Vĩnh Long: Nghề làm tàu hũ ky được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

VHO - Chiều 3.4, UBND tỉnh Vĩnh Long đã tổ chức lễ công bố quyết định Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Nghề làm tàu hũ ky xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh”. Tính đến nay Vĩnh Long có hai di sản được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là Lễ hội Lăng Ông Thống chế Điều bát Nguyễn Văn Tồn và làng nghề làm tàu hũ ky.

Vĩnh Long: Nghề làm tàu hũ ky được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - Anh 1

Lễ công bố quyết định Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Nghề làm Tàu hũ ky xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh” diễn ra chiều 3.4

Tham dự buổi lễ có ông Bùi Văn Nghiêm – Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Trương Đặng Vĩnh Phúc – Bí thư thị xã Bình Minh; bà Nguyễn Thị Quyên Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long; lãnh đạo Thị ủy, UBND thị xã Bình Minh; đại diện lãnh đạo các sở ban ngành tỉnh Vĩnh Long, các nghệ nhân làng nghề tàu hũ ky xã Mỹ Hòa.

Theo Sở VHTTDL tỉnh Vĩnh Long, nghề làm tàu hũ ky tại xã Mỹ Hòa được khởi nguồn từ nghề gia truyền của người Hoa từ đầu thế kỷ XX. Năm 1912, ông Châu Xường cùng vợ và hai người con bắt đầu nghề làm tàu hũ ky. Dần dần, người dân trong xóm theo nghề và sản phẩm làm ra được bán khắp vùng. Từ đây, xã Mỹ Hòa hình thành làng nghề truyền thống làm tàu hũ ky.

Vĩnh Long: Nghề làm tàu hũ ky được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - Anh 2

Ông Trương Đặng Vĩnh Phúc, Bí thư thị xã Bình Minh tham quan, động viên nghệ nhân nghề làm tàu hũ ky ở xã Mỹ Hòa

Hiện tại, làng nghề tàu hũ ky Mỹ Hòa có 33 hộ, mỗi ngày sản xuất khoảng 3 tấn sản phẩm. Thương hiệu tàu hũ ky xã Mỹ Hòa được nhiều khách hàng tại ĐBSCL và Đông Nam Bộ ưa chuộng. Tàu hũ ky là sản phẩm sạch, giàu dinh dưỡng, không chỉ dùng trong các món chay mà còn được sử dụng chế biến nhiều món mặn.

Với những giá trị độc đáo, ngày 4.8.2022, “Nghề làm tàu hũ ky, xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh” được Bộ VHTTDL đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 1832/QĐ-BVHTTDL. Đây không chỉ là niềm vui, niềm vinh dự đối với các hộ dân làng nghề làm tàu hũ ky mà còn là niềm vui lớn đối với người dân, các ngành, các cấp của tỉnh Vĩnh Long. 

Vĩnh Long: Nghề làm tàu hũ ky được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - Anh 3

Làng nghề tàu hũ ky Mỹ Hòa hiện có 33 hộ đang tham gia sản xuất

Phát biểu tại buổi lễ, bà Nguyễn Thị Quyên Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long gửi lời cảm ơn các hộ dân làng nghề làm tàu hũ ky ở xã Mỹ Hòa đã góp phần gìn giữ, phát huy và trao truyền lại cho các thế hệ kế tiếp loại hình di sản văn hóa truyền thống. “Trải qua thăng trầm thay đổi, làng nghề vẫn giữ cái hồn cốt gắn với kinh nghiệm đã có từ hàng trăm năm. Nghề làm tàu hũ ky là một di sản có đầy đủ các tiêu chí mang tính đại diện, thể hiện bản sắc của địa phương, cộng đồng và phản ánh sự đa dạng văn hóa, sự sáng tạo của con người. Nghề là, tàu hũ ky đã được kế tục qua nhiều thế hệ, có khả năng tồn tại lâu dài, minh chứng cho tình yêu, sự trân trọng giá trị lao động, ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa và tinh thần đoàn kết, tương trợ mang tính cộng đồng trong lao động của người dân tỉnh Vĩnh Long”, bà Nguyễn Thị Quyên Thanh nhấn mạnh.

Vĩnh Long: Nghề làm tàu hũ ky được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - Anh 4

Tàu hũ ky không chỉ dùng trong các món chay mà còn được sử dụng chế biến nhiều món mặn

Hiện nay, tỉnh Vĩnh Long có hai di sản phi vật thể được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là Lễ hội Lăng Ông Thống chế Điều bát Nguyễn Văn Tồn và làng nghề làm tàu hũ ky, xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh. Toàn tỉnh có 66 di tích được xếp hạng di tích lịch sử, văn hoá. Đặc biệt, Bảo tàng tỉnh Vĩnh Long đang lưu giữ trên 27.000 tư liệu ảnh, hiện vật, có một hiện vật được công nhận là Bảo vật Quốc gia.

T.TRANG

Ý kiến bạn đọc