Khoảng trống trong chăm sóc sức khỏe tâm thần trẻ em (Bài 2): Tư vấn tâm lý học đường có vai trò thế nào?

VHO- Là thành tố hàng đầu tác động đến sức khỏe tâm thần (SKTT) của giới trẻ, trường học đóng vai trò cốt yếu trong việc thúc đẩy sự phát triển tâm trí, cảm xúc xã hội và đạo đức của học sinh. Bên cạnh đó, môi trường học đường cũng giúp nâng cao SKTT, hỗ trợ và dự phòng các vấn đề về tâm sinh lý cho các em. Mới đây, tư vấn học sinh đã trở thành vị trí chính thức trong các trường học, tuy nhiên, nhiều trường vẫn còn phải bố trí giáo viên, cán bộ kiêm nhiệm…

Khoảng trống trong chăm sóc sức khỏe tâm thần trẻ em (Bài 2): Tư vấn tâm lý học đường có vai trò thế nào? - Anh 1

 Một cảnh bạo lực học đường trong phim ngắn “Mộng” của học sinh Trường THPT chuyên Sư phạm

 Nơi nâng cao SKTT của học sinh

Trong cuộc đời mỗi con người, giai đoạn từ khi sinh ra đến khi trưởng thành đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Đây là quãng đời mà ai cũng gắn bó mật thiết với trường học, thầy cô, bạn bè... Mọi vấn đề phát sinh từ môi trường học đường đều ảnh hưởng đến SKTT của các em theo chiều hướng tích cực hoặc tiêu cực. Đội ngũ giáo viên (bao gồm cả cán bộ quản lý nhà trường, nhân viên) cũng ảnh hưởng trực tiếp theo các mức độ khác nhau đến học sinh. Ví dụ, thái độ thân thiện của thầy hiệu trưởng, sự quan tâm của cô giáo chủ nhiệm đến từng học sinh trong lớp, thậm chí là sự quan sát của nhân viên bảo vệ (nhằm phát hiện ra những hành vi bất thường của học sinh như gây gổ, đánh nhau…) đều là những tiền đề tốt cho một trường học thân thiện.

Các chuyên gia tâm lý và giáo dục chỉ ra rằng, nhà trường chính là nơi có chức năng và cơ hội để nâng cao SKTT của học sinh bởi nhiều lý do. Trong đó, SKTT của các em có liên quan tới thành tích học tập, sự gắn kết với trường học, động cơ học tập… Hơn nữa, chương trình học tập tại trường cũng rất chú trọng vào sự phát triển tâm trí và cảm xúc xã hội, giúp học sinh cải thiện thái độ và thành tích học tập. Trường học gắn với thời kỳ phát triển quan trọng nhất của con người, do vậy, đây là nơi lý tưởng để triển khai các biện pháp can thiệp nâng cao SKTT cho học sinh.

Việc tăng cường các yếu tố bảo vệ học sinh tại trường học giúp làm giảm các nguy cơ và hậu quả đối với trẻ dễ bị tổn thương. Trường còn là môi trường thân thiện và ít kỳ thị hơn đối với học sinh cần được hỗ trợ so với bệnh viện và các cơ sở y tế. Các hành vi sức khỏe tích cực (ăn uống lành mạnh, hoạt động thể chất…) học được từ nhà trường giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của các em sau này. Mối quan hệ thầy trò và bạn bè được hình thành từ trường học là yếu tố bảo vệ và hỗ trợ đối với học sinh hiệu quả.

Bên cạnh đó, việc nhà trường đưa thêm và tăng cường các hoạt động mang tính tích cực như sinh hoạt ngoại khóa, hoạt động Đoàn, Đội, vui chơi giải trí, tăng cường thêm nhiều tương tác sôi nổi sẽ giảm khả năng học sinh sa vào những hoạt động tiêu cực.

Khoảng trống trong chăm sóc sức khỏe tâm thần trẻ em (Bài 2): Tư vấn tâm lý học đường có vai trò thế nào? - Anh 2

