Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Những thách thức trong phát triển văn hoá trong thời gian tới

Thứ Hai 21/11/2022 | 18:16 GMT+7

VHO- Bắt đầu từ năm 2021, Việt Nam bắt đầu vào một chu kỳ phát triển mới. Các chiến lược, quy hoạch trong lĩnh vực văn hoá cũng bắt đầu bước sang một giai đoạn phát triển mới, với những thuận lợi và thách thức mới. Việc xác định những thách thức là cách chúng ta chuẩn bị tốt nhất để đón nhận tương lai. Hướng đến Hội thảo Văn hóa 2022 sắp diễn ra, PGS.TS Bùi Hoài Sơn- Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục có bài viết:“Những thách thức trong phát triển văn hoá trong thời gian tới”. Báo Văn hóa trân trọng giới thiệu tới độc giả.

Bắt đầu từ năm 2021, Việt Nam bước vào một chu kỳ phát triển mới

Bắt đầu từ năm 2021, Việt Nam bước vào một chu kỳ phát triển mới. Văn hoá là một lĩnh vực không nằm ngoài bối cảnh chung đó. Hầu hết các chiến lược, quy hoạch trong lĩnh vực văn hoá đều lấy mốc 2020 làm mục tiêu thời gian cho phát triển của mình, chính vì thế, từ năm 2021, cũng là lúc, các chiến lược, các quy hoạch sẽ bắt đầu bước sang một giai đoạn phát triển mới, với những thuận lợi và thách thức mới. Cùng với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021, Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030 cũng đã được ban hành, định hướng cho sự phát triển chung của văn hóa. Vì vậy, xác định các thời cơ, thách thức chính là cách để chúng ta đón nhận các cơ hội và lường trước những khó khăn sẽ gặp phải đối với văn hóa đất nước. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi muốn nhấn mạnh một số thách thức như sau:

1. Thách thức trong việc hoàn thiện thể chế văn hóa trong đó các chủ trương, đường lối lớn của Đảng và Nhà nước được cụ thể hóa và thực thi, để có thể  hỗ trợ sự đa dạng và năng động của văn hóa, nghệ thuật mà không can thiệp quá sâu và giới hạn sức sáng tạo.

Trong những năm gần đây, những chủ trương lớn của Đảng đối với sự phát triển đất nước nói chung, văn hóa nói riêng gồm định hướng xây dựng chính phủ kiến tạo, hành động, ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, với mục tiêu phát triển bền vững, thúc đẩy sự sáng tạo, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Kể từ khi đất nước tiến hành công cuộc đổi mới, nền kinh tế Việt Nam cơ bản đã là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, thách thức đối với ngành văn hóa là làm sao các yếu tố của nền kinh tế thị trường có thể có tác dụng tích cực, tạo ra những chuyện biến tốt đối với sự vận hành của các lĩnh vực văn hóa. Để cụ thể hóa xu hướng chung đó, thách thức đầu tiên đến từ việc thể chế hóa, trong đó, chúng ta cần hoàn thiện các chính sách thuế và luật định ảnh hưởng đến kinh doanh nghệ thuật và thị trường như quyền sở hữu trí tuệ, luật hiến tặng và bảo trợ, hoàn thiện hành lang pháp lý thúc đẩy sự tham gia vào văn hóa của các đối tác khác nhau trong lĩnh vực công, tư và độc lập.  Thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp văn hóa hay công nghiệp sáng tạo như một giải pháp để phát triển văn hóa. Xây dựng các cơ chế thúc đẩy phát huy nguồn lực, nhằm tạo nên sự hiệp lực, hợp tác chặt chẽ trong văn hóa, nghệ thuật thúc đẩy sự điều phối, kết hợp giữa nhà nước, các nhà tài trợ, thành phần tư nhân để hỗ trợ cho sự phát triển bền vững, tăng trưởng, cạnh tranh và cải tổ trong lĩnh vực văn hóanghệ thuật.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn- Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục

Chú ý đến quyền văn hoá của người dân cũng là một trong những cách thức để tạo ra sự năng động của văn hoá, nghệ thuật. Khi người dân được tạo điều kiện để hưởng thụ, sáng tạo và tôn trọng tự do biểu đạt văn hoá nghệ thuật thì sẽ là môi trường tốt để phát triển văn hoá. Để làm được như vậy, chúng ta phải thực hiện tốt quan điểm chính phủ kiến tạo trong lĩnh vực văn hoá, khi đó, Nhà nước tập trung nhiều hơn đến việc ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển văn hoá, hạn chế việc can thiệp quá sâu hay thực hiện trực tiếp các hoạt động văn hoá cụ thể.

