Dấu chỉ đỏ nơi đồi Xuân Sơn

VHO- Sau 56 năm nằm trong lòng đất mẹ, nhiều liệt sĩ Trung đoàn 22, Sư đoàn 3 Sao Vàng cùng quân và dân địa phương đã anh dũng hy sinh tại đồi Xuân Sơn (thuộc các xã Ân Nghĩa, Ân Hữu, huyện Hoài Ân, Bình Định) đã được trở về đoàn tụ với đồng đội...

Dấu chỉ đỏ nơi đồi Xuân Sơn - Anh 1

 Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa và Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân tiễn đưa anh linh các liệt sĩ hy sinh năm 1966 tại đồi Xuân Sơn về nơi yên nghỉ

Những ngày tháng Bảy rực lửa, trên hành trình đến với Xuân Sơn, chúng tôi được nghe câu chuyện về quá trình tìm kiếm các anh tại Gò Mít cũng như nỗi niềm xúc động khi người thân, đồng đội gặp lại nhau sau bao năm xa cách.

Theo chân dấu tích đỏ

Đồi Xuân Sơn mùa này hay xuất hiện nhiều cơn mưa lớn bất chợt. Để tìm đến được vị trí hố chôn tập thể các liệt sĩ Trung đoàn 22 (thuộc Sư đoàn 3 Sao Vàng) trong trận đánh lịch sử đêm 25 rạng sáng ngày 26.12.1966, chúng tôi được người dân địa phương chỉ dẫn, chạy ngang qua bia di tích lịch sử Chiến thắng Xuân Sơn (xã Ân Hữu); tiếp đó men theo con đường đất trong những cánh rừng keo tràm âm u, vượt tiếp nhiều dốc đồi, ngầm nước đọng… mới đến được Gò Mít (thôn Nhơn Tịnh, xã Ân Nghĩa).

“Dù nắng mưa, gian khổ nhưng hơn 2 tháng nay, chúng tôi miệt mài, tỉ mẩn đào múc, khai quật và đã tìm kiếm được một hố chôn liệt sĩ, hố còn lại vẫn đang được các lực lượng mở rộng, khoanh vùng tìm kiếm”, anh Huỳnh Văn Anh (37 tuổi), một công nhân lái máy xúc tại điểm khai quật liệt sĩ Gò Mít cho hay. Xuân Sơn là một ngọn đồi thấp, cách Bồng Sơn 22 km về phía Tây Nam, Đông Bắc giáp núi Gò Công, các hướng còn lại giáp sông Nước Lương. Theo hồ sơ di tích, trong đêm 25, rạng sáng ngày 26.12.1966, tại đây, bộ đội chủ lực Trung đoàn 12 và Trung đoàn 22 của Quân khu V đã phối hợp với lực lượng vũ trang huyện Hoài Ân tiêu diệt 1 tiểu đoàn lính Mỹ, phá hủy 12 khẩu pháo 105 ly… Tuy nhiên, dưới làn mưa bom, bão đạn của kẻ thù, nhiều cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh và từ đó nằm lại trong lòng đất Xuân Sơn.

Đầu tháng 3.2022, từ thông tin do cựu chiến binh cung cấp, Bộ CHQS tỉnh Bình Định đã phối hợp với chính quyền địa phương huy động lực lượng, phương tiện tổ chức tìm kiếm, khai quật tại khu vực Gò Mít. Nhờ đó, các lực lượng đã phát hiện được nhiều sinh phẩm của liệt sĩ còn sót lại cùng nhiều di vật như võng dù, tăng, thắt lưng, dép cao su, túi cơm, túi đựng gạo, bật lửa, lược... Căn cứ vào các di vật tìm thấy cùng lời kể, tài liệu của các nhân chứng, đội tìm kiếm xác định đây chính là phần di vật, hài cốt của các liệt sĩ đã hy sinh trong trận tập kích cứ điểm đồi Xuân Sơn cuối tháng 12.1966. Do nhiều yếu tố khách quan bởi chiến tranh, đến nay bước đầu mới chỉ xác định được danh tính 60 liệt sĩ, trong đó có 51 liệt sĩ là cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn 22 thuộc Sư đoàn 3 Sao Vàng và quân dân chính đảng địa phương.

