Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Tại Diễn đàn quốc gia công nghiệp văn hoá, du lịch và phát triển địa phương, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đề xuất nhiều giải pháp quan trọng

Thứ Bảy 26/11/2022 | 11:17 GMT+7

VHO- Sáng nay 26.11 tại Hội An, tỉnh Quảng Nam, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì phối hợp với Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam và Đại học Indiana (Hoa Kỳ) tổ chức diễn đàn toàn quốc “Đối thoại phát triển địa phương năm 2022” với chủ đề “Công nghiệp văn hóa, du lịch và phát triển địa phương”.

Uỷ viên Bộ Chính trị, Giám đốc học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng phát biểu tại Diễn đàn

Tham dự diễn đàn có Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng; Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng. Sự kiện cũng quy tụ 200 đại diện là lãnh đạo từ hơn 50 tỉnh, thành phố, chuyên gia trong và ngoài nước thảo luận vấn đề và giải phát phát triển công nghiệp văn hóa và du lịch gắn với phát triển địa phương. 

Đây là diễn đàn thường niên, là kênh đối thoại về các vấn đề phát triển địa phương, cập nhật những thành tựu và khó khăn trong công tác lãnh đạo địa phương và hợp tác liên kết vùng nhằm thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - văn hoá, xã hội địa phương, tạo động lực cho sự cất cánh phát triển trong giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn tới năm 2045. Tạo kết nối giữa Trung ương và địa phương, chia sẻ hoạch định chính sách của các bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo địa phương, các doanh nghiệp hàng đầu, chuyên gia, nhà nghiên cứu cao cấp, các tổ chức phát triển quốc tế. 

 Phát biểu tại Diễn đàn, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học Viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng khẳng định: “Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Xây dựng và phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam là động lực quan trọng góp phần hiện thực hoá khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”.

Việt Nam đã ban hành Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030. Đặc biệt, Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV đã thảo luận và đi đến thống nhất cần xây dựng, ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hoá. Để khai thác lợi thế và tiềm năng to lớn của mình, trong giai đoạn vừa qua, nhiều địa phương đã có những bước chuyển đổi mạnh mẽ, định hướng đưa du lịch, trong đó có du lịch văn hoá, trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, một động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Ông Nguyễn Xuân Thắng đề nghị các đại biểu cùng thảo luận, chia sẻ các thông tin, bài học kinh nghiệm, những mô hình hay, cách làm sáng tạo và các kiến nghị giải pháp chính sách trong việc thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa và du lịch trở thành những động lực ngày càng quan trọng cho sự phát triển của các địa phương, các vùng, miền và cả nước. Tập trung thảo luận vào ba vấn đề: Xử lý hài hoà mối quan hệ giữa giữ gìn, bảo tồn và phát huy, phát triển; Tăng cường nguồn lực đầu tư phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; Phát triển có trọng tâm, trọng điểm một số ngành công nghiệp văn hóa.  

Phát biểu tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng khẳng định: Diễn đàn là cơ hội để Bộ VHTTDL được lắng nghe các đại biểu, các chuyên gia thảo luận, đưa ra các sáng kiến, giải pháp phát triển công nghiệp văn hoá, du lịch gắn với phát triển kinh tế - xã hội

Phát biểu tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng khẳng định: Sản phẩm công nghiệp văn hóa là cầu nối ngắn nhất quảng bá hình ảnh quốc gia, địa phương ra thế giới và thu hút du khách quốc tế đến với các quốc gia, địa phương thông qua du lịch như nền công nghiệp điện ảnh Hollywood của Mỹ, âm nhạc K-Pop của Hàn Quốc, công nghiệp hoạt hình của Nhật Bản... Tại Việt Nam, các ngành công nghiệp văn hóa cũng đã bước đầu tạo ra các hiệu ứng du lịch, gia tăng giá trị thương hiệu của địa phương. Bộ phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh của đạo diễn Victor Vũ đã đánh thức tiềm năng vùng đất Phú Yên bên cạnh trung tâm du lịch biển nổi tiếng Nha Trang - Khánh Hòa và Quy Nhơn - Bình Định. Phần lớn các hãng lữ hành đều cho biết, sở dĩ nhiều du khách nô nức mua tour đến Phú Yên vì quá mê mẩn những cảnh đẹp được quay trong bộ phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanhđược trình chiếu trước đó. Chúng ta cũng không thể phủ nhận rằng, việc bộ phim Kong: Skull Island được quay tại Ninh Bình đã góp phần làm gia tăng sức hấp dẫn của du lịch địa phương này.