2.Thách thức trong việc chuyển đổi mô hình từ quản lý tập trung sang mô hình phân cấp quản lý văn hóa phù hợp với bối cảnh kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa

Trong khi nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội đã vận hành theo các tín hiệu thị trường thì lĩnh vực văn hóa, nhiều lúc, nhiều nơi, vẫn chưa thực sự theo kịp với những thay đổi đó. Với tư tưởng của chính phủ kiến tạo, chức năng của Chính phủ đã thay từ làm văn hóa chuyển sang quản lý văn hóatừ quản lý vi mô sang quản lý vĩ mô, từ quản lý trực tiếp chuyển sang quản lý gián tiếp, từ quản lý đơn vị trực thuộc chuyển sang quản lý xã hội. Thách thức trong việc tiếp tục đổi mới tư duy lãnh đạo văn hóa văn nghệ của Đảng theo hướng dân chủ, cởi mở, phát huy tính sáng tạo, chủ động của các chủ thể văn hóa. Xây dựng các chủ trương, đường lối, Nghị quyết bám sát thực tiễn nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và yêu cầu phát triển bền vững; có sự phân quyền rõ ràng giữa Đảng và chính quyền trong triển khai thực hiện. Gia tăng việc kiểm tra, giám sát, tổng kết, đánh giá trong quá trình thực hiện. Đổi mới tư duy quản lý văn hóanghệ thuật dựa trên tư tưởng về quyền văn hóa của người dân và tinh thần xây dựng hệ thống hành chính công hiện đại; từng bước xây dựng cơ chế phân cấp, phân quyền mới theo nguyên tắc các cơ quan nhà nước tập trung vào phát triển hệ thống thể chế, đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng chủ chốt, phát triển nguồn nhân lực bậc cao, tổ chức một số hoạt động và sự kiện văn hóa nghệ thuật, các việc còn lại giao cho cộng đồng, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thực hiện, thực hiện tốt giải pháp trong Kết luận 76-KL/TW trong việc “tích cực đổi mới phương thức lãnh đạo và quản lý đối với sự nghiệp phát triển văn hoá, xác định rõ những chiến lược và giải pháp lãnh đạo, quản lý phù hợp với từng đối tượng, lĩnh vực và địa bàn cụ thể.”

Nghị định 144/2020/NĐ-CP quy định hoạt động nghệ thuật biểu diễn là một bước tiến lớn trong việc phân cấp, phân quyền về cho các địa phương. Đây có thể không chỉ là một trường hợp cá biệt mà có thể là một xu hướng chính trong quản lý văn hoá những năm sắp tới.

3.Thách thức trong việc hoàn thiện năng lực vận hành, ứng dụng và quản lý cơ sở hạ tầng thông tin trong lĩnh vực văn hoá

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là một bối cảnh lớn, tác động đến toàn bộ xã hội, trong đó có lĩnh vực văn hoá, nghệ thuật. Cơ sở dữ liệu lớn (big data) là một yếu tố quan trọng đã, đang và sẽ chi phối sự phát triển của lĩnh vực văn hóa nghệ thuật ở Việt Nam, trong đó hình thành dữ liệu số hóa về di sản văn hóa sẽ làm thay đổi trong việc bảo tồn, phát huy, quảng bá di sản trong tương lai, giúp ngành điện ảnh và các ngành nghệ thuật khác hoạt động hiệu quả hơn trong các hoạt động quảng bá phim, bán vé, đặt chỗ qua các dịch vụ trực tuyến, thu thập, phân tích dữ liệu công chúng, hình thành thị trường nghệ thuật trực tuyến, cung cấp dịch vụ xem phim trực tuyến,…; Công nghệ thực tế ảo có đóng góp vào việc làm thay đổi cách thức sản xuất phim cũng như thị hiếu của công chúng, hình thành các bảo tàng ảo và những người tham quan, trải nghiệm di sản trực tuyến; trong khi đó, internet kết nối vạn vật sẽ giúp bảo tồn, phát huy, quản lý di sản văn hóa trở nên hiệu quả hơn. Và cuối cùng, in 3D chính là công nghệ đang được ứng dụng rộng rãi nhất, đặc biệt trong lĩnh vực mỹ thuật. Năm 2020, khi dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng toàn thế giới, ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trở thành một xu thế tất yếu, và được đẩy nhanh ở tất cả các lĩnh vực của đời sống văn hoá, nghệ thuật.

