Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Đại đoàn kết và  Di sản văn hóa: Cội nguồn sức mạnh và động lực phát triển bền vững đất nước

Thứ Hai 21/11/2022 | 09:41 GMT+7

VHO- Tuần Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam 2022 diễn ra từ ngày 18 - 23.11 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) là hoạt động thiết thực chào mừng Ngày truyền thống - Ngày thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18.11) và Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23.11)

 Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy và các đại biểu dự Tuần Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam 2022

Phát biểu khai mạc Tuần Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam năm 2022, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, Tuần Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam năm 2022 diễn ra từ ngày 18 - 23.11.2022 là sự kiện nhằm tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng; tôn vinh, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Ngày hội còn là dịp để đồng bào các dân tộc gặp gỡ, giao lưu, giới thiệu các giá trị văn hóa mang đậm bản sắc của dân tộc mình tại “Ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.

Sau hơn 35 năm thực hiện sự nghiệp đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng về chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh. Trong lĩnh vực văn hóa, đường lối, chủ trương phát triển văn hóa của Đảng tiếp tục có sự đổi mới sâu sắc về vai trò của văn hóa trên cơ sở kế thừa nền tảng tư tưởng Hồ Chí Minh và xu thế tất yếu, khách quan của thời đại. Trong tác phẩm Một số vấn đề lý luận thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, hai luận điểm chính về văn hóa được nêu gồm: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội và Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Nền tảng tinh thần của xã hội được đề cập chính là hệ giá trị về mặt tinh thần của con người Việt Nam. Đó là lòng yêu nước nồng nàn, khát vọng độc lập, tự chủ, tự cường; là tinh thần đoàn kết, gắn bó keo sơn, muôn người như một; là lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, đạo lý, đức tính cần cù, sáng tạo trong chiến đấu, lao động… đã được kiến tạo vững vàng và thử thách bền bỉ qua hàng ngàn năm lịch sử, trở thành nền tảng vững chắc cho đời sống tinh thần xã hội.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, lúc sinh thời, Bác Hồ kính yêu đã khẳng định: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Những đặc trưng của nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc cũng được nêu rõ tại Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI là dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Trong Tuyên ngôn Toàn cầu về đa dạng văn hóa (2001) và Công ước Bảo vệ và phát huy đa dạng các biểu đạt văn hóa (2005), UNESCO đã nhấn mạnh văn hóa là điều kiện tiên quyết để phát triển bền vững. “Vì vậy, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Đại đoàn kết toàn dân tộc là truyền thống quý báu, cội nguồn sức mạnh của dân tộc Việt Nam”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định.

 Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy chủ trì “Hội nghị gặp mặt nghệ nhân và những người có nhiều đóng góp trong công tác bảo tồn, phát huy văn hóa các dân tộc thiểu số khu vực phía Bắc, năm 2022”

Bộ trưởng cho biết thêm, Tuần Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam 2022 có nhiều hoạt động ý nghĩa như gặp mặt già làng, trưởng bản, những nghệ nhân tiêu biểu có nhiều đóng góp cho bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa của các dân tộc; tổ chức trưng bày, triển lãm giới thiệu sản phẩm, không gian văn hóa, tái hiện các lễ hội độc đáo của các dân tộc; các tiết mục dân ca, dân vũ đặc sắc. Trong đó, có các sự kiện được lần đầu tổ chức như Liên hoan trình diễn trang phục các DTTS Việt Nam khu vực phía Bắc lần thứ I, năm 2022; Giải vô địch Anh tài Vật dân tộc quốc gia năm 2022.

Với chuỗi sự kiện ý nghĩa, Tuần Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam 2022 hứa hẹn sẽ mang lại bầu không khí vui tươi, đoàn kết, lan toả tình yêu văn hóa dân tộc; mang lại sự trải nghiệm quý báu với nhân dân và du khách, đặc biệt là thế hệ trẻ những chủ nhân tương lai của đất nước; để những thế hệ đi sau biết trân quý những giá trị văn hóa của dân tộc mình, trân quý sự thống nhất trong đa dạng của văn hóa Việt Nam thông qua hệ thống di tích, di sản văn hóa phi vật thể đồ sộ của dân tộc. Đoàn kết để có khát vọng cháy bỏng. Đoàn kết để quyết tâm, nỗ lực hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.

