Hướng đến Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam: Khơi thông nguồn lực phát triển công nghiệp văn hóa

VHO- Ông Lê Minh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTTDL) thông tin, theo chương trình, tại Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trìdiễn ra vào trung tuần tháng 12 tới, nhiều giải pháp về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam sẽ được đưa ra. Trong đó, vấn đề “làm gìđể khơi thông nguồn lực phát triển các ngành công nghiệp văn hóa?” là một trong những nội dung được tập trung thảo luận kỹ lưỡng.

Hướng đến Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam: Khơi thông nguồn lực phát triển công nghiệp văn hóa - Anh 1

Cần “khơi thông” nguồn lực để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam Ảnh: Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội

 Hội nghị “Diên Hồng” hiến kế phát triển công nghiệp văn hóa

Hội nghị nhằm cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam được đưa ra tại các Nghị quyết, Đề án và văn bản có liên quan. Đây cũng là dịp tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Quyết định số 1755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; đánh giá thực trạng việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa hiện nay; xác định những khó khăn, vướng mắc cũng như đề xuất các giải pháp tháo gỡ nhằm thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong thời gian tới.

Hội nghị giúp nâng cao nhận thức, tăng cường sự liên kết, hợp tác, phối hợp giữa các Bộ, ngành có liên quan, cơ quan quản lý nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể nhân dân cùng chung tay đưa các ngành công nghiệp văn hóa trở thành một trong những trụ cột kinh tế của đất nước. Đồng thời, xác định phương hướng xây dựng Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; xác định mục tiêu, nhiệm vụ phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong thời gian tới, đặc biệt giai đoạn từ nay đến năm 2030; nghiên cứu bổ sung cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp với tình hình mới. Trong đó, tập trung hỗ trợ sản xuất các sản phẩm, dịch vụ mà Việt Nam có tiềm năng phát triển mạnh, mang nhiều giá trị Việt, có khả năng quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới.

Ý kiến của các đại biểu tại Hội nghị sẽ được tiếp thu, tổng hợp để tham mưu Chính phủ ban hành “Nghị quyết về nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam”.

Kỳ vọng “khơi thông” nguồn lực

Ông Lê Minh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTTDL) cho biết, việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đồng ý giao Bộ VHTTDL chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành tổ chức Hội nghị đã thể hiện vai trò, tầm quan trọng trong định hướng, mục tiêu phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Hội nghị được ví như “Hội nghị Diên Hồng” để hiến kế phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong tương lai. Dưới sự chỉ đạo sát sao của Bộ trưởng Bộ VHTTDL, Bộ đang tích cực phối hợp triển khai các công tác chuẩn bị cho Hội nghị. Cục Bản quyền tác giả - đơn vị được giao nhiệm vụ tham mưu, giúp việc - đang khẩn trương thực hiện xây dựng kế hoạch, dự thảo báo cáo trung tâm cũng như báo cáo chuyên đề phục vụ Hội nghị.

Ông Lê Minh Tuấn nhấn mạnh, việc một Hội nghị về phát triển công nghiệp văn hóa lần đầu được tổ chức, do đích thân Thủ tướng Chính phủ chủ trì sẽ có tác động và sức lan tỏa mạnh mẽ, tích cực đến toàn xã hội. Hội nghị sẽ có những đánh giá trực diện, khách quan về kết quả, tình hình thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa từ năm 2016 đến nay. Đặc biệt, Hội nghị sẽ đưa ra những phương hướng, giải pháp cụ thể hơn về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa để các Bộ, ngành, tổ chức, cá nhân sáng tạo có cái nhìn tổng thể về phát triển công nghiệp văn hóa trong giai đoạn tiếp theo.

“Các nội dung được lựa chọn sẽ được thảo luận sâu, kỹ và tìm ra những giải pháp hướng đến mục tiêu thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam; đảm bảo phát huy vai trò của nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và khơi thông nguồn lực phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong bối cảnh nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng; chú ý đến giải pháp tăng cường đóng góp vào GDP, phát triển kinh tế - xã hội của các ngành công nghiệp văn hóa… Cùng với đó, thông qua Hội nghị, các cơ quan quản lý nhà nước cần tham mưu những chính sách, đề án, dự án để kịp thời động viên, khen thưởng các tổ chức, đơn vị và cá nhân có nhiều sáng tạo, đóng góp cho mục tiêu phát triển các ngành công nghiệp văn hóa những năm vừa qua và thời gian tới. Các giải pháp được đưa ra lần này sẽ đều là những giải pháp căn cơ, mang tính thực tiễn cao, phù hợp với định hướng phát triển công nghiệp văn hóa của Đảng, Nhà nước ta”, ông Lê Minh Tuấn nhấn mạnh.

Đánh giá cao việc tổ chức Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, GS.TS Từ Thị Loan (Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam) nhận định, đã 7 năm kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định 1755/QĐ-TTg, dù xuất hiện nhiều tín hiệu tích cực nhưng vẫn còn đó những “khoảng trống” trong phát triển công nghiệp văn hóa. Vấn đề hoàn thiện cơ chế, chính sách, bố trí nguồn lực phát triển, tạo dựng cơ sở dữ liệu, công cụ đo lường tốc độ tăng trưởng các ngành công nghiệp văn hóa, bản quyền trong phát triển công nghiệp văn hóa… cần được quan tâm hơn nữa. Hội nghị lần này sẽ là dịp để các cơ quan liên quan nhìn nhận rất nhiều vấn đề và đưa ra các giải pháp cụ thể để khắc phục.

“Chúng ta cần thẳng thắn nói rằng, chiến lược đã có nhưng khi triển khai thực hiện lại không dành ưu tiên nguồn lực cho phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Trong khi đây là những ngành có đóng góp lớn vào sự tăng trưởng kinh tế - xã hội. Hội nghị lần này phải đi vào thảo luận rất cụ thể, nêu rõ trách nhiệm, giải pháp của từng Bộ, ngành, địa phương để phát triển công nghiệp văn hóa. Ngoài ra, kinh nghiệm của các nước như Hàn Quốc, Thái Lan… trong phát triển công nghiệp văn hóa cần được đưa ra tại Hội nghị để nghiên cứu, học hỏi và áp dụng phù hợp với thực tế nước nhà”, GS.TS Từ Thị Loan khẳng định.

GS.TS Từ Thị Loan cũng mong muốn khi kết thúc Hội nghị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành kết luận theo hướng nêu rõ nhiệm vụ của từng bên để phát triển công nghiệp văn hóa. Kết luận cũng cần nhấn mạnh các giải pháp liên quan đến hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp văn hóa; cơ chế hợp tác công tư; đưa ra công cụ đo lường tốc độ tăng trưởng các ngành công nghiệp văn hóa hay thậm chí là tính đến phương án thành lập những quỹ hỗ trợ phát triển các ngành công công nghiệp văn hóa, mang tính chất “vốn mồi”. 

ĐÌNH TOÁN

Ý kiến bạn đọc