Di tích quốc gia Đình Thần Quy (Phú Xuyên, Hà Nội): “Cám cảnh, đau lòng lắm!”

VH- Phải tận mắt chứng kiến cảnh tượng hoang tàn, đổ nát của ngôi đình cổ Thần Quy (xã Minh Tân, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) thì mới thấy cái nguy cơ “khai tử” di tích lịch sử văn hóa quốc gia này đang tới gần đến mức nào. Phận đình thoi thóp, những người dân ở làng quê nghèo thuần nông này chỉ biết than vắn, thở dài...

“Nước mắt” đình làng
Quanh co trên con đường làng nhỏ hẹp, cuối cùng thì Chủ tịch UBND xã Minh Tân Tô Văn Thanh cũng đưa chúng tôi đến tận nơi để “mục sở thị” thực trạng của đình Thần Quy. Nhìn từ bên ngoài cánh cổng cũ mèm, đình Thần Quy nom tiều tụy và lặng lẽ như một ngôi đình… không được ai chăm sóc. Ông Thanh “bồi” thêm thông tin, vị thủ từ trông nom đình làng đã qua đời cách đây không lâu. Đình xuống cấp càng trở nên hoang tàn, lạnh vắng.
Chừng hơn năm nay, ông Vũ Văn Vương, một người dân trong thôn được chính quyền giao trách nhiệm giữ chìa khóa ngôi đình. Di tích cũng được “lệnh” chỉ mở cửa khi có việc, hoặc khi dân làng có nhu cầu vào lễ Thánh. “Đình xuống cấp đã 5-7 năm nay, càng ngày càng xập xệ. Mái ngói chính giữa gian thờ đã đổ sập khi cơn bão số 7 năm 2012 đổ về, xã phải hỗ trợ tiền lợp tạm mái tôn chống dột. Nhưng tránh không nổi cảnh “giậu đổ bìm leo”, lần lượt mái ngói ở vị trí phía Bắc, phía Nam ngôi đình cũng dần dần đổ sụp, giờ chỉ cần một vài cơn mưa lớn, bão to thì có khi tất cả cùng đổ xuống...”, ông Vương xót xa. Đôi bàn tay gầy guộc của ông chỉ lên nơi mái đình vỡ ngói, nắng rọi chói chang qua khoảng trống toang hoác vào nơi thờ tự.

Di tích quốc gia Đình Thần Quy (Phú Xuyên, Hà Nội): “Cám cảnh, đau lòng lắm!” - Anh 1

 Ông Vũ Văn Vương xót xa trước cảnh tượng xuống cấp trầm trọng của di tích quốc gia Đình Thần Quy


“Cám cảnh lắm!”, “Đau lòng lắm!”, vừa dẫn chúng tôi đi tới những ngóc ngách dột nát, mối xông, những vì kèo, cột gỗ bở bục sẵn sàng gẫy đổ, ông Vương thi thoảng lại nói mà nghèn nghẹn cổ họng. Bưởng nhẹ vào chân cột trụ trong gian thờ phía bên tay phải của đình, ông giơ lên mảnh gỗ vừa rơi ra nhẹ bẫng, “mối xông đấy, giờ làm gì còn lực trụ!”. Gian thờ chính, gian trái, gian phải, khu nội tự, tất cả đều tan hoang, những mảnh vỡ rơi vãi chồng xếp lên nhau. Khuôn viên toàn bộ ngôi đình với hơn 9.000m2 cũng trở nên hoang tàn, cỏ dại. Dân làng bất lực chỉ biết nhìn nhau, mùa khô còn đỡ, mùa mưa thì lo canh cánh đình sụp đổ. Mọi hoạt động lễ bái, tâm linh của người dân ở Thần Quy vì thế cũng ngưng trệ.
“Đã 5-7 năm nay, đình rơi vào tình trạng xuống cấp trầm trọng. Chính quyền thôn không cho mở cửa đình để người dân thường xuyên vào lễ Thánh, kể cả ngày lễ cũng mở rất hạn chế. Cũng đúng thôi, mở cửa mà bất ngờ mái ngói rơi, cột kèo đổ gãy, xảy ra tai nạn thì ai chịu trách nhiệm. Biết thế mà không ai làm gì được...”, vẫn ông Vũ Văn Vương nói.
Trưởng thôn Thần Quy Trịnh Văn Thang cũng cho biết, nhìn ngôi đình từng ngày già cỗi mà lực bất tòng tâm. Chứng kiến ngôi đình cổ gắn bó với những thăng trầm cuộc sống của dân làng, ông càng cảm thấy xót xa. Từ năm 1997, Bộ VH&TT (nay là Bộ VHTTDL) công nhận đình Thần Quy là di tích lịch sử- văn hóa quốc gia. Thế nhưng, thời gian và nhiều lẽ khác đã khiến cho ngôi đình cổ kính, nơi thờ bốn vị thần hoàng làng ngày càng xuống cấp trầm trọng. Từ năm 2006 đến nay, hội làng vào ngày 8.8 âm lịch, giỗ Thánh vào ngày 10.11 âm lịch đã không còn được tổ chức bởi ngôi đình đã không còn đủ điều kiện đảm bảo an toàn.

