Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

Vì sao “Gạo nếp gạo tẻ” khởi kiện FPT Telecom?

Thứ Hai 17/12/2018 | 09:40 GMT+7

VHO- Công ty cổ phần DID TV, đơn vị sản xuất bộ phim truyền hình Gạo nếp gạo tẻ vừa thông báo về việc khởi kiện FPT Telecom đã sao chép, lưu giữ và khai thác 76 tập của Gạo nếp gạo tẻ với hình thức xem phim theo yêu cầu mà không được phép.

 Bộ phim “Gạo nếp gạo tẻ” bị FPT Telecom “xài chùa”

Theo đó, đơn vị này đã khai thác phim Gạo nếp gạo tẻ trên hệ thống dịch vụ truyền hình trả tiền IPTV mà không có thỏa thuận hay xin phép bản quyền với DID TV.

Đại diện DID TV, ông Bảo Thái cho rằng: “Hành vi này của FPT Telecom là xâm phạm quyền tác giả của DID TV, vi phạm Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ. Điều này làm tổn thất lớn cho DID TV, gây ảnh hưởng đến chỉ số người xem trên kênh truyền hình HTV2- Vie Channel, Giải trí TV. Đồng thời giảm doanh thu quảng cáo mà DID TV đang khai thác trên các kênh truyền hình, giảm người xem và doanh thu từ các nền tảng online của DID như Yotube và Facebook...”.

Trước đó, DID TV đã gửi công văn để cảnh báo về hành vi vi phạm và đề nghị đại diện có thẩm quyền FPT Telecom tham gia giải quyết sự việc. Ngày 31.10, hai bên gặp nhau. Đến 15.11, FPT Telecom có công văn xác nhận, cam kết sẽ không khai thác bộ phim Gạo nếp gạo tẻ và đề nghị phía nhà sản xuất cho phép khai thác với mức phí bản quyền là 250 triệu đồng.

Mức giá này theo nhà sản xuất là quá thấp so với tiền đầu tư. Cụ thể, theo DID TV, bộ phim Gạo nếp gạo tẻ được sản xuất với số tiền đầu tư hơn 400 triệu đồng/ tập. Mức giá bản quyền trung bình ở thị trường hiện nay của phim này là 250 triệu đồng/tập được khai thác trong 1 năm trên tất cả các nền tảng truyền hình cho đến mạng. FPT Telecom chỉ khai thác trên mạng nên được phía nhà sản xuất đề xuất mức giá 120 triệu đồng/tập và cũng đề xuất mức bồi thường tương tự trong đơn khởi kiện. Nhà sản xuất có công văn đề nghị trả phí bản quyền cho việc đã tự ý sử dụng và khai thác 76 tập của bộ phim Gạo nếp gạo tẻ tính đến ngày 30.10 là hơn 9 tỉ đồng. Do không nhận được bất cứ phản hồi nào của FPT Telecom nên ngày 6.12, DID TV đã chính thức nộp đơn khởi kiện lên Tòa án nhân dân Q.3, TP.HCM.

Gạo nếp gạo tẻ là bộ phim truyền hình mua kịch bản từ Hàn Quốc và có lượng người xem rất cao năm 2018. Chính vì vậy, việc vi phạm của FPT Telecom theo nhà sản xuất là đã ảnh hưởng rất nhiều đến doanh thu của bộ phim. Vấn đề vi phạm bản quyền phim trên môi trường internet trở thành vấn nạn khiến nhiều đơn vị sản xuất đau đầu và nản. Nhiều bộ phim được đầu tư công phu về kỹ thuật và tài chính nhưng nhanh chóng bị xâm phạm khi vừa ra mắt. FPT Telecom chỉ là một trong hàng trăm các trang web vô tư dùng chùa, chiếu miễn phí trên mạng cho khán giả xem. Chính điều này ít nhiều hình thành thói quen dùng miễn phí, ngại trả phí từ người xem.

Trường hợp của Gạo nếp gạo tẻ không phải là duy nhất mà trước đó hàng chục, trăm phim truyền hình trở thành “mồi” cho các trang web đánh cắp, chiếu lậu gây bất bình từ phía các nhà sản xuất. Mới đây, bộ phim “hot” như Sống chung với mẹ chồng; Người phán xử; Quỳnh búp bê... phát sóng trên kênh VTV của Đài Truyền hình Việt Nam cũng từng bị rất nhiều tài khoản trên mạng xã hội phát trực tiếp với lượt xem hàng chục nghìn người...

“Làm sao có thể cạnh tranh với một bên không phải trả một đồng nào để có tất cả nội dung được?”, là câu hỏi được bà Ngô Thị Bích Hạnh, đại diện BHD, đơn vị nắm bản quyền nhiều bộ phim bị xâm phạm trên môi trường số. Đây cũng là câu hỏi của rất nhiều nhà sản xuất phim Việt hiện nay. Khi phải bỏ vốn đầu tư vào các sản phẩm có chất lượng nhưng lại phải nơm nớp lo sợ bị đánh cắp bản quyền.

Để tự cứu mình cùng việc nhờ cậy vào pháp luật đòi hỏi các nhà sản xuất xây dựng cho mình những ứng dụng cạnh tranh phù hợp trên môi trường này với bản đẹp, chất lượng, không rác quảng cáo... Điều này BHD đang làm tốt với dịch vụ xem phim, các chương trình có bản quyền theo yêu cầu trên Danet...

Quan trọng hơn cả là phải quyết liệt lên tiếng và đi đến cùng đối với những vi phạm bản quyền trên môi trường này may ra mới giảm bớt thói xâm phạm bản quyền vốn là một “căn bệnh” khó chữa. 

 MAI LINH

Print

Góc ảnh

Xem nhiều nhất

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình,Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top