Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

“Xa em”- album nhạc tình lãng mạn của người đàn ông tài hoa

Thứ Sáu 25/11/2022 | 20:48 GMT+7

VHO- Sau 2 album “Tình yêu đầu tiên” (2013) và “Nỗi nhớ” (2016), NS Nguyễn Thành Trung tiếp tục chứng tỏ tình yêu âm nhạc và sức sáng tạo dồi dào đối với một “nhạc sĩ tay ngang” qua album “Xa em” (2022).

“Xa em” gồm 10 ca khúc với 10 màu sắc khác nhau

“Xa em” gồm 10 ca khúc với 10 màu sắc khác nhau, ở đó có 10 câu chuyện, 10 cảm xúc khác nhau. Nhưng xuyên suốt trong 10 câu chuyện ấy, đâu đó, ta vẫn bắt gặp một con người nhiều suy tư, nhiều ước vọng, khao khát yêu đời, yêu người với thiên trường địa cửu nhưng chỉ nhận đầy khắc khoải, cô đơn.
Và trong cõi cô đơn ấy, những giằng xé nhớ nhung làm người phụ nữ nhận về những đắng cay. “Một mình em nơi đây, giấu nỗi nhớ vào đêm. Một tình yêu mong manh, mong ước anh ở bên, ôm nỗi nhớ vào tim, sao đắng cay triền miên” (Nỗi nhớ). 
Nỗi nhớ cũng là sợi chỉ xuyên suốt trong những cung bậc cảm xúc của “Xa em”. Nhớ về Hà Nội cũ với Hồ Tây, với những hàng hoa vỉa hè. Nhớ về người ngôi nhà với những so sánh rất bình dị, “Ta với ngôi nhà như người bạn già, trở về có niềm vui”. Hay nhớ về người phụ nữ mà mình yêu thương, nhưng vì một lý do nào đó, không nên duyên nợ, mình phải cố quên: Duyên lỡ rồi. Trăng tròn mà lòng khuyết… Cả mùa trăng tròn anh uống để quên em (Thu lỡ hẹn).
Cùng trong cảm xúc ấy, nỗi cô đơn khiến cho con người phải thốt lên: Không còn nữa những con đường đi đến ước mơ. Không còn những bàn tay chìa ra vụng trộm.

Để rồi trăn trở: “Tôi vẫn ngửi hoa chạm vào hơi thở gió có hương nồng hay thơm…. Có ai giải thích cho tôi, thế nào là yêu thương, và đâu là thù hận, thế nào là đớn đau, thế nào là hạnh phúc”…
Không bóng bẩy, hào nhoáng, ca từ của Nguyễn Thành Trung tựa như những câu nói bật thốt ra sau những chất chứa, dồn nén của cảm xúc. Những giằng xé trong nội tâm trong nền nhạc nhẹ nhàng, da diết nên không làm cho nỗi buồn mang vẻ u ám mà nỗi buồn ấy, như phút tĩnh lặng để lắng lại xúc cảm của mình, lưu dấu vào bên trong những trải nghiệm, những xót xa, để rồi lại mở lòng đón nhận những hoan ca.

“Anh sẽ đến như bình minh” là  như thế. Một niềm yêu đời, yêu người tỏa lan.  “Anh sẽ đến như cành hoa, long lanh và tươi thắm. Anh sẽ đến như câu ca và lời em khẽ hát. Bình minh theo mỗi bước em đi, cho ấm áp con tim. Để cho em biết rằng, mang cả cuộc đời anh đến dành cho em”… 
“Về với biển” lại là cảm xúc của một người mang nhiều suy tư, trải nghiệm đứng trước biển. Vết chân bị sóng xóa nhòa, đứng trước biển, mắt nhìn xa xăm và tự hỏi lòng biển mênh mông thế, biển có đau không? “Biển cũng thở than, cũng gieo giông tố, bạc đầu sóng vỗ muôn trùng. Biển ồn ào xô, nỗi đau lên bờ, xóa điều đã cũ”… Biển là tình anh, mênh mông rộng lớn, ngát xanh ngàn đời, chờ người về đây, trời xanh mây trắng, với biển tự tình.

Không phải là người chuyên viết nhạc, nhưng không phải người viết nhạc chuyên nghiệp nào cũng viết được như Nguyễn Thành Trung. Mỗi ca khúc đều đậm chất tự sự, nhiều nỗi niềm, đầy những hoài niệm, rất dịu dàng nhưng đôi khi cuồng nhiệt, mạnh mẽ, có khi cũng khiến người ta đau lòng. Nhưng cuối cùng, sau tất cả vẫn luôn để lại dư âm của những xúc cảm dịu dàng, đẹp đẽ, lãng mạn, say đắm, yêu đời đến tha thiết, yêu người đến lưu luyến chẳng thể rời.

“Đê chiều” đưa người nghe về với không gian làng quê đã xa xôi với bãi bồi bãi lở, cô thôn nữ gánh nước hình như gánh mặt trời chiều…. “Bãi bồi, bãi lở dọc bến sông. Bao cô yếm thắm đã có chồng. Bao cô má phai vì mơ mộng. Một mình gánh nước vẫn ở không”- sự duyên dáng trong miêu tả, sự tươi vui trong nét nhạc đã tô vẽ lên một bức tranh làng quê trong ký ức của những người đã vào tuổi ưa hoài niệm. “Đê chiều” đi vào lòng khán giả không chỉ bởi vẻ đẹp trong từng ca từ, giai điệu luôn ắp đầy chất trữ tình, những tâm tư sâu lắng, những góc nhìn cuộc sống nhẹ nhàng, ân cần, tươi đẹp, trong sáng… mà còn bởi sự dung dị, gần gũi đã trở thành cõi nhớ trong ký ức mỗi người.

Nối dài âm hưởng tươi vui đó còn là khát vọng, là sự tri ân với cuộc đời. Ca khúc kết “Thu trả cho đời”: Khao khát ôm cả gió, khao khát ôm cả nắng, ôi lá rơi phận ngắn. Ta đã trả lại cuộc đời. 
3 album - gia tài đáng mơ ước của một người “tay ngang” đến với âm nhạc. “Xa em” của Nguyễn Thành Trung đã đem đến cho khán giả những phút giây phiêu lãng nhưng cũng nhiều suy tư, dịu dàng, ấm áp nhưng cũng đầy trăn trở, khát khao, luôn mở rộng các giác quan của mình để đến với những cảm xúc, những điều đẹp đẽ của cuộc sống.

THẢO PHƯƠNG

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top