Cần cái “bắt tay” giữa nhà xuất bản và thư viện trong bảo vệ bản quyền và phát triển tài nguyên thông tin

VHO - Thư viện và xuất bản có mối quan hệ gắn kết trong quá trình hình thành và phát triển, phần lớn tài nguyên chính của hệ thống thư viện là sản phẩm của xuất bản. Luật Thư viện đã có quy định cụ thể về phát triển thư viện số, đây là một xu hướng phát triển phù hợp với công nghệ số, phù hợp với yêu cầu chuyển đổi phương thức hoạt động của xuất bản, thư viện trong việc đưa sách đến người dân, khắc phục được vấn đề về không gian, thời gian, phương tiện phục vụ... Tuy nhiên, để triển khai được nhiệm vụ phát triển hoạt động thư viện trong yêu cầu chuyển đổi số còn có nhiều vấn đề cần giải quyết, trong đó yếu tố quan trọng đầu tiên là sự hợp tác giữa các nhà xuất bản và thư viện trong thực hiện quyền tác giả và phát triển tài nguyên thông tin.

Cần cái “bắt tay” giữa nhà xuất bản và thư viện trong bảo vệ bản quyền và phát triển tài nguyên thông tin - Anh 1

Sự hợp tác giữa nhà xuất bản và thư viện có vai trò thiết yếu trong việc thực hiện quyền tác giả và phát triển tài nguyên thông tin

Tăng cường tri thức và sự hiểu biết trong cộng đồng

Hiện nay, với sự phát triển nhanh chóng của thư viện số và nguồn tài nguyên truy cập mở đã đem lại nhiều lợi ích, tạo cơ hội tiếp cận các nguồn thông tin và tài liệu cho người sử dụng một cách dễ dàng, thuận lợi, không bị cản trở bởi thời gian, không gian và khoảng cách địa lý. Tuy nhiên, trong khi nhu cầu tin của người sử dụng ngày một cao thì nguồn tài chính của các thư viện lại hạn hẹp, thư viện chưa thể đáp ứng nhu cầu của người sử dụng. Vì vậy, giải pháp hữu hiệu cho các thư viện hiện nay là sự hợp tác với các nhà xuất bản nhằm chia sẻ tài nguyên thông tin để phát huy tối đa những lợi thế và lấp đầy khoảng trống về tài nguyên thông tin của mỗi thư viện.

Sự hợp tác giữa nhà xuất bản và thư viện có vai trò thiết yếu trong việc thực hiện quyền tác giả và phát triển tài nguyên thông tin thông qua việc cùng nhau phát triển các chương trình như: Cung cấp sách giấy, sách ebook và tài liệu tham khảo... cho mục đích học tập và nghiên cứu, bảo đảm rằng quyền tác giả không bị vi phạm.

Bên canh đó, thư viện giúp quảng bá các tác phẩm mới thông qua các chương trình như triển lãm sách, các buổi đọc sách và thảo luận nhằm lan tỏa văn hóa đọc đến với cộng đồng, đồng thời làm tăng khả năng tiếp cận của công chúng đối với tác phẩm mới của nhà xuất bản. Nhà xuất bản có thể nhận được phản hồi từ người dùng thông qua thư viện, giúp nhà xuất bản hiểu hơn về thị trường, nhu cầu độc giả từ đó điều chỉnh chiến lược xuất bản sao cho phù hợp.

Để việc hợp tác giữa hai bên đạt hiệu quả tốt, nhà xuất bản phải cung cấp Cơ sở dữ liệu điện tử như sách điện tử (e-book) và hợp tác với thư viện để triển khai các nền tảng trực tuyến cho phép người dùng thư viện truy cập vào tài nguyên thông tin từ xa. Giúp độc giả sử dụng gói mọi lúc, mọi nơi, không bị giới hạn địa điểm. Cập nhật tài liệu mới nhanh và liên tục. Từ đó, hai bên có thể cùng nhau làm việc để đảm bảo rằng tài nguyên được sử dụng theo cách tuân thủ luật bản quyền, ví dụ, thông qua việc giáo dục công chúng về quyền tác giả và các vấn đề liên quan đến bản quyền.

