Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

Thống nhất phương án, quy trình đón khách quốc tế bảo đảm an toàn

Thứ Ba 25/01/2022 | 10:56 GMT+7

VHO- Để chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi, Bộ VHTTDL sẽ đề xuất phương án, kế hoạch, lộ trình mở cửa du lịch quốc tế an toàn, hiệu quả.

Theo Tổng cục Du lịch, từ khi thực hiện thí điểm đón khách quốc tế đến Việt Nam tới nay, đã có trên 8.500 lượt khách du lịch quốc tế đến 3 địa phương Phú Quốc (Kiên Giang), Khánh Hòa, Quảng Nam. Khách du lịch chủ yếu từ các nước Liên bang Nga, Uzbekistan, Kazakhstan, Hàn Quốc, Singapore, Anh, Mỹ, Canada… Trong đó, Phú Quốc (Kiên Giang) đón được 1.282 khách, Khánh Hòa đón được 7.000 khách, Quảng Nam đón được 239 khách.

Tham gia đón khách đến nay đã có 16 doanh nghiệp lữ hành quốc tế; 82 cơ sở lưu trú du lịch; 28 khu, điểm tham quan vui chơi giải trí, dịch vụ; 8 điểm mua sắm và 48 đơn vị vận chuyển tại 5 địa phương đã đăng ký và được lựa chọn tham gia đón khách trong giai đoạn 1.

Trong quá trình triển khai Chương trình thí điểm, đã có tổng cộng 27 trường hợp xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2, trong đó 17 trường hợp tại Phú Quốc (Kiên Giang) và 10 trường hợp tại Khánh Hòa. Tuy nhiên, chỉ có 1 trường hợp phải điều trị tại cơ sở y tế tại Rạch Giá (Kiên Giang), các trường hợp còn lại đều không có triệu chứng, được cách ly theo dõi tại khách sạn và có kết quả xét nghiệm âm tính sau 3-5 ngày. Tất cả các trường hợp nhiễm Covid-19 đều được xử lý theo đúng các quy định về hướng dẫn phòng chống dịch, đảm bảo không làm lây lan ra cộng đồng, khách du lịch sau khi điều trị đã được bố trí về nước an toàn.

Khách du lịch quốc tế tham gia Chương trình thí điểm đều có phản hồi tích cực khi được trải nghiệm các loại hình du lịch thể thao, giải trí sôi động, hấp dẫn, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, nghỉ dưỡng tại những điểm đến nổi tiếng của Việt Nam. Du khách thể hiện sự hài lòng về chất lượng dịch vụ được cung cấp, bày tỏ sự tin tưởng về các biện pháp phòng chống dịch, cũng như các biện pháp đảm bảo an toàn cho khách quốc tế của Việt Nam.

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho biết: “Nhờ có sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành cùng với Bộ VHTTDL trong việc ban hành Hướng dẫn triển khai Chương trình thí điểm; sự chuẩn bị kỹ lưỡng các phương án và sự chủ động tổ chức thực hiện của các địa phương; sự vào cuộc nhanh chóng, tích cực tham gia của các doanh nghiệp, Chương trình thí điểm đã đạt được một số kết quả tích cực bước đầu”.

Việc ban hành và triển khai Chương trình thí điểm đã cụ thể hóa chủ trương của Đảng, Chính phủ thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa chống dịch có hiệu quả, vừa phục hồi hoạt động kinh tế trong lĩnh vực du lịch.

Với Chương trình thí điểm, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trong khu vực cũng như trên thế giới mở cửa trở lại đón khách du lịch quốc tế đến một cách chủ động, qua đó thể hiện uy tín và  năng lực phòng chống dịch Covid-19 của đất nước thời gian qua, khẳng định chủ trương đúng đắn về “chiến lược vắc xin” của Đảng, Chính phủ.

Đây cũng là động lực tích cực, là “liều thuốc tinh thần” khích lệ các doanh nghiệp du lịch quyết tâm khôi phục lại hoạt động sau 2 năm gần như đóng cửa, chủ động kết nối lại thị trường, nghiên cứu xây dựng sản phẩm du lịch mới, điều chỉnh lại chiến lược kinh doanh, góp phần lan tỏa, thúc đẩy phục hồi hoạt động du lịch quốc tế.

Công tác xúc tiến thị trường, truyền thông quảng bá du lịch Việt Nam về Chương trình thí điểm được tăng cường, với nhiều phương thức đa dạng, qua đó đã hỗ trợ hiệu quả việc kết nối lại với các thị trường khách du lịch mục tiêu chính của Việt Nam, thể hiện qua việc lượng tìm kiếm quốc tế về du lịch Việt Nam đã tăng đáng kể trong thời gian qua.

