Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Chiến lược phát triển du lịch Nghệ An theo hướng nào?

Thứ Ba 22/11/2022 | 21:23 GMT+7

VHO- Ngày 22.11, tại Hà Nội, UBND tỉnh Nghệ An đã tổ chức Hội thảo khoa học lấy ý kiến chuyên gia góp ý cho dự thảo Chiến lược phát triển du lịch Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến 2035.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Bùi Đình Long phát biểu tại Hội thảo

Hội thảo diễn ra dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Bùi Đình Long, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu, PGS.TS Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam. Hội thảo có sự tham dự của các nhà khoa học, chuyên gia du lịch, doanh nghiệp du lịch, giảng viên các trường đại học…

Xác định rõ thực trạng và tiềm lực phát triển

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Bùi Đình Long nêu rõ: “Trên cơ sở những tiềm năng, lợi thế về phát triển du lịch, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã xác định mục tiêu “đưa Nghệ An trở thành trung tâm về tài chính, thương mại, du lịch… của vùng Bắc Trung Bộ”; “Phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, đa dạng, trọng tâm là du lịch biển đảo, du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch sinh thái gắn với cộng đồng và du lịch trải nghiệm; từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Để thực hiện mục tiêu trên, tỉnh Nghệ An tổ chức lập Chiến lược phát triển du lịch Nghệ An đến 2030, tầm nhìn đến 2035 nhằm định hướng cho ngành du lịch phát triển trong thời gian tới”.

Theo ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở Du lịch Nghệ An, Nhiệm vụ lập Chiến lược phát triển du lịch Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến 2035 được thực hiện theo Quyết định số 3716/QĐ-UBND. Đây là Chiến lược rất khác so với các Chiến lược khác vì kết hợp cả Quy hoạch phát triển du lịch Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến 2035 và kèm theo các Đề án. Có nghĩa là, Chiến lược thể hiện cả tầm nhìn, định hướng phát triển và mục tiêu, kế hoạch phát triển trong mươi năm tới.

Tại Hội thảo, ông Lê Quang Minh, đại diện Liên danh MQL và các đối tác đã Báo cáo tóm tắt dự thảo Chiến lược. Trong đó, các tiền đề phát triển và tầm nhìn du lịch Nghệ An đến năm 2035 gồm chiến lược cơ bản và nền tảng và chiến lược ưu tiên, cốt lõi.

Hội thảo thu hút nhiều chuyên gia đầu ngành Du lịch 

Các nhiệm vụ trọng tâm đặt ra trong Chiến lược là Nghệ An là địa phương thuộc nhóm đi đầu trong cả nước về phát triển du lịch gắn với kinh tế di sản và công nghiệp văn hoá một cách chuyên nghiệp. Tiến hành khảo sát, nhận diện thấu đáo, đầy đủ, đa diện các tài nguyên du lịch theo chuẩn mực quốc tế, tránh lãng phí nguồn lực quan trọng này. Song hành tổ chức việc khai thác bền vững tài nguyên du lịch gắn với phát triển kinh tế xã hội, lợi ích cho cộng đồng dân cư của địa phương. Thay đổi tập quán, nếp nghĩ “du lịch đính kèm sản nghiệp văn hóa”, nâng cao năng lực tạo mới tài nguyên, chuyển hóa thành động lực phát triển. Phải tổ chức được hệ thống sự gắn kết du lịch với các tài nguyên văn hóa, thiên  nhiên, đô thị, nông thôn, nông nghiệp, công nghiệp và các ngành kinh tế khác. Phải nghiên cứu các giải pháp toàn diện trong việc thu hút đầu tư và hiệu quả đặc biệt đến từ đa dạng hóa và gia tăng giá trị sản phẩm du lịch gắn với việc làm tại chỗ. Phát triển du lịch phải gắn kết giữa cảnh quan, di tích văn hóa - lịch sử, thiên nhiên với các giải pháp khai thác bền vững tài nguyên du lịch. Tiến hành thiết kế khung chính sách, khung sáng kiến, các nguyên lý chỉ đạo, các nhóm công cụ quản trị, giải pháp phát triển du lịch theo phân cấp. Liên kết với các vùng, khu vực trong tỉnh, quốc gia và quốc tế, gắn du lịch văn hóa, du lịch sinh thái với cộng đồng làm tiền đề cho phát triển du lịch bền vững.

