Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

Dự án Tu bổ, tôn tạo Kinh thành Huế: Gần bốn năm vẫn chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng

Thứ Sáu 23/06/2017 | 15:01 GMT+7

VH- Dù đã được phê duyệt từ năm 2011, nhưng dự án “Tu bổ, tôn tạo hệ thống Kinh thành Huế” đến cuối 2013 mới thực hiện công tác đền bù giải tỏa. Tuy nhiên, đến nay sau gần bốn năm, việc giải phóng mặt bằng vẫn chưa hoàn thành khiến cho công việc trùng tu kinh thành gặp không ít khó khăn.

Vướng mắc trong giải phóng mặt bằng

Dự án “Tu bổ, tôn tạo hệ thống Kinh thành Huế” là dự án đặc thù, quan trọng của địa phương trong giai đoạn 2010-2015 nhưng việc triển khai thực hiện vẫn còn rất chậm.

Trong giai đoạn 1 của dự án sẽ chú trọng thực hiện tôn tạo, tu bổ mặt phía Nam của Kinh thành Huế. Theo đó, sẽ thu hồi 41.000 m2 đất của 79 hộ chính và 87 hộ phụ đang sinh sống trên Thượng Thành và ba Eo Bầu ở mặt Nam Kinh thành Huế. Việc di dời giải tỏa được thực hiện từ cuối 2013, nhưng đến nay vẫn còn 15 hộ chưa di dời khỏi khu vực di tích.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Quỹ đất TP Huế thì trong số 15 hộ này, chính quyền địa phương đã có quyết định cưỡng chế sáu hộ, chín hộ còn lại nằm trong diện thu hồi đất diện tích lớn (trên 400 m2 đất ở). Đây là những hộ dân bị thiệt thòi vì diện tích thu hồi lớn nhưng đất đền bù lại ít hơn, nên Hội đồng tư vấn giải quyết các vướng mắc về công tác bồi thường và tái định cư của tỉnh đang tham mưu hướng hỗ trợ, giải quyết lên UBND tỉnh. “Sau khi tỉnh có quyết định chính sách hỗ trợ thêm cho chín hộ này, chúng tôi cùng UBND hai phường Thuận Thành và Thuận Hòa sẽ họp để vận động họ di dời. Nếu không chịu đi, sẽ thực hiện cưỡng chế cùng với sáu hộ dân trước đó”, ông Tuấn nói. Đại diện lãnh đạo của Trung tâm Phát triển Quỹ đất TP Huế cũng thừa nhận là công tác giải phóng mặt bằng còn chậm và sẽ quyết tâm thực hiện xong giải phóng mặt bằng trong năm 2017.

Trong hợp phần của dự án, UBND TP Huế là đơn vị thực hiện công tác giải phóng mặt bằng và tái định cư với kinh phí hơn 784 tỉ đồng. Các điểm cấp đất đền bù tập trung ở các phường Kim Long, Hương Long, Thủy Xuân, Hương Sơ (TP Huế) và Hương Vinh (thị xã Hương Trà). UBND TP Huế cũng đã xây dựng ba block chung cư ở phường An Hòa để hỗ trợ tái định cư cho người dân bị giải tỏa ở khu di tích, nhưng đến nay mới chỉ có 15/40 hộ (giải tỏa ở mặt Nam Kinh thành Huế) nằm trong diện được hỗ trợ nhà ở đến đây sinh sống.

Công tác giải phóng mặt bằng thực hiện dự án Tu bổ, tôn tạo hệ thống Kinh thành Huế thực hiện quá chậm nên việc trùng tu di tích cũng ảnh hưởng không ít. Ngoài 10 cổng thành được trùng tu, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế chỉ mới thực hiện được việc tu bổ đoạn tường thành từ cửa Thượng Tứ đến cửa Nhà Đồ, một phần của di tích Hộ Thành hào… TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cho biết: Quyết tâm lớn nhất để thực hiện dự án là công tác giải tỏa đền bù, vấn đề này do TP Huế thực hiện. Ban đầu, kinh phí dự kiến cho công tác này là khoảng 50 tỉ, nhưng trong quá trình triển khai thì phát sinh nhiều vấn đề nên hiện kinh phí đã lên đến hơn 77 tỉ đồng. Toàn bộ chi phí này, Trung tâm đã chuyển qua bên phía TP Huế đầy đủ nhưng đến nay, việc giải phóng mặt bằng vẫn còn vướng mắc. Tiến độ thực hiện quá chậm đã làm ảnh hưởng đến quá trình trùng tu di tích.

