Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Phát huy sức mạnh văn hóa- di sản, tạo đà phát triển kinh tế số

Thứ Sáu 19/08/2022 | 09:34 GMT+7

VHO- Là chủ đề của diễn đàn diễn ra chiều 18.8 trong khuôn khổ Tuần lễ chuyển đổi số Huế 2022 do UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức. Diễn đàn đã thu hút nhiều ý kiến góp ý tâm huyết của các chuyên gia chuyển đổi số, cơ quan chuyên môn, doanh nghiệp…

Tiềm năng và những hiệu quả bước đầu

Theo đại diện Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế, tỉnh này đang lưu giữ kho tàng di sản văn hóa phong phú, đa dạng cả về văn hóa vật thể và phi vật thể. Trong gần 1.000 di tích được kiểm kê, có 3 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 89 di tích cấp quốc gia và 90 di tích cấp tỉnh. Thừa Thiên Huế còn có 3 di sản phi vật thể cấp quốc gia, 10 nhóm cổ vật với 35 hiện vật được công nhận là Bảo vật quốc gia. Đặc biệt, tỉnh có đến 7 di sản được UNESCO vinh danh, thuộc 3 loại hình: di sản vật thể, di sản phi vật thể và di sản tư liệu.

Vì thế, việc quản lý bảo tồn và phát huy giá trị kho tàng di sản văn hóa phong phú đó đòi hỏi cần phải có sự nỗ lực, cố gắng của đội ngũ cán bộ quản lý, đội ngũ cán bộ trực tiếp tham mưu thực hiện công tác bảo tồn, bảo tàng; cần có những công cụ, phương thức khoa học, hiện đại. Đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số là công cụ hữu hiệu nhất để duy trì, gìn giữ, phát huy và nâng tầm các giá trị di sản, văn hóa truyền thống.

Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VHTT cho biết, hiện các di tích, hiện vật, tư liệu, các lễ hội tiêu biểu, có giá trị trên địa bàn tỉnh đã được kiểm kê, chuẩn hóa thông tin, lý lịch khoa học kèm bản chụp các hình ảnh về di tích, hiện vật, tư liệu, lễ hội. Đây là tiền đề thuận lợi để đẩy mạnh việc thực hiện số hóa, chuyển đổi số các di sản văn hóa trong thời gian tới.

Du khách trải nghiệm dịch vụ thực tế ảo VR3D tham quan khu di sản Huế

Đến nay, tại Thừa Thiên Huế đã có nhiều đơn vị trong lĩnh vực văn hóa, di sản triển khai các giải pháp chuyển đổi số áp dụng dụng công nghệ số hóa 3D trong quản lý, khai thác, quảng bá và phát huy giá trị di sản. Như Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế triển khai app hướng dẫn tham quan “Di tích Huế”, ứng dụng công nghệ trải nghiệm thực tế ảo VR3D, quét mã QR-Code để tìm hiểu thông tin về hiện vật, Model 3D xem hiện vật bằng tương tác, phục dựng Hoàng thành Huế bằng công nghệ số…Gần đây nhất, trong Tuần lễ Festival Huế 2022, du khách đã được chiêm ngưỡng chương trình nghệ thuật khai màn ấn tượng với việc ứng dụng công nghệ trình chiếu 3D Mapping.

Ngoài khu di sản Huế, Bảo tàng Hồ Chí Minh tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã tổ chức các cuộc triển lãm 3D, giới thiệu không gian, tham quan bảo tàng và các di tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Huế bằng hình ảnh 360 độ trực tuyến trên website. Thư viện Tổng hợp tỉnh cũng thực hiện scan, số hóa 400.000 trang tài liệu Hán Nôm có giá trị (tương ứng với khoảng 4.980 đầu tài liệu các loại) tại 187 làng, 923 họ tộc, phủ đệ và tư gia trên địa bàn…

Bà Phạm Thị Khánh Ngân, Phó Trưởng phòng Quản lý Bảo tàng và thông tin tư liệu, Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL) cho biết, Bộ VHTTDL đang chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành thực hiện chương trình số hóa Di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021-2030. Chương trình này hướng đến xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa trên nền tảng công nghệ số thống nhất, phục vụ công tác lưu trữ, quản lý, nghiên cứu, bảo tồn, khai thác, quảng bá di sản, thúc đẩy phát triển du lịch bền vững; bảo đảm tích hợp được vào khung kiến trúc Chính phủ điện tử và hệ tri thức Việt số hóa.

