Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

Tin vào quảng cáo thực phẩm chức năng, người bệnh bỏ qua cơ hội vàng chữa bệnh

Thứ Năm 22/11/2018 | 09:58 GMT+7

VHO- Một lần nữa chất lượng thực phẩm chức năng, việc quản lý sản xuất, quảng cáo thực phẩm chức năng được đề ra trong bối cảnh thị trường chức năng ngày càng phát triển, người dân sử dụng ngày càng tăng.
 

Phát biểu tại hội nghị Khoa học quốc tế về thực phẩm chức năng lần thứ hai diễn ra ngày 22.11 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết, sự xuất hiện của ngày càng nhiều các loại sản phẩm thực phẩm chức năng (TPCN) góp phần làm thị trường chăm sóc sức khoẻ nhân dân ngày càng phong phú, bán ở nhiều nơi, từ cửa hàng, siêu thị, các nhà thuốc, shop online. Tuy nhiên cùng với đó là những vẫn đề liên quan đến các vi phạm, lạm dụng trong việc sản xuất, kinh doanh, quảng cáo như quảng cáo sai sự thật, quảng cáo khi chưa được cơ quan quản lý thẩm định; sản xuất không đúng với giấy phép đăng ký, ghi nhãn quá sự thật, sản xuất khi chưa đăng ký…

Các đại biểu trình bày tham luận tại hội nghị

 Theo Thứ trưởng Trương Quốc Cường, thuật ngữ TPCN được quy định trong Luật An toàn thực phẩm là khá rộng khiến nhiều nhà sản xuất lợi dụng để công bố công dụng, gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng. Mặc dù, đã có nhiều văn bản pháp luật quy định thu hẹp phạm vi quảng cáo TPCN như dán nhãn “Thực phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”, cấm “kê đơn, hướng dẫn điều trị, chữa bệnh với các loại sản phẩm không phải là thuốc”… nhưng do có quá nhiều loại sản phẩm, có sản phẩm lại có sự giao thoa trong quản lý và ý thức chấp hành của doanh nghiệp chưa cao nên việc thực thi trở nên khó khăn. 
Theo thống kê, hiện có khoảng 2.000 loại sản phẩm TPCN, trong đó 70% là sản phẩm sản xuất trong nước. Số người dùng TPCN cũng ngày càng tăng, nếu năm 2000 chỉ có khoảng 500.000 người sử dụng thì đến năm 2005 là 1 triệu người, năm 2010 là 5 triệu người, năm 2015 là 15.500.000 người, chiếm 17,2% dân số ở 63 tỉnh thành cả ở nông thôn và thành thị. Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho rằng, nhiều người đã tin vào quảng cáo thực phẩm chức năng, từ chối sử dụng thuốc chữa bệnh khiến cho bệnh ngày một nặng lên, khi đó mới tới các cơ sở y tế thì việc điều trị trở nên khó khăn vì đã bỏ qua thời gian vàng chữa bệnh.
Ông Phong khẳng định, để tạo môi trường cho doanh nghiệp tốt phát triển, thời gian tới Chính phủ cũng như các Bộ, ngành sẽ triển khai quyết liệt việc quản lý TPCN như thực hiện nghiêm túc việc đăng ký bản công bố sản phẩm, xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm. Đặc biệt, từ ngày 1.1.2019, các cơ sở sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khoẻ phải áp dụng thực hành sản xuất tốt (GMP) thực phẩm bảo vệ sức khoẻ theo hướng dẫn của Bộ Y tế. “Hiện nay không lo thiếu TPCN, mà chỉ lo thiếu TPCN chất lượng tốt. Nếu để thị trường TPCN như hiện nay, thì doanh nghiệp đầu tư tốt, đảm bảo quy định pháp luật cũng bằng với doanh nghiệp đầu tư nhỏ, chất lượng chưa tốt; doanh nghiệp sản xuất thực phẩm thông thường sẽ sản xuất thực phẩm chức năng và chất lượng sẽ không đảm bảo, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng”, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm nhấn mạnh.

Các đại biểu tại hội nghị cũng đặt vấn đề về thực trạng các doanh nghiệp quảng cáo bằng cách lấy nhân vật nổi tiếng, hoặc có uy tín đưa ra thông điệp rằng nhờ có TPCN mà họ khỏi bệnh, hạnh phúc... Đây là vấn đề cần xem xét vì về mặt truyền thông liên quan đến sức khoẻ người bệnh cần được kiểm soát, không thể lấy một người bệnh, hoặc một nhân vật để quảng cáo về công dụng. Ông Nguyễn Thanh Phong cho hay, việc quảng cáo này là sai quy định, thậm chí nhiều nhân vật chưa dùng sản phẩm đó. Các cơ quan chức năng đã xử phạt nhiều doanh nghiệp, và trong thời gian tới sẽ tiếp tục rà soát để xử lý nghiêm, nếu không, dần dần sẽ làm mất uy tín của người tiêu dùng với sản phẩm chức năng.

QUỲNH HOA

Print
Tags: Y tế

Góc ảnh

Xem nhiều nhất

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình,Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top