Bên cạnh thời cơ, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng đem đến cho Việt Nam nhiều thách thức trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật

Bên cạnh thời cơ, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng đem đến cho Việt Nam nhiều thách thức trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, đó là những yếu kém về cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin, đặc biệt là nhận thức của những cán bộ làm trong ngành văn hóa nghệ thuật là những cản trở quan trọng trọng việc áp dụng thành tựu của cuộc cách mạng đó. Chúng ta cần lưu ý đến thách thức từ sự bùng nổ về thông tin, truyền thông đi kèm với làn sóng giao thoa, du nhập văn hoá, nghệ thuật với nhiều yếu tố văn hoá, nghệ thuật mới, có mặt tích cực nhưng cũng không ít những tiêu cực, trong khi trình độ cán bộ và phương tiện kỹ thuật để quản lý những vấn đề mới mẻ này còn hạn chế, dẫn đến sự lúng túng, bị động trong tổ chức thực hiện.

4.Thách thức của bối cảnh nền kinh tế số, của cách mạng công nghiệp lần thứ tư

Văn hoá được hình thành dựa trên kỹ thuật số hoá chắc chắc sẽ có những khác biệt so với các giai đoạn phát triển xã hội khác. Trong bối cảnh  phát triển mạnh mẽ của công nghệ truyền thông đa phương tiện và kỹ thuật số, thị trường tự do, lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật cần tạo ra sự khác biệt và ứng dụng thành công công nghệ trong việc tạo ra những sản phẩm, dịch vụ độc đáo, đa dạng, đáp ứng nhu cầu của công chúng. Công nghệ số, internet phát triển kéo theo khả năng tiếp cận các nội dung văn hóa, nghệ thuật trở nên dễ dàng và không bị giới hạn bởi các đường biên giới quốc gia, điều này cũng đòi hỏi sự khác biệt, độc đáo trong nội dung, ý tưởng của các sản phẩm văn hóa như là một ưu thế cạnh tranh quan trọng. Các nước phát triển trên thế giới đang chuyển nhanh sang nền kinh tế tri thức, kinh tế sáng tạo, công nghệ số hóa và số hóa các nội dung văn hóa[1]. Những thay đổi này đã đem lại những cơ hội lớn về khả năng giảm thiểu chi phí sản xuất, góp phần tạo ra các kênh phân phối, quảng bá sản phẩm mới (ví dụ qua các mạng xã hội trên internet), chúng cũng đòi hỏi những hành động nhạy bén và sự thích ứng liên tục với môi trường thay đổi. Sự chuyển đổi kỹ thuật số và tinh thần kinh doanh đưa ra những cơ hội, khả năng và thách thức mới cho ngành văn hóa về phương thức hoạt động. Chúng ta cần chú ý nhiều hơn đến việc hoàn thiện hệ thống chính sách về quyền riêng tư, bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng, sáng tác và hưởng thụ các tác phẩm văn học – nghệ thuật trên mạng, chính sách bản quyền về liên quan đến tác quyền và tài sản số hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu chung của ngành để từng bước hình thành nền tảng dữ liệu lớn,…

5.Thách thức về việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật trong bối cảnh nguồn lực dành cho văn hóa, nghệ thuật, cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư cho văn hóa, nghệ thuật chưa đáp ứng được nhu cầu, chưa tương xứng với vai trò và vị thế của văn hóa khi đặt trong quan điểm phát triển bền vững đất nước

