Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: "Chuyển biến trong đời sống văn hóa phải từ việc cụ thể"

Thứ Sáu 22/02/2019 | 19:01 GMT+7

VHO- Chiều 22.2. 2019 tại cuộc họp  của Ban Chỉ đạo Trung ương phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa (TDĐKXDĐSVH),  Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam (Trưởng Ban Chỉ đạo) nhấn mạnh, trong năm 2019 cần chọn một số việc cụ thể, tập trung tạo chuyển biến và sức lan tỏa trong đời sống văn hóa cộng đồng.

Dự Hội nghị có Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện (Phó Trưởng  ban thường trực BCĐ TƯ Phong trào TDĐKXDĐSVH) cùng  các thành viên BCĐ Trung ương Phong trào TDĐKXDĐSVH.

Phó Thủ tướng  Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì Hội nghị

Trình bày báo cáo của Ban Chỉ đạo, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thuỷ cho biết, phong trào TDĐKXDĐSVH là trụ cột vững chắc góp phần xây dựng đời sống văn hoá, môi trường văn hoá ngày càng phong phú, lành mạnh. Nhiều bất cập, hạn chế, yếu kém đã được khắc phục từng bước như việc bình xét các danh hiệu văn hoá mang tính hình thức, chồng chéo về tiêu chí, tiêu chuẩn trong một số văn bản hướng dẫn phong trào, cuộc vận động về xây dựng đời sống văn hoá, nếp sống văn minh…

Công tác quản lý và tổ chức lễ hội có chuyển biến tích cực. Một số lễ hội có yếu tố bạo lực, phản cảm được khắc phục. Nhiều giá trị văn hoá, nghệ thuật, thể thao truyền thống được phát huy, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của nhân dân.

Ban Chỉ đạo Trung ương đã thành lập 20 đoàn kiểm tra, giám sát nhằm đánh giá thực chất kết quả thực hiện phong trào tại địa phương.

Về phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2019, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh các nội dung: Xây dựng kế hoạch và triển khai đồng bộ công tác phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương và địa phương thực hiện tốt Phong trào TDĐKXDĐSVH theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị tổng kết Phong trào giai đoạn 2000-2018.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy báo cáo tại Hội nghị

Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện phong trào và nâng cao chất lượng thực hiện tiêu chí văn hóa  trong Bộ Tiêu chí Quốc gia về xây dựng Nông thôn mới; Đẩy mạnh tuyên truyền về các nội dung thực hiện phong trào theo Quyết định số 2478/QĐ-TTg ngày 30.12.2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Truyền thông về phát triển phong trào TDĐKXDĐSVH đến năm 2020, tầm nhìn 2030…

“Khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư hỗ trợ các hoạt động của phong trào, tạo điều kiện  để nhân dân chủ động, tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, phát triển và nâng cao đời sống văn hóa ở cơ sở. Phổ biến, nhân rộng các điển hình tiên tiến và phát huy hiệu quả giá trị các Danh hiệu văn hóa; kịp thời bổ sung những giải pháp đặc thù trong quá trình thực hiện phong trào phù hợp với thực tiễn vùng, miền…”, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh.

 Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, những phong trào  văn hoá  có liên quan đến tất cả mọi người, mọi ngành nhưng nếu không chú ý thì ai cũng tưởng là việc của người khác, ngành khác. Phát huy những kết quả có được trong thời gian qua, trong năm 2019, cần đề xuất những việc cụ thể để tập trung chỉ đạo, tạo chuyển biến, có sức lan tỏa. “Đặc biệt là phải đánh giá, định lượng cụ thể từng phong trào, cuộc vận động, có khen thưởng, khắc phục kịp thời…”, theo Phó Thủ tướng.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý, thay vì bàn chung chung hãy chọn những công việc cụ thể để tạo thói quen cho mọi người. Có những hành vi, thái độ ứng xử hàng ngày, thói quen dù rất nhỏ nhưng lại là yếu tố văn hoá, đạo đức; nếu lệch chuẩn thì cần chấn chỉnh, tạo sự thay đổi. Ví dụ như việc thiết lập thói quen không xả rác bừa bãi nơi công cộng; không chen lấn, xô đẩy khi xếp hàng…  cần được xây dựng như một tiêu chí quan trọng trong xây dựng đời sống văn hóa.  Theo Phó Thủ tướng, cần định hướng để khơi dậy trong mỗi người ý thức trách nhiệm với cộng đồng.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân đề xuất chọn vấn đề vệ sinh môi trường, rác thải là một điểm nhấn chuyển biến trong năm 2019. “Chúng ta cần có các cuộc vận động cụ thể, có tiêu chí chấm điểm khu dân cư, làng bản về xả rác nơi công cộng, phân loại rác tại sinh hoạt tại từng gia đình, giữ vệ sinh môi trường, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm…”, ông Nhân nói.

