Cồng chiêng trôi dạt

VHO - Ngày nay, đi những quán cà phê có phong vị “hoài cổ”, thi thoảng người ta lại thấy những chiếc cồng chiêng trưng bày ở đấy. Những thứ đồ “cổ” được bày biện cho có khí vị thường gồm những vật mà ngày nay người ta không còn dùng nữa, như cái cối xay lúa, cái cối giã gạo, cái cối đá, cái cối xay bột, bộ thúng bán mắm, đôi xiểng dùng trong đám cưới, cái máy may hiệu butterfly (con bướm) của Nhật, cái xe đạp thời Pháp thuộc, bộ che ép mía, vân vân.

Trong vô số các món ấy, những chiếc cồng chiêng chen vào, chứng tỏ chủ nhân của quán coi trọng cồng chiêng, xem như một món quý. Những chiếc cồng chiêng được treo áp vào vách, bên bàn cà phê mà khách khứa hay đến ngồi. Mọi người sẽ có dịp chiêm ngưỡng mà không phải tìm kiếm đâu xa. Nếu không phải người lớn tuổi, mà độ tuổi từ 30 trở lại, các món kể trên kia nếu không được giải thích sẽ không hiểu là vật gì, sử dụng ra sao và trong trường hợp nào. Cho nên chủ sưu tập dù sao cũng làm một việc hữu ích.

Thế nhưng nhìn những chiếc cồng chiêng sẫm màu thời gian nằm bất động kia làm cho không ít người không khỏi ngậm ngùi.

Nếu như những vật dụng như cối xay, cối giã, bộ che mía, đôi xiểng là chứng tích một thời cổ xưa, nay đã có vật hay phương tiện khác thay thế, thì cồng chiêng lại không như vậy. Cồng chiêng vẫn là nhạc cụ không thể thay thế. Từ năm 2005, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp quốc (UNESCO) ghi danh là kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Nó mang tầm giá trị toàn cầu. GS.TS Tô Ngọc Thanh từng cho rằng, đề cập đến văn hóa Tây Nguyên mà không nói đến cồng chiêng là một thiếu sót lớn. Nó là tinh hoa văn hóa của dân tộc, là đặc trưng của văn hóa các dân tộc Tây Nguyên nói riêng và di sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam nói chung.

Cồng chiêng có cồng và có chiêng. Cồng là nhạc cụ thường có kích thước lớn, có núm ở giữa. Chiêng là nhạc cụ thường nhỏ hơn cồng, không có núm. Cồng chiêng tạo tác bằng đồng thau, do thợ người Kinh đúc ra, và là món đổi chác với các dân tộc anh em miền núi, từ nhiều trăm năm trước. Tự thân cái cồng cái chiêng có thể có giá trị cổ vật, nhưng sẽ rất thiếu giá trị nếu nó không được sử dụng. Mỗi dân tộc thiểu số khác nhau đổi chác cồng chiêng từ người Kinh lại hình thành các phiên chế cồng chiêng khác nhau, có các điệu thức khác nhau, biểu hiện nét riêng của tộc người. Nhìn tổng quan thì cồng chiêng như một vườn hoa mà mỗi loài có một màu sắc, đường nét, hương thơm khác nhau, tạo nên vườn hoa vô cùng phong phú và hấp dẫn. Cồng chiêng ra đời là để đánh, tức tạo nên nghệ thuật âm thanh, chứ không phải để ngắm. Từ thời cổ sơ, cồng chiêng được đồng bào các dân tộc anh em xem là nhạc cụ linh thiêng, có nghi lễ cúng cồng chiêng rồi dùng chính cồng chiêng trong các lễ hội, từ năm này sang năm khác, từ thế kỷ này sang thế kỷ khác, đến thời chúng ta thì nó vẫn được lưu truyền và ghi nhận giá trị, qua các chuyên gia cũng như qua nhà nước và tổ chức quốc tế. Nhưng rồi những chuyển biến nhanh chóng về kinh tế xã hội của thời kỳ hiện đại, với sự phát triển thần kỳ của truyền thông, của công nghệ số, đã khiến nghệ thuật cồng chiêng, cũng như nhiều di sản văn hóa phi vật thể khác đứng trước nguy cơ mai một.

Cồng chiêng được đưa vào bộ sưu tập đồ cổ hay trưng bày ở quán cà phê càng nhiều thì càng chứng tỏ người sử dụng cồng chiêng càng ít dần. Nhìn những chiếc cồng to, những chiếc chiêng xỉn màu thời gian có thể biết nó đã trôi dạt từ vùng cao nguyên miền núi xa xôi về đồng bằng và các đô thị. Làm sao để nó không còn bị bán ra và trôi dạt, là chuyện rất đau đầu của các nhà chuyên môn cũng như các cơ quan nhà nước, mà trước tiên và trên hết chính là tự thân chủ sở hữu cần nhận thức rõ cái di sản vô giá mà mình đang có. 

MINH TUỆ

Ý kiến bạn đọc