Tăng cường công tác quản lý, tổ chức lễ hội năm 2022: Không chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch

VHO- Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL) Ninh Thị Thu Hương vừa ký văn bản số 79/VHCS-NSVH về việc tăng cường công tác quản lý, tổ chức lễ hội năm 2022.

Tăng cường công tác quản lý, tổ chức lễ hội năm 2022: Không chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch - Anh 1

 Người dân đi lễ chùa Hương (ảnh chụp sáng 16.2) Ảnh: TR.HUẤN

Văn bản cho biết, nhằm tăng cường các biện pháp quản lý và tổ chức lễ hội, đảm bảo hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19, đáp ứng nhu cầu tham gia lễ hội của người dân trong dịp đầu Xuân Nhâm Dần 2022, Cục Văn hóa cơ sở đề nghị Sở VHTTDL, Sở VHTT, Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung thực hiện nghiêm Chỉ thị số 35/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm; Công văn số 58/BVHTTDL-VHCS về tăng cường các biện pháp đảm bảo đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm và Công điện số 351/CĐ-BVHTTDL về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch.

Căn cứ tình hình diễn biến dịch bệnh tại địa phương, thực hiện công tác chỉ đạo và tổ chức lễ hội phù hợp theo Hướng dẫn tạm thời số 3862/HD-BVHTTDL của Bộ VHTTDL về thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ ban hành quy định tạm thời “Thích ứng linh hoạt, kiểm soát dịch hiệu quả dịch Covid-19 trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch”; Nghị định số110/2018/NĐ-CP của Chính phủvề quản lý và tổchức lễhội. Văn bản cũng đề nghị các Sở tập trung tổ chức các phương án về trật tự an toàn giao thông, an toàn sông nước, phòng chống cháy nổ, an ninh trật tự, an toàn vệ sinh thực phẩm cho nhân dân và du khách; tổ chức các giải pháp về thực hiện nếp sống văn minh tại các hoạt động lễ hội. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao ý thức tự giác, chấp hành pháp luật của người dân nhằm thực hiện các giải pháp phục hồi kinh tế; thường xuyên cảnh báo người dân không chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch bệnh; giới thiệu về nguồn gốc của lễ hội, di tích và các nhân vật được thờ phụng, tôn vinh; về các giá trị, ý nghĩa đích thực của tín ngưỡng và nghi lễ truyền thống. Vận động nhân dân hạn chế đốt đồ mã, vàng mã, bảo đảm an toàn, tiết kiệm không phô trương, hình thức, phát huy truyền thống văn hóa của dân tộc.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trước, trong và sau khi tổchức lễ hội, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm, đặc biệt là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội để trục lợi, kích động bạo lực, lưu hành, kinh doanh văn hóa phẩm trái phép; không để việc tổ chức dâng sao giải hạn biến tướng thành dịch vụ mang tính trục lợi, ảnh hưởng đến nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc; phát ấn không đúng với nguồn gốc lịch sử di tích, lễ hội; không để các đối tượng lợi dụng, lôi kéo đông người tại lễ hội để tuyên truyền, quảng bá các hoạt động có dấu hiệu tà đạo, mê tín dị đoan, trái với thuần phong mỹ tục, vi phạm quy định về thực hiện nếp sống văn minh.

H.PHƯƠNG

Ý kiến bạn đọc