Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

Làm gì để nâng cao chất lượng chi bộ trong tình hình mới

Thứ Tư 03/10/2018 | 15:52 GMT+7

VH- Chi bộ cơ sở là hạt nhân chính trị của Đảng, là nơi trực tiếp lãnh đạo cơ sở thực hiện đường lối chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước; tham gia xây dựng và thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch công tác của chi bộ và của cấp ủy cấp trên.

 Thông qua sinh hoạt chi bộ hằng tháng đảng viên nhận thức sâu sắc về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của chi bộ góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên. Việc đổi mới nội dung, hình thức và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ có vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả công tác ở các đơn vị.

Một buổi sinh hoạt đảng của Chi bộ Báo Văn Hoá

Thực trạng chất lượng sinh hoạt chi bộ trong thời gian qua

Từ khi có Hướng dẫn số 09-HD/BTCTW ngày 2-3-2012 của Ban Tổ chức Trung ương về nội dung sinh hoạt chi bộ, các chi bộ trong Bộ VHTTDL, đặc biệt là chi ủy đã thực hiện nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, từ đó kết quả phân tích chất lượng tổ chức cơ sở đảng, đảng viên hằng năm thực chất hơn, sát hơn, bệnh thành tích giảm rõ rệt, khen thưởng trong Đảng xứng đáng hơn và đúng với những thành tích mà tổ chức, đảng viên đó đã cố gắng đạt được, bởi vì “chi bộ là gốc rễ của Đảng ở trong quần chúng, chi bộ tốt thì mọi chính sách của Đảng đều thi hành tốt, mọi công việc đều tiến bộ không ngừng”. Qua quá trình tổ chức triển khai thực hiện nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn và các văn bản của cấp trên, các cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ đảng viên đã nhận thức sâu sắc về vai trò, vị trí và tầm quan trọng trong việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, góp phần thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo, quản lý, giáo dục, rèn luyện, bồi dưỡng đảng viên, thông qua đó nâng cao ý thức tổ chức, trách nhiệm nêu gương, đi đầu trong việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương, đơn vị.

Nhiều tổ chức cơ sở đảng đã xây dựng kế hoạch và hướng dẫn cho các chi bộ trực thuộc về nội dung, cách thức sinh hoạt nhằm tập trung thảo luận sâu một mặt công tác hoặc một vấn đề bức xúc đang đặt ra trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của chi bộ. Qua đó, đã tạo bầu không khí sinh hoạt chi bộ sinh động, hấp dẫn hơn, thu hút sự quan tâm của đảng viên; khắc phục được tình trạng chung chung tại các buổi sinh hoạt chi bộ.

Ngoài việc duy trì sinh hoạt định kỳ, nhiều chi bộ đã thực hiện sinh hoạt chuyên đề mỗi quý một lần như các chuyên đề về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo hướng dẫn của Trung ương và cấp ủy cấp trên hoặc chọn nhiệm vụ trọng tâm, khâu khó, những vấn đề nổi cộm, bức xúc trong việc thực hiện nhiệm vụ của chi bộ; những vấn đề cán bộ, đảng viên, quần chúng đặc biệt quan tâm như việc đấu tranh, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và các tệ nạn xã hội ở địa phương, cơ quan, đơn vị; các giải pháp xây dựng nông thôn mới; công tác quản lý và phân công công tác cho cán bộ đảng viên… để đưa vào sinh hoạt chuyên đề, các chi bộ đã cơ bản bám sát nguyên tắc, quy định trong Điều lệ Đảng, sự chỉ đạo và hướng dẫn của các cấp ủy đảng. Nội dung sinh hoạt được cấp ủy, bí thư chuẩn bị trước nên trong sinh hoạt cơ bản đã tập trung vào nội dung cần bàn.

