Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
28 Tháng Ba 2024

Hà Nội: “Phá sản” ở tuyến phố kiểu mẫu đầu tiên

Thứ Tư 10/10/2018 | 10:34 GMT+7

VHO-Không bất ngờ bởi ngay từ khởi đầu, ý tưởng “mặc đồng phục” cho các cửa hàng, cửa hiệu trên mặt phố Lê Trọng Tấn (Hà Nội) đã tạo nên nhiều luồng tranh cãi, đặc biệt khi đồng loạt vấp phải ý kiến phản đối từ chính các hộ kinh doanh cũng như giới chuyên môn về quảng cáo, kiến trúc. Sau khoảng hai năm, mặt tiền khu phố đã sớm hiện hữu hình ảnh “vỡ trận”...

 Ảnh chụp sáng ngày 9.10.2018

 Còn nhớ hai năm trước, KTS Ngô Doãn Đức (Hội Kiến trúc sư Việt Nam) khi nghe đến việc “đồng phục hóa” biển hiệu quảng cáo trên tuyến phố Lê Trọng Tấn đã phải thốt lên: “Thế giới không đâu làm như vậy. Quảng cáo theo Luật nhưng không có nghĩa là “đồng phục hóa” biển hiệu, nhất là lại trên cùng một tuyến phố như thế”.

Vỡ trận vì... nhân bản vô tính

KTS Ngô Doãn Đức cũng từng cảnh báo, “đồng phục hóa” theo kiểu cùng màu, cùng kích cỡ... thì chẳng khác nào “nhân bản vô tính”. Nếu không tính toán cẩn thận thì sớm muộn sẽ thất bại.

Phố Lê Trọng Tấn (Thanh Xuân, Hà Nội) vốn được kỳ vọng sẽ trở thành tuyến đường kiểu mẫu đầu tiên của Hà Nội với thiết kế và quy hoạch đồng bộ. Theo đó, hệ thống bảng, biển quảng cáo dọc tuyến phố được lắp đặt theo quy chuẩn. Bên cạnh quy định chỉ được sơn hai màu xanh- đỏ thì kích thước cũng được tính toán, với chiều cao bảng biển là 1,1 mét.

Nhiều chuyên gia từ sớm đã nhận định việc “đồng phục hóa” sẽ gây không ít khó khăn cho các hộ kinh doanh khi khách hàng không thể nhận dạng được thương hiệu cần tìm. “Hàng ăn, thời trang, đồ gia dụng... đều xanh, đỏ như nhau. Khách hàng không có ấn tượng đập vào mắt thì đương nhiên họ sẽ bỏ qua thôi. Gần hai năm qua, chi nhánh của cửa hàng chúng tôi trên con phố này luôn trong tình trạng vắng khách, doanh thu rất “đuối” so với các chi nhánh khác...”, chủ cửa hàng kinh doanh một thương hiệu ẩm thực nổi tiếng trên phố Lê Trọng Tấn chia sẻ. Vì vậy, sau một thời gian buộc phải chấp hành quy định, cửa hàng này cùng một số thương hiệu khác đã phải tìm cách “trả lại tên cho em”. Con phố Lê Trọng Tấn đã không còn thống nhất hai màu xanh, đỏ mà xen kẽ với nhiều hình thức biển bảng, sắc màu khác nhau.

Trước sự thất bại của ý tưởng này, theo các chuyên gia về kiến trúc, quảng cáo và quản lý đô thị, nguyên nhân là ở chỗ hệ thống biển quảng cáo đồng nhất ngoài việc không thể hiện được đặc trưng mặt hàng kinh doanh của từng cửa hàng thì còn làm mất đi tính sáng tạo, nhận diện độc quyền mà nhiều địa chỉ, thương hiệu đã phải vất vả gây dựng. “Nhiều khách có thói quen nhìn biển hiệu trước rồi mới vào mua hàng, chứ ít ai chỉ nhìn loáng thoáng rồi vào trong xem bán đồ gì. Với đặc trưng tuyến phố, khách hàng thường chạy xe lướt qua, phông chữ bé lại quá giống nhau thì việc các cửa hàng bị bỏ qua là không tránh khỏi...”, chủ một shop thời trang trên phố Lê Trọng Tấn thở dài khi chia sẻ về thực trạng kinh doanh ế ẩm trong thời gian qua.