Di tích quốc gia Đình Thần Quy (Phú Xuyên, Hà Nội): “Cám cảnh, đau lòng lắm!” - Anh 2

Di tích quốc gia Đình Thần Quy (Phú Xuyên, Hà Nội): “Cám cảnh, đau lòng lắm!” - Anh 3

Di tích quốc gia Đình Thần Quy (Phú Xuyên, Hà Nội): “Cám cảnh, đau lòng lắm!” - Anh 4

Di tích quốc gia Đình Thần Quy (Phú Xuyên, Hà Nội): “Cám cảnh, đau lòng lắm!” - Anh 5

Di tích quốc gia trong cảnh hoang tàn, đổ nát, chỉ chờ… đổ sập!


Tiền vào nhà khó...
Theo ông Nguyễn Tùng Lâm, Trưởng Phòng VHTT huyện Phú Xuyên, từ tháng 6.2016, UBND huyện Phú Xuyên đã tiến hành phân bổ kinh phí duy tu, sửa chữa, chống xuống cấp cho các di tích lịch sử trên địa bàn huyện. Tổng kinh phí hơn 4,1 tỉ đồng được phân bổ cho 12 di tích, trong đó số tiền phân về cho di tích Đình Thần Quy là 400 triệu đồng. “Với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, dự kiến tổng kinh phí cho các hạng mục chống xuống cấp, duy tu di tích khoảng 1,1 tỉ đồng. Ngoài 400 triệu được phân bổ thì xã, thôn cần huy động thêm 700 triệu. Tuy nhiên, nguồn kinh phí huy động nhân dân đóng góp không đủ nên huyện chỉ đạo rút các hạng mục tu sửa lại, kinh phí 400 triệu sẽ tập trung để chống sập, chống dột cấp thiết cho di tích...”, ông Lâm cho biết.
Tuy nhiên cho đến thời điểm này, đình làng Thần Quy vẫn đang đối diện với nguy cơ đổ sập bất cứ khi nào. Ông Thanh cho biết, vào cuối năm 2016, số tiền 400 triệu đồng đã được chuyển về tài khoản của xã. Tiền huy động thêm trong dân chỉ được 35 triệu đồng. Hiện chính quyền xã, thôn đang chỉ đạo một đơn vị tư vấn chống sập thiết kế phương án cho đình Thần Quy, dự kiến đến đầu tháng 8 sẽ thi công. “Kinh phí 435 triệu đồng chỉ đủ để chống sập bên trong, chống dột bên ngoài bằng mái che. Thậm chí, xã cũng phải lo “co kéo” thêm vì dự kiến kinh phí cho các hạng mục này lên đến 500 triệu đồng. Năm 2012, khi bão đổ về khiến gian thờ giữa bị sụp mái, xã cũng đã phải hỗ trợ tiền lợp mái tôn để che tạm. Cứ vá víu thế này rồi cũng chẳng biết đình sẽ ra sao...”, Chủ tịch xã chia sẻ.
Trả lời câu hỏi của phóng viên vì sao lại ứng xử với di tích quốc gia đang “kêu cứu” một cách chậm trễ đến vậy, chính quyền xã phân bua, theo quy trình buộc phải có phương án thiết kế được phê duyệt thì mới có thể rút tiền để triển khai thi công. Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, kể từ thời điểm phân bổ kinh phí đến nay cũng đã hơn một năm và kể từ khi tiền được chuyển về xã cũng đã gần 7 tháng, công việc triển khai để “cứu” một di tích quốc gia vẫn đang ì ạch, thậm chí có dấu hiệu “giậm chân tại chỗ”. Đây đồng thời cũng là một dấu hỏi lớn được đặt ra đối với công tác quản lý di tích trên địa bàn.
Ông Vũ Văn Vương, đại diện người dân thôn Thần Quy kiến nghị, ngôi làng dù có địa giới hành chính rộng nhưng người dân đa số làm nghề nông, cuộc sống nghèo khó. Vì vậy, để quyên đủ kinh phí “cứu” đình là khó khăn, nan giải. Người dân thôn Thần Quy vì vậy chỉ có thể trông chờ sự hỗ trợ, giúp đỡ của chính quyền các cấp.
Câu chuyện kinh phí để trùng tu đình Thần Quy quả thực như “tiền vào nhà khó...”. Trưởng thôn Trịnh Văn Thang cho biết, sau khi được công nhận là di tích lịch sử, văn hóa quốc gia, cấp trên đã cử một công ty chuyên tư vấn thiết kế về nghiên cứu, xây dựng dự án trùng tu tôn tạo. Dự kiến tổng kinh phí trùng tu toàn khuôn viên ngôi đình thời điểm đó là 17 tỉ đồng. Nhưng từ đó đến nay, dự án vẫn chưa có dấu hiệu được tiếp tục triển khai.
Cũng theo cam kết của chính quyền xã Minh Tân, dự kiến trong quý III năm nay sẽ hoàn thành việc chống sập cho đình Thần Quy. Thế nhưng, với những gì đang diễn ra trước mắt thì nỗi lo lắng “khai tử” ngôi đình, một di tích quốc gia với nhiều dấu ấn kiến trúc độc đáo vẫn không thể nguôi ngoai. Rõ ràng, so với mức kinh phí dự kiến lên đến 17 tỉ đồng để trùng tu tổng thể ngôi đình thì số tiền thực tế địa phương có được chẳng khác nào “gió vào nhà trống”. Loay hoay, vá víu... âu cũng là điều không khó hiểu. 


Anh Thu
 

Ý kiến bạn đọc