Trong đó, nhiệm vụ ưu tiên và đột phá là thúc đẩy sáng kiến cộng đồng cùng tham gia thực hiện một “Bình Ngô Xứ Nghệ” về du lịch trong thời đại mới. Để Nghệ An từ một “thủ đô kháng chiến” thời Lê Lợi trở thành một “thủ đô sáng kiến” thời đại Hồ Chí Minh.

Tầm nhìn du lịch Nghệ An đến năm 2035 được xác định là: Nghệ An trở thành một điểm đến du lịch toàn cầu, một thương hiệu phát triển bền vững với các sản phẩm du lịch đặc sắc, mang đậm dấu ấn văn hóa xử Nghệ, có môi trường du lịch xanh, an toàn, thân thiện và thông minh.

Mục tiêu tổng quát là phát huy tiềm năng, lợi thế vị trí địa - văn hoá, tài nguyên thiên nhiên và di sản văn hóa phong phú để tạo bước phát triển đột phá cho du lịch Nghệ An, đưa du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp tích cực vào tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh.

Theo PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng cần làm rõ thực trạng và thực lực phát triển du lịch của Nghệ An

Theo từng giai đoạn, đến năm 2025 Nghệ An trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn của vùng Bắc Trung Bộ, có môi trường du lịch xanh, an toàn, văn minh, thân thiện và chất lượng. Đóng góp của du lịch vào GRDP của tỉnh đạt từ 7-8%. Đến năm 2030, Nghệ An trở thành một trong những trung tâm du lịch của vùng Bắc Trung Bộ và là điểm đến hấp dẫn của cả nước với các sản phẩm du lịch đặc sắc mang đậm dấu ấn văn hóa Nghệ An. Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển các ngành và lĩnh vực khác. Đóng góp vào GRDP của tỉnh từ 9- 10%. Đến năm 2035, Nghệ An trở thành một điểm đến của du lịch quốc gia và quốc tế, một điểm sáng, đi đầu về phát triển kinh tế di sản và du lịch của Việt Nam, phát triển mạnh các dịch vụ giá trị gia tăng cao để nâng tỷ trọng ngành dịch vụ trong cơ cấu kinh tế. Đóng góp vào GRDP của tỉnh từ 10-12%.

Có 9 quan điểm phát triển du lịch Nghệ An để duy trì tính nhất quán và khoa học, quá trình nghiên cứu các giải pháp. Chiến lược cũng đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng là: kịch bản thấp (năm 2025/2030/2035 tổng thu đạt lần lượt 14.097/ 31.470/ 53.349 tỉ đồng; đóng góp vào GRDP lần lượt là 6%/7,6%/8%); kịch bản trung bình (năm 2025/2030/2035 tổng thu đạt lần lượt 17.622/39.337/66.687tỉ đồng; đóng góp vào GRDP lần lượt là 7,5%/9,5%/10%), kịch bản cao (năm 2025/2030/2035 tổng thu đạt lần lượt 28.195/62.111/113,368 tỉ đồng; đóng góp vào GRDP lần lượt là 12%/15%/17%).

Theo PGS.TS Trần Đình Thiên: Chiến lược, Quy hoạch này khá tốt, đầy đặn nhưng cái gì tốt thì khó thực hiện. Không nên để Nghệ An mang tiếng là “cái gì cũng có mà chẳng có gì”.

