Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

Đầu tư cho điện ảnh là đầu tư cho văn hóa và đầu tư cho sự phát triển lâu dài, bền vững

Thứ Tư 25/05/2022 | 19:46 GMT+7

VHO – Đầu tư cho điện ảnh là đầu tư cho văn hóa và đầu tư cho sự phát triển lâu dài, bền vững. Ngành điện ảnh là ngành công nghiệp mang tính rủi ro cao và cũng khó thu hút sự đầu tư, do đó việc hỗ trợ ban đầu của Nhà nước là rất cần thiết. Vì vậy, sự ủng hộ của các đại biểu để ngành điện ảnh được phát triển, góp phần bồi đắp tâm hồn và xây dựng nền tảng văn hoá tinh thần.Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng tại phiên thảo luận tại Hội trường của Quốc hội chiều 25.5 về Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi).

Chiều nay, phát biểu tiếp thu, giải trình ý kiến của các Đại biểu Quốc hội về Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi), Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã bày tỏ sự cầu thị đối với các góp ý tâm huyết của 19 đại biểu trong phiên thảo luận.

Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng phát biểu giải trình tại phiên thảo luận

Bộ trưởng cho biết, đã ghi chép một cách đầy đủ các ý kiến phát biểu của các đại biểu. Có nhiều nội dung được các đại biểu góp ý một cách tâm huyết, trách nhiệm, trong đó tập trung vào 4 nhóm vấn đề lớn. Vấn đề thứ nhất đó là bố cục dự thảo Luật và kỹ thuật lập pháp; vấn đề thứ hai  đề cập sâu hơn, phân tích rõ hơn chính sách hỗ trợ cho phát triển điện ảnh; vấn đề thứ ba là phân loại cấp phép và phổ biến trên không gian mạng và sự bình đẳng trong các vấn đề về chính sách; vấn đề thứ thứ  Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh.

Bộ trưởng cho rằng, vấn đề được quan tâm nhiều nhất, đó chính là Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh. Trước nhiều băn khoăn của đại biểu Quốc hội về việc đã có quy định về Quỹ này từ năm 2006 nhưng từ đó đến nay vẫn không thực hiện và vẫn tiếp tục đề nghị duy trì, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, có hai lí do khiến Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh được đề ra từ năm 2006, đến nay vẫn chưa thực hiện được.

Trước hết, đó chính là khó khăn về nguồn thu. Trong nguồn thu của Luật Điện ảnh năm 2006 không được quy định trong Luật và trong Nghị định. Vì thế mà khi triển khai, thì không thể đề xuất xây dựng. Thứ hai là cơ chế quản lý Quỹ, chưa xác định rõ ràng là do đơn vị sự nghiệp thực hiện hay các các doanh nghiệp, tổ chức tài chính khác triển khai.

Bộ trưởng cũng viện dẫn, đã đọc lại các văn bản, tờ trình của lãnh đạo qua các thời kỳ, và thấy có hai lần lãnh đạo Bộ đã báo cáo với Chính phủ và được yêu cầu tạm dừng và đề nghị nghiên cứu đưa vào trong dự thảo luật sửa đổi.

Về việc vì sao bây giờ lại đưa vào, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng bộc bạch “Không phải là tôi không hiểu các chính sách, quy định hiện hành, nhưng trên cơ sở các quan điểm, chính sách của Đảng và nhà nước, thì đầu tư cho Văn hoá là đầu tư cho sự phát triển lâu dài và bền vững. Chính vì vậy, với nền công nghiệp điện ảnh của Việt Nam còn non trẻ so với các quốc gia khác, nếu không được quan tâm, không được đầu tư thì sẽ rất khó khăn. Trong khi các quốc gia khác cũng đều hình thành quỹ để hỗ trợ cho sự phát triển của điện ảnh.

Toàn cảnh phiên họp chiều 25.5

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, ngành điện ảnh là ngành công nghiệp mang tính rủi ro cao và cũng khó thu hút sự đầu tư, do đó để những đối tượng chưa được hưởng những chính sách sẽ có sự hỗ trợ. Vì vậy, Bộ trưởng mong muốn nhận được sự ủng hộ của các đại biểu để ngành điện ảnh được phát triển, góp phần bồi đắp tâm hồn và xây dựng nền tảng văn hoá tinh thần.