Thông qua việc triển khai Chương trình thí điểm, các địa phương và doanh nghiệp du lịch hoàn thiện phương án đón khách du lịch đảm bảo “thích ứng an toàn” chống dịch, từ đó xây dựng phương án tổ chức các hoạt động kinh tế, xã hội khác trên địa bàn phù hợp với điều kiện bình thường mới.

Mặc dù, thời gian triển khai chương trình thí điểm đón khách quốc tế đến chưa dài, lượng khách du lịch quốc tế đến chưa nhiều, tuy nhiên những kết quả quan trọng, tích cực bước đầu đó đã minh chứng Việt Nam là điểm đến du lịch “an toàn, hấp dẫn”, cũng như khẳng định năng lực “thích ứng an toàn, linh hoạt” của ngành Du lịch Việt Nam. Đó cũng là căn cứ quan trọng để Du lịch Việt Nam đề xuất Chính phủ cho phép chuẩn bị mở cửa hoàn toàn đón khách du lịch quốc tế, góp phần nhanh chóng phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng góp phần phát triển bền vững ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.

Bên cạnh những kết quả tích cực bước đầu đã đạt được, theo Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng khánh, giai đoạn 1 Chương trình thí điểm cũng gặp một số khó khăn, hạn chế. Trong đó, việc áp dụng chính sách xét duyệt nhân sự, cấp thị thực nhập cảnh đối với khách du lịch quốc tế gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc kết nối lại, thu hút du khách từ các thị trường trọng điểm trước đây vốn đã được Chính phủ đồng ý miễn thị thực, làm giảm sức hấp dẫn của điểm đến du lịch trong bối cảnh nhiều nước trong khu vực áp dụng chính sách thị thực linh hoạt hơn đối với du khách quốc tế.

Việc quy định đối với du khách chỉ được tiếp xúc với cộng đồng sau khi đã tham gia các chương trình du lịch trọn gói, tại các điểm được chỉ định sẵn, trong thời gian tối thiểu 7 ngày của Chương trình thí điểm gây khó khăn trong việc thu hút khách nghỉ dài ngày, nhất là các thị trường các nước Đông Âu. Du khách mong muốn được tự do di chuyển và lựa chọn dịch vụ do cộng đồng dân cư địa phương cung cấp, ngay sau khi có kết quả xét nghiệm âm tính khi nhập cảnh.

Chương trình thí điểm chưa quy định được đón khách du lịch quốc tế đến bằng đường bộ và đường biển, trong khi lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam thông qua hai hình thức này rất tiềm năng, đó cũng là một trong những hạn chế để có thể thu hút và gia tăng thêm lượng khách du lịch quốc tế đến .

Việc triển khai tổ chức cho du khách đi du lịch nước ngoài (outbound) theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại Công văn số 10688/BYT-MT trong thực tế chưa khả thi do chưa nhiều quốc gia công nhận Giấy chứng nhận tiêm chủng của Việt Nam. Bên cạnh đó, việc triển khai nối lại các đường bay thương mại quốc tế thường lệ hiện đang gặp khó khăn trong giai đoạn thí điểm.

Để chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi, Bộ VHTTDL sẽ đề xuất phương án, kế hoạch, lộ trình mở cửa du lịch quốc tế an toàn, hiệu quả.

Bộ VHTTDL đề xuất tiếp tục thực hiện Chương trình thí điểm giai đoạn 2 từ nay đến 30.4. Từ 1.5 mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch quốc tế, đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam (inbound) và đưa khách đi du lịch nước ngoài (outbound) qua các tất cả các cửa khẩu quốc tế trong bối cảnh bình thường mới.

Trong đó, phương án đón khách du lịch quốc tế rất cụ thể. Quy định đối với khách du lịch quốc tế: Đã tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19 được công nhận ít nhất 14 ngày trước khi nhập cảnh; hoặc có Giấy chứng nhận đã khỏi bệnh Covid-19 trong thời gian không quá 6 tháng tính đến thời điểm nhập cảnh (có quy định riêng đối với trẻ em và người chưa tiêm đủ liều). Có chứng nhận xét nghiệp RT-PCR âm tính Covid-19 trong thời gian 72 giờ trước khi nhập cảnh. Mua bảo hiểm y tế có nội dung chi trả cho điều trị Covid-19 ở mức tối thiểu 50.000 USD.

