Việt Nam đề cao ý nghĩa của tiêm chủng trong phòng chống đại dịch

VHO- Việt Nam đã tiến hành một chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử; hơn 190 triệu liều vắc xin ngừa Covid-19 đã được tiêm cho 97% dân số trên 18 tuổi và gần 90% trẻ em trên 12 tuổi.

Viet Nam de cao y nghia cua tiem chung trong phong chong dai dich hinh anh 1

Bài phát biểu ghi hình của Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh tại Cuộc họp cấp cao của Đại hội đồng Liên hợp quốc. Ảnh: TTXVN

Ngày 25.2 giờ New York (ngày 26.2 giờ Hà Nội), Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã có bài phát biểu ghi hình trước tại Cuộc họp cấp cao của Đại hội đồng Liên hợp quốc về chủ đề “Tạo động lực cho tiêm chủng toàn cầu.”

Cuộc họp diễn ra tại Trụ sở Liên hợp quốc ở New York (Mỹ) với sự tham dự và phát biểu trực tiếp hoặc trực tuyến của Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc, Tổng Thư ký Liên hợp quốc, 18 lãnh đạo nhà nước hoặc chính phủ, gần 80 bộ trưởng hoặc thứ trưởng và lãnh đạo nhiều tổ chức và cơ chế quốc tế.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh đề cao ý nghĩa của việc tiêm chủng trong công tác phòng chống đại dịch Covid-19.

Phó Thủ tướng cho biết với phương châm đặt sức khỏe của người dân lên trên hết, Việt Nam đã tiến hành một chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử. Hơn 190 triệu liều vắc xin đã được tiêm cho 97% dân số trên 18 tuổi và gần 90% trẻ em trên 12 tuổi.

Việc tiêm chủng cho trẻ em từ 5 đến 12 tuổi cũng đang được chuẩn bị tích cực. Với thành tích tiêm chủng này, Việt Nam đã giảm thiểu tác động của đại dịch và chuyển sang tái mở cửa kinh tế-xã hội một cách an toàn, linh hoạt, hiệu quả và quá trình phục hồi dựa trên chuyển đổi xanh và kỹ thuật số.

Nhân dịp này, Phó Thủ tướng cảm ơn các bạn bè và đối tác trên khắp thế giới đã hỗ trợ vắc xin và trang thiết bị, vật tư y tế cho Việt Nam thông qua Chương trình COVAX hoặc kênh song phương.

Phó Thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh đã đưa ra những đề xuất quan trọng để cộng đồng quốc tế đạt được mục tiêu tiêm chủng rộng rãi toàn cầu, trong đó có thúc đẩy các giải pháp toàn cầu, phát huy đoàn kết và hợp tác quốc tế; tăng nguồn cung vắc xin, hỗ trợ các nước đang phát triển nâng cao năng lực y tế cơ sở, y tế dự phòng; tăng cường hợp tác trong sản xuất và chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin cho các nước đang phát triển.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng hoan nghênh thông báo mới đây của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về việc một số nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, được chọn để hợp tác tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin mRNA; cho biết Việt Nam sẽ tận dụng tốt cơ hội hợp tác rất có ý nghĩa này để đóng góp vào nỗ lực chung của quốc tế nhằm thúc đẩy tiêm chủng toàn cầu.

Viet Nam de cao y nghia cua tiem chung trong phong chong dai dich hinh anh 2

Nhân viên y tế tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho người cao tuổi phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội), sáng 26.2.2022. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Cuộc họp cấp cao của Đại hội đồng Liên hợp quốc được tổ chức trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tiếp tục gây ra những tác động về sức khỏe, kinh tế và xã hội trên khắp thế giới. Dù vắc xin phòng Covid-19 đã được sản xuất sớm kỷ lục, mức độ bao phủ vắc xin toàn cầu vẫn còn ở xa mức đủ để giảm lây nhiễm.

Nhiều quốc gia thành viên Liên hợp quốc đã kêu gọi tiêm chủng công bằng và đầy đủ cho tất cả mọi người, ở khắp mọi nơi trong thời gian sớm nhất.

Mục đích của cuộc họp cấp cao là xem xét những cơ hội và thách thức hiện có trong sản xuất và phân phối vắc xin Covid-19 trên quy mô toàn cầu, tăng cường các cam kết chính trị của cộng đồng quốc tế nhằm đạt được việc tiêm chủng phổ cập toàn cầu trong thời gian sớm nhất.

TTXVN

Ý kiến bạn đọc