sơn cách ngày nay khoảng 2.500 năm được đưa sang Đức trưng bày. Đây cũng là lần đầu tiên hai bảo vật quốc gia của Việt Nam được đưa ra trưng bày ở nước ngoài.

Mê đắm với kho báu khảo cổ học Việt Nam - Anh 3

TS. Andreas Reinecke, Ủy ban Nghiên cứu các nền văn hóa khảo cổ ngoài Châu Âu, Viện Khảo cổ học Đức có mặt tại cuộc trưng bày đã không tiếc lời khen những giá trị không thể đo đếm của kho báu khảo cổ học Việt Nam. Ông chia sẻ, các chuyên gia Đức đã có những cơ hội không thể tuyệt vời hơn khi cùng các chuyên gia Việt Nam nghiên cứu, trưng bày và giới thiệu đến công chúng Đức và quốc tế những “báu vật” khảo cổ tiêu biểu từ Việt Nam. Mỗi hiện vật đều là một minh chứng sống động, những thông điệp vô giá về văn hóa và lịch sử của đất nước Việt Nam.

Trưng bày “Báu vật khảo cổ học Việt Nam”  sẽ kết thúc vào tháng 7.2018.

(Ngân Anh)

 

Ý kiến bạn đọc