 Áp lực học hành ảnh hưởng đến SKTT của học sinh

Tư vấn học sinh đã có vị trí chính thức trong trường học

Trao đổi về việc giải quyết tận gốc rễ vấn đề SKTT học sinh, vấn đề bạo lực học đường, ThS Nguyễn Viết Hiền, Giảng viên Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội nêu quan điểm: Để xây dựng trường học hạnh phúc, vị trí việc làm tâm lý học đường trong trường học là rất cần thiết. Tại Thông tư 31/2017/TT-BGDĐT ngày 18.12.2017 về Hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông đã nêu ra những quy định chung, nội dung và hình thức thực hiện công tác tư vấn tâm lý, điều kiện đảm bảo thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh và tổ chức thực hiện. Sau khi Thông tư ra đời, rất nhiều trường phổ thông đã thành lập Tổ tư vấn, hỗ trợ học sinh. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được thì còn tồn tại không ít hạn chế như một số cán bộ quản lý các đơn vị trường học chưa nhận thức được vai trò quan trọng của tư vấn tâm lý, nên vẫn còn tình trạng học sinh gặp khó khăn chưa được kịp thời hỗ trợ. Hoạt động tuyên truyền tại nhiều địa phương chưa phong phú; một số trường chưa bố trí được phòng tư vấn riêng, hoặc bố trí ở những khu vực chưa phù hợp. Đội ngũ giáo viên làm công tác tư vấn tâm lý hầu hết làm kiêm nhiệm, kỹ năng tư vấn còn nhiều hạn chế, học sinh chưa thật sự mạnh dạn, chủ động trong việc tự nguyện đề xuất được tư vấn…

Thực tế vẫn còn một số trường chưa thành lập Tổ tư vấn, hỗ trợ học sinh; có trường tuy đã thành lập nhưng lại không có nhân sự chuyên trách, vì thế chưa phát hiện kịp thời những trường hợp cần hỗ trợ, chưa hỗ trợ liên tục và sát sao với các học sinh có nhu cầu. Hơn nữa, cán bộ giáo viên kiêm nhiệm dù rất quan tâm học sinh, nhưng lại không được đào tạo bài bản nên kỹ năng đánh giá, thu thập thông tin và làm việc với học sinh còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu công việc.

Do đó, vị trí việc làm tâm lý học đường (cán bộ chuyên trách) trong trường học là rất cần thiết. Bởi lẽ, nhân sự được đào tạo bài bản sẽ có đủ kiến thức chuyên môn để hỗ trợ học sinh; chuyên tâm với công việc để phát hiện và hỗ trợ kịp thời các em có nhu cầu, đồng thời họ cũng triển khai các chương trình phòng ngừa, xây dựng mạng lưới hỗ trợ, kết nối các bên liên quan nhằm hỗ trợ tốt nhất cho trẻ.

Trước vấn đề cấp thiết của công tác tư vấn học đường, mới đây, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư 20/2023/TT-BGDĐT thay thế Thông tư 16/2017/TT-BGDĐT hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu chức danh nghề nghiệp, định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Theo đó, mỗi trường học, từ cấp tiểu học đến THPT được bố trí 1 người vào vị trí việc làm tư vấn học sinh. Trường hợp không bố trí được biên chế thì ký hợp đồng lao động hoặc bố trí giáo viên kiêm nhiệm.

Trong bối cảnh các vấn đề tâm lý học sinh ngày càng phức tạp, tác động xã hội đến môi trường học ngày càng lớn, hàng loạt vụ bạo lực học đường diễn ra trên cả nước gây bức xúc trong dư luận, vấn đề cần có nhân viên tư vấn học sinh càng được đặt ra bức thiết hơn. Vì vậy, việc Bộ GD&ĐT chính thức đưa nhân viên tư vấn học sinh vào danh sách vị trí việc làm được kỳ vọng sẽ giúp các em có kênh hỗ trợ tâm lý, giảm bớt các vấn đề tiêu cực trong trường học. Đây cũng là lần đầu tiên các trường công lập của Việt Nam có nhân viên tư vấn tâm lý cho học sinh.

Dù hiện nay nhiều trường vẫn chưa thể có ngay nhân viên tư vấn học đường, nhưng với nguồn nhân lực của ngành GD&ĐT trong các trường Sư phạm (một năm khoảng 9.000 nhân lực và đào tạo tăng cường) thì vị trí này hoàn toàn có thể đáp ứng.

 Theo Tổ chức Y tế Thế giới, các vấn đề sức khỏe tâm thần đang ngày càng trở nên phổ biến hơn trên toàn cầu. Hơn một thập kỷ qua, vấn đề sức khỏe tâm thần đã tăng thêm 13%; khoảng 20% trẻ em và thanh thiếu niên có vấn đề về sức khỏe tâm thần; tự tử là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ hai trong nhóm dân số 15-29 tuổi. Tại Việt Nam, các vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần cũng gia tăng nhanh chóng, trong đó có nhóm tuổi học sinh. Mặc dù vậy, vấn đề này ở nước ta vẫn chưa được chú trọng.

 

QUỲNH HOA - HOÀNG HƯƠNG

(Còn nữa)

Ý kiến bạn đọc