Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Chung tay chữa lành “vết thương”cho di sản

Thứ Hai 28/11/2022 | 09:37 GMT+7

VHO- “Quỹ AFCP với 16 dự án hỗ trợ bảo tồn đa dạng các loại hình di sản văn hóa tại Việt Nam là minh chứng điển hình cho chúng ta thấy lợi ích cụ thể và rõ ràng nhất trong việc tận dụng các nguồn hỗ trợ kỹ thuật và tài trợ bổ sung trong bảo tồn và quản lý di sản văn hóa tại Việt Nam”, đó là khẳng định của PGS.TS Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam tại hội thảo “Việt Nam và Hoa Kỳ: Nỗ lực chung bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam” vừa diễn ra tại Hà Nội.

  Ô Quan Chưởng, di tích nằm trong dự án của Quỹ AFCP Ảnh: THỦY LÊ

Hai thập kỷ hợp tác

Hội thảo “Việt Nam và Hoa Kỳ: Nỗ lực chung bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam” được tổ chức vào đúng Ngày Di sản văn hóa Việt Nam với mục đích nhận diện các thực hành hiệu quả trong bảo tồn di sản văn hóa mà các dự án AFCP (Quỹ Bảo tồn di sản văn hóa của Đại sứ Hoa Kỳ) rất có ý nghĩa đối với giới bảo tàng, di tích ở Việt Nam nói chung và với những người làm công tác bảo tồn di sản văn hóa nói riêng. 20 năm qua, đã có 16 dự án bảo vệ di sản từ sự hỗ trợ của Quỹ AFCP được thực hiện nhiều nơi trên lãnh thổ Việt Nam. 16 bảo tàng, di tích, cơ quan văn hóa đã được thụ hưởng sự hỗ trợ tài chính lên tới 1.246.775 USD từ Quỹ.

Là một người hoạt động trong lĩnh vực quản lý và xây dựng chính sách bảo vệ di sản, Phó chủ tịch Hội Di sản Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia TS Lê Thị Minh Lý được tham gia quá trình hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ trong một số dự án về bảo tồn di sản văn hóa. Tiến sĩ Lê Thị Minh Lý cho rằng, quá trình hợp tác là sự hỗ trợ chuyên môn vô cùng hữu ích không chỉ đối với di sản mà cả với những người làm về di sản. 16 dự án là 16 trường hợp nghiên cứu cụ thể, là đa dạng loại hình di sản khác nhau, đa dạng các giải pháp liên ngành về bảo tồn và là 16 bài học kinh nghiệm từ thực tiễn.

Ông Martin Perschler, Giám đốc chương trình Quỹ AFCP cho hay, trong số hơn 1.200 dự án tại 133 quốc gia được Quỹ AFCP hỗ trợ, Việt Nam có một danh sách ấn tượng: 16 dự án tại 13 cộng đồng kể từ năm 2001. Những dự án này bảo tồn rất nhiều di sản văn hóa đa dạng trên khắp đất nước, từ những ngôi miếu và hiện vật thờ cúng cổ mang đậm dấu ấn lịch sử cho đến mộc bản thế kỷ 19 và âm nhạc truyền thống.

Nối dài sứ mệnh

Ông Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam dẫn chứng, năm 2005 được sự hỗ trợ tài chính của Quỹ AFCP, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã bảo quản, tu sửa thành công hai tác phẩm sơn mài bị hư hại nghiêm trọng: “Hội chùa” của họa sĩ Lê Quốc Lộc, Nguyễn Văn Quế, sáng tác năm 1939; “Bắc Nam một nhà” của họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ, sáng tác năm 1961. “Sự hỗ trợ kịp thời đã góp phần bảo tồn hai tác phẩm quý giá này, và hai tác phẩm đang được giới thiệu, phát huy hiệu quả tại phòng trưng bày thường xuyên của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam”, ông Minh nói.