Theo bà Ngân, mục tiêu của chương trình hướng đến 100% các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể và di sản tư liệu được UNESCO ghi danh, 100% các di tích quốc gia đặc biệt được số hóa và ứng dụng trên các nền tảng số. 100% các bảo vật quốc gia, các di sản trong danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được số hóa và ứng dụng trên các nền tảng số; ưu tiên số hóa theo nhu cầu sử dụng của xã hội các di tích quốc gia, các hiện vật, nhóm hiện vật tại các bảo tàng, ban quản lý di tích. 100% người làm công tác chuyên môn trong ngành di sản văn hóa được đào tạo, đào tạo lại, cập nhật các kiến thức, kỹ năng chuyển đổi số.

Vẫn còn nhiều thách thức

Việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số vào hoạt động lĩnh vực văn hóa- di sản và hết sức cần thiết, là cầu nối để đưa các giá trị văn hóa, di sản của Thừa Thiên Huế đến gần hơn với người dân và du khách; góp phần tích cực trong gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản, giá trị văn hóa Huế. Tuy nhiên, công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa- di sản trên địa bàn tỉnh vẫn đang gặp không ít khó khăn, thách thức. Đó là các vấn đề như: xác định các nội dung văn hóa, di sản cần ưu tiên thực hiện chuyển đổi số; khảo sát, tập hợp, xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ số hóa; việc cải tạo, xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại để đáp ứng yêu cầu lưu trữ, quản lý, tích hợp các nội dung số hóa, chuyển đổi số…

Các doanh nghiệp công nghệ có nền tảng số phục vụ công tác chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh chưa phát triển; đội ngũ nguồn nhân lực có chuyên môn cao của ngành công nghệ thông tin để đáp ứng công việc còn hạn chế… Và khó khăn, hạn chế nguồn kinh phí dành cho việc thực hiện số hóa, chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa, di sản.

Nhiều khách hàng đến tìm hiểu, trải nghiệm các sản phẩm công nghệ số tại Tuần lễ chuyển đổi số Huế 2022

Chuyển đổi số lĩnh vực văn hóa, di sản là tiền đề đẩy mạnh phát triển du lịch, góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Ông Cao Hoàng Anh, Phó Tổng Giám đốc Công ty FSI có một số góp ý về việc xây dựng nền tảng dữ liệu số du lịch toàn tỉnh Thừa Thiên Huế nhằm góp phần quản lý, bảo tồn, lan truyền văn hóa, di sản, tăng hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp du lịch.

“Việc ứng dụng công nghệ để xây dựng nền tảng dữ liệu số của ngành du lịch, tập trung hệ tài nguyên số, kho dữ liệu số dùng chung trong toàn ngành không chỉ phục vụ các cơ quan quản lý đưa ra những quyết định đúng đắn, kịp thời, mà còn giúp doanh nghiệp trong ngành mở rộng khả năng tiếp cận thị trường, nâng cao hiệu quả kinh doanh. Đồng thời, gia tăng trải nghiệm du lịch thông minh, mang đến nhiều tiện lợi cho du khách.”- ông Cao Hoàng Anh nói.

Quá trình thực hiện số hóa di tích, di sản tại cần được triển khai một cách toàn diện đối với các đơn vị trong ngành, đặc biệt là các đơn vị trong khối di sản văn hóa của mỗi địa phương. Từ việc khảo sát, tập hợp, xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ số hóa, đến việc xây dựng kho dữ liệu số dùng chung cần được thực hiện bài bản, theo quy trình. Các đơn vị đã số hóa dữ liệu, có cơ sở dữ liệu riêng cần sớm thực hiện tích hợp, chia sẻ dữ liệu với các bên liên quan.

Trong khuôn khổ Tuần lễ chuyển đổi số Huế 2022, đã có 10 biên bản ký kết giữa các doanh nghiệp hàng đầu về CNTT với các Sở, ngành của tỉnh Thừa Thiên Huế, về thực hiện nội dung chuyển đổi số, gồm: Văn hóa, Du lịch, Giáo dục, Nông nghiệp, Y tế, TT&TT, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh...

Bài, ảnh: SƠN THÙY 

Print

Góc ảnh

Xem nhiều nhất

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình,Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top