Nguồn lực từ ngân sách Nhà nước luôn là vấn đề lớn đối với tất cả các lĩnh vực, không riêng gì lĩnh vực văn hóa, chính vì thế, chủ trương xã hội hóa được xem là một cứu cánh cho sự phát triển chung của mọi lĩnh vực. Trong những năm gần đây, dù ngân sách Nhà nước dành cho lĩnh vực văn hóa nghệ thuật có tăng nhưng không thể đáp ứng nhu cầu ngày càng nhiều của lĩnh vực này. Dù vậy, đầu tư cho văn hóa, nghệ thuật rất quan trọng vì đây là một nhiệm vụ để cụ thể hóa, hiện thực hóa những thành tựu trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội. Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã từng viết: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Về mặt văn hóa, có nghĩa là, chúng ta cũng cần có những công trình, sự kiện văn hóa xứng tầm với những thành tựu của sự phát triển đất nước, của thời đại Hồ Chí Minh. Đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho tương lai, không chỉ là cho sự hoàn thiện nhân cách của con người – mục tiêu của sự phát triển kinh tế - xã hội, mà còn thể hiện dấu ấn phát triển của đất nước.

Trong thời gian vừa qua, hoạt động xã hội hóa cũng đã có những thành công nhất định

Vì vậy, chúng ta cần có sự chung tay của toàn xã hội trong đầu tư cho văn hóa, nghệ thuật. Trên thực tế, trong thời gian vừa qua, hoạt động xã hội hóa cũng đã có những thành công nhất định trong việc xây dựng, trùng tu các di tích tâm linh hay sự bùng nổ của các bộ phim Việt Nam do tư nhân sản xuất. Tuy vậy, thách thức ở đây nằm ở chỗ, nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật khác vẫn chưa thu hút được sự quan tâm đầu tư đầy đủ, nhất là những lĩnh vực bị xem là ít khán giả hay không có nhiều lợi ích cho cá nhân người đầu tư như nghệ thuật truyền thống, nghệ thuật đỉnh cao hay một số các sinh hoạt văn hóa khác.

6.Thách thức về năng lực đổi mới sáng tạo, trong việc cải cách lĩnh vực văn hóa để làm cho văn hóa trở nên phát triển bền vững hơn và mang tinh thần doanh nghiệp[2]

Sáng tạo là một từ khóa then chốt trong sự phát triển văn hóa những năm sắp tới. Năm 2019, Hà Nội được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là một trong những thành phố sáng tạo trong mạng lưới các thành phố sáng tạo của mình. Đây không chỉ là nỗ lực của riêng Thủ đô trong việc thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, mà còn thể hiện quyết tâm của thành phố trong việc đưa yếu tố sáng tạo trở thành hạt nhân quan trọng trong mọi chiến lược phát triển của Thủ đô. Sáng tạo sẽ giúp Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung có một sức sống mới cho không chỉ lĩnh vực văn hóa mà cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội khác. Đối với văn hóa, đổi mới sáng tạo có thêm ý nghĩa khi đưa tinh thần doanh nghiệp vào trong hoạt động quản lý, điều hành, tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Những thách thức ở đây là về việc nâng cao năng lực quản lý văn hóa trong cơ chế thị trường, về kỹ năng kinh doanh. Một trong những yêu cầu mới của lĩnh vực văn hóa là cần thiết lập mối quan hệ mạnh mẽ hơn với công chúng/người tiêu dùng, doanh nghiệp và cộng đồng, từ đó để nâng cao nhận thức về những các giá trị khác nhau của văn hóa, nghệ thuật.

7. Thách thức từ toàn cầu hoá văn hoá như là một quá trình lưu thông mà thông qua đó, các nền văn hoá dân tộc đang ngày càng hội nhập và phụ thuộc lẫn nhau

Gần đây, quá trình toàn cầu hóa càng trở nên mạnh mẽ hơn cùng với sự phát triển của phương tiện truyền thông mới, khiến thế giới trở thành một “ngôi làng toàn cầu”, và thúc đẩy quá trình tiếp biến, biến đổi văn hóa nhanh hơn: Phương thức giải trí mới tràn đến dồn dập, lan tỏa nhanh chóng, rộng khắp từ thành thị đến nông thôn. Người dân phải đối mặt với nhiều sự lựa chọn về lối sống, ứng xử, trong khi không phải ai cũng có tâm thế tốt và bản lĩnh để lựa chọn. Khi mà giá trị mới chưa hình thành vững chắc và giá trị cũ có phần lung lay dẫn đến khủng hoảng giá trị, từ đó tạo ra những lệch chuẩn văn hóa xã hội. Tất cả những hệ lụy này từ quá trình toàn cầu hóa tác động mạnh đến người dân, đặc biệt là giới trẻ, ảnh hưởng xấu đến đạo đức xã hội.