Ngoài ra, các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam còn tham gia vào việc tái tạo các thành phố, cải thiện cuộc sống đô thị. Việc thực hiện Đề án "Phát triển mạng lưới thành phố sáng tạo Việt Nam tham gia vào mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO" do Chính phủ giao Bộ VHTTDL chủ trì thực hiện từ cuối năm 2021 được kỳ vọng góp phần thay đổi diện mạo các thành phố như TP.HCM, Huế, Đà Nẵng, Hạ Long, Hội An, Đà Lạt..., trở thành những thành phố sáng tạo mới của Việt Nam. 

Trong lĩnh vực du lịch, với sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, sự chung tay phối hợp, hỗ trợ của các ngành, các cấp, các địa phương, sự vào cuộc của cộng đồng doanh nghiệp, du lịch Việt Nam đã có những bước phát triển quan trọng thời gian qua, từng bước khẳng định thương hiệu du lịch Việt Nam trong khu vực và trên thế giới. Năm 2019 đánh dấu mốc phát triển vượt bậc của ngành du lịch, với lượng khách quốc tế đạt hơn 18 triệu lượt, khách nội địa hơn 85 triệu lượt, tổng thu từ du lịch đạt 755.000 tỉ đồng, đóng góp của du lịch vào GDP đạt 9,2%. Năm 2022, Việt Nam đã đón 2,2 triệu lượt khách quốc tế; khách nội địa đạt xấp xỉ 92 triệu lượt, vượt số lượng khách nội địa của năm 2019; tổng thu từ khách du lịch 10 tháng đầu năm 2022 ước đạt khoảng 425.000 tỉ đồng.

Diễn đàn toàn quốc “Đối thoại phát triển địa phương năm 2022” chủ đề “Công nghiệp văn hóa, Du lịch và Phát triển địa phương”

         Để phát huy vai trò của các ngành công nghiệp văn hóa trong mối liên kết với du lịch cũng nhưphát huy vai trò của các ngành công nghiệp văn hóa đối với sự phát triển bền vững của địa phương, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đề xuất các giải pháp:

Thứ nhất, về nhận thức. Đề nghị Cấp ủy, chính quyền các địa phương tăng cường nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về tầm quan trọng cũng như tiềm năng của các ngành công nghiệp hoá trong việc khai thác các thế mạnh của địa phương.

Bài học của thế giới cũng như ở Việt Nam cho thấy, các ngành công nghiệp văn hóa đang thực sự trở thành tâm điểm của nền kinh tế. Các địa phương nếu phát huy được vai trò của các ngành công nghiệp nhóm văn hóa sẽ góp phần đa dạng hóa cơ cấu các ngành nghề trong cấu trúc nền kinh tế theo hướng bền vững.

Đối với cộng đồng người dân địa phương: Lấy người dân địa phương làm chủ thể chính để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa tại địa phương. Người dân địa phương là người tạo ra, kế thừa và phát huy vốn văn hóa của địa phương mình. Họ sẽ thấu hiểu hơn ai hết những thế mạnh mang tính bản sắc của địa phương hơn bất kỳ người nào khác. Do vậy, việc nâng cao nhận thức, mở rộng sự hiểu biết của cộng đồng địa phương cách thức tham gia vào các ngành công nghiệp văn hóa là hết sức cần thiết.

Thứ hai, giải pháp phát triển nhân lực. Các địa phương của Việt Nam đều là những vùng đất giàu có về tài nguyên văn hóa. Mỗi miền đều có những bản sắc, những câu chuyện lịch sử rất riêng. Làm thế nào để biến những tài sản văn hóa đó thành sản phẩm văn hóa đưa lại giá trị kinh tế, rồi từ sản phẩm văn hóa chuyển hóa thành sản phẩm du lịch để thu hút du khách là những câu chuyện không hề dễ dàng.

Các đại biểu tham dự Diễn đàn

Do vậy, các địa phương cần chú ý việc đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao liên quan đến văn hóa sáng tạo để có thể biến tiềm năng trở thành động lực trong phát triển của địa phương mình.

Thứ ba, giải pháp về thu hút xã hội hóa. Các địa phương cũng cần có cơ chế thu hút nguồn lực từ xã hội tham gia vào quá trình phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực văn hóa còn tương đối eo hẹp, việc thu hút các nguồn vốn từ các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội đầu tư vào các lĩnh vực của ngành công nghiệp văn hóa là hết sức quan trọng, không chỉ cung cấp thêm vật lực mà còn tạo động lực mới cho các lĩnh vực được đầu tư.

Thứ tư, giải pháp về tính liên kết giữa phát triển các ngành công nghiệp văn hóa với du lịch, trong đó có du lịch văn hóa. Các địa phương cần coi trọng sự phối hợp chặt chẽ giữa công nghiệp văn hoá và lĩnh vực du lịch.  Công nghiệp văn hóa là động lực để phát triển du lịch, du lịch văn hóa là một bộ phận cấu thành các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Ngược lại, du lịch là cơ sở để thúc đẩy công tác giữ gìn, bảo tồn các giá trị văn hóa - nguồn tư liệu của các ngành công nghiệp văn hóa. Trên cơ sở đó, địa phương cần tăng cường tính liên kết giữa các ngành, các vùng nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp trong việc phát triển công nghiệp văn hóa.

