Hội thảo Văn hóa năm 2024: “Chính sách và nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao”

Đặt ra những vấn đề cấp bách từ thực tiễn để tháo gỡ

PHƯƠNG ANH - THU SÂM (thực hiện)

VHO - Hội thảo Văn hóa năm 2024 với chủ đề “Chính sách và nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao” sẽ được diễn ra ngày 12.5 tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Quảng Ninh, với sự tham gia của hơn 300 đại biểu.

Đặt ra những vấn đề cấp bách từ thực tiễn để tháo gỡ - ảnh 1

Được sự quan tâm đầu tư, thiết chế văn hóa Bảo tàng Quảng Ninh trở nên hiện đại, thu hút rất đông du khách tới tham quan. Ảnh: P.NGHĨA

 Hội thảo được chờ đợi sẽ đề xuất những giải pháp quan trọng nhằm hoàn thiện thể chế, chính sách, khơi thông nguồn lực đầu tư xây dựng, phát triển thiết chế văn hóa, thể thao, đáp ứng yêu cầu xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát huy giá trị văn hóa và con người Việt Nam theo mục tiêu của Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Hội thảo do Ủy ban Văn hóa và Giáo dục của Quốc hội phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ VHTTDL và tỉnh Quảng Ninh tổ chức, nhằm tiếp tục triển khai, thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc tháng 11 năm 2021, tiếp nối nội dung Hội thảo Văn hóa năm 2022.

Trước thềm hội thảo quan trọng này, Văn Hóa đã có cuộc trao đổi với nhiều chuyên gia, nhà quản lý nhằm có thêm ý kiến đóng góp.

“Xây dựng chính sách, nguồn lực cần hướng đến từng mục tiêu cụ thể”

Với chủ đề “Chính sách và nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao”, tôi cho rằng Hội thảo Văn hóa 2024 sẽ có ý nghĩa rất quan trọng, nối tiếp và cụ thể hóa những mục tiêu, chính sách chung từ Hội thảo Văn hóa 2022 về “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa”. Hội thảo lần này có lẽ sẽ đi thẳng vào những vấn đề cụ thể, các giải pháp cụ thể, đưa ra các chính sách, nguồn lực để phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao phù hợp với đặc thù từng vùng, miền, nhất là ở các vùng miền có những địa chỉ, đơn vị hành chính mới sáp nhập. Trong bối cảnh đang có nhiều chuyển động đó, Hội thảo càng có ý nghĩa quan trọng, phù hợp với yêu cầu thực tiễn đang đặt ra.

Chúng ta cũng thấy rằng, nhiều vấn đề, hiện tượng đang nảy sinh rất cần giải quyết bằng những giải pháp cụ thể, khả thi. Các thể chế, chính sách trước đây thường chung và dàn đều cho các vùng, trong khi thực tiễn mỗi nơi mỗi khác. Điều đó khiến cho việc triển khai trong thực tiễn gặp nhiều khó khăn. Chẳng hạn, nhà văn hóa xã ở vùng đồng bằng thì rất cần thiết, nhưng soi chiếu ở miền núi lại gặp hạn chế bởi đặc thù địa lý. Nhà văn hóa xã chủ yếu dùng để hội họp chứ chưa hoàn thành được chức năng đáp ứng nhu cầu đời sống văn hóa tinh thần cho người dân. Phải chăng, ta đầu tư mạnh cho nhà văn hóa thôn, bản sẽ thiết thực và hiệu quả hơn. Chưa kể, cùng với quá trình sáp nhập các đơn vị hành chính, nhiều nhà văn hóa thôn, bản sẽ bỏ hoang, đăt ra vấn đề cần xử lý như thế nào. Khu vực miền núi địa lý rất rộng, nhưng để tìm được đất phù hợp để đầu tư xây dựng nhà văn hóa cũng rất khó khăn.

Một vấn đề nữa là hiện nay hầu hết hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở đều đang xuống cấp, cần có sự đầu tư thích đáng. Đầu tư cho chấn hưng văn hóa là mục tiêu rất quan trọng, trong đó có một nội dung thiết yếu là đầu tư phát triển thiết chế văn hóa, thể thao. Đi vào từng nội dung cụ thể mới thấy rằng, không thể chỉ nhìn vào số tiền đầu tư để cho rằng đó là số tiền quá lớn. Đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho tương lai, đầu tư cho con người, có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Tôi cho rằng, để đạt được mục tiêu đặt ra, những chính sách, nguồn lực được bàn bạc, xây dựng để phát triển thiết chế văn hóa, thể thao cần phải hướng đến các mục tiêu cụ thể, sát với thực tiễn của từng vùng, không nên chung chung. Là một cán bộ ngành văn hóa gắn với hoạt động thực tiễn ở cơ sở, tôi rất tán thành với những nội dung cụ thể, sát thực tế như chủ đề mà Hội thảo lần này đã đưa ra.

(TS TRẦN HỮU SƠN, Chuyên gia Viện Nghiên cứu Văn hóa dân gian ứng dụng)

Đặt ra những vấn đề cấp bách từ thực tiễn để tháo gỡ - ảnh 2

 Từ chủ trương đúng, cách làm hay, làng văn hóa kiểu mẫu với thiết chế văn hóa, thể thao ở Vĩnh Phúc đã đáp ứng nhu cầu của người dân. Ảnh: TR.HUẤN

“Những chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” kỳ vọng sẽ được tháo gỡ”

Hội thảo Văn hóa 2024 với “Chính sách và nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao” đã, đang thể hiện những bước đi thiết thực, thể hiện sự quan tâm đầu tư cho văn hóa một cách bài bản và có hệ thống hơn. Từ sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Hội thảo Văn hóa 2022 về “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa” đã đề cập những vấn đề, định hướng chung nhằm đẩy mạnh hơn nữa việc xây dựng, phát triển văn hóa, con người. Đến hội thảo này là sự cụ thể hóa, đi sâu vào từng lĩnh vực cụ thể.