Quy định đối với doanh nghiệp du lịch: Cho phép tất cả các doanh nghiệp đủ điều kiện theo quy định của pháp luật hiện hành đều được tham gia đón khách.

Quy định về nhập xuất cảnh: Cho phép đón khách du lịch quốc tế tại tất cả các cửa khẩu theo quy định, áp dụng các quy định nhập xuất cảnh đã có hiệu lực trước năm 2020 và đề xuất thêm một số chính sách để tăng cường cạnh tranh điểm đến, thu hút khách du lịch quốc tế.

Một số yêu cầu để mở cửa hoạt động du lịch quốc tế an toàn, hiệu quả cũng được đề xuất: Cần ban hành Hướng dẫn thủ tục nhập xuất cảnh, đảm bảo an toàn y tế tại các cửa khẩu quốc tế và triển khai thống nhất trên toàn quốc, phù hợp với việc mở cửa đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.

Khôi phục lại các chính sách miễn thị thực nhập cảnh (visa) đã áp dụng đối với các thị trường khách du lịch quốc tế trước năm 2020 và xem xét bổ sung một số thị trường khách du lịch tiềm năng để nâng cao khả năng cạnh tranh điểm đến của Việt Nam đối với các quốc gia, điểm đến trong khu vực và quốc tế.

Tăng cường đàm phán nhằm gia tăng số lượng các quốc gia và vùng lãnh thổ công nhận Giấy chứng nhận tiêm chủng - “hộ chiếu vắc xin”của Việt Nam để phục vụ đưa khách đi du lịch nước ngoài trong điều kiện bình thường mới.

Gia tăng tần suất, kết nối các đường bay thương mại quốc tế thường lệ phục vụ khách du lịch, nhất là các đường bay kết nối trực tiếp từ các thị trường quốc tế gửi khách đến các điểm đến du lịch hàng đầu của Việt Nam.

Cơ quan quản lý du lịch các cấp, các địa phương, điểm đến du lịch tăng cường truyền thông, xúc tiến quảng bá, phát triển sản phẩm, đảm bảo an ninh, an toàn, có phương án và chủ động xử lý sự cố y tế phát sinh.

Các Hiệp hội, doanh nghiệp du lịch chủ động, tích cực nâng cao chất lượng dịch vụ, phát triển sản phẩm mới, tăng cường liên kết, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch.

Bộ VHTTDL cũng sẽ kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan tiếp tục phối hợp với Bộ VHTTDL triển khai hiệu quả Chương trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, tiến tới mở cửa hoàn toàn các hoạt động du lịch quốc tế từ ngày 1.5. Cho phép khôi phục lại chính sách miễn thị thực đối với các thị trường du lịch quốc tế đã được áp dụng trước năm 2020 và áp dụng thị thực điện tử đối với khách du lịch như trước đây.

Đề nghị Bộ Y tế cập nhật các hướng dẫn y tế đối với người nhập cảnh; hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật về giám sát, điều tra, xử lý các ổ dịch phát sinh phù hợp với tình hình mới, đảm bảo tổ chức thí điểm an toàn, hiệu quả. Tiếp tục tăng cường tổ chức tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19, nhất là cho các địa phương trọng điểm du lịch.

Bộ Công an/Bộ Quốc phòng ban hành hướng dẫn thủ tục nhập cảnh để triển khai thống nhất trên toàn quốc, phù hợp với Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, đảm bảo tuân thủ các yêu cầu, hướng dẫn y tế của Việt Nam.

Bộ Ngoại giao tiếp tục chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế đàm phán với các nước, vùng lãnh thổ để sớm công nhận Chứng nhận tiêm chủng của Việt Nam.

Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các hãng hàng không tăng tần suất và phạm vi khai thác các đường bay quốc tế thường lệ, nhất là với các thị trường trọng điểm, đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19 và tuân thủ các quy định về kiểm soát cách ly người nhập cảnh.

Các địa phương chủ động chuẩn bị các điều kiện để mở cửa du lịch quốc tế, tăng cường các sản phẩm dịch vụ du lịch mới, chất lượng; thống nhất quy trình đón khách bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, có phương án xử lý sự cố y tế phát sinh liên quan đến hoạt động du lịch, đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh; chỉ đạo các đơn vị trên địa bàn kết nối chặt chẽ với các đơn vị cung ứng dịch vụ, trong đó có các doanh nghiệp hàng không, vận chuyển, lữ hành.

NGUYỄN ANH

Print

Góc ảnh

Xem nhiều nhất

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình,Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top