Thứ năm, tăng cường việc ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy số hoá các ngành công nghiệp văn hóa địa phương. Cùng với sự chuyển đổi số mạnh mẽ trong nền kinh tế, các ngành công nghiệp văn hóa cũng đang có quá trình số hóa phương thức sản xuất, kinh doanh, phân phối hàng hóa văn hóa đến người tiêu dùng. Số hóa tạo nên sự thay đổi về chất trong các ngành công nghiệp văn hóa.Vì vậy, các địa phương cần tận dụng vai trò của công nghệ trong việc khai thác các tiềm năng lợi thế về văn hóa trong phát triển công nghiệp văn hóa và du lịch tại địa phương mình.

         “Việt Nam đã và đang mang hình ảnh đất nước tươi đẹp, giàu bản sắc ra thế giới trong sự hiển diện ngày càng phong phú hơn của các sản phẩm công nghiệp văn hóa. Đồng thời, sự tăng trưởng nhanh chóng của du lịch dựa trên thế mạnh tài nguyên văn hóa đa dạng, dồi dào của từng địa phương cũng đang tạo nên sức hấp dẫn thu hút khách du lịch quốc tế đến với Việt Nam. Bộ VHTTDL tin tưởng rằng các sáng kiến, đóng góp của các chuyên gia trong và ngoài nước, các địa phương thông qua các tham luận tại Diễn đàn sẽ tạo ra sức sống mới cho ngành công nghiệp văn hoá, ngành du lịch, tìm ra những hướng đi, cách làm hiệu quả, thiết thực để tạo sự phát triển bứt phá, bền vững, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.

Chia sẻ với Văn Hóa bên lề Diễn đàn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết:

“Thực hiện chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa của Chính phủ, trong thời gian qua Bộ VHTTDL đã cùng với các địa phương triển khai chiến lược này, bước đầu mang lại những hiệu quả. Theo thống kê, số liệu để ngành văn hóa đóng góp vào GDP giai đoạn 2018 - 2020 đóng góp khoảng 3,61 % tổng số GDP trong cả nước. Tuy đã đạt được những kết quả khá phấn khởi và được xác định là một trong 12 ngành văn hóa có tính chất nổi trội của Việt Nam tổ chức thực hiện, nhưng nhìn tổng thể, chúng ta vẫn chưa đạt được như kỳ vọng. Chính vì vậy mà Bộ VHTTDL đã sớm tổng kết chiến lược này để trình Chính phủ ban hành chiến lược mới với mục tiêu là tiếp tục thực hiện chiến lược công nghiệp văn hóa.

Theo đó, chúng ta phải nhân rộng cụ thể hóa Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 6 về công nghiệp hóa điện đại hóa đất nước. Trong đó đặt công nghiệp văn hóa là một trong những điểm nhấn để phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo hướng bền vững. Việt Nam có nguồn tài nguyên văn hóa hết sức phong phú, và mục tiêu đặt ra là chúng ta phải phấn đấu để ngành công nghiệp văn hóa đóng góp vào GDP cả nước năm 2030 là 7%. Chính vì vậy, Bộ đã tham mưu để Chính phủ và các Bộ, ngành xem xét bổ trợ quan tâm chỉ đạo để ngành văn hóa cùng với các địa phương tổ chức thực hiện. Phải tập trung để học tập kinh nghiệm của các quốc gia đã đi trước chúng ta về công nghiệp văn hóa. Trong đó cố gắng tận dụng cơ hội, kinh nghiệm, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin, kinh tế số vào công nghiệp văn hóa. Rà soát trong tổng số 12 ngành thuộc ngành công nghiệp văn hóa để chọn điểm, nhận diện những ngành nào cần phải tập trung đẩy mạnh. Không chỉ phát triển công nghiệp văn hóa mà về chiều sâu sẽ phát triển văn hóa Việt Nam một cách toàn diện. Tập trung chọn lựa ngành công nghiệp văn hóa đang có lợi thế  như điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn và quảng cáo. Ngoài ra một số ngành khác cũng cần được ưu tiên, đặc biệt là du lịch về văn hóa, gắn kết giữa văn hóa và du lịch. Chúng tôi cũng kỳ vọng rằng Diễn đàn quốc gia  với các địa phương trong phát triển công nghiệp văn hóa gắn với du lịch sẽ mang lại nhiều dữ liệu khoa học bổ ích. Từ các dữ liệu đó các địa phương đối chiếu với chương trình hành động của mình, bổ sung các giải pháp có tính chất hữu hiệu để thực hiện nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước đã tin tưởng giao phó cho ngành VHTTDL”.

NGỌC HÀ 

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top