Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
28 Tháng Ba 2024

Ngành công tác xã hội rất khó tìm việc làm

Thứ Tư 10/10/2018 | 10:40 GMT+7

VH- Đó là ý kiến được nêu ra tại hội thảo về nhu cầu nhân lực và đào tạo ngành công tác xã hội (CTXH) do Trường ĐH Sư phạm TP.HCM tổ chức vào hôm qua 9.10.

Ngành công tác xã hội rất khó tìm việc làm

 T.TRANG

 Ảnh minh họa, hoạt động chăm sóc sức khỏe cho người già tại huyện Củ Chi, TP.HCM của đoàn bác sĩ từ thiện

Hiện cả nước có 9 triệu người nghèo; 7,5 triệu người cao tuổi; 5,4 triệu người khuyết tật; 4 triệu người nhiễm chất độc da cam; 1,4 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; 180.000 người nhiễm HIV, gần 170.000 người nghiện ma tuý, hơn 15.000 người bán dâm, khoảng 2,7 triệu đối tượng bảo trợ xã hội thuộc diện hưởng trợ cấp hàng tháng từ ngân sách nhà nước; 22% gia đình có bạo lực và trên 21% phụ nữ bị bạo hành ở các cấp độ khác nhau; hàng ngàn xã đặc biệt khó khăn và có vấn đề xã hội (tệ nạn xã hội, cuộc sống nghèo khổ); hàng triệu cá nhân, gia đình, nhóm xã hội nảy sinh các vấn đề xã hội (ly thân, ly hôn, sao nhãng việc chăm sóc, giáo dục con cái, căng thẳng vì nghèo khổ, bị xâm hại tình dục, bỏ nhà đi lang thang, tệ cờ bạc, trộm cắp, tội phạm...). Đây là những nhóm người yếu thế, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn rất cần sự trợ giúp của dịch vụ CTXH. Tuy nhiên, theo thống kê của Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐ,TB&XH) hiện diện bao phủ CTXH mới chiếm khoảng 28%. Như vậy có thể thấy rằng, số lượng người yếu thế, có hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận dịch vụ CTXH vẫn còn rất hạn chế.

Theo PGS.TS Huỳnh Văn Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, ở Việt Nam, nghề CTXH mới chỉ ở bước đầu hình thành, chưa được phát triển theo đúng ý nghĩa của nó trên tất cả các khía cạnh. Thực tế cho thấy, vẫn còn một số nhân viên làm CTXH chưa được đào tạo bài bản và hệ thống.

Ông Đinh Văn Mãi, Trường CĐ Sư phạm Trung ương TP.HCM cũng nhận định, trong thời gian vừa qua, số lượng nhân viên CTXH còn mỏng, chưa đáp ứng được trình độ chuyên môn để hỗ trợ cho người yếu thế. Đồng thời, sinh viên tốt nghiệp ngành CTXH ra trường chưa tìm được việc làm, phải làm trái ngành rất nhiều. Đó là nghịch lý trong lĩnh vực này.

Bà Trần Thị Lụa, Học viện Thanh Thiếu niên Việt Nam - Phân viện miền Nam tâm tư, có thể nói rằng đội ngũ giảng viên chuyên ngành CTXH ở nhiều trường còn thiếu và yếu về chuyên môn, cơ sở vật chất phục vụ đào tạo chưa đáp ứng, thiếu cơ sở thực hành và đội ngũ kiểm huấn viên có chất lượng. Trong khi đội ngũ giảng viên còn thiếu thì các trường ĐH, CĐ đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt sinh viên theo học ngành này. Theo chuyên gia này, có nhiều lý do khác nhau nhưng có thể kể đến chất lượng đào tạo, sau khi ra trường sinh viên không xin được việc làm do ngành học mới và trong quá trình đào tạo chủ yếu là lý thuyết nhiều hơn thực hành, khi áp dụng vào trong các tình huống với thân chủ sinh viên chưa xử lý được.

Chủ nhiệm Câu lạc bộ Công tác xã hội chuyên nghiệp TP.HCM Lê Chí An cho hay, Việt Nam hiện có trên 50 cơ sở đào tạo ngành CTXH, số lượng này nhiều hơn các trường CTXH của lục địa châu Phi cộng lại. Tuy nhiên việc đào tạo cũng như sử dụng nguồn nhân lực đang có nhiều nghịch lý, thiếu nề nếp, thả nổi, chưa hoàn thiện khung pháp lý. Do đó theo ông An, Việt Nam cần quy hoạch lại mạng lưới các trường đào tạo CTXH theo hướng giảm bớt số lượng, nâng cao chất lượng. “Thực tế đào tạo CTXH ở nước ta hết sức đa dạng nhưng thiếu tổ chức nề nếp. Sự nở rộ các cơ sở đào tạo CTXH bậc ĐH, CĐ dẫn đến tình trạng chất lượng đào tạo bị thả nổi. Vì vậy cần có một tổ chức thẩm định chương trình và chất lượng đào tạo. Luật pháp cũng cần quy định chặt chẽ việc mở ngành đào tạo CTXH, quy định các cơ sở xã hội tuyển dụng nhân viên xã hội tốt nghiệp từ các trường CTXH, tránh hệ lụy sinh viên tốt nghiệp khó tìm việc đúng ngành nghề CTXH”, ông An đề nghị.

Nhóm nghiên cứu Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM cho rằng, cần xây dựng một khung chương trình tuyển dụng, đào tạo và kết nối người học CTXH theo hướng giúp cho họ hội tụ và phát triển các tố chất, trong đó hai tố chất quan trọng cần xây dựng bên trong bản thân mỗi người làm CTXH là trái tim với xã hội và kỹ năng chuyên môn. 

T.Trang

 

Print
Tags:

Góc ảnh

Xem nhiều nhất

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình,Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top