Sự bất hợp lý có lẽ là nguyên nhân dễ dàng nhất để lý giải cho việc “xé rào” của chính các đối tượng thực thi quy định. Theo ghi nhận của phóng viên Văn Hóa, nhiều cửa hàng đã tự động tháo dỡ biển hiệu hoặc tiếp tục sử dụng những thiết kế, phong cách riêng theo đăng ký nhãn hàng lâu năm của mình. Bên cạnh các thương hiệu đã được khẳng định không sử dụng thiết kế xanh, đỏ của tuyến phố mà trung thành với nhận diện quen thuộc của mình thì có đến hàng chục shop thời trang, mỹ phẩm, hàng gia dụng, ẩm thực... cũng buộc phải tự dỡ bỏ những tông màu xanh, đỏ để tạo cho mình nhận diện khác biệt.

Thay đổi để tồn tại

Không khó nhận ra với diện mạo con phố được chỉnh trang, tu bổ khang trang hơn đã khiến cho tiền thuê mặt bằng, cửa hiệu trên phố Lê Trọng Tấn cao hơn nhiều so với trước đây. Sau khi được cải tạo lại vỉa hè, thêm nhiều cây xanh và mở rộng lòng đường gấp 3 lần, lưu thông hai chiều với 4 làn đường, bắt đầu từ tháng 5.2016, con phố Lê Trọng Tấn được lựa chọn là con phố kiểu mẫu đầu tiên của thành phố Hà Nội.

Tuy nhiên, bên cạnh yếu tố đẹp và văn minh, người dân cũng đặt ra vấn đề về sự tiện ích và hiệu quả kinh doanh khi quy định “đồng phục hóa” biển hiệu vô hình trung đã xóa nhòa những nét riêng độc đáo của các thương hiệu, mặt hàng. Thay vì “nhân bản vô tính”, những biển bảng đa dạng màu sắc, thiết kế, kích cỡ... tuỳ theo từng mặt hàng dần dần đã lấn át số biển hiệu xanh đỏ còn sót lại.

“Mục tiêu của hoạt động kinh doanh chính là hiệu quả. Đồng phục biển hiệu khiến việc quảng cáo gần như vô dụng bởi các cửa hàng được thiết kế nhận diện y chang nhau. Muốn tồn tại và thu hút, buộc chúng tôi phải thay đổi”, chủ một cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm trên tuyến phố kiểu mẫu... hụt tâm sự.

Tuy nhiên, theo quan sát của phóng viên thì dường như trước khi chính quyền có những điều chỉnh cho thực sự phù hợp thì sự ... hết kiên nhẫn đã buộc các cửa hàng, cửa hiệu trên con đường này tự tìm cách thay đổi hình ảnh cho chính mình. Màu sắc, kích thước và phong cách thiết kế biển quảng cáo trên con phố đang dần trở nên muôn hình vạn trạng như những ngày đầu, không còn “đồng phục” như thời gian ngắn vừa qua. 

 ​ Trả lời báo chí trước đây, lãnh đạo quận Thanh Xuân cho biết, màu sắc cũng như kích cỡ của biển quảng cáo trên tuyến phố trước khi triển khai đã lấy ý kiến từ phía người dân. Sau khi xảy ra những tranh cãi khá gay gắt trên công luận xung quanh việc làm này, đại diện chính quyền quận Thanh Xuân cũng cho biết sẽ lắng nghe để có những điều chỉnh thích hợp, đặc biệt để có giải pháp tối ưu trong việc nhận dạng thương hiệu doanh nghiệp. Được biết, quận Thanh Xuân cũng đã có quy định quản lý tạm thời tuyến đường Lê Trọng Tấn.

 

 PHƯƠNG ANH

 

 

Print

Góc ảnh

Xem nhiều nhất

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình,Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top