Nội dung đợt sinh hoạt tập trung vào ba đột phá: (1) lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, nhất là nhiệm vụ cải cách hành chính; (2) nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; (3) phát huy vai trò năng động, sáng tạo của bí thư cấp ủy, thủ trưởng cơ quan. Qua đợt sinh hoạt chuyên đề đã giúp cho cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên nhận thức sâu sắc về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của tổ chức cơ sở đảng và của chi bộ; tác dụng của việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đồng thời, cấp ủy các cấp xác định rõ nguyên nhân cơ bản của những khuyết điểm, hạn chế, tồn tại của tổ chức đảng cấp mình; từ đó cấp ủy có biện pháp cụ thể để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, của chi bộ và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; xây dựng chi bộ thật sự trong sạch, vững mạnh.

Những hạn chế, tồn tại

Bên cạnh những mặt tích cực, việc tổ chức sinh hoạt chi bộ trong thời gian qua vẫn còn những hạn chế, bất cập như: Một số ít cấp ủy, chi bộ chưa thực hiện nghiêm chế độ sinh hoạt đảng; một số ít chi bộ duy trì chế độ sinh hoạt không đều, còn tổ chức sinh hoạt ghép; tính lãnh đạo, tính giáo dục, tính chiến đấu trong sinh hoạt chi bộ chưa thể hiện rõ nét; tinh thần tự phê bình và phê bình, ý thức tổ chức kỷ luật chưa cao, nên chất lượng và hiệu quả của công tác giáo dục chính trị tư tưởng, kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, công tác xây dựng đảng vẫn còn nhiều mặt hạn chế.
Một số cấp ủy, chi bộ chưa làm tốt việc lựa chọn nội dung dẫn đến nội dung sinh hoạt còn hạn chế về chất lượng như nội dung thông tin thời sự và phổ biến văn bản chỉ đạo của cấp trên còn dàn trải, không xác định rõ trọng tâm. Có chi bộ chưa đánh giá một cách cụ thể việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Hằng tháng, nhiều chi bộ còn lúng túng trong việc chọn nội dung, chủ đề để học tập, rèn luyện…

Nội dung đánh giá kết quả tình hình thực hiện Nghị quyết của chi bộ trong tháng chưa nêu rõ vai trò lãnh đạo của chi bộ, còn liệt kê vụ việc chuyên môn của cơ quan, đơn vị; không đề cập đến khuyết điểm, tồn tại và nguyên nhân của tồn tại, hạn chế đó. Do cấp ủy chuẩn bị nội dung chưa tốt nên trong sinh hoạt nhiều chi bộ thảo luận không tập trung, khó khăn cho việc kết luận và ra nghị quyết. Nhiệm vụ của chi bộ đề ra trong tháng tới còn thiếu cụ thể, chưa bám sát nhiệm vụ trọng tâm của cơ quan, đơn vị; phân công cán bộ, đảng viên phụ trách, chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện nghị quyết của chi bộ chưa rõ ràng; vẫn còn nhiều chi bộ ít tổ chức sinh hoạt chuyên đề; việc lựa chọn nội dung sinh hoạt chuyên đề ở một số chi bộ còn mang tính hình thức; một số chi bộ, hình thức sinh hoạt còn rập khuôn, đơn điệu, không khí sinh hoạt còn trầm lắng, nặng về phổ biến, quán triệt.

Ý thức của một số đảng viên trong việc thực hiện nền nếp, chế độ sinh hoạt chi bộ theo quy định của Điều lệ Đảng còn yếu; nhiều đảng viên còn thụ động, ngại va chạm, thiếu tinh thần tự phê bình và phê bình, khi có sự việc bức xúc xảy ra thì đùn đẩy, bản thân không có trách nhiệm, quan điểm, chính kiến riêng. Một số cấp ủy chi bộ thiếu trách nhiệm, thiếu sâu sát trong công tác quản lý cán bộ đảng viên. Một số đảng viên chưa tham gia sinh hoạt đều đặn; việc giữ mối liên hệ với chi ủy, chi bộ nơi cư trú còn hình thức.

