Thanh Hoá: Bất cập những khu nuôi tôm trái phép, ảnh hưởng môi trường biển và phát triển du lịch

VHO - Mặc dù không nằm trong vùng quy hoạch nuôi trồng thủy sản, tuy nhiên hiện nay trên địa bàn thị xã Nghi Sơn (Thanh Hóa) vẫn còn tồn những khu nuôi tôm tự phát trái phép, vi phạm về quy hoạch, vi phạm trật tự xây dựng, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường biển và phát triển du lịch của địa phương.

Thanh Hoá: Bất cập những khu nuôi tôm trái phép, ảnh hưởng môi trường biển và phát triển du lịch - Anh 1

Khu nuôi tôm tự phát trái phép trên địa bàn Thị xã Nghi Sơn (Thanh Hóa), ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường biển và phát triển du lịch của địa phương

Với lợi thế gần 42km bờ biển, có các cửa lạch Bạng, lạch Ghép và vụng Nghi Sơn, nên cùng với phát triển nghề khai thác hải sản, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa có tiềm năng lớn về nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, cùng với diện tích nuôi tôm đã được quy hoạch, hiện nay, trên địa bàn thị xã vẫn còn tồn những khu nuôi tôm tự phát trái phép.

Theo quan sát của chúng tôi, dọc bờ biển thuộc tổ dân phố Đông Hải, phường Hải Hòa, thị xã Nghi Sơn có hàng chục ao nuôi tôm không nằm trong vùng quy hoạch nuôi trồng thủy sản của thị xã, được lót bạt, che chắn tạm bợ trên diện tích đất ở và cả đất nông nghiệp của người dân tại địa phương gây ra nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến môi trường trên địa bàn.

Gia đình chị Lê Thị Thuận, một người đang nuôi thả tôm trái phép tại khu phố Đông Hải, phường Hải Hòa, thị xã Nghi Sơn cho biết: "Trước kia, gia đình tôi sinh sống chủ yếu bằng nghề đi biển. Mấy năm nay, do giá nhiên liệu tăng cao, nguồn thủy sản ngày càng ít nên nghề biển đã không còn đủ sức nuôi sống cả gia đình. Đến năm 2017, sau khi đi khảo sát và nhận thấy nhiều hộ hộ nuôi tôm thẻ chân trắng ở các phường ven biển khác như: Hải Châu, Ninh Hải… mang lại thu nhập ổn định, gia đình tôi đã quyết định chuyển đổi gần 3.500 m2 đất trồng lúa, tỉa lạc hiệu quả kinh tế không cao sang nuôi tôm".

Do ở chỉ cách bờ biển khoảng 200m, gia đình chị Thuận đã vay ngân hàng và người thân với số tiền lên đến gần 3 tỉ đồng để đầu tư xây dựng 7 bể nuôi tôm. Tuy nhiên, việc nuôi tôm tự phát, manh mún, nhỏ lẻ và chưa có nhiều kinh nghiệm nên đã không đạt hiệu quả kinh tế như kỳ vọng ban đầu. Tôm lứa được, lứa mất trắng vì dịch bệnh… Đến nay, sau 6 năm, gia đình chị vẫn chưa thu lại được nguồn vốn đầu tư trước đó. “Gia đình tôi cũng như các hộ dân đang nuôi tôm ở đây cũng ý thức được việc nuôi tôm hiện tại là trái phép nhưng nếu không gắn với con tôm thì chúng tôi cũng không biết làm gì để mưu sinh. Hồi đầu năm, chính quyền địa phương đã vào cuộc tuyên truyền, vận động nên gia đình đã tháo dỡ 4 bể, còn lại 3 bể vẫn đang tiếp tục nuôi. Trước đây, việc nuôi tôm đều lấy nước biển vào và thải trực tiếp ra biển, nhưng mới đây, gia đình đã đầu tư mấy trăm triệu đồng xây dựng hệ thống bể lắng, hạn chế nước thải ra môi trường. Giờ chỉ mong muốn chính quyền tạo điều kiện làm thêm vài vụ nữa để thu hồi lại tiền vốn đã đầu tư, thoát khỏi cảnh nợ nần!”, chị Lê Thị Thuận chia sẻ.

Không có sẵn đất như gia đình chị Thuận nhưng nghe nói nuôi tôm thẻ chân trắng mang lại lợi nhuận kinh tế cao, năm 2016, gia đình ông Lê Trọng Lương, phường Hải Hòa đã thuê lại diện tích đất trồng cây lâu năm của người dân để đầu tư xây dựng 8 bể nuôi tôm với tổng chi phí hàng tỷ đồng. Tuy nhiên, cũng giống như nhiều hộ dân nuôi tôm tự phát khác, năng suất và sản lượng các năm không ổn định, bấp bênh, năm được năm không. Hiện tại, gia đình ông Lương đã tháo dỡ được 4 bể nuôi tôm, còn lại 4 bể vẫn đang tiếp tục nuôi với hi vọng “gỡ được tí nào hay tí đó!”.

Để chấn chỉnh tình trạng khu nuôi tôm tự phát trái phép, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo, UBND thị xã Nghi Sơn tuyên truyền, vận động các hộ tự tháo công trình vi phạm, trả lại hiện trạng, kiên quyết xử lý dứt điểm trường hợp vi phạm. Tại phường Hải Hòa đã phá dỡ 5 bể, còn lại 6 bể nuôi tôm. Phường Ninh Hải còn 6 hộ nuôi tôm, hiện các hộ dân có bể nuôi tôm trái phép đã được ký cam kết tự tháo dỡ trước ngày 28/2, đối với các xã, phường còn lại cũng cam kết tháo dỡ công trình vi phạm theo quy định.

UBND thị xã Nghi Sơn cũng giao đội kiểm tra quy tắc xây dựng chủ trì, phối hợp với UBND các xã, phường, các phòng ban chuyên môn thường xuyên kiểm tra, xử lý các trường hợp xây dựng trái phép trên địa bàn thị xã theo quy định.

Theo số liệu thống kê từ Đội kiểm tra quy tắc xây dựng thị xã Nghi Sơn, đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn thị xã có 14 trường hợp nuôi tôm trái phép trên đất rừng và đất trồng cây lâu năm; trong đó, đơn vị đã phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền và tháo dỡ 3 trường hợp, còn lại 11 trường hợp. Bên cạnh đó, trên địa bàn thị xã còn 28 trường hợp là các doanh nghiệp, công ty được Nhà nước cho thuê đất để thực hiện dự án khu dịch vụ chế biến hải sản, dịch vụ thương mại… nhưng đã sử dụng đất không đúng mục đích, tổ chức nuôi tôm trái phép. Theo đó, chính quyền và các lực lượng chức năng đã kiên quyết vào cuộc tháo dỡ 3 trường hợp, còn lại 25 trường hợp vẫn đang tiếp tục nuôi trái phép. “Hiện các xã, phường đã tháo dỡ cơ bản, còn lại bà con cam kết sẽ dừng nuôi tôm và tháo dỡ trong thời gian tới, nếu các hộ không thực hiện sẽ cưỡng chế!”, ông Lê Duy Nhân, đội phó - đội kiểm tra quy tắc xây dựng thị xã Nghi Sơn cho biết.

NGUYỄN LINH

Ý kiến bạn đọc