Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Định vị đúng vai trò của Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật​​​​​​​ (Bài cuối): Cần lắm một giải pháp tổng thể và dài hơi

Thứ Sáu 02/06/2023 | 11:32 GMT+7

VHO- Dù lực lượng sáng tạo VHNT luôn thống thiết: Chúng tôi mong có những “ngọn roi” phê bình “quất” thật mạnh để kích thích sáng tạo; nhà quản lý “than” thiếu trầm trọng người làm công tác lý luận phê bình, thì nghịch lý tài năng làm lý luận phê bình VHNT chuyên nghiệp như... sao buổi sớm và khó sống được bằng nghề vẫn đang diễn ra!

 Các tác giả và đại diện tác giả nhận tặng thưởng các tác phẩm lý luận, phê bình VHNT

 Làm gì để truyền lửa cho nhà lý luận phê bình VHNT có động lực? “Cú hích” nào để cho ra đời những tác phẩm lý luận phê bình xuất sắc? Bài toán khó cần lời giải lúc này là làm sao để đổi mới căn bản, toàn diện, khoa học về nhân tố con người và công tác xây dựng đội ngũ làm công tác lý luận, phê bình VHNT…

Nâng cao bản lĩnh của nhà lý luận, phê bình VHNT

NSND Lê Tiến Thọ cho rằng, giới lý luận phê bình VHNT dần thưa vắng bởi không có tổ chức nào đứng ra bảo vệ quyền lợi cho họ, khi họ cất lên tiếng nói. Ông chia sẻ: “Liệu các tờ tạp chí chuyên nghiệp, báo chí có thể trả nhuận bút gấp đôi, gấp ba cho những bài phê bình có chất lượng hay không? Tôi cho rằng việc mạnh dạn chi trả nhuận bút cao thể hiện sự trân trọng đối với nhà lý luận, phê bình và dĩ nhiên sẽ động viên họ có những bài viết xuất sắc hơn nữa”.

Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, nhạc sĩ Nguyễn Đức Trịnh đề nghị, cần có chính sách và quỹ quảng bá cho các tác phẩm VHNT, nhất là đội ngũ lý luận phê bình cũng là thành phần nòng cốt, giúp việc quảng bá và đưa thông tin về các tác phẩm VHNT được hiệu quả hơn. Chúng ta đang có hệ thống các đài truyền hình, đài phát thanh, các tạp chí VHNT, báo viết và báo điện tử... Cần tận dụng hệ thống truyền thông này để hỗ trợ việc quảng bá tác phẩm và có chính sách thiết thực, hiệu quả để các nhà lý luận phê bình VHNT gắn bó được với nghề.

Có một thực tế khác nữa là bản thân các nhà lý luận phê bình cũng bị “ế hàng” đối với báo chí vì cách viết không phù hợp, không hấp dẫn. Đã thế, họ còn là “kẻ chậm chân”. Sự phê bình “theo sau” của các nhà lý luận ít được chào đón bởi thiếu đi tính thời sự, bắt kịp với sự đổi mới. Sự chậm trễ cố hữu đang được thay thế bằng những cây bút xung kích của các nhà báo, nên ít ai nhận thấy sự thiếu vắng này. Tiếc là những cây bút “ngoại đạo” non tay lại chưa thể thay thế được đội ngũ lý luận, phê bình VHNT.

Hội đồng lý luận văn học nghệ thuật Trung ương đã nhiều năm nay “ngậm ngải tìm trầm”, hỗ trợ, động viên các nhà phê bình bằng cách trao giải thưởng, tổ chức lớp bồi dưỡng, hội thảo, tọa đàm để đưa ra những nhận xét đánh giá và giải pháp nhằm hướng tới mục tiêu lớn nhất là nâng cao chất lượng công tác lý luận phê bình VHNT trong tình hình mới. Tại Tọa đàm Đội ngũ lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Việt Nam hiện nay: Thực trạng và định hướng phát triển, nhiều giải pháp đã được các nhà nghiên cứu, lý luận, phê bình VHNT, các nhà lãnh đạo, quản lý văn hóa, văn nghệ sĩ đưa ra. Cùng với đó là những ý kiến đề cập đến chế độ, chính sách, hành lang pháp lý cho hoạt động lý luận, phê bình VHNT; cải tiến chế độ lương, nhuận bút, đãi ngộ tài năng, bồi dưỡng chuyên môn, ưu tiên trong tuyển sinh, đào tạo, giải quyết đầu ra cho sinh viên; tăng cường giáo dục, rèn luyện văn hóa phê bình, đạo đức nghề nghiệp và ý thức trách nhiệm của nhà nghiên cứu, phê bình VHNT, khắc phục các biểu hiện phi văn hóa…

 Hướng tới một nền phê bình văn học, nghệ thuật lành mạnh, khoa học, dân chủ, nhân văn

Để góp phần chấn hưng nền phê bình văn học, nghệ thuật Việt Nam hiện nay, nhiệm vụ cần đặc biệt quan tâm là sớm hoàn thành việc xây dựng hệ thống lý luận văn nghệ Việt Nam hiện đại, khoa học, đủ sức giải đáp những vấn đề đặt ra trong thực tiễn, như Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị khóa X và các văn kiện quan trọng của Ðảng đã đề ra. Mặc dù những khó khăn, thách thức trước mắt và lâu dài là không nhỏ, nhưng tôi tin với sự lãnh đạo đúng đắn của Ðảng, sự quản lý có hiệu quả của Nhà nước và nhất là tâm huyết, khát vọng chung của giới văn nghệ hướng tới một nền phê bình văn học, nghệ thuật lành mạnh, khoa học, dân chủ, nhân văn, đủ sức đồng hành cùng nhau và sự tin cậy của công chúng tiếp nhận, sẽ là nguồn sức mạnh, là cơ sở để chúng ta vượt lên khó khăn, thực hiện tốt sứ mệnh nghề nghiệp của mình, đạt những thành tựu mới. Với tinh thần đó, chúng ta hy vọng được đón nhận bước phát triển mới của hoạt động phê bình văn nghệ, góp phần tích cực thực hiện nhiệm vụ xây dựng văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.