Qua mỗi hoạt động chung, cả nhà xuất bản và thư viện đều cung cấp giá trị bổ sung cho nhau, đồng thời hướng tới mục tiêu chung là tăng cường tri thức và sự hiểu biết trong cộng đồng thông qua việc sử dụng có trách nhiệm và hiệu quả nguồn tài nguyên thông tin.

Phó Cục trưởng Cục Xuất bản In và Phát hành (Bộ TTTT) Nguyễn Ngọc Bảo khẳng định, việc liên thông chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan quản lý, các thư viện, các nhà xuất bản, doanh nghiệp phát hành cần phải đồng bộ, tránh sự chia cắt. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là sản phẩm của xuất bản trong yêu cầu chuyển đổi số là sách điện tử, sách số theo các định dạng, tiêu chuẩn riêng của xuất bản thì việc khai thác sử dụng của hệ thống thư viện sẽ thế nào? Vấn đề bản quyền đối với phát triển thư viện số được quy định trong Luật Thư viện, Chiến lược chuyển đổi số trong hoạt động thư viện sẽ đặt ra vấn đề gì về tính pháp lý? Đây là vấn đề vướng mắc chung đối với cả xuất bản và thư viện, nếu không tháo gỡ được thì việc đầu tư cho thư viện số sẽ không phát triển hiệu quả thời gian tới.

Cần cái “bắt tay” giữa nhà xuất bản và thư viện trong bảo vệ bản quyền và phát triển tài nguyên thông tin - Anh 2

Thư viện giúp quảng bá các tác phẩm mới thông qua các chương trình như triển lãm sách

“Thư viện số đối với các nước không mới vì điều kiện, cách tiếp cận với dịch vụ công nghệ mới đã phát triển trước chúng ta một giai đoạn dài, còn với Việt Nam đây mới là điểm xuất phát, để xây dựng và phát triển được “thư viện số và cung cấp dịch vụ thư viện số” là cả một vấn phức tạp, ràng buộc nhiều quy định của pháp luật liên quan”, ông Nguyễn Ngọc Bảo nhấn mạnh, đồng thời cho biết thực tế cho thấy, không có một thư viện nào có đủ kinh phí để bổ sung tất cả các nguồn tài nguyên dưới dạng in cũng như nguồn tài nguyên số để đáp ứng nhu cầu của người sử dụng. Trong khi, sản phẩm chủ yếu của thư viện là sách, tài liệu vì vậy vấn đề đặt ra trong việc xây dựng thư viện số và cung cấp dịch vụ thư viện số là bản quyền. Đây là nguyên tắc để bảo vệ quyền sở hữu của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, nhà xuất bản. Chính vì vậy, việc cần thiết và cấp bách trong giai đoạn hiện nay là phải có sự hợp tác chặt chẽ giữa thư viện và các nhà xuất bản, đơn vị làm sách.

Hợp tác để đảm bảo tài nguyên được sử dụng theo cách tuân thủ luật bản quyền

Tài nguyên thông tin là một trong bốn thành tố quan trọng nhất đối với thư viện, những năm gần đây hầu hết các thư viện đều tăng cường hoạt động phát triển nguồn tài nguyên thông tin điện tử (số).

Đại diện Thư viện Khoa học Tổng hợp TP.HCM cho biết, Thư viện Khoa học Tổng hợp (Thư viện) đã bắt đầu chương trình số hóa tài liệu từ năm 1998, đến nay Thư viện đã thành lập một bộ phận Chuyển dạng tài liệu trực thuộc phòng Kỹ thuật công nghệ. Thư viện xác định số hóa tài liệu là một trong những công tác trọng tâm trong kế hoạch từng năm; theo kế hoạch năm Thư viện số hóa và xử lý hoàn tất khoảng 250.000 - 300.000 trang/năm, được chọn trong vốn tài liệu quý hiếm của Thư viện.

Trong năm 2023, áp dụng mục e Khoản 1 Điều 25 theo Luật số 07/2022/QH15 ngày 16.6.2022 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, có hiệu lực kể từ ngày 01.01.2023, Thư viện đang có kế hoạch số hóa tài liệu độc bản hiện còn thời gian bảo hộ quyền tác giả, nhằm phục vụ bạn đọc theo quy định số lượt truy cập đồng thời bằng số bản vật lý hiện có tại Thư viện.