Giải pháp nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ 

Từ những hạn chế, tồn tại trong việc tổ chức sinh hoạt chi bộ trong thời gian qua như nêu, để khắc phục và nhằm nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, cần thực hiện một số giải pháp sau đây:
(1) Thường xuyên quán triệt cho cán bộ đảng viên về vị trí, vai trò và chức năng, nhiệm vụ của chi bộ trong từng loại hình chi bộ đảng, nhất là đội ngũ cấp ủy, bí thư chi bộ. Không ngừng bồi dưỡng nâng cao trình độ năng lực, phẩm chất chính trị, đạo đức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, trước hết là đồng chí bí thư và cán bộ chủ chốt. Tổ chức các lớp bồi dưỡng cho các đồng chí lần đầu tham gia cấp ủy để nâng cao năng lực tổ chức, điều hành sinh hoạt chi bộ.

(2) Đổi mới phương thức lãnh đạo, đề cao vai trò của cấp ủy các cấp, duy trì nghiêm nền nếp, chế độ sinh hoạt định kỳ. Thực hiện tốt quy chế dân chủ, trong sinh hoạt dành thời gian để đảng viên phát biểu thể hiện chính kiến của mình, đồng chí chủ trì phải công tâm, khách quan, lắng nghe ý kiến và gợi ý những vấn đề quan trọng để đảng viên thảo luận. Đẩy mạnh tự phê bình và phê bình, giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương của Đảng.

(3) Cải tiến việc ban hành nghị quyết, nâng cao chất lượng nghị quyết; nghị quyết phải xác định đúng vấn đề cần tập trung lãnh đạo, gắn với nhiệm vụ của địa phương, đơn vị trong từng thời kỳ để đi sâu, bàn kỹ có trọng tâm, trọng điểm; nghị quyết phải ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ và khả năng thực thi được. Chọn những vấn đề nổi cộm, những bức xúc, vướng mắc, những bâng khuâng, lo lắng, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân để tổ chức sinh hoạt chuyên đề, qua đó nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để ổn định tư tưởng, tạo sự đồng thuận trong đội ngũ cán bộ, đảng viên của chi bộ.

(4) Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, các cấp ủy phải chủ động, kịp thời, nghiêm túc, đúng nguyên tắc và phải có tác dụng giáo dục sâu sắc. Qua kiểm tra, tự phê bình và phê bình kịp thời biểu dương, động viên, khen thưởng những cá nhân, tập thể có thành tích tốt; kỷ luật nghiêm minh những đảng viên, tổ chức vi phạm. Kiên quyết đưa ra khỏi Đảng những đảng viên không đủ tư cách. Kiểm tra, xử lý kỷ luật phải luôn gắn với củng cố kiện toàn cấp ủy, bố trí cán bộ, bảo đảm tính ổn định của tổ chức để lãnh đạo cơ quan, đơn vị hoàn thành nhiệm vụ.

(5) Cấp ủy cấp trên các cấp nhất là cấp trên trực tiếp đối với chi bộ phải thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc chi bộ thực hiện chế độ sinh hoạt, tăng cường vai trò trách nhiệm của cấp ủy cấp trên đối với việc xây dựng và chỉnh đốn cấp ủy, chi bộ; quan tâm sâu sắc việc củng cố tổ chức và cán bộ ở những đơn vị trọng điểm, khắc phục tình trạng cơ sở yếu kém. Coi trọng việc sơ kết, rút kinh nghiệm về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; kịp thời biểu dương, nhân rộng những điển hình tiên tiến.