Về thảo luận của các đại biểu là làm sao có thể kiểm soát phim, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng bày tỏ sự vui mừng khi hầu hết các đại biểu đều chọn phương án 2. Bộ trưởng viện dẫn, trong thực tế, có nhiều lần có các đoàn làm phim nước ngoài đến Việt Nam, họ quay các cảnh nhưng không gửi cho chúng ta kịch bản chi tiết mà chỉ đưa bản tóm tắt nội dung, chúng ta không kiểm soát được. Bộ trưởng nhắc lại bộ phim đã báo cáo với Quốc hội, đó là bộ phim Đồng cảm của Mỹ quay ở Việt Nam. Ban đầu họ quay ở Việt Nam thì rất tốt, vì chúng ta duyệt được phần quay tại Việt Nam. Còn khi sang Mỹ thì nội dung hoàn toàn sai lệch. Vì vậy, chúng ta đã mất rất nhiều công sức để ngăn chặn và gỡ bỏ bộ phim này. Vì vậy, Bộ trưởng nhất trí cao với quan điểm của nhiều đại biểu về việc phải có kịch bản phim chi tiết bằng tiếng Việt.

Liên quan đến các nội dung về chính sách hỗ trợ cho phát triển điện ảnh và phân loại cấp phép và phổ biến điện ảnh trên không gian mạng, việc kiểm soát phim ảnh, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, Bộ sẽ cùng Ủy ban Văn hóa, Giáo dục rà soát, tổng hợp để có giải trình cụ thể trước khi trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp này.

Trước đó, đầu giờ chiều, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh đã trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) tại Quốc hội.

Trình bày trước Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội cho biết, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV (tháng 10.2021), các vị đại biểu Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi). Sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục chủ trì, phối hợp với cơ quan soạn thảo, các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để chỉnh lý dự thảo Luật; tổ chức hội nghị, làm việc với các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, đối tượng chịu tác động, gửi dự thảo Luật xin ý kiến một số Bộ, ngành, cơ quan liên quan để có thêm thông tin và cơ sở thực tiễn hoàn thiện dự thảo Luật.

Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến tại phiên họp thứ 9 và tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thảo luận, cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật; gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và cơ quan hữu quan theo quy định. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) có tính chuyên môn sâu, phức tạp, do đó, việc tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật đã được tiến hành thận trọng, kỹ lưỡng; xem xét, đánh giá các chính sách một cách toàn diện, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. So với dự thảo Luật được Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2, dự thảo Luật sau khi tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội đã bổ sung nhiều nội dung mới, đáp ứng các mục tiêu đề ra.

Về chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh, công nghiệp điện ảnh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho rằng, dự thảo Luật được sửa đổi, chỉnh lý theo hướng kế thừa hợp lý một số chính sách của Luật hiện hành, quy định rõ hơn cơ chế, chính sách, trách nhiệm của nhà nước và sự tham gia của các tổ chức, cá nhân; sửa đổi, bổ sung, chuyển một số nội dung về phát triển công nghiệp điện ảnh; sắp xếp lại theo nhóm chính sách Nhà nước đầu tư hoặc hỗ trợ; chỉnh lý quy định rõ hơn về chính sách phát triển nguồn nhân lực.

Đối với vấn đề đổi mới công tác quản lý, thẩm định và cấp Giấy phép phân loại phim, căn cứ yêu cầu thẩm định, phân loại đối với từng loại phim, điều kiện thực hiện, thẩm quyền và thực tế quản lý nhà nước trong lĩnh vực điện ảnh, dự thảo Luật quy định Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp Giấy phép phân loại phim đối với phim phổ biến trên toàn quốc; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp Giấy phép phân loại phim đối với phim phổ biến trên địa bàn quản lý. Quá trình xin ý kiến cơ bản nhận được sự đồng thuận của các địa phương, các cơ quan, tổ chức và các cơ sở điện ảnh.

