Hướng đến Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam: Tạo “cú hích” để công nghiệp văn hóa cất cánh

VHO - Tiếp nối những thành công trong phát triển công nghiệp văn hóa, Bộ VHTTDL đã chủ động tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nhận được sự đồng ý tổ chức Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Theo chương trình, Hội nghị do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì, dự kiến diễn ra vào trung tuần tháng 12 tới đây. Được ví như “Hội nghị Diên Hồng” hiến kế phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, sự kiện này sẽ giúp đưa ra những giải pháp cốt lõi, mang tính đột phá để tạo đà cho văn hóa Việt Nam cất cánh trong thời gian tới.

Hướng đến Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam: Tạo “cú hích” để công nghiệp văn hóa cất cánh - Anh 1

 Phát trin các ngành công nghip văn hóa thc s đáp ng nhu cu, nguyn vng ca nhân dân và thc tin ca cuc sng nh tư liệu

Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam là sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa nước nhà.

Sau gần 10 năm phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đi đôi với hoàn thiện thị trường văn hóa, và gần 8 năm thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Hội nghị là thời điểm chúng ta kiểm điểm lại những gì đã làm được và chưa làm được; từ đó vạch ra lộ trình mới cho sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở nước ta.

Ngay từ khi xây dựng chiến lược, chúng ta đã đặt ra nhiều tham vọng. Đứng trước thách thức của sự xâm lăng văn hóa, nhập siêu các sản phẩm văn hóa dẫn đến nguy cơ đánh mất bản sắc văn hóa dân tộc, ảnh hưởng tiêu cực đến lối sống, sự phát triển nhân cách con người Việt Nam, sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đã giúp chúng ta thực thi tốt tinh thần Công ước 2005 về bảo vệ và phát huy các biểu đạt đa dạng văn hóa của UNESCO trong nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia về văn hóa; tạo ra những sản phẩm văn hóa, nghệ thuật của người Việt Nam, cho người Việt Nam và vì người Việt Nam. Đồng thời, khắc phục những hạn chế trong tổ chức, quản lý hoạt động văn hóa, hình thành nên những không gian sáng tạo, kích thích sự thăng hoa của các tài năng văn hóa nghệ thuật của đất nước. Qua đó, nâng cao sức đề kháng về văn hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa đang đe dọa nền văn hóa của nhiều quốc gia trên thế giới.

Chúng ta có thể thấy sức ảnh hưởng của làn sóng văn hóa Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ… đến Việt Nam. Các ban nhạc BTS, BlackPink (Hàn Quốc) hay thậm chí chỉ một ca sĩ như Taylor Swift cũng đã tạo ra tầm ảnh hưởng vượt quá cả một ngành kinh tế. Tôi còn nhớ, ngày 21.9.2021, tại phiên họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc lần thứ 76 tại New York (Mỹ), với tư cách là đặc phái viên của Tổng thống Hàn Quốc về văn hóa và thế hệ tương lai, 7 thành viên của ban nhạc BTS đã truyền tải tiếng nói của thế hệ trẻ về thế giới trước, sau đại dịch Covid-19. Họ giới thiệu ca khúc Permission to dance để chào đón một thế giới thay đổi. Sự kiện được ghi hình tại trụ sở Liên Hợp Quốc và livestream trên toàn thế giới. Đó thực sự là câu chuyện truyền cảm hứng để chúng ta có thêm quyết tâm phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam.

Từ khi ban hành Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Đầu tiên là nhận thức về các ngành công nghiệp văn hóa đã đúng đắn và đầy đủ hơn. Giờ đây, công nghiệp văn hóa không còn là khái niệm xa lạ mà đã trở thành khát vọng, mong muốn của nhiều địa phương và của cả đất nước. Ngay ở diễn đàn Quốc hội, nhiều đại biểu cũng bày tỏ ý kiến mong muốn có những chính sách, giải pháp đột phá cho phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.

Không khí sáng tạo khởi nghiệp được lan tỏa ở mọi không gian, đặc biệt là ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng… Vừa qua, Hội An, Đà Lạt đã lần lượt tham gia vào Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, trở thành những “ngọn hải đăng” về sáng tạo trong khu vực Đông Nam Á. Các lễ hội, tuần lễ sáng tạo, thiết kế sáng tạo, không gian sáng tạo được tổ chức ở rất nhiều nơi. Gần đây nhất, Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 với khoảng 60 hoạt động hấp dẫn, trong đó có những hoạt động mới lạ, làm sống dậy di sản công nghiệp ở Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, Tháp nước Hàng Đậu, thu hút hơn 200.000 người tham gia, gây ấn tượng mạnh trong cộng đồng sáng tạo không chỉ ở Hà Nội, Việt Nam mà cả ở khu vực và trên thế giới.

