Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
28 Tháng Ba 2024

Cô giáo cắm bản “cõng” chữ lên non

Thứ Ba 20/11/2018 | 12:05 GMT+7

Trong ngày rộn rã chào mừng ngày giáo viên Việt Nam, ngược miền xuôi, chúng tôi lên miền Tây Nghệ An đến với huyện rẻo cao Kỳ Sơn. Ở đó có những giáo viên miền xuôi “cắm bản” vẫn ngày đêm miệt mài ươm mầm con chữ. Sự có mặt của họ đã trở thành điểm tựa của niềm tin, hy vọng.

Chúng tôi đễn xã Bắc Lý, huyện Kỳ Sơn trên con đường láng nhựa đi tính bằng giờ chứ không tính bằng ngày như trước đây. Dẫn chúng tôi vào trường, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bắc Lý 2 Doãn Chí Trung cho biết: “Đường lên Phà Coóng bây giờ đã đi được bằng xe máy, mùa này chỉ mất 30 phút không lo bộ. Tuy nhiên, vào mùa mưa, đường vào Phà Coóng mất hơn một buổi đẩy xe nhiều hơn đi xe. 

Cô giáo Nguyễn Thị Hiền soạn bài

Tại điểm trường lẻ Phà Coóng là cô Nguyễn Thị Hiền, 28 tuổi, quê ở xã Trung Sơn, huyện Đô Lương. Năm nay là năm thứ 8 cô Hiền dạy chữ ở xã miền núi biên giới đặc biệt khó khăn Bắc Lý này. Cô cho biết, sau bảy năm dạy ở các bản đều xa như Nà Kho, Khăm 1, và bản Khăm 2, năm học 2018-2019 này lại được nhà trường điều chuyển về dạy ở bản Phà Coóng,  điểm trường với 16 trẻ đang học mầm non và 5 trẻ học lớp 1 tại điểm trường mầm non – tiểu học tại bản. Cô giáo Hiền hơn cô giáo “cắm bản” Lê Thị Châu ngày trước với lời tâm sự nổi tiếng nhiều đêm thui thủi một mình buồn khóc, khóc chán rồi đành nghĩ cách đem rượu ra ngậm. Ngậm rồi nuốt, mỗi đêm một chút đến nghiện lúc nào không hay...”. Cô Hiền không phải thui thủi một mình mà bây giờ còn có thêm một cô giáo mầm non làm bạn. Không còn phải ngồi buồn một mình, giữa giờ dạy, cô còn tranh thủ giúp cô giáo mầm non nấu bữa trưa cho lũ trẻ mẫu giáo bán trú. Hết giờ dạy, cô tranh thủ trồng rau, nuôi gà. Bản không có hàng quán, cô phải tự cung tự cấp tròng rau nuôi gà phục vụ cuộc sống và thêm vào bữa ăn nghèo nàn thiếu dinh dưỡng của các học trò. Thức ăn hàng ngày của cô là vừng lạc, họa hoằn lắm mới có quả trứng, thức ăn tươi từ tăng gia. Phà Coóng vẫn chưa kéo được điện lưới quốc gia nên buổi tối cô vẫn phải soạn bài dưới ánh đèn dầu tù mù. 

Lớp học cô giáo Nguyễn Thị Hiền tại điểm trường Phà Coóng

Năm 2013, cô giáo Hiền lập gia đình. Sau cưới hai tháng và mang thai hai tháng thì chồng mất vì bạo bệnh. Con gái vừa vài tháng tuổi, cô nuốt nước mắt vào trong gửi lại con nhờ mẹ đẻ chăm nuôi để tiếp tục lên Kỳ Sơn dạy học. Mới rồi, cô Hiền đi bước nữa. Cô chia sẻ : “Em và chồng đến với nhau vì người cùng cảnh bố mất sớm, nhà con một; vợ mất sớm, có 1 con trai năm nay 8 tuổi là người cùng quê, chỉ cách nhà 2 cây số. Nay, mẹ em đã ở tuổi già yếu sau ba lần tai biến. Căn nhà gỗ ở quê nhiều năm xuống cấp, thương mẹ, thương con, em liều vay ngân hàng 300 triệu làm nhà mới cho mẹ và con không phải lo vào mùa mưa bão. Đồng lương mỗi tháng bảy triệu đồng của cô được dè xẻn chia làm ba phần: phần lớn, bốn triệu đồng dành để trả lãi suất cho ngân hàng, một phần để nuôi mẹ nuôi con, phần ít ỏi còn lại là nuôi mình và tiền lộ phí thi thoảng về thăm mẹ thăm con. Cô Hiền rơm rớm nước mắt: “Nhiều đêm nhớ con lắm! Con em thiệt thòi lắm 3 năm rồi vẫn chưa  một lần em được đưa con đi khai giảng hay họp phụ huynh. Gian khó lắm nhưng tôi quen rồi, những lúc nỗi nhớ nhà cuộn lên, ý chí lung lay thì lại nghĩ đến ánh mắt học trò, nó ngây thơ và thèm khát con chữ lắm. Thế là lại thương, lại bám trường, bám trò!”.