(Trích phát biểu của Chủ tịch nước VÕ VĂN THƯỞNG tại Hội thảo Vai trò định hướng của phê bình trong hoạt động thực tiễn và sáng tạo VHNT hiện nay)

Tìm giải pháp phát triển cả về chất và lượng

Với vai trò cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực đào tạo VHNT, PGS.TS Lê Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ đào tạo (Bộ VHTTDL) cho biết, lãnh đạo Bộ đã nắm rõ thực trạng và những bất cập, hạn chế trong công tác phát triển đội ngũ lý luận, phê bình VHNT nước ta hiện nay. Các cơ sở đào tạo có chuyên ngành này đều gặp khó khăn ngay từ khâu tuyển sinh đầu vào, có những lĩnh vực phải dừng hoạt động vì không có thí sinh đăng ký.

Tổ chức gặp gỡ với báo chí, truyền thông sẽ giúp các cây bút theo dõi mảng VHNT có thêm tư liệu phong phú về lĩnh vực này

Theo PGS.TS Lê Anh Tuấn, Bộ VHTTDL đã và đang xây dựng các nghị định quy định về đào tạo đặc thù đối với các lĩnh vực VHNT, đặc biệt về công tác tuyển sinh và chế độ, chính sách đãi ngộ như: Đưa vào danh mục đặt hàng đào tạo các ngành hiếm, khó tuyển (nhóm ngành văn hóa - văn học, ngành mỹ thuật, nghệ thuật trình diễn). Bộ cũng đã hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng đội ngũ trí thức ngành văn hóa, thể thao và du lịch đến năm 2030”; Dự thảo Nghị định quy định về đào tạo các ngành nghề chuyên sâu đặc thù lĩnh vực nghệ thuật nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt, trong đó có chuyên ngành lý luận phê bình…

Tháng 5.2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định Phê duyệt Chương trình tổng thể về phát triển văn hóa Việt Nam giai đoạn 2023- 2025, trong đó có đào tạo, bồi dưỡng 100 chuyên gia, cán bộ chuyên môn về biên kịch, lý luận, phê bình, giám tuyển, giám định thuộc các lĩnh vực điện ảnh, mỹ thuật, nghệ thuật biểu diễn và cổ vật... Bộ cũng đang chỉ đạo Cục Nghệ thuật biểu diễn xây dựng Nghị định về chế độ, chính sách cho văn nghệ sĩ. PGS.TS Lê Anh Tuấn khẳng định, các văn bản quy phạm pháp luật, các đề án được triển khai thực hiện sẽ từng bước giải quyết những vấn đề cơ bản trong đời sống VHNT nói chung, đặc biệt là phát triển đội ngũ lý luận phê bình nói riêng. Tuy nhiên, để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, cơ quan quản lý nhà nước rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành, các cơ sở đào tạo, các đơn vị sử dụng nhân lực...; đầu tư đúng mức các nguồn lực, nhất là chế độ, chính sách lương, phụ cấp, nhuận bút, thù lao… cho hoạt động lý luận, phê bình VHNT.

Để khắc phục khoảng trống về đào tạo một thế hệ lý luận, phê bình VHNT trẻ, Hiệu trưởng ĐH Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Đình Thi cho rằng, cần khai thác nguồn nhân lực đang có và đầy tiềm năng từ lực lượng những học viên trình độ cao học ở các chuyên ngành đạo diễn, diễn viên, nhà quay phim... Khi tốt nghiệp, họ đã được trang bị đầy đủ kiến thức về lý luận và nghiên cứu khoa học, và đây chính là những hạt nhân có thể làm được công tác lý luận, phê bình.

Trong khi chờ đợi những bước chuyển về cơ chế, chính sách và điều kiện làm nghề, mong rằng các nhà phê bình hãy tiếp tục nuôi dưỡng và truyền ngọn lửa đam mê sáng tạo, phát huy trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân của mình để từng bước góp phần nâng cao tính chuyên nghiệp và chất lượng của công tác phê bình VHNT. Nhiệm vụ nặng nề ấy đòi hỏi họ cần tiếp tục dấn thân, am hiểu sâu sắc hơn nữa thực tiễn đời sống sáng tác đang vận động nhanh chóng và cực kỳ sôi nổi. 

 Tổ chức gặp gỡ với báo chí, truyền thông sẽ giúp các cây bút theo dõi mảng VHNT có thêm tư liệu phong phú về lĩnh vực này

 Để khắc phục khoảng trống về đào tạo một thế hệ lý luận, cần khai thác nguồn nhân lực đang có và đầy tiềm năng từ lực lượng những học viên trình độ cao học ở các chuyên ngành đạo diễn, diễn viên, nhà quay phim... Khi tốt nghiệp, họ đã được trang bị đầy đủ kiến thức về lý luận và nghiên cứu khoa học, và đây chính là những hạt nhân có thể làm được công tác lý luận, phê bình.

(Hiệu trưởng ĐH Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, PGS.TS NGUYỄN ĐÌNH THI)

THÚY HIỀN

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top