Cách đây hơn 3 tháng, lễ truy điệu và đưa các liệt sĩ Trung đoàn 22 (thuộc Sư đoàn 3 Sao Vàng) cùng quân dân địa phương hy sinh tại Đồi Xuân Sơn về an táng tại nghĩa trang liệt sĩ thị trấn Tăng Bạt Hổ, huyện Hoài Ân đã được long trọng tổ chức. Đây cũng là hành trình đặc biệt hiếm có để người thân, đồng đội gặp lại các liệt sĩ sau hơn nửa thế kỷ xa cách. Bà Võ Thị Tịnh (83 tuổi) ở xã Thiệu Tân, huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa, vợ liệt sĩ Đỗ Ngọc Đương nghẹn ngào chia sẻ: “Chồng tôi đi chiến trường miền Nam năm 1962, gia đình nhận được giấy báo tử năm 1970. Trước lúc hy sinh, chồng có về quê thăm gia đình đôi lần. Tôi trông chờ biết bao nhiêu năm, nhưng mãi đến hôm nay mới biết ông ấy hy sinh ở Gò Mít. Cứ như một giấc mơ vậy, suốt 56 năm qua tôi không hề biết một chút tin tức nào về chồng mình. Nay thấy thông báo tìm được mộ liệt sĩ tập thể, tôi đã lập tức vào ngay Bình Định thăm ông ấy, nhưng lại tiếp tục rơi nước mắt vì phải chia tay chồng một lần nữa để ông về với đất mẹ, với đồng đội”.

Dấu chỉ đỏ nơi đồi Xuân Sơn - Anh 2

 Nỗ lực tìm kiếm hố chôn tập thể liệt sĩ còn lại tại Gò Mít

Mãi mãi nhớ ơn các anh

Chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ, vì thế địa hình, địa vật chiến trường xưa có nhiều thay đổi. Các nhân chứng người còn, người mất, do đó, việc xác định thông tin chính xác để thực hiện việc khảo sát, tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ càng trở nên khó khăn hơn. Hài cốt của các liệt sĩ vẫn còn nằm sâu dưới lòng đất cũng là nỗi ray rứt, sự băn khoăn, trăn trở của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Định suốt nhiều năm qua.

Đại tá Nguyễn Văn Phước, Phó Chủ nhiệm Chính trị (Bộ CHQS tỉnh Bình Định) chia sẻ: “Chúng tôi xác định tại Gò Mít, đồi Xuân Sơn có hai hố chôn mộ tập thể liệt sĩ, nhưng đến nay các lực lượng mới tìm một hố và hố còn lại đang được tiếp tục xác định khoanh vùng. Nhiều khi tìm thấy thì các anh chỉ cách mặt đất khoảng 10cm…”. Theo đại tá Phước, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo là bằng mọi giá, không quản thời gian, công sức, phải tìm được hết các liệt sĩ còn lại để đưa về truy điệu và an táng.

Trao đổi với Văn Hóa, cựu chiến binh Đặng Hà Thụy thổ lộ: “Tôi đã dành nhiều thời gian kết nối với các cựu binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam để tìm mộ đồng đội. Sau đó, họ vẽ sơ đồ gửi cho tôi và chỉ rằng, ở khu vực đồi Xuân Sơn đã từng làm các hố chôn tập thể quân ta bằng xe ủi. Từ đó, tôi liên hệ cơ quan chức năng để tiến hành xác minh, tìm kiếm, quy tập. Với tôi, hành trình tìm mộ liệt sĩ dù có gian khổ đến mấy cũng không được nản lòng, nếu bỏ cuộc thì chẳng khác gì bỏ rơi đồng đội”.

Ông Nguyễn Hữu Khúc, Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân cho biết, huyện đã làm tờ trình xin chủ trương của tỉnh cho xây dựng Khu tưởng niệm tại Gò Mít, đồi Xuân Sơn với diện tích gần 2 ha, gồm các hạng mục như nhà bia, sân vườn, dựng 2 bia tại 2 hố chôn liệt sĩ, bãi đỗ xe… Bên cạnh đó sẽ đầu tư đường bê tông khoảng 1,5 km từ dốc Bà Tín đến đồi Xuân Sơn. Trong tương lai, sau khi Khu tưởng niệm được hình thành, nơi đây sẽ là địa chỉ đỏ để cán bộ, người dân, đặc biệt gia đình thân nhân liệt sĩ đến thăm viếng cũng như trau dồi lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ. 

 PHAN HIẾU

Ý kiến bạn đọc