Tiết mục múa trong chương trình ngày hội giao lưu văn hóa Việt - Nhật do các bạn sinh viên Trường Đại học Thủ Dầu Một biểu diễn

Bên cạnh đó, văn hóa của các nước lớn, giàu có, lan tỏa rộng, tác động sâu đến đời sống văn hóa của nhân dân, có thể dẫn đến sự biến đổi trong nhận thức, tình cảm và từ đó lệ thuộc vào văn hóa của các quốc gia khác một cách tinh vi, sâu sắc và có độ bền vững. Sự tiếp thu thiếu chọn lọc văn hóa ngoại lai có nguy cơ làm tha hóa văn hóa dân tộc nếu bản thân Việt Nam không nâng cao sức mạnh nội sinh trong văn hóa tiến hành hiện đại văn hóa nhưng không xa rời dân tộc. Bối cảnh toàn cầu hóa đặt ra thách thức cần xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa bảo vệ bản sắc văn hoá dân tộc với tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hoá nhân loại để làm phong phú cho văn hoá đất nước, thúc đẩy văn hoá phát triển, hiện đại hóa văn hóa nhưng không xa rời dân tộc. Tôn trọng và gìn giữ truyền thống để phát triển tương lai, giữ gìn bản sắc văn hóa Việt Nam, củng cố nội lực, tạo sức đề kháng trước những cuộc “xâm lăng văn hóa” từ bên ngoài, hòa nhập mà không hòa tan, xử lý tốt các mối quan hệ giữa truyền thống và hiện đại, dân tộc và quốc tế. Xử lý tốt các xung đột văn hóa nảy sinh trong quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, toàn cầu hóa.

8.Thách thức trong việc xử lý rất hài hòa, đúng đắn nhiều mối quan hệ khác nhau của văn hóa

Văn hoá vừa là một lĩnh vực bao trùm, nhưng đồng thời là một lĩnh vực của đời sống xã hội, chính vì thế, văn hoá chịu sự tác động qua lại của các lĩnh vực khác nhau trong đời sống xã hội. Hiểu được mối quan hệ biện chứng này, chúng ta mới có thể xử lý hài hoà các mối quan hệ có liên quan đến văn hoá.

Trước hết là mối quan hệ giữa văn hóa và chính trị, trong đó xử lý như thế nào mối quan hệ giữa nhà nước và xã hội dân sự, giữa tập quyền và phân quyền trong văn hóa, trong việc coi văn hóa là một lĩnh vực của hệ tư tưởng. Thứ hai, là xử lý hài hòa mối quan hệ giữa văn hóa và kinh tế, bao gồm các quan điểm coi sự phát triển văn hóa là một bộ phận của nền kinh tế, nhất là chuyển sang kinh tế tri thức chứ không phải bên lề, là hệ quả của phát triển kinh tế. Quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa thực chất là quá trình phát triển văn hóa để tạo sức mạnh nội sinh và môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế, đồng thời, kinh tế phát triển lại là điều kiện cho sự phát triển của văn hóa. Cân bằng giữa quan điểm văn hóalà hàng hóa - sản phẩm văn hóađược coi là một loại hàng hóa với cách nhìn nhận về vị thế của văn hóa là như một hàng hóa công cộng và đáp ứng các lợi ích xã hội.  Thứ ba, xử lý mối quan hệ giữa truyền thống và hiện đại, đơn cử như các di sản văn hóa cần được bảo tồn và phát huy như thế nào là thích hợp; Giữa bảo tồn truyền thống và phát triển văn hóa mới cần được định vị như thế nào trong một chính sách phát triển tổng thể - như những hạn chế, yếu kém cần khắc phục trong đánh giá ở Kết luận 76-KL/TW về chưa giải quyết hài hoà mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển trong quản lý văn hoá”.