Bà Đỗ Thị Thanh Hoa, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Chiến lược cần phải xác định thực tiễn hơn, đánh giá sâu sắc hơn về kinh tế di sản hoặc công nghiệp văn hoá trong phát triển du lịch của Nghệ An

Định hình tầm nhìn phát triển du lịch Nghệ An

Góp ý cho Dự thảo Chiến lược, bà Đỗ Thị Thanh Hoa, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch đánh giá cao kết quả bên tư vấn và cho rằng: “Đây là bản chiến lược quy mô, hoành tráng. Nghệ An cũng là tỉnh đi đầu trong xây dựng Chiến lược, Quy hoạch. Tuy nhiên, dự thảo chưa thể hiện đột phá trong phát triển du lịch ở Nghệ An. Hình thức, cấu trúc của Chiến lược cũng chưa hợp lý. Bên cạnh đó, mục tiêu đặt ra cho năm 2035 Nghệ An trở thành một điểm đến du lịch toàn cầu là quá cao. Trong khi đó, xác định đến năm 2025 Nghệ An trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn của vùng Bắc Trung Bộ lại quá thấp vì hiện nay Nghệ An đã là một trong những điểm đến hấp dẫn của Bắc Trung Bộ rồi”. Vì thế, bà Hoa cho rằng Chiến lược cần phải xác định thực tiễn hơn, đánh giá sâu sắc hơn về kinh tế di sản hoặc công nghiệp văn hoá. Quan điểm xây dựng Chiến lược về phát triển cần nâng tầm giá trị, văn hoá lịch sử kết hợp với công nghệ hiện đại; bổ sung kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; giá trị con người Việt Nam, phát triển dựa trên giá trị cốt lõi, phù hợp với thị trường.

Hệ thống sản phẩm cũng có tầng bậc khác nhau, định hướng về thị trường, di sản văn hoá gắn với chủ tịch Hồ Chí Minh. Định vị, xây dựng logo thế nào... Việc tổ chức không gian du lịch; phân vùng quy hoạch cũng cần xác định lại. Các nhóm giải pháp trong Chiến lược hiện chưa giải quyết được những vấn đề bất cập của Nghệ An hiện nay, vì thế giải pháp phải có tính dài hơi hơn. Định hướng ưu tiên đầu tư như thế nào cho phù hợp.

PGS.TS Phạm Trung Lương, thành viên tổ chuyên gia tư vấn quy hoạch quốc gia nêu: Chiến phải trả lời được câu hỏi: “Qua mấy chục năm, vì sao du lịch Nghệ An không bứt phá được?"

PGS.TS Phạm Trung Lương, thành viên tổ chuyên gia tư vấn quy hoạch quốc gia cho rằng: Chiến lược phải trả lời được câu hỏi: “Qua mấy chục năm, vì sao du lịch Nghệ An không bứt phá được? Từ khi xây dựng Chiến lược, Quy hoạch phát triển du lịch Việt Nam thời kỳ đầu, Nghệ An đã có vai trò quan trọng trong vùng và tổng thể quốc gia. Tuy nhiên, sau rất nhiều năm Nghệ An lại không phát huy được vai trò đó”. Theo ông Phạm Trung Lương, vì đây là Chiến lược kết hợp Quy hoạch nên cấu trúc phải tường minh. Như hiện nay rất khó nhìn, rất khó biết đâu là Chiến lược, đâu là Quy hoạch. Tầm nhìn Chiến lược thế nào và hành động cụ thể là gì.

Chiến lược cũng cần phải làm rõ thực trạng phát triển du lịch Nghệ An và điểm nghẽn đang ở đâu. Phải xác định được nguồn lực, tạo môi trường để người Nghệ An làm việc, cống hiến cho Nghệ An và phải đánh giá được hệ thống doanh nghiệp trong phát triển du lịch của tỉnh. Trước mắt phải giải quyết cho được điểm nghẽn về nhận thức trong phát triển. Tại sao Nghệ An hiện nay mới chỉ tăng trưởng dưới mức trung bình cả nước, đóng góp 7% GRDP? Tại sao khách tới không ở lại?

PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng, một trong những điểm mấu chốt là làm rõ thực trạng và thực lực của Nghệ An trong phát triển du lịch. “Điểm yếu nằm ở đâu mà du lịch Nghệ An không thể có những bước đột phá? Có phải thiếu chính sách, cơ chế không? Chiến lược phải nêu bật được những vấn đề sâu xa nhất, còn nhiều trăn trở nhất”, ông Trần Đình Thiên đặt vấn đề. Nghệ An có nhiều biểu tượng, nhiều nét tiêu biểu. Trong đó, văn hóa Nghệ An là một nét độc đáo, có chiều sâu mà không phải mảnh đất nào cũng có được. Đây còn là đất địa linh nhân kiệt, nhiều danh nhân văn hóa. Vì thế, phải có những luận cứ đặc sắc thì Chiến lược mới rõ được định hướng, tầm nhìn, mục tiêu phát triển.

Nghệ An còn nhiều tiềm năng để phát triển du lịch bền vững

“Từ kinh nghiệm phát triển của các vùng miền, của các nước cho thấy, tính khoa trương trong du lịch ngày càng ít đi, tính bền vững, nhân văn ngày càng tăng lên. Để di sản không còn là gánh nặng thì nguồn lực ấy cần có thêm các tác nhân, điều kiện để phát huy giá trị. Muốn nối quá khứ đến tương lai hay đơn giản là xóa tính mùa vụ cần phải có các điều kiện hiện thực, hiện đại, ứng dụng công nghệ. Điều kiện đó Nghệ An hiện đang thiếu khá nhiều”, ông Thiên nói. Bên cạnh đó, thành phố Vinh, biểu tượng của trí tuệ, tài năng của Nghệ An phải phát triển mới có thể đưa du lịch tỉnh này phát triển được.

Chiến lược cũng cần chọn các mục tiêu ưu tiên mang tính đột phá mạnh. Đặt Chiến lược, Quy hoạch này trong tổng thể Quy hoạch phát triển của Nghệ An xem du lịch yếu ở đâu? Tại sao Nghệ An nhiều tiềm năng như thế, dư địa phát triển lớn như thế mà không thu hút được nhà đầu tư lớn nào? Cần hỗ trợ nguồn lực và chính sách gì? Phải nói rằng điểm yếu nhất của Nghệ An là doanh nghiệp. Doanh nghiệp Nghệ An chỉ chiếm 1,4% tổng số doanh nghiệp trên cả nước và 98% trong số đó là nhỏ và siêu nhỏ. Tức là không có “ông lớn” nào. Tất nhiên, du lịch hay kinh tế của tỉnh vẫn phát triển nhưng lâu và không thể có đột phá, bước ngoặt.

Tiềm năng văn hóa, di sản của Nghệ An cần phải được đánh giá sâu sắc hơn và là một trong những giá trị cốt lõi để phát triển du lịch

Ông Trần Đình Thiên đề nghị trong Chiến lược phát triển du lịch Nghệ An lần này phải có giải pháp để thu hút doanh nghiệp đầu tư du lịch Nghệ An xứng tầm với những tài nguyên. Và có lẽ, phải “thổi lửa” hơn nữa cho lãnh đạo tỉnh Nghệ An về phát triển du lịch để tạo ra những khát vọng và tinh thần quyết chiến, hành động mạnh mẽ.

Hơn 10 ý kiến góp ý rất chất lượng tại Hội thảo với những nghiên cứu sâu sắc đã đóng góp một cách chi tiết cho Chiến lược phát triển du lịch Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến 2035.

Phát biểu kết luận Hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu đề nghị tỉnh Nghệ An và đơn vị tư vấn cần xác định rõ về sản phẩm du lịch; đánh giá, dự báo cụ thể hơn về thị trường khách quốc tế, nội địa trong thời gian tới của Nghệ An. Từ đó, đưa ra tầm nhìn dài hạn, các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể để phát triển du lịch Nghệ An cùng với việc đẩy mạnh liên kết, kết nối vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, cũng như kết nối với các vùng khác.

THÚY HÀ

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top