Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

VTV đặc biệt "Ranh giới": Chân thực đến ám ảnh

Thứ Năm 09/09/2021 | 08:00 GMT+7

VHO- Với thời lượng hơn 50 phút đồng hồ, chương trình VTV đặc biệt Ranh giới phát sóng vào tối 8.9, kể về cuộc chiến sinh tử, giành giật sự sống cho các thai phụ mắc Covid-19 của đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế Bệnh viện Hùng Vương (Tp. Hồ Chí Minh) khiến nhiều người không cầm được nước mắt. 

Chân thực đến ngạt thở

VTV Đặc biệt: Ranh Giới được phát sóng vào 20h10 thứ Tư ngày 8.9 vừa qua trên VTV1

Ranh giới là bộ phim tài liệu thứ 6 của đạo diễn Tạ Quỳnh Tư phát sóng trong khung giờ VTV Đặc biệt  lúc 20h10 ngày 8.9. Đây là sản phẩm của đạo diễn Tạ Quỳnh Tư cùng với 4 đồng nghiệp khác của Trung tâm Phim tài liệu và phóng sự, Đài Truyền hình Việt Nam sau chuyến tác nghiệp tại TP HCM cuối tháng 7.2021. Nhóm 5 người gồm đạo diễn, quay phim, biên tập viên chia làm 2 ê-kíp sản xuất: một nhóm tác nghiệp tại các bệnh viện dã chiến, thực hiện phóng sự; đạo diễn Tạ Quỳnh Tư và quay phim Viết Phong vào khu K1 - Bệnh viện Hùng Vương.

Bệnh viện Hùng Vương được Sở Y tế Tp.Hồ Chí Minh phân tầng điều trị theo biểu đồ hình tháp từ tầng 1 tới tầng 4 trong tháp 5 tầng điều trị Covid-19 từ ngày 21.7. Tòa nhà Cát Tường của bệnh viện trở thành khu K1 để điều trị sản phụ F0 lớn nhất thành phố với quy mô 120 giường. Theo đó, đội ngũ y tế phải làm việc liên tục ngày đêm để giúp các thai phụ nhiễm Covid-19 bước qua được ranh giới của sự sống và cái chết. Áp lực của họ nhân đôi lên vì một sản phụ là hai mạng sống cần được cứu chữa. Các y bác sĩ vừa phải theo dõi tình hình hô hấp của các thai phụ và phải chăm sóc, đảm bảo thai nhi được an toàn.

Những sản phụ đang phải chiến đấu chống lại Covid-19. Ảnh: VTV

Các sản phụ được chuyển đến điều trị tại khu K1 nghĩa là đang ở trong tình trạng nguy hiểm nhưng lại không có bất kỳ người nhà nào được tiếp xúc để chăm sóc. Do đó, nảy sinh tâm lý lo sợ, hoảng loạn là điều không thể tránh khỏi. Thậm chí, có bệnh nhân còn đòi bỏ con vì nghĩ rằng cái thai đang khiến mình không thở được. Cho nên đội ngũ y tế còn phải dùng rất nhiều sự kiên nhẫn để trấn an bệnh nhân, năn nỉ họ hợp tác điều trị.

Không dùng lời bình, chỉ có những âm thanh và hình ảnh chân thực, hơn 50 phút của chương trình như nghẹt thở. Xen giữa sắc trắng của giường bệnh, của đồ bảo hộ là những tiếng gọi bác sĩ, tiếng điện thoại cấp cứu, tiếng "píp, píp" ám ảnh len lỏi trong từng giấc ngủ của các nhân viên y tế.  Và trong mỗi khoảnh khắc của Ranh Giới mỗi chúng ta lại tìm thấy, nhìn thấy quá nhiều ranh giới khác! Không chỉ là ranh giới của sự sống và cái chết, ở đó còn có ranh giới của sự chịu đựng khi người phụ nữ nhiễm Covid-19 thở khó từng cơn nhưng vẫn đòi gặp con, nghe chồng bắt máy run run cất giọng “Anh ơi em sợ quá”. Tiếng khóc xé lòng của người nhà bệnh nhân là ranh giới của nỗi đau, ranh giới của sự mất mát mà có lẽ người ở lại không thể nào nguôi ngoai được. Như Đạo diễn Tạ Quỳnh Tư chia sẻ: "Có rất nhiều những câu chuyện, những tình huống để lại trong tôi rất nhiều ấn tượng, nỗi ám ảnh và cả sự day dứt. Đó chỉ là khoảng khắc, trong tích tắc có thể vui mừng cứu được mạng người nhưng cũng có thể đó là nỗi buồn, sự hụt hẫng khi bất lực nhìn nạn nhân ra đi".

Cần quan tâm hơn tới y bác sĩ, nhân viên y tế ở tâm dịch

Những thước phim khiến người xem ám ảnh. Ảnh: VTV

Vào ngày 6.9 vừa qua, sau khi nắm bắt sâu sát thực tế, kiểm tra tại nhiều bệnh viện dã chiến và các cơ sở điều trị, chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại TP. Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Trường Sơn Thứ trưởng Bộ Y tế đã có văn bản gửi đến Ban chỉ đạo phòng, chống Covid-19 TP. Hồ Chí Minh đề nghị tăng hỗ trợ cho nhân viên y tế ở các Bệnh viện Dã chiến và sử dụng tình nguyện viên. Theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, mỗi tua làm việc của bác sĩ, điều dưỡng 8-10 tiếng/ngày trong điều kiện mặc bảo hộ liên tục có thể gây mất nước và điện giải. Thường xuyên phải trực cấp cứu đến 12 tiếng/ngày…

Việc chăm lo đời sống nhân viên y tế còn nhiều bất cập như phát cơm hộp, khẩu vị không được điều chỉnh phù hợp với lực lượng hỗ trợ đến từ miền Bắc vào nên ảnh hưởng sức khỏe chống dịch. Trường hợp nhân viên y tế bị nhiễm Covid-19 trong quá trình công tác được điều chuyển tới khu vực người bệnh, suất ăn được chuyển sang tiêu chuẩn suất ăn người bệnh 80 nghìn đồng/ngày. Điều này ảnh hưởng đến tinh thần nhân viên y tế không may nhiễm bệnh…

 Y bác sĩ ngày đêm chữa trị cho các sản phụ nhiễm Covid-19. Ảnh: VTV

Để đảm bảo sức chiến đấu của nhân viên y tế, nâng cao tinh thần phục vụ người bệnh và chất lượng điều trị, Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại TP. HCM đề nghị Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 TP. Hồ Chí Minh có các giải pháp. Cụ thể như: Đảm bảo thời gian nghỉ sau khi kết thúc ca trực cho nhân viên y tế, không để làm việc liên tục trong thời gian dài mà không có ngày nghỉ; Đề nghị đơn vị cung cấp thực phẩm điều chỉnh chế độ ăn đảm bảo dinh dưỡng; Nhân viên y tế không may mắc Covid-19 phải được đảm bảo chế độ ăn như thường ngày…   

THANH VÂN

Print
Tags:

Góc ảnh

Xem nhiều nhất

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình,Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top