Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Hoạt hình Việt Nam bước ra thế giới: Đường trường… liệu có còn xa?

Thứ Hai 21/11/2022 | 09:41 GMT+7

VHO- Đã có lịch sử 63 năm kể từ ngày thành lập Xưởng phim hoạt họa búp bê Việt Nam (1959), nhưng đến nay, hoạt hình Việt Nam vẫn đối diện với vô vàn khó khăn, đặc biệt là thiếu vắng những bộ phim lớn, có thời lượng dài, đủ sức để bước ra rạp chiếu và khiến khán giả “rút hầu bao”...

 "Đáng đời thằng cáo”, bộ phim hoạt hình đầu tiên của Việt Nam

 Theo các chuyên gia, để có những bộ phim “bom tấn” chiếm lĩnh thị trường, có dấu ấn, tên tuổi trên bản đồ thế giới, hoạt hình Việt Nam còn phải vượt qua chặng đường không ngắn. Ở đó, cần những người làm phim đủ năng lực và tầm vóc để dẫn dắt được loại hình nghệ thuật này phát triển.

Thời điểm cần mở rộng tầm nhìn

TS Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam cho biết, trên thế giới có những bộ phim hoạt hình nổi tiếng như Doreamon, Bánh mì đám mây… được hàng tỉ người xem đón nhận, nhưng chúng ta thì chưa làm được điều ấy. Từ khi thành lập Xưởng phim hoạt họa búp bê Việt Nam ngày 9.11.1959, đến tháng 6.1960, bộ phim đầu tiên ra đời là Đáng đời thằng cáo, 63 năm đồng hành cùng lịch sử dân tộc, qua các giai đoạn chiến tranh, thống nhất đất nước, đổi mới và hội nhập, phim hoạt hình là một bộ phận không thể thiếu được của điện ảnh Việt Nam, là người bạn của các thế hệ khán giả nhỏ tuổi. Đến nay, chúng ta đã có khoảng 700-800 phim hoạt hình với quy mô sản xuất 15-17 phim/năm; trong đó có gần một trăm phim được trao các giải thưởng Bông sen vàng, Bông sen bạc, Cánh diều vàng, Cánh diều bạc và một số giải quốc tế.

Theo bà Ngô Phương Lan, so với tiềm năng thì hoạt hình Việt Nam còn làm được nhiều điều hơn thế. Những năm gần đây, bên cạnh Hãng phim hoạt hình của nhà nước, còn có nhiều hãng phim hoạt hình tư nhân phát triển lớn mạnh. Một số bộ phim bước ra thế giới và được công chúng đón nhận. “Đã đến lúc chúng ta cần mở rộng tầm nhìn, thay đổi cách đánh giá năng lực và cách thức sản xuất phim hoạt hình để tập hợp sức mạnh, từ đó mở ra hướng hợp tác quốc tế, tạo sự phát triển bền vững để hoạt hình Việt Nam trở thành một ngành công nghiệp trong tổng thể bức tranh của công nghiệp văn hóa...”, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam chia sẻ.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội nhận định: “Trong khoảng 10 năm gần đây, sự tăng trưởng của phim hoạt hình khá tốt, đem lại 10-15% doanh thu cho điện ảnh. Nhìn ra thế giới, chúng ta thấy được tương lai của ngành hoạt hình trong nước. Như Nhật Bản, đóng góp của phim hoạt hình và sản phẩm liên quan chiếm tới 5-6% GDP. Cùng đó, phim hoạt hình cũng góp phần tích cực lan tỏa thông điệp nhân văn, bởi vậy, khai thác được giá trị của phim hoạt hình sẽ là một cách hữu hiệu để quảng bá hình ảnh, từ đó góp phần xây dựng sức mạnh mềm và thương hiệu quốc gia”.

Khẳng định vị trí đặc biệt của hoạt hình, nguyên Thứ trưởng Bộ VHTTDL, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam Vương Duy Biên cũng cho rằng, cần tính đến việc xây dựng hình ảnh biểu tượng, đặc trưng cho hoạt hình Việt, giống như nhân vật Tễu của múa rối. “Xây dựng được nhân vật điển hình cho hoạt hình Việt Nam chính là xây dựng thương hiệu Việt Nam. Hoạt hình không phải chỉ phục vụ công chúng nhỏ tuổi mà cần tham dự các LHP lớn của thế giới, được công chúng thế giới biết đến…”, ông Vương Duy Biên gợi ý.