Phát biểu chào mừng và chỉ đạo tại Lễ khai mạc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ, Tuần Đại đoàn kết các dân tộc là hoạt động thường niên được tổ chức tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, là nơi hội tụ những giá trị văn hóa tiêu biểu của 54 dân tộc Việt Nam. Các hoạt động hướng về ngày Di sản văn hóa Việt Nam năm nay có ý nghĩa sâu sắc, hưởng ứng Hội nghị Văn hóa toàn quốc. Đồng thời, biểu dương các tấm gương tiêu biểu từ cộng đồng đồng bào các dân tộc trong cả nước, tôn vinh các hoạt động bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc. Tuần lễ Đại đoàn kết sẽ giới thiệu về những nét đẹp văn hóa truyền thống, lan tỏa những giá trị nhân văn, tinh thần tương thân, tương ái, tình yêu quê hương đất nước và con người Việt Nam.

Điểm nhấn của Tuần Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam 2022 là Lễ khai mạc diễn ra trên sân khấu nổi hồ Đồng Mô với chủ đề Khát vọng Việt Nam, được chia làm hai chương Những sắc màu di sản các dân tộc Việt Nam Đại đoàn kết các dân tộc, thành công lớn và khát vọng Việt Nam. Các tiết mục tại lễ khai mạc mang đậm giá trị truyền thống, sâu lắng nhưng không kém phần trẻ trung, sôi động đã giúp người xem cảm nhận rõ nét cuộc sống của đồng bào các dân tộc anh em qua những lát cắt trong cuộc sống, được tái hiện bằng âm nhạc và những điệu dân ca, dân vũ... Chương trình nghệ thuật được đầu tư quy mô, hoành tráng, kết hợp giữa những giá trị truyền thống của văn hóa với công nghệ âm thanh, ánh sáng hiện đại đã trở thành lời chào mừng ấn tượng cho Tuần Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam năm 2022.

 Chương trình nghệ thuật tại Lễ khai mạc

Trong khuôn khổ Tuần Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam 2022 còn diễn ra nhiều sự kiện thu hút được sự quan tâm của đông đảo du khách: Tái hiện không gian chợ phiên khu vực miền núi phía Bắc; trưng bày giới thiệu sản phẩm văn hóa đặc trưng và trình diễn thêu, dệt thủ công truyền thống; gặp mặt nghệ nhân và những người có nhiều đóng góp trong bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc. Cùng với đó, nhiều hoạt động đặc sắc của cộng đồng các dân tộc được tái hiện như: Lễ kết nghĩa mẹ con của dân tộc Ê Đê tỉnh Đắk Lắk; giới thiệu nghệ thuật Bài chòi và Lễ hội cầu ngư của tỉnh Phú Yên; giới thiệu sắc màu văn hóa của đồng bào dân tộc Chăm tỉnh An Giang; tái hiện nghi lễ mừng lúa mới của dân tộc Gia Rai tỉnh Gai Lai; ngày hội văn hóa các dân tộc các vùng miền Tây Bắc, Đông Bắc, Bắc Trung Bộ, duyên hải Nam Trung Bộ và các hoạt động trải nghiệm của du khách…

Chia sẻ cảm xúc của mình, nghệ nhân Y Sinh, dân tộc Xơ Đăng (Kon Tum) cho biết: “Tôi rất hạnh phúc khi những nét đặc trưng về di sản văn hóa của cộng đồng các dân tộc anh em được hòa chung. Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam trở thành nơi kết nối, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa của đồng bào các dân tộc trên đất nước Việt Nam. Đặc biệt hơn cả nhân dịp này, chúng tôi được trực tiếp tham gia vào việc quảng bá, thể hiện sự tự hào về những đặc trưng trong phong tục, tập quán của dân tộc mình”.

Cùng chung cảm xúc, chị Ma Thị Dung, dân tộc Nùng (Bắc Giang) chia sẻ: “Nhờ có Tuần Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam 2022, đồng bào dân tộc thiểu số từ khắp mọi miền Tổ quốc có dịp được cùng nhau hội tụ tại “Ngôi nhà chung”. Hình ảnh đồng bào các dân tộc cùng nắm chặt tay nhau là minh chứng cho một dân tộc luôn đoàn kết, vượt qua khó khăn, nỗ lực vì sự phát triển của đất nước. Dù là người Tày, Mường, Dao, Xơ Đăng, Ê Đê… giờ đây, chúng tôi như hòa vào làm một dưới bầu không khí hứng khởi của ngày hội đại đoàn kết dân tộc”. 

 LINH KHÔI - ĐÌNH TOÁN; ảnh: TRẦN HUẤN

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top