Bản Phà Coóng với 30 hộ người Khơ Mú, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Cô giáo “cắm bản” ở đây không chỉ lo việc dạy chữ trên lớp, còn phải chăm chút học trò từ miếng ăn, quyển vở, tấm áo. Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bắc Lý 2 Thầy giáo Doãn Chí Trung chia sẻ: “Cô Nguyễn Thị Hiền là giáo viên trẻ, có đạo đức và năng lực tốt, ý thức trách nhiệm cao, luôn vì học trò, đã nhiều lần được UBND huyện và Ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Kỳ Sơn khen thưởng”. 
Những câu chuyện của người giáo viên gieo chữ vùng cao cứ dày lên trong suốt cuộc hành trình của chúng tôi. Rời bản Phà Coóng, đến bản Kim Đa, chúng tôi được nghe câu chuyện vui về cô giáo “cắm bản” Võ Thị Thương dạy tiểu học ở bản Kim Đa, xã Phà Đánh, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) cùng tám đồng nghiệp khác đang trên đường từ trường về nhà đỡ đẻ cho một sản phụ của bản. Các cô giáo bắt gặp một phụ nữ đang trong tình trạng chuyển dạ đột ngột bên vệ đường khi trên đường đến bệnh viện để sinh con. Trước tình thế cấp bách, mặc dù chưa lần một lần làm bà đỡ nhưng theo phản xạ tự nhiên, các cô giáo cắm bản đã giúp sản phụ vượt cạn. Người thì đi xin nước, chỉ để buộc dây rốn; người thì động viên sản phụ. Ngay khi đứa trẻ cất tiếng khóc chào đời, cô Thương liền cởi áo ấm, bồng cháu bé đặt vào đó. Cô giáo Lô Thị Oanh làm các thao tác cắt rốn cho cháu. Bé gái nặng 2,8 kg đã chào đời an toàn nhờ sự giúp đỡ của bà đỡ là các cô giáo. Cả bà mẹ và bé sơ sinh sau đó được đưa đến Bệnh viện đa khoa huyện Kỳ Sơn. Sản phụ chuyển dạ bên quốc lộ 16 là chị Kha Thị Vân, người Khơ Mú, trú bản Phía Khăm 2, xã Bắc Lý (Kỳ Sơn) cách Bệnh viện đa khoa Kỳ Sơn khoảng 50 km. Thầy giáo Hiệu trưởng Trường tiểu học Phà Đánh Nguyễn Thiện Hiếu cho biết: “Người dân trong vùng đánh giá cao việc làm của các cô giáo cắm bản. Nhà trường đã tổ chức khen dưới cờ và thưởng cho nhóm các bà đỡ “bất đắc dĩ” thực hiện ca đỡ đẻ thành công”. 
Ngày 20.11 đến với giáo viên vùng cao thật nhẹ nhàng, giản dị.  Món quà tặng thầy, cô bà con mang đến là các thức quả hái trong vườn, xanh có và chín cũng có. Ngày nhà giáo Việt Nam ở nơi này không rực rỡ hoa tươi, không có nhiều món quà tặng nhưng với những người giáo viên nơi đây, chỉ cần học sinh chịu khó đến trường, chăm chỉ học hành đã là món quà quý giá. Với họ, hạnh phúc chính là sự hy sinh lặng thầm, lòng yêu nghề, sự tận tâm với trò đã tiếp thêm động lực để người giáo viên vùng khó cõng chữ lên non, bắt con chữ nảy mầm trên đá, thắp lên ước mơ, tương lai tươi sáng cho học trò ở những bản làng heo hút…

PHẠM NGÂN

Print

Góc ảnh

Xem nhiều nhất

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình,Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top