Nhìn chung, việc cân bằng trong xử lý mối quan hệ giữa văn hoá và các lĩnh vực khác rất quan trọng để tạo ra sự phát triển xã hội hài hoà. Việc xác định lợi ích của các bên liên quan, đánh giá tác động đến văn hoá trong các dự án kinh tế - xã hội cần được xem xét như một khâu bắt buộc trong mọi kế hoạch phát triển đất nước.

9. Thách thức trong việc khuyến khích sáng tạo của nghệ sĩ và giới chuyên môn, bảo tồn đi đôi với việc tiến hành nâng cao, cải biên, hiện đại hoá văn hoá truyền thống, làm cho các giá trị truyền thống phù hợp với đời sống của xã hội đương đại, qua đó phát triển các ngành công nghiệp văn hóa thành ngành có giá trị kinh tế cao và sức mạnh quảng bá tốt cho văn hóa quốc gia, phát triển nguồn nhân lực sáng tạo, mở rộng thị trường và làm cho ngành công nghiệp văn hoá có đóng góp ngày càng quan trọng hơn cho sự phát triển chung của cả nền kinh tế

Một trong những điểm đáng mừng trong giai đoạn vừa qua chính là sự nhấn mạnh đến tầm quan trọng của các sản phẩm và dịch vụ văn hoá đối với sự phát triển chung của đất nước. Các ngành công nghiệp văn hoá được cấu thành bởi bốn yếu tố quan trọng gồm tài năng sáng tạo, vốn văn hoá, kỹ năng kinh doanh và công nghệ. Như vậy, để các ngành công nghiệp văn hoá phát triển, cả bốn yếu tố trên phải được kết hợp nhuần nhuyễn. Yếu tố quan trọng đầu tiên chính là tài năng sáng tạo. Đội ngũ các văn nghệ sĩ cần được tạo điều kiện tối đa để tạo ra các tác phẩm văn học nghệ thuật thể hiện được những thành tựu của công cuộc Đổi mới đất nước. Không những thế, đội ngũ sáng tạo này cần khai thác có hiệu quả kho tàng văn hoá dân tộc để có những chất liệu mới, tạo nên sức sống mới cho văn hoá Việt Nam. Bên cạnh đó, kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn Việt Nam cũng cho chúng ta thấy những bài học về việc cần phải có kỹ năng kinh doanh và công nghệ để hỗ trợ cho các sản phẩm và dịch vụ văn hoá. Tính chuyên nghiệp của 12 ngành công nghiệp văn hoá Việt Nam là những điều chúng ta còn đang thiếu. Củng cố tính chuyên nghiệp, đưa yếu tố sáng tạo và lồng ghép những nội dung văn hoá dân tộc sẽ làm cho các ngành công nghiệp văn hoá lan toả sức mạnh mềm, xây dựng và quảng bá hình ảnh quốc gia tốt hơn.

Để đạt được mục tiêu trên, chúng ta cần tạo ra môi trường khuyến khích sáng tạo, hỗ trợ phát triển văn hóa để mọi người, mọi tầng lớp xã hội tham gia phát triển văn hóa, từng bước góp phần xây dựng quốc gia khởi nghiệp từ văn hóa, bằng văn hóa.

Văn hóa luôn được xem vừa là mục tiêu, vừa là động lực cho sự phát triển đất nước. Trong bối cảnh mới, việc chúng ta chú ý nhiều hơn đến văn hóa cũng thể hiện một trình độ mới trong phát triển đất nước. Chính vì vậy, việc xác định những thách thức là cách chúng ta chuẩn bị tốt nhất để đón nhận tương lai. Có một sự chuẩn bị kỹ càng sẽ giúp cho chúng ta có tâm thế tốt hơn để hoàn thành nhiệm vụ lớn đối với ngành văn hóa, để văn hóa làm tốt nhiệm vụ tạo môi trường tốt cho việc xây dựng con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

PGS.TS BÙI HOÀI SƠN- Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top