Người dân yên tâm có đủ thuốc chữa bệnh và đảm bảo thông tin liên lạc

VHO - Nhiều bệnh viện đã được “hồi sinh” vì mua sắm, đấu thầu được thuốc và vật tư y tế, mở ra cơ hội điều trị cho nhiều bệnh nhân; người dân vẫn liên lạc bình thường nếu thuê bao đã đăng ký chính chủ và có thông tin đầy đủ, chính xác,… Đó là hai trong những vấn đề được các cơ quan chức năng chia sẻ tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3.2013.

Đã tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong mua sắm thuốc, thiết bị y tế

Trả lời báo chí về các giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến nhập khẩu trang thiết bị y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, ngày 3.3.2023 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 07/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2021/NĐ-CP ngày 8.11.2021 quy định về quản lý trang thiết bị y tế (Nghị định 07).

Sự ra đời của Nghị định 07 đã kịp thời giải quyết hầu hết những vướng mắc, khó khăn của các bệnh viện trong việc mua sắm, dấu thầu trang thiết bị y tế, kịp thời đáp ứng nguồn cung, giải quyết ách tắc do tồn dọng trang thiết bị y tế nhập khẩu tại các cửa khẩu; là căn cứ để các doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất, cung ứng trang thiết bị y tế và các nhà quản lý các cấp, lãnh đạo các bệnh viện, cơ sở y tế xác định rõ trách nhiệm, quyền hạn và nghĩa vụ nhằm góp phần cung cấp cho ngành y tế các trang thiết bị có chất lượng, dùng giá trị và sử dụng hiệu quả nhằm phục vụ công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Theo đó, đối với Giấy phép nhập khẩu trang thiết bị y tế đã được cấp từ ngày 1.1.2018 đến ngày 31.12.2021 được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 31.12.2024; Số đăng ký lưu hành đối với trang thiết bị y tế là sinh phẩm chẩn đoán in vitro đã được cấp từ ngày 1.1.2014 đến ngày 31.12.2019 được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 31.12.2024.

Trước đó, sáng ngày 3.4, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 năm 2023, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, hoạt động nhập khẩu, đấu thầu, mua sắm thuốc, trang bị, vật tư y tế, hoạt động của các bệnh viện cơ bản đã trở lại bình thường. Mặt khác, nhiều vấn đề liên quan thanh toán chi phí khám chữa bệnh, bảo hiểm y tế, tiếp nhận các trang thiết bị, vật tư được hiến tặng… cũng được giải quyết.

Người dân yên tâm có đủ thuốc chữa bệnh và đảm bảo thông tin liên lạc - Anh 1

Một ca mổ tại Bệnh viện Việt Đức

Một số bệnh viện lớn như Bệnh viện Việt Đức đã mở lại 5 gói thầu trước đây phải dừng, Bệnh viện Bạch Mai vừa mở được gói thầu trị giá 200 tỷ đồng; hoạt động của các bệnh viện tại Khánh Hòa, Quảng Ninh, TPHCM… Cuối tuần qua, Bộ đã tiến hành gia hạn đợt 3 giấy phép lưu hành thuốc và đến nay, đã có 10.353 thuốc, nguyên liệu làm thuốc, vaccine và sinh phẩm y tế được gia hạn. "Khi Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký ban hành Nghị quyết số 30/NQ-CP, nhiều lãnh đạo bệnh viện nhắn cho tôi là bệnh viện đã được 'hồi sinh'", Bộ trưởng Đào Hồng Lan chia sẻ.

Đồng tình với nhận định này, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho hay, Thành phố vừa hoàn thành việc mua sắm tập trung thuốc, vật tư y tế trị giá 1.481 tỷ đồng và các bệnh viện cũng cơ bản thực hiện được việc mua sắm, các khó khăn nhìn chung được giải quyết, tuy nhiên một số bệnh viện còn lúng túng.

Thuê bao có thông tin đầy đủ và chính xác vẫn hoạt động bình thường

Một vấn đề khác được nhiều người dân quan tâm trong những ngày qua, đó là chưa ra các điểm chuẩn hoá thông tin, thuê bao có bị khoá không?

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm khẳng định, những thuê bao đã được đăng ký bằng chứng minh thư nhân dân (CMTND), nếu như có thông tin đầy đủ và chính xác theo quy định vẫn hoạt động bình thường.

Người dân yên tâm có đủ thuốc chữa bệnh và đảm bảo thông tin liên lạc - Anh 2

Người dân đi chuẩn hoá thuê bao. Ảnh: Minh Hoàng

Cụ thể quy trình, thuê bao đã đăng ký bằng CMTND mà chưa đồng bộ căn cước công dân mới, được hiểu là có thể chưa kịp đồng bộ, hay người đó chưa được cấp CCCD, trong CSDL quốc gia chưa có dữ liệu về CCCD mới, thì sẽ được nhà mạng chủ động rà soát dữ liệu trong CSDL của nhà mạng và hồ sơ đăng ký thuê bao ngày xưa, tức là hồ sơ bản giấy hay bản photo giấy tờ tuỳ thân để khẳng định cơ sở nhà mạng trùng khớp với bản chụp giấy tờ khi đăng kí của khách hàng. Việc này nhà mạng tự làm không phiền gì tới người dân vì nhà mạng nắm giữ hồ sơ.

Trong trường hợp đã trùng khớp, nhà mạng tiếp tục định kỳ đối soát cơ sở CSDL quốc gia về dân cư. Khi CSDL này có thêm dữ liệu của người dân khi người dân đến làm CCCD mới hay cập nhật CMTND, thì nhà mạng cập nhật dần dần và đối soát định kỳ với CSDL quốc gia dân cư, không phiền toái gì người dân cả.

Với công dân, khi muốn kiểm tra thuê bao có thông tin đúng của mình chưa, cách thức nhà mạng đã hướng dẫn rộng rãi rồi. Người dân chủ dộng nhắn tin SMS tới đầu số 1414 với cú pháp TTTB (viết tắt của "thông tin thuê bao"), nhắn miễn phí, để biết số điện thoại đang sử dụng có thông tin đúng chưa. Khi đó nhà mạng sẽ trả lại thông tin. Nếu khớp rồi thì không vấn đề gì, còn nếu không khớp, chúng ta liên hệ lại nhà mạng qua số điện thoại chăm sóc khách hàng, qua trang web nhà mạng hay qua các ứng dụng trên điện thoại di động để chuẩn hóa thông tin thuê bao.

HOÀNG HƯƠNG

Ý kiến bạn đọc