Có lẽ, chưa bao giờ chúng ta lại thấy tinh thần sáng tạo mạnh mẽ và truyền cảm hứng đến như vậy. Đặc biệt hơn nữa là không khí và tinh thần ấy xuất phát từ chính cộng đồng, cá nhân nghệ sĩ và người dân. Như vậy, một lần nữa, quan điểm của Đảng và chính sách của Nhà nước về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa thực sự đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân và thực tiễn của cuộc sống.

Tuy nhiên, không phải tất cả đều đã thuận lợi cho sự phát triển của các ngành công nghiệp này. Nhiều Hội nghị, hội thảo, đặc biệt là hội thảo về thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa đã chỉ rõ những điểm nghẽn trong phát triển văn hóa nói chung, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa nói riêng. Đó là những chính sách, luật pháp trực tiếp liên quan đến văn hóa, nghệ thuật cần chuyển đổi sang công nghiệp văn hóa như Luật Điện ảnh (sửa đổi), hay luật về tài trợ, hiến tặng, cũng như các văn bản liên quan gián tiếp nhưng vô cùng quan trọng như về thuế, đất đai, đối tác công - tư, quản lý, sử dụng tài sản công... Việc thay đổi, hoàn thiện là để giúp thăng hoa tài năng sáng tạo của đất nước, khai thác tốt tiềm năng văn hóa của dân tộc, kết hợp hài hòa với công nghệ và kỹ năng kinh doanh để tạo ra những sản phẩm và dịch vụ văn hóa mang thương hiệu Việt Nam; tỏa sáng toàn cầu.

Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ chủ trì sẽ là cơ hội tuyệt vời để chúng ta đánh giá lại những thành công, thất bại, để từ đó hướng tới tương lai tốt đẹp hơn cho các ngành công nghiệp văn hóa nước nhà. Sự chung tay, trên dưới đồng lòng của Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương chắc chắn sẽ giúp công nghiệp văn hóa trở thành lĩnh vực đột phá mới cho sự phát triển bền vững đất nước, thực hiện khát vọng giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc của dân tộc. 

 Tp trung rà soát, đy nhanh tiến đ công tác chun b cho Hi ngh

Hướng đến Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam: Tạo “cú hích” để công nghiệp văn hóa cất cánh - Anh 2

 Toàn cnh bui làm việc

 Hôm qua 30.11, tại Hà Nội, Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTTDL) đã tổ chức buổi làm việc về công tác tổ chức Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Tham dự có lãnh đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ VHTTDL; đại diện các Bộ: Tài chính; Thông tin và Truyền thông; Công thương; Ngoại giao; Nông nghiệp và phát triển nông thôn; Giáo dục và Đào tạo…

Theo ông Trần Hoàng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý giao Bộ VHTTDL chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành tổ chức Hội nghị. Hiện tại, công tác chuẩn bị đang được thực hiện với tinh thần nghiêm túc, khẩn trương, đảm bảo chất lượng. Sau buổi làm việc, Cục Bản quyền tác giả sẽ tiếp tục lắng nghe những ý kiến nhằm hoàn thiện dự thảo báo cáo trung tâm cũng như báo cáo chuyên đề phục vụ Hội nghị.

Thảo luận tại buổi làm việc, các đại biểu đã cho ý kiến về chương trình, kịch bản điều hành, báo cáo tham luận… Đặc biệt, các đại biểu mong muốn Hội nghị sẽ nêu bật được tầm quan trọng của phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong bối cảnh đất nước hội nhập sâu rộng; cũng như đề ra được những giải pháp nhằm phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, tăng cường đóng góp của công nghiệp văn hóa vào GDP và phát triển kinh tế - xã hội.

Trước đó, Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã nhấn mạnh: Các ngành công nghiệp văn hóa là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Nhà nước sẽ tạo mọi điều kiện nhằm thu hút cao nhất các nguồn lực trong xã hội để phát triển công nghiệp văn hóa; khai thác tối đa yếu tố kinh tế của các giá trị văn hóa; đồng thời gắn phát triển công nghiệp văn hóa với quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam… Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 một lần nữa nhấn mạnh về tầm quan trọng của phát triển công nghiệp văn hóa trong xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Do đó, các đại biểu đề nghị cần đưa vào Hội nghị những nội dung bám sát định hướng phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam…

 ĐÌNH TOÁN

 

 BÙI HOÀI SƠN

Ý kiến bạn đọc