Lạng Sơn: Hướng phát triển bền vững đàn ngựa bạch Hữu Kiên

VHO- Những năm vừa qua, mô hình nuôi ngựa bạch cho hiệu quả kinh tế cao ở xã Hữu Kiên, huyện Chi Lăng (Lạng Sơn) được đông đảo người dân quan tâm và áp dụng. Đây được xem là hướng đi mới trong phát triển chăn nuôi, giúp nhiều hộ gia đình đồng bào dân tộc Tày, Nùng vươn lên làm giàu.

Lạng Sơn: Hướng phát triển bền vững đàn ngựa bạch Hữu Kiên - Anh 1

Đàn ngựa bạch được chăn thả tại thảo nguyên Khau Sao. Ảnh: Nguyễn Sơn Tùng

Nhờ có hệ thống giao thông thuận lợi, cùng với những đồng cỏ xanh mướt thuộc khu vực thảo nguyên Khau Sao rộng lớn, từ lâu xã Hữu Kiên đã nổi tiếng với việc chăn thả gia súc, đặc biệt là ngựa. Ông Nguyễn Văn Tin, Chủ tịch UBND xã Hữu Kiên cho biết: “Khoảng 15 năm trở lại đây do nhu cầu thị trường mở rộng, nên số lượng đàn ngựa trong xã liên tục tăng. Đặc biệt với những chính sách khuyến khích phù hợp, trong giai đoạn 2015-2020, nhiều hộ gia đình thuộc đồng bào dân tộc Tày, Nùng cũng mạnh dạn đầu tư nuôi ngựa quy mô lớn. Tận dụng diện tích đồng cỏ lên tới 140 Ha của thảo nguyên Khau Sao, trong năm 2021 người dân Hữu Kiên đang duy trì đàn ngựa gần 2.000 con, với hơn 1.200 con là ngựa bạch thuần chủng”.

Giống ngựa bạch được nuôi tại Hữu Kiên thường có lông màu trắng, mắt, mũi, móng màu hồng, thân nhỏ và trọng lượng khoảng từ 70 đến 100 kg. Việc chăn nuôi ngựa bạch được tập trung phát triển theo ba hướng: Nuôi để lấy thịt, nấu cao và bán con giống. Ngựa nhỏ 5 tháng tuổi có giá 20 triệu, ngựa cái 40 triệu, ngựa đực trưởng thành có thể bán 70 triệu đồng/con. Đây là một trong những hướng thoát nghèo rất có hiệu quả giúp người dân xoá đói, giảm nghèo bền vững.

Lạng Sơn: Hướng phát triển bền vững đàn ngựa bạch Hữu Kiên - Anh 2

Ông Nguyễn Văn Tin Chủ tịch UBND xã Hữu Kiên giới thiệu về giống ngựa bạch Hữu Kiên tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội). Ảnh: Vũ Mừng

Tuy nhiên, trong quá trình đó Hữu Kiên cũng gặp không ít khó khăn do việc chăn nuôi vẫn theo hình thức hộ gia đình. Điều này dẫn tới vấn đề quản lý giống, chuồng trại chưa đảm bảo, chưa chủ động nguồn thức ăn thô, xanh vào mùa đông, mùa khô. Việc phòng và điều trị bệnh cho ngựa theo kinh nghiệm là chính, độ rủi ro cao. Mặt khác, do thả rông nên việc phối giống tự nhiên là hoàn toàn ngẫu nhiên và không có sự tác động, kiểm soát của con người dẫn đến mức độ cận huyết cao, ảnh hưởng đến chất lượng đàn...

Để khắc phục những hạn chế trên, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm ngựa bạch xã Hữu Kiên vào năm 2019. Bên cạnh đó, từ đầu năm 2020 dự án: “Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật xây dựng mô hình sản xuất giống và chăn nuôi ngựa bạch tại tỉnh Lạng Sơn” đã được phê duyệt và triển khai thực hiện.

Theo đó, dự án sẽ hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao công nghệ về sản xuất giống và chăn nuôi ngựa bạch; Xây dựng mô hình sản xuất giống và chăn nuôi ngựa bạch tại huyện Chi Lăng tỉnh Lạng Sơn; Đào tạo kỹ thuật viên và tập huấn cho nông dân về chăn nuôi ngựa bạch....

Dự án này sẽ là tiền đề quan trọng để người dân nơi đây thay đổi phương thức chăn nuôi từ truyền thống sang chăn nuôi những loài có thế mạnh mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần tạo công ăn việc làm ổn định cho người lao động của tỉnh Lạng Sơn.

VŨ MỪNG

Ý kiến bạn đọc