TP.HCM đẩy nhanh đầu tư xây dựng các công trình văn hóa trọng điểm

VHO- Chiều qua 25.7, Thành ủy TP.HCM tổ chức Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (Khóa X) về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới.

TP.HCM đẩy nhanh đầu tư xây dựng các công trình văn hóa trọng điểm - Anh 1

Biểu diễn nghệ thuật tại Hội nghị

Báo cáo tóm tắt kết quả 15 năm thực hiện Nghị quyết 23, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, qua 15 năm tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 23, thành phố đã đạt được một số kết quả khá quan trọng về phát triển văn học, nghệ thuật, đóng góp vào sự phát triển chung về kinh tế, văn hóa - xã hội của thành phố.

Trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến ngày càng phức tạp, quá trình hội nhập văn hóa ngày càng sâu rộng, ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển văn học, nghệ thuật của cả nước và thành phố, song với quan điểm: “Phát triển văn hóa thành phố theo hướng văn minh, giữ gìn, phát huy bản sắc dân tộc và các giá trị tinh thần mang nét đặc trưng của nhân dân thành phố, định hướng, hỗ trợ sáng tác các tác phẩm văn học, nghệ thuật tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, giàu tính nhân văn; không ngừng nâng cao đời sống văn hóa của nhân dân”, Đảng bộ, chính quyền thành phố đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tạo môi trường thuận lợi để văn học, nghệ thuật tại thành phố ngày càng phát triển phong phú, năng động, sáng tạo và đạt được những thành quả đáng khích lệ.

Trong 15 năm qua, công tác bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa phi vật thể thuộc loại hình nghệ thuật, đặc biệt là các di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO ghi danh luôn được thành phố quan tâm lãnh đạo thông qua việc ban hành các đề án, kế hoạch. Thành phố chỉ đạo việc giới thiệu các loại hình nghệ thuật truyền thống, dân gian phù hợp với từng lứa tuổi học sinh, sinh viên và thực hiện hiệu quả việc quảng bá trong hệ thống các trường phổ thông; hướng dẫn một số kỹ năng về nghệ thuật truyền thống cho đội ngũ giáo viên nhằm nâng cao hiệu quả công tác giáo dục các bộ môn nghệ thuật, góp phần vào việc bồi đắp kiến thức, tình yêu nghệ thuật dân tộc và nuôi dưỡng tính chân, thiện, mỹ cho thế hệ trẻ.

Hoạt động sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị cao về tư tưởng, thẩm mỹ nghệ thuật được Thành ủy luôn quan tâm và định hướng công tác sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật gắn với các sự kiện chính trị của đất nước và thực tiễn của thành phố; chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, địa phương quan tâm tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật vừa đáp ứng nhu cầu thụ hưởng, giải trí vừa mang tính định hướng giáo dục thẩm mỹ nghệ thuật và giáo dục những giá trị chân, thiện, mỹ cho nhân dân;…

Bên cạnh những thành tựu, việc thực hiện Nghị quyết số 23 tại TP.HCM cũng còn nhiều hạn chế, khuyết điểm. “Văn hóa, văn học, nghệ thuật chưa được một số cấp ủy, chính quyền nhận thức và quan tâm đầy đủ, tương xứng. Sự quan tâm đối với chủ trương, chính sách, đầu tư kinh phí, ngân sách, thiết chế văn hóa cho lĩnh vực văn học, nghệ thuật, hoạt động đầu tư sáng tác, dàn dựng, quảng bá văn học nghệ thuật còn nhiều hạn chế. Hoạt động của một bộ phận cán bộ thực hiện nhiệm vụ về văn hóa, nghệ thuật và một số văn nghệ sĩ chưa có chiều sâu”, ông Đức nhấn mạnh.

Cùng với đó, các tác phẩm văn học, nghệ thuật ngày càng nhiều song còn ít tác phẩm văn học, nghệ thuật lớn, tầm cỡ và giá trị. Một số tác phẩm văn học, nghệ thuật đoạt giải thưởng cấp thành phố, cấp quốc gia và kể cả quốc tế nhưng tính lan tỏa trong cộng đồng chưa cao. Đáng chú ý, chế độ, chính sách cho văn nghệ sĩ chưa phù hợp, chưa tạo sức hút, “giữ chân” các tài năng. Công tác phát hiện các tài năng trẻ để đưa vào nguồn đào tạo, bồi dưỡng còn hạn chế. Công tác đào tạo đội ngũ văn nghệ sĩ còn nhiều bất cập, nhất là những bộ môn truyền thống. TP.HCM cũng chưa xây dựng được những công trình trọng tâm lớn cho hoạt động văn hóa, nghệ thuật tương xứng với vị thế của thành phố; các thiết chế văn hóa của thành phố chưa phát huy hết công năng, chưa tương xứng với yêu cầu phát triển của một đô thị lớn, hiện đại.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP, trong thời gian tới, thành phố tiếp tục xác định và lãnh đạo công tác tuyên truyền, quán triệt nhằm nâng cao nhận thức trong toàn Đảng bộ và xã hội về quan điểm chỉ đạo tài năng văn học, nghệ thuật là vốn quý của dân tộc; chăm lo, phát hiện, bồi dưỡng, quý trọng và phát huy các tài năng văn học, nghệ thuật là trách nhiệm của toàn xã hội, trước hết là của Đảng, Nhà nước và của các tổ chức trong hệ thống chính trị các cấp. “Thành phố đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các công trình văn hóa trọng điểm; cải tạo, nâng cấp các nhà hát đạt tiêu chuẩn để nâng cao chất lượng văn học, nghệ thuật phục vụ công chúng...”, ông Dương Anh Đức cho biết. 

T.TRANG

Ý kiến bạn đọc