Với tình cảm và sự chia sẻ đặc biệt dành cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị của cố đô Huế, Quỹ AFCP đã liên tiếp hỗ trợ cho Huế 2 dự án: “Bảo tồn phục chế các án thờ ở Triệu Tổ Miếu, Đại Nội Huế” (2013-2014) và “Bảo tồn, trùng tu Triệu Tổ Miếu, phần Tiền điện” (2015-2016) với tổng kinh phí gần 730.000 USD. TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Thừa Thiên Huế cho biết, dưới nhiều tác động của thời tiết khắc nghiệt và sự hủy hoại của chiến tranh, 3 án thờ của Triệu Miếu và Thái Miếu đã bị hư hại, xuống cấp trầm trọng. Hệ khung gỗ của các án thờ bị long mộng, nhiều nơi bị mối mọt phá hủy khiến các hiện vật có nguy cơ bị sụp đổ bất cứ lúc nào. Phần sơn thếp trên bề mặt của các án thờ bị bong tróc, bạc màu đến 90%, ảnh hưởng nghiêm trọng đến giá trị thẩm mỹ của các hiện vật. Bên cạnh đó, một số vị trí ở phần chạm khắc tinh xảo trên các án thờ cũng bị bong gãy hoặc bị mối mọt phá hủy. Với tình trạng trên, việc bảo tồn phục chế các án thờ là một yêu cầu cấp thiết nhằm cứu vãn những tác phẩm mang nhiều giá trị lịch sử, văn hóa và mỹ thuật đặc sắc của triều Nguyễn. TS Phan Thanh Hải khẳng định, sự hỗ trợ này đã đem lại những hiệu quả đặc biệt, không chỉ góp phần quan trọng vào công tác trùng tu, bảo tồn các di tích và hiện vật vô giá của Cố đô Huế - Di sản thế giới đầu tiên của Việt Nam, mà còn góp phần không nhỏ vào việc quảng bá, phát huy giá trị di sản một cách mạnh mẽ, phục vụ cho sự phát triển bền vững của địa phương.

KTS Lê Thành Vinh, nguyên Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích cho biết, Ô Quan Chưởng là một di tích hết sức đặc biệt ở Hà Nội. Đây không những là kiến trúc duy nhất còn tồn tại trong hệ thống các cửa ô của Kinh thành Thăng Long xưa mà còn là một điểm nhấn đặc biệt quan trọng của Khu phố cổ Hà Nội ngày nay, một địa chỉ văn hóa giàu ý nghĩa, điểm tham quan hấp dẫn các du khách đến với Hà Nội. Do những biến động lịch sử và sự tàn phá của thời gian, Ô Quan Chưởng đã thay đổi nhiều và đã xuống cấp rất nghiêm trọng. “Nhân dịp thủ đô tròn 1.000 năm tuổi, Quỹ AFCP đã tặng Hà Nội 74.000 USD và thành phố Hà Nội đã dành số tiền này để trùng tu Ô Quan Chưởng. Như vậy, số tiền tài trợ 74.000 USD (tương đương khoảng 1,4 tỉ đồng) của Quỹ tuy không đủ để giải quyết tổng thể mọi vấn đề của di tích, nhưng thực sự là một cơ hội tốt để có thể có những can thiệp cần thiết cải thiện tình trạng đang xấu đi, bảo vệ cho sự trường tồn của di tích quan trọng này”, KTS Lê Thành Vinh nói.

TS Frank Proschan, cựu chuyên gia UNESCO và Viện Smithsonian, Hoa Kỳ cho biết, một trong những điều khiến tôi ấn tượng từ lâu về các thiết chế văn hóa của Việt Nam là nhiều nơi có một phòng truyền thống để tổ chức trưng bày các di sản của riêng mình. Là những người cống hiến trong sự nghiệp bảo vệ di sản văn hóa, chúng ta phải trân trọng những di sản. “Chúng tôi mong đợi được hợp tác cùng Việt Nam trong tương lai trong việc bảo tồn văn hóa thông qua Quỹ AFCP cũng như các chương trình, hoạt động khác. Chúng tôi đang thực hiện điều này trên tinh thần của quan hệ đối tác toàn diện Hoa Kỳ - Việt Nam, xuất phát từ nền tảng của các mối quan hệ và kết nối độc đáo với nhau thông qua lợi ích chung trong bảo tồn, bảo vệ di sản văn hóa ở Việt Nam”, ông Martin Perschler nhấn mạnh.

Theo Tiến sĩ Lê Thị Minh Lý, AFCP đã đem đến cho Việt Nam những cơ hội tuyệt vời để di sản được “cứu nguy”, được “trị liệu” để chữa lành những vết thương do thời gian, do những rủi ro gây ra bởi khí hậu, thời tiết và cả chính con người. Có thể khẳng định, Quỹ AFCP luôn thấu hiểu và gắn bó chặt chẽ với các hoạt động bảo vệ di sản văn hóa của Việt Nam. 

 THANH NGỌC

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top