Về hợp tác đầu tư nước ngoài trong hoạt động điện ảnh, dự thảo Luật bổ sung quy định về các hình thức đầu tư về vốn theo Luật Đầu tư; quy định cụ thể tỷ lệ phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài với cơ sở điện ảnh của Việt Nam để sản xuất, phát hành, phổ biến phim không vượt quá 51% vốn điều lệ để bảo đảm tuân thủ cam kết quốc tế và phù hợp yếu tố đặc thù của ngành điện ảnh…

Về liên hoan phim, giải thưởng phim, cuộc thi phim, chương trình phim và tuần phim tại Việt Nam, Dự thảo Luật đã mở rộng chủ thể được tổ chức các cuộc liên hoan, giải thưởng, cuộc thi phim. Liên hoan Phim Việt Nam và Liên hoan Phim Quốc tế Hà Nội nhằm định hướng tác phẩm nghệ thuật điện ảnh, định hướng sáng tác trong lĩnh vực nghệ thuật.

Thảo luận tại Hội trường, nhiều Đại biểu (ĐB) nhất trí cao với Dự thảo. Các ĐB cũng đã đóng góp nhiều ý kiến cho các điều, khoản cụ thể trong Dự thảo, trong đó tập trung vào một số vấn đề chủ yếu như chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh và phát triển nguồn nhân lực điện ảnh; cung cấp dịch vụ sản xuất phim cho tổ chức, cá nhân nước ngoài; quy định phân loại phim khi phổ biến phim; về Quỹ phát triển điện ảnh,…

Đại biểu Nguyễn Thị Thanh Quyên phát biểu góp ý cho Dự thảo

Về cung cấp dịch vụ sản xuất phim cho tổ chức, cá nhân nước ngoài, các Đb đều thống nhất phải có kịch bản phim bằng tiếng Việt. ĐB Nguyễn Thị Quyên Thanh - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long lý giải, việc thu hút các tổ chức nước ngoài đến Việt Nam quay phim hoặc hợp tác sản xuất phim là rất cần thiết, điều này sẽ tạo điều kiện cho giới chuyên môn được tiếp cận nhiều hơn với môi trường làm việc phim chuyên nghiệp để học tập kinh nghiệm, nhất là những sự tiến bộ và thay đổi không ngừng của điện ảnh. Qua đó, quảng bá hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam, chuyển tải được những giá trị nhân văn cao đẹp, góp phần vào việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Tuy nhiên kịch bản tóm tắt chưa thể hiện hết nội dung phim. Việc thẩm định kịch bản phim với nội dung đầy đủ mới đảm bảo các yêu cầu chính trị, quốc phòng và an ninh. Đây cũng là kinh nghiệm của một số quốc gia trong thẩm định kịch bản phim.

Về Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh, một số đại biểu có ý kiến băn khoăn là Quỹ này đã được đưa vào Luật Điện ảnh năm 2006 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh năm 2009, nhưng  Quỹ vẫn chưa được thành lập, sao lần này vẫn tiếp tục đưa vào? Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, cần có quỹ này để hỗ trợ cho sự phát triển của ngành công nghiệp điện ảnh.

Giải trình làm rõ các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, hiện nay, với các phim phổ biến trong không gian mạng, các chủ thể phổ biến phim đều bình đẳng. Đối với quy định về liên hoan phim, giải thưởng phim, cuộc thi phim, chương trình phim và tuần phim tại Việt Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho biết, tất cả các liên hoan phim, các cuộc thi phim đều được tổ chức theo hướng mở để tất cả các tổ chức đều có thể tham gia. Tuy nhiên, Liên hoan phim Việt Nam và Liên hoan phim quốc tế Hà Nội là hai liên hoan phim có truyền thống, gắn với định hướng nghệ thuật, liên quan đến việc tôn vinh, thi đua khen thưởng của các văn nghệ sỹ, nên đối với các ý kiến kiến nghị xã hội hóa, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đề nghị giữ nguyên như quy định trong dự thảo Luật.

Đối với các vấn đề khác, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho biết, Ủy ban sẽ tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu để hoàn thiện dự thảo Luật đạt chất lượng cao.

HOÀNG HƯƠNG, ảnh: TRẦN HUẤN

Print
Tags:

Góc ảnh

Xem nhiều nhất

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình,Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top