Ẩm thực Việt quảng bá văn hóa Việt

VH- Đất nước ta có lịch sử hàng ngàn năm, ẩm thực Việt Nam cũng ra đời cùng với lịch sử hào hùng đó. Việc phát triển văn hóa ẩm thực là con đường ngắn nhất đưa hình ảnh Việt Nam ra thế giới một cách hiệu quả nhất.

Văn hóa ẩm thực Việt Nam phong phú, đa dạng và độc đáo, gần như không có sự trùng lặp, tương đồng, hiếm có quốc gia nào trên thế giới có được. Trong dòng chảy lịch sử có rất nhiều chuỗi giá trị văn hóa, nhưng ẩm thực có một khả năng đặc biệt, đó là chuyên chở cả quá khứ, hiện tại, tương lai và mang đậm chất thuần Việt. 

Điển hình như tính cộng đồng thể hiện rất rõ trong ẩm thực Việt, bao giờ trong bữa cơm cũng có chén nước mắm chấm chung hoặc múc riêng ra từng bát nhỏ. Tất cả cùng chấm chung chén nước mắm, ăn chung một bát canh. 

Cách ăn uống của người Việt còn mang tính tình cảm, hiếu khách. Trước khi ăn, con cháu phải mời ông bà, bố mẹ, người lớn tuổi hơn và mời khách. Điều này vừa thể hiện sự xã giao lịch thiệp, thể hiện mối quan tâm trân trọng với người cùng ăn. Trong ẩm thực mặc dù có sự khác nhau về thưởng thức, chế biến, nhưng trong cái riêng đó có cái chung của văn hóa ẩm thực Việt, đó là sự tinh tế, chi tiết và mang tính cộng đồng cao. 

Có thể thấy không chỉ món ăn Việt Nam rất phong phú, đa dạng, thể hiện được tính hòa đồng, đặc sắc trong cách pha trộn các loại gia vị và những thói quen ăn uống của người Việt mà cái hay của chúng ta là những món ăn nước ngoài khi du nhập vào Việt Nam sẽ biến thành ẩm thực Việt Nam… Nói vậy để thấy, văn hóa ẩm thực Việt đảm bảo giá trị về mọi phương diện: chuyên chở lịch sử, đặc trưng, đồng thời còn tiếp thu những tinh hoa thế giới để phát triển thành văn hóa Việt Nam. 

Ẩm thực Việt quảng bá văn hóa Việt - Anh 1

Phở, một trong những món ngon vang danh thế giới

Văn hóa ẩm thực Việt Nam không chỉ có truyền thống lâu đời, đa dạng và phong phú, mà còn hội đủ các yếu tố “chân, thiện, mỹ” đủ sức chuyển tải thông tin quốc gia với thế giới. Do vậy để giới thiệu, quảng bá những nét đặc sắc về văn hóa, lịch sử của Việt Nam đến bạn bè thế giới thì ẩm thực là một trong những nguồn tài nguyên phong phú, có giá trị khai thác không chỉ về sức mạnh hữu hình mà còn chứa đựng tất cả giá trị tinh hoa dân tộc… 

Chúng ta đang có trong tay nhiều lợi thế về ẩm thực mà ngay chính chúng ta chưa nhìn thấy hết được. Những gian hàng ẩm thực Việt Nam trong những festival quảng bá văn hóa ẩm thực ở nước ngoài luôn thu hút đông đảo thực khách bản xứ và quốc tế đến tìm hiểu và thưởng thức… Hơn nữa Việt Nam có cả một lực lượng hùng hậu về các nhà hàng, quán ăn, khu ẩm thực ở khắp các vùng miền. 