Các hộ dân sống ở mặt Nam Kinh thành Huế vẫn chưa chịu di dời để thực hiện dự án Tu bổ, tôn tạo Kinh thành Huế

Ảnh hưởng đến di tích

 

Tháng 9.2011, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có quyết định 1918/QĐ-UBND về phê duyệt dự án Tu bổ, tôn tạo hệ thống Kinh thành Huế với tổng mức đầu tư hơn 1.282 tỉ đồng. Trong đó có hai hợp phần: Bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư do UBND TP Huế thực hiện với kinh phí gần 784,4 tỉ đồng và hợp phần tu bổ, tôn tạo di tích do Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế làm chủ đầu tư với kinh phí gần 498 tỉ đồng. Thời gian thực hiện từ 2012 đến 2015, nhưng đến nay UBND TP Huế vẫn chưa thực hiện xong công tác giải phóng mặt bằng ở khu vực phía Nam của Kinh thành Huế.

Những hộ dân đến sống ở khu vực di tích Thượng Thành và Eo Bầu ở ba giai đoạn khác nhau: Sau năm 1968, 1972 và sau 1975; trong đó chủ yếu là đến sinh sống sau 1975. Theo TS Phan Thanh Hải, dân cư sống trên Kinh thành Huế có tác động rất xấu đến công trình. Kinh thành Huế vốn được đắp bằng đất, cái lõi chính giữa từ đầu thời Vua Gia Long; đến 1819 thì mới xây gạch hai bên, sau đó đến thời Vua Minh Mạng mất đến mấy chục năm thì mới xây xong với hàng triệu viên gạch - khi đó mới có tường thành bằng gạch hai bên ốp vào. Mặt trong và mặt ngoài của tường gạch dày 1,5m nhưng lõi đất ở giữa dày 16m, nên dân cư sống trên thành lâu ngày sẽ ảnh hưởng, ví dụ như rác thải- nước thải sinh hoạt thấm xuống lâu ngày sẽ ngấm làm cho lõi đất bên trong sẽ choải, lún… sẽ làm cho nền đất bị lún, gây nứt tường thành. Việc canh tác ở trên đó, nhất là cây lâu niên rễ sẽ ăn xuống sâu làm nứt vỡ tường thành. Thứ ba là vấn đề vệ sinh môi trường, nhà cửa nhếch nhác, hệ thống nước thải sinh hoạt gây mất mỹ quan và ô nhiễm di tích… Ngoài khu vực Thượng Thành và Eo Bầu của mặt Nam Kinh thành Huế thì khu vực Hộ Thành hào ở đoạn cuối đường Trần Huy Liệu, Phan Đăng Lưu cũng đang có tình trạng bị lấn chiếm, gây ách tắc dòng chảy và ô nhiễm môi trường. Theo thống kê của Trung tâm thì có hơn 570 hộ dân sinh sống ở khu vực di tích, trong đó hơn 170 hộ sống ở Thượng Thành và Eo Bầu. Do đó việc giải tỏa và ổn định đời sống người dân cũng là một “áp lực” rất lớn đặt ra cho chính quyền và các ban, ngành, địa phương.

Để giải quyết vấn đề dân cư này, ông Phan Thanh Hải cho biết quan điểm của Trung tâm là giải tỏa toàn bộ dân cư ở mặt Nam Kinh thành Huế; ba mặt Đông - Tây - Bắc thì sẽ giải tỏa dân cư ở khu vực Thượng Thành, còn ở các Eo Bầu sẽ có hướng sắp xếp, phân bố lại dân cư cho hợp lý. “Chúng tôi mong muốn TP Huế và các cơ quan ban ngành liên quan có giải pháp tích cực để nhanh chóng giải tỏa các hộ dân còn lại để Trung tâm hoàn thành trùng tu, nhằm góp phần tạo cảnh quan đô thị, sớm triển khai được tour du lịch Thượng Thành”, ông Hải nói.

Theo ông Hải: “Các di tích khi đề cử hoặc tái đề cử đều phải gắn liền với các kế hoạch. Có rất nhiều di tích chúng ta chưa thể trùng tu tôn tạo một cách hoàn chỉnh được ngay, nhưng có kế hoạch thực hiện từng bước từ giải tỏa dân cư, trùng tu tôn tạo bảo vệ di sản một cách bền vững. Hiện nay các di sản trên thế giới cũng được thực hiện theo quá trình như vậy. Chúng tôi dự kiến, trong hồ sơ tái đề cử cho Quần thể Di tích Cố đô Huế, không chỉ vấn đề kinh thành mà các di tích khác cũng phải gắn với kế hoạch, di dời giải tỏa người dân trong vùng lõi để ổn định cuộc sống của nhân dân, đồng thời trên một khía cạnh khác phải xây dựng mối quan hệ giữa cộng đồng với vấn đề trùng tu, bảo vệ di sản”.

Sơn Thùy

Print
Tags: Di sản

Góc ảnh

Xem nhiều nhất

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình,Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top