Ngoài ra, Thư viện thực hiện các bộ sưu tập số với các nhà nghiên cứu, đơn vị khi được phép, như: Bộ sưu tập số về nông nghiệp phục vụ Chương trình Nông thôn mới: thực hiện số hóa 56.717 trang/235 tài liệu về nông nghiệp tại Viện Cây Ăn quả miền Nam và Viện Lúa Đồng Bằng Sông Cửu Long; số hóa 2.000 tài liệu về nghiên cứu âm nhạc dân tộc của cố Giáo sư Trần Văn Khê (chuyển dạng phim analog sang digital), đây là vốn tài liệu quý giá về âm nhạc dân tộc do giáo sư thực hiện trong thời gian giảng dạy và làm việc tại Pháp; số hóa bộ 177 Bản đồ về Hoàng Sa và Trường Sa của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu; số hóa 700 nhan đề (tư liệu, hình ảnh) về cuộc đời hoạt động của cố Luật sư Nguyễn Hữu Thọ (do gia đình cung cấp)...

Cần cái “bắt tay” giữa nhà xuất bản và thư viện trong bảo vệ bản quyền và phát triển tài nguyên thông tin - Anh 3

Tài nguyên thông tin là một trong bốn thành tố quan trọng nhất đối với thư viện

Cũng theo đại diện Thư viện Khoa học Tổng hợp TP.HCM, tài nguyên thông tin hiện lưu giữ tại Thư viện Khoa học Tổng hợp rất đa dạng, phong phú. Do đó, để đáp ứng nhu cầu đọc của bạn đọc, đồng thời tuân thủ Luật Sở hữu trí tuệ Thư viện đã áp dụng hình thức phục vụ bạn đọc theo từng nhóm tài liệu số. Cụ thể, hình thức phục vụ bạn đọc không vi phạm bản quyền đối với nhóm tài liệu số đã được xuất bản thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 (gồm sách, báo tạp chí) sẽ được phục vụ rộng rãi, trong một số trường hợp về nội dung tài liệu này chỉ cho phép đọc hạn chế; tài liệu được chủ sở hữu là tác giả cho phép Thư viện sử dụng là tài liệu Hán Nôm gồm tuồng cổ, văn học, lịch sử, y học, sắc phong, chế phong, văn bản hành chánh xưa... Với tài liệu sắc phong, chế phong... của gia đình dòng họ chỉ phục vụ các nhà nghiên cứu hạn chế tại Thư viện; sản phẩm thông tin do Thư viện tạo ra là bài trích, thư mục chuyên đề, tài liệu nội sinh do Thư viện xuất bản được phục vụ rộng rãi qua internet.

Hình thức phục vụ cần tuân thủ Luật Bản quyền là tài liệu số, cơ sở dữ liệu số được Thư viện bổ sung hàng năm từ các nhà xuất bản, nhà cung cấp; cơ sở dữ liệu bổ sung theo Liên hiệp bổ sung nguồn lực tập trung...; tài liệu số do Thư viện số hóa sách độc bản hoặc sưu tầm còn thời hạn áp dụng Luật Bản quyền; bản tóm tắt đối với luận án tiến sĩ, trong trường hợp bạn đọc có nhu cầu đọc toàn văn cần đến Thư viện khai thác.

Theo ông Nguyễn Ngọc Bảo, với sự phát triển của internet và công nghệ số hóa đã mở rộng khả năng truy cập tới các nguồn tài nguyên thông tin dạng số vượt không gian và thời gian. Với hoạt động thư viện công cộng, số hóa tài liệu và từng bước xây dựng thư viện số là một trong những nhiệm vụ quan trọng của công tác chuyển đổi số lĩnh vực thư viện, tài liệu số mở rộng khả năng truy cập và chia sẻ tài nguyên thông tin phục vụ mục đích học tập, nghiên cứu và giải trí của cộng đồng.

“Cần có sự đàm phán và hợp tác giữa thư viện với các nhà xuất bản, để từ đó các nhà xuất bản sẽ cung cấp cho thư viện một bản copy điện tử để phục vụ lưu trữ lâu dài, bên cạnh chính sách truy cập theo thời gian của gói tài liệu thư viện mua” ông Bảo nói.

MINH HÀ

Ý kiến bạn đọc