Theo thống kê sơ bộ thì trên đất nước ta hiện có khoảng 200.000 - 300.000 quán ăn và khoảng 15.000 - 20.000 nhà hàng thuần Việt tại nhiều quốc gia ở khắp các châu lục. Những món ăn Việt nổi tiếng mà cứ nghe thấy tên là bạn bè thế giới biết ngay của Việt Nam như phở, nem rán (chả giò)… 

Chúng ta đã biết: Ăn uống, dịch vụ chiếm đến 70% doanh thu của ngành du lịch và hệ quả tác động đến chung toàn bộ nền kinh tế của khu vực dịch vụ này sẽ là rất lớn và rất có hiệu quả, hơn nữa việc phát huy giá trị từ nền sản xuất nông nghiệp của ta hoàn toàn có ý nghĩa, sẽ góp phần không nhỏ trong việc nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp cho Việt Nam khi ở ta vẫn còn gần 70% giá trị sản xuất từ nông nghiệp... Đó là những nguyên nhân thôi thúc chúng tôi phát triển ý tưởng xây dựng văn hóa ẩm thực trở thành một kênh truyền tải thông tin giới thiệu về đất nước con người Việt Nam ra thế giới. Ẩm thực và du lịch có mối quan hệ rất mật thiết. Tuy nhiên văn hóa ẩm thực Việt Nam đã có một đời sống riêng, truyền tải những giá trị văn hóa truyền thống từ rất lâu rồi, trong khi du lịch mới chỉ xuất hiện chưa đầy một thế kỷ. Tôi cho rằng phát triển văn hóa ẩm thực là con đường ngắn nhất đưa hình ảnh Việt Nam ra thế giới một cách hiệu quả nhất, đó là thương hiệu quốc gia, là thương hiệu văn hóa và du lịch. 

 

Ẩm thực Việt quảng bá văn hóa Việt - Anh 2

Món Việt ăn kèm nhiều rau xanh rất tốt cho sức khỏe

Việc ra đời Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam với mục tiêu là khám phá, tìm tòi, duy trì, tôn tạo, phát triển để văn hóa ẩm thực Việt trở thành tài sản quốc gia, đây chính là cơ hội vàng để các tổ chức, những nhà nghiên cứu, chuyên gia ẩm thực chung tay xây dựng nền ẩm thực Việt trở thành thương hiệu mạnh của Việt Nam. 

Và cũng chính công việc này sẽ là kênh quảng bá hiệu quả, thúc đẩy ngành ẩm thực nói riêng và du lịch Việt Nam nói chung phát triển xứng tầm với tiềm năng sẵn có và vươn ra hội nhập quốc tế. Do vậy vai trò của Hiệp hội hết sức to lớn, không chỉ là việc phát triển một tổ chức nghề nghiệp mà còn mang ý nghĩa của cả một cuộc vận động xây dựng thương hiệu quốc gia. Không chỉ là phát huy thế mạnh sẵn có của ẩm thực Việt Nam mà còn là cách để giúp người nông dân tiêu thụ nông sản, tăng giá trị cho các sản phẩm nông nghiệp của ta một cách ổn định bền vững. 

Hiệp hội sẽ là tổ chức nghề nghiệp với những trường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về ẩm thực và dịch vụ. Nơi thường xuyên tổ chức các cuộc thi, kích thích thúc đẩy, sáng tạo và phát triển ẩm thực Việt Nam trở thành một nền ẩm thực chuyên nghiệp… Khi đó, ẩm thực sẽ chính thức trở thành thương hiệu khi nhắc đến Việt Nam. Kế hoạch của Hiệp hội là hằng tuần sẽ chọn ra hai ngày để tổ chức ngày ẩm thực cho từng quán ăn, tại từng khu vực, thuộc từng nhóm khác nhau. Hiệp hội sẽ hỗ trợ quảng bá trước, khách đến sẽ được nếm thử các món ăn miễn phí được nấu bởi đầu bếp của quán cùng các chuyên gia, nghệ nhân ẩm thực của hiệp hội.

Đến nay, đã có sáu nhóm người Việt ở nước ngoài đến từ Nga, Đức, Pháp, Singapore, Mỹ và Hàn Quốc đăng ký trở thành thành viên của hiệp hội với mong muốn được hỗ trợ về kỹ thuật nấu ăn và định hình phong cách. Từ nay đến Tết Nguyên đán 2018, Hiệp hội phấn đấu tổ chức khoảng năm hội thảo và ba sự kiện ở khắp các vùng miền. Tiến hành mở rộng kết nạp thêm hội viên, thành lập các chi hội ở các khu vực. Cố gắng từ giờ đến 2025 sẽ xây dựng được các Kinh đô Văn hóa ẩm thực, thủ phủ và bảo tàng ẩm thực Việt Nam...

Nguyễn Quốc Kỳ

Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam
 

Ý kiến bạn đọc