Tôi cho rằng, sau nội dung về phát triển thiết chế văn hóa, thể thao sẽ còn có các nội dung cụ thể khác như phát triển công nghiệp văn hóa, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, quản lý văn hóa, nguồn nhân lực cho văn hóa… Trước đây vẫn có nhiều dư luận cho rằng, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao nơi thừa, nơi thiếu, còn lãng phí, đầu tư dàn trải và hoạt động chưa hiệu quả. Thực ra, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao của chúng ta hiện còn gặp nhiều khó khăn, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Nhìn sang các nước, nhiều quốc gia luôn dành những tòa lâu đài đẹp nhất, vị trí đắc địa cho các thiết chế văn hóa và thể thao, từ nhà hát đến bảo tàng, thư viện, rạp chiếu phim, sân vận động… Các nước càng văn minh, phát triển thì hệ thống này càng được quan tâm. Nhờ vậy, các giá trị văn hóa truyền thống được trao truyền, đồng thời có điều kiện để sáng tạo nên những giá trị văn hóa nghệ thuật mới.

Tại Việt Nam, thực tiễn đang đặt ra các yêu cầu cấp thiết về đầu tư, phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao. Trong khi đó, nguồn kinh phí đầu tư, đặc biệt tại các địa phương cho mục tiêu này còn rất eo hẹp. Thống kê cho thấy, hiện chỉ có khoảng hơn 70% các nhà văn hóa xã, thôn bản được đầu tư, chưa kể trong số đó nhiều nơi còn chưa có trang thiết bị, hoạt động chưa hiệu quả. Trước đây với Chương trình Mục tiêu quốc gia về văn hóa, chúng ta còn có nguồn kinh phí để bù đắp cho những khó khăn này, nhưng hiện nay thì đây vẫn đang là một thách thức lớn. Vì vậy, tôi cho rằng Hội thảo này sẽ một lần nữa đặt ra các vấn đề cấp bách từ thực tiễn nhằm tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc.

Điều quan trọng là, ở những hội thảo này sẽ có sự có mặt của các cấp lãnh đạo và các Bộ, ngành liên quan, cho nên những vấn đề bàn thảo sẽ trực tiếp được ghi nhận bởi các cơ quan lập pháp, hành pháp, cơ quan quản lý Nhà nước. Những câu chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” vì thế cũng được kỳ vọng sẽ nhanh chóng được tháo gỡ bởi những “sản phẩm”, giải pháp cụ thể ngay sau hội thảo.

(GS.TS TỪ THỊ LOAN, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện VHNT quốc gia Việt Nam)

Đặt ra những vấn đề cấp bách từ thực tiễn để tháo gỡ - ảnh 3

Với sự đầu tư bài bản, nhiều năm qua Bảo tàng Dân tộc học luôn là địa chỉ thu hút du khách. Trong ảnh: Khách tham quan học cách trình diễn rối độc thoại cùng nghệ sĩ Dương Văn Học Ảnh: P.V-P.NGHĨA

“Gỡ vướng về chính sách, nguồn lực cho thiết chế thể thao hoạt động hiệu quả”

Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến việc xây dựng và phát triển sự nghiệp thể thao, trong đó đặc biệt chú trọng việc xây dựng và phát triển hệ thống thiết chế thể thao từ trung ương tới địa phương. Đặc biệt qua hai lần Việt Nam đăng cai tổ chức SEA Games, một lần tổ chức Đại hội thể thao trong nhà và võ thuật châu Á thì hệ thống thiết chế thể thao ngày càng hoàn thiện.

Theo thống kê, hiện cả nước có gần 600 công trình đủ tiêu chuẩn thi đấu thể thao; 371 sân vận động có khán đài; 222 nhà thi đấu có khán đài đủ tiêu chuẩn cấp quốc gia, 69 bể bơi có khán đài đủ tiêu chuẩn thi đấu cấp quốc gia; 11.923 cụm sân thể thao khác như trường bắn, sân quần vợt, công trình tổ chức thi đấu theo từng môn thể thao. Về công trình TDTT cấp tỉnh, huyện quản lý, như sân tập luyện gồm có 627 sân điền kinh, 4.110 sân bóng đá…

Tuy nhiên dù được quan tâm đầu tư nhưng do còn nhiều khó khăn nên hệ thống thiết chế về thể thao ở nhiều nơi hiện đang xuống cấp hoặc do vướng về cơ chế, chính sách mà việc quản lý, khai thác, nâng cấp, cải tạo hệ thống thiết chế thể thao, điển hình như Khu Liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình chưa phát huy hết hiệu quả. Chính vì vậy tôi cho rằng việc tổ chức Hội thảo nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về chính sách và nguồn lực cho việc phát huy các thiết chế về thể thao là rất cần thiết, nhất là trong giai đoạn hiện nay khi chúng ta cần có các công trình thể thao tương xứng, phục vụ cho nhu cầu tập luyện của người dân cũng như đăng cai tổ chức các sự kiện thể thao lớn.

(NGUYỄN HỒNG MINH, Phó Cục trưởng Cục TDTT)