Để đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, cấp ủy phải luôn bám sát chức năng, nhiệm vụ của đơn vị để xây dựng nội dung sinh hoạt cho phù hợp với tình hình đặc điểm của chi bộ. Trước khi sinh hoạt, trong cấp ủy cần có sự phân công, chuẩn bị; trong sinh hoạt, đảng viên có trách nhiệm tham gia phát biểu ý kiến xây dựng nghị quyết, phát huy cao trí tuệ của tập thể; có sổ ghi nghị quyết sinh hoạt chi bộ ... Chi ủy phải bám sát tình hình hoạt động thực tế của chi bộ để xây dựng nội dung sinh hoạt, trong đó cần tập trung vào những vấn đề trọng tâm; thông tin kịp thời về tình hình thời sự trong nước, quốc tế; phổ biến, quán triệt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và các chỉ thị, nghị quyết của Cấp ủy đảng cấp trên; tổng hợp đánh giá việc lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ công tác của chi bộ tháng trước theo nghị quyết chi bộ đã đề ra và thảo luận một số nhiệm vụ trọng tâm đề ra cho tháng tiếp theo. Nghị quyết của chi bộ phải thiết thực, có tính khả thi và quá trình thực hiện phải được kiểm tra kịp thời. Khi sinh hoạt, mỗi cán bộ, đảng viên phải trung thực, thẳng thắn trong phê bình, tự phê bình, trên tinh thần đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ; đấu tranh với những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, vụ lợi cá nhân, vi phạm những chuẩn mực về tư tưởng, đạo đức, lối sống của người đảng viên. Bên cạnh đó, đảng viên làm công tác lãnh đạo quản lý, cấp ủy viên phải gương mẫu thực hiện tốt việc sinh hoạt đảng, tích cực đấu tranh phê bình và tự phê bình. Đảng viên là cán bộ lãnh đạo phải chịu sự kiểm tra, giám sát của chi bộ, nêu gương sáng về đạo đức, lối sống, nói đi đôi với làm.

Để thực hiện tốt việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ trong tình hình mới, ngoài những quy định cần phải thực hiện đúng theo Hướng dẫn số 09-HD/BTCTW thì cần làm tốt một số nội dung sau:

Một là, trong sinh hoạt chi bộ lồng ghép với nội dung học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, trong đó phải đặc biệt chú ý 3 tác phẩm của Người: “Đạo đức cách mạng”, “Sửa đổi lối làm việc” và “Di chúc”. Đây là nền tảng vững chắc, cơ bản trong công tác xây dựng đảng mà Bác đã dặn. Khi thực hiện phải có các hình thức đa dạng, phong phú phù hợp với chi bộ để đảng viên cụ thể hóa thành việc làm thiết thực tại cơ quan, đơn vị, chi bộ mình.

Hai là, tuyên truyền chủ trương của Đảng, pháp luật Nhà nước cần phải thực hiện kịp thời ngay trong kỳ họp chi bộ lần gần nhất để bảo đảm tính thời sự. Làm tốt công tác này là chúng ta đã cung cấp kênh thông tin chính thống cho các đảng viên, tránh các thông tin gây nhiễu, từ đó định hướng được dư luận xã hội.

Ba là, ngoài các nội dung họp chi bộ do cấp ủy chuẩn bị, chi bộ cần thêm nội dung báo cáo của các đảng viên hoặc đại diện nhóm đảng viên (nếu họ cùng thực hiện một hay nhiều nhiệm vụ chính trị giống nhau) và tự đảng viên sẽ đưa ra các biện pháp, giải pháp, kế hoạch tổ chức thực hiện, phương pháp nghiên cứu khoa học.Sau đó bí thư chi bộ kết luận đưa vào nghị quyết.

Bốn là, tạo không khí thật cởi mở, thân thiện, gần gũi, quan tâm, chia sẻ... bằng việc thực hiện dân chủ, từ đó chi bộ lắng nghe được hết các ý kiến của đảng viên. Có như vậy cuộc họp chi bộ mới  đoàn kết, thực sự là sinh hoạt chính trị hiệu quả. Đảng viên  hứng thú đi họp chi bộ để được đóng góp, xây dựng, được tôn trọng, được cống hiến trí tuệ của mình góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh từ cơ sở.

Năm là, cấp ủy viên phụ trách tổ chức cơ sở đảng cần dành một quỹ thời gian để dự họp với chi bộ. Từ đó nắm bắt được các phát sinh khi thực hiện nghị quyết của cấp ủy cấp trên hoặc thực hiện nhiệm vụ chính trị ở cơ sở, đưa ra các giải pháp phù hợp với thực tiễn. Đây cũng là việc thực hiện công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng của cấp ủy viên cấp trên đối với tổ chức đảng cấp dưới./.

Nhóm tác giả : Vụ Đào tạo, Bộ VHTTDL

Print
Tags:

Góc ảnh

Xem nhiều nhất

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình,Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top