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ lại đề cập đến giải quyết những vấn đề nóng liên quan đến an toàn giao thông. Theo Thứ trưởng, ý thức của người tham gia giao thông đang có nhiều vấn đề. Cần  xây dựng thái độ ứng xử văn minh cho người làm việc trên  phương tiện vận tải công cộng; xử lý nghiêm người sử dụng bia rượu, chất gây nghiện khi tham gia giao thông; vượt đèn đỏ, lấn làn…

Một số ý kiến khác nhấn mạnh tầm quan trọng của việc vận động người dân thay đổi một số hành vi ứng xử không văn hoá, văn minh tại các địa điểm công cộng như nhà ga, sân bay, bến xe, các điểm vui chơi giải trí, công viên, trường học…

Phó Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh  chia sẻ trăn trở  trước thực trạng ý thức chấp hành pháp luật của người dân  đang có một số biểu hiện đáng lo ngại.  Nhiều hành vi, cử chỉ, lời ăn tiếng nói biểu hiện mong muốn về một cuộc sống hưởng thụ, không muốn đóng góp cho xã hội… Bà Ánh cho rằng, thực trạng đó đòi hỏi cần có những tác động cụ thể, tạo chuyển biến rõ ràng.

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, năm 2019 là dịp kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Bác Hồ. Thực hiện lời dặn của Người, trách nhiệm của Ban Chỉ đạo và từng thành viên phải được tăng cường hơn nữa. Qua đó tiếp tục khắc phục các hạn chế trong quá trình chỉ đạo các phong trào liên quan đến văn hoá. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo thảo luận, lựa chọn một số việc và đổi mới cách làm.

“Cần thực hiện các quy định, tiêu chí mới về công nhận gia đình văn hoá, khu dân cư văn hoá, đơn vị văn hoá… theo đúng tinh thần giảm “bệnh hình thức” như số liệu báo cáo không đo đếm, kiểm chứng được; hoặc danh hiệu có cũng được, không có cũng không sao”, Phó Thủ tướng phát biểu.

Theo đó, các danh hiệu văn hoá phải thuyết phục. Một gia đình văn hoá, khu phố văn hoá có nghĩa là đã thực hiện tốt mọi phong trào, cuộc vận động ở địa phương như chứ không chỉ hoàn thành 1-2 tiêu chí thành phần.

Phó Thủ tướng cũng nêu một số việc cụ thể như phát động phong trào giáo dục văn hoá cho học sinh trong trường học, bắt đầu từ những hành vi như xếp hàng, tập luyện thể dục thể thao, ý thức tham gia giao thông, vứt rác đúng nơi quy định…Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền,  xây dựng nếp sống văn hoá chuẩn mực. “Các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương mở chuyên mục về người tốt, việc tốt, phân tích và đánh giá một số hành vi văn hoá hoặc không văn hoá mang tính định hướng. Các bài viết này khi được tập hợp thành “kho dữ liệu” sẽ giúp mọi người xem xét, soi chiếu vào những hành vi trong cuộc sống hàng ngày, phân định được thế nào là tốt, thế nào là xấu...”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

PHƯƠNG ANH; ảnh: XUÂN TRẦN

Print

Góc ảnh

Xem nhiều nhất

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình,Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top