TS Ngô Phương Lan cũng cho rằng, chúng ta nên nuôi dưỡng và nỗ lực hiện thực hóa ước mơ đuổi kịp những đỉnh cao. Rõ ràng ở thời điểm hiện tại, Việt Nam cũng sở hữu những hãng phim hoạt hình tư nhân lớn mạnh. Đơn cử như Sconnect, với nguồn nhân lực đáng ngạc nhiên lên tới 1.000 người, sản phẩm của họ cũng đã trở thành thương hiệu thu hút đông đảo khán giả trong và ngoài nước, như bộ phim hoạt hình với nhân vật Wolfoo. “Tuy nhiên, hoạt hình Việt Nam vẫn chưa tập hợp được sức mạnh tổng thể để phát triển và chinh phục thị trường thế giới. Những công ty sản xuất phim hoạt hình có năng lực tốt, phát hành trên mạng xã hội, là đối tác của nhiều hãng sản xuất hoạt hình quốc tế lớn cần được đưa vào guồng quay phát triển văn hóa, công nghiệp điện ảnh”, bà Ngô Phương Lan nói.

Muốn đi xa phải đi cùng nhau

Thành công của các doanh nghiệp làm hoạt hình ở Việt Nam đến nay vẫn mang tính đơn lẻ. Nhà sáng lập và Giám đốc điều hành Công ty Sconnect Việt Nam, ông Tạ Mạnh Hoàng chia sẻ, với con đường đang đi, Sconnect tin tưởng mảng phim hoạt hình Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ trong tương lai. Tuy nhiên, muốn phát triển bền vững thì điều đầu tiên là phải có tiềm năng, hoạch định đúng vai trò của phim hoạt hình, coi đây thực sự là mảng kinh doanh có đóng góp vào thị phần kinh tế của đất nước. “Quá trình xúc tiến và cạnh tranh trên thế giới đều phải có bước đi, với mục tiêu đặt ra rõ ràng. Doanh nghiệp làm phim hoạt hình Việt Nam nhiều khi còn đơn độc bởi vẫn chưa nhận được sự kết nối từ phía cơ quan quản lý”, ông Tạ Mạnh Hoàng bày tỏ.

Muốn đi xa phải đi cùng nhau. Một số doanh nghiệp hoạt hình phát triển cho biết, đã nhiều lần tham dự các liên hoan, hội chợ liên quan tới hoạt hình ở nước ngoài, thế nhưng họ đều đến với tư cách doanh nghiệp, không có các gian hàng, các hoạt động xúc tiến mang tính chất quốc gia. “Nhiều khách hàng hài lòng với sản phẩm của chúng tôi. Điều đó là một đảm bảo cho chất lượng họa sĩ cũng như sản phẩm hoạt hình của Việt Nam. Chúng ta đã có những nhân sự giỏi, những sản phẩm mang lại lợi nhuận, nhiều studio hoạt hình Việt Nam được đánh giá ngang hàng với những studio lớn của thế giới. Bởi thế, cần sớm có sự hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho những đơn vị làm phim hoạt hình như chúng tôi”, bà Lê Quỳnh Như, người đồng sáng lập và quản lý DeeDee Animation Studio chia sẻ.

Một trong những khó khăn mà hoạt hình Việt Nam đang gặp phải là thiếu nhân lực có trình độ. Ông Nguyễn Hoàng Anh, Giám đốc điều hành của Freaky Motion nêu giải pháp của đơn vị này cũng như nhiều đơn vị tư nhân đang hoạt động trong lĩnh vực hoạt hình là tự đào tạo nhân lực. PGS.TS Bùi Hoài Sơn cũng nhấn mạnh, có nhiều việc cần làm, nhưng một trong những việc quan trọng nhất là xây dựng nguồn nhân lực.

“Từng bước đưa hoạt hình và các sản phẩm liên quan ra thị trường quốc tế một cách bài bản sẽ là giải pháp vừa góp phần xây dựng ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam, vừa bảo vệ bản sắc văn hóa Việt trong phim hoạt hình”, TS Ngô Phương Lan nhận định. Bởi vậy, các nhà làm phim cùng các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này đều cho rằng, để không còn đơn độc trên con đường phát triển và lan tỏa hình ảnh, khẳng định vị trí của hoạt hình Việt Nam ra thế giới, cần nhiều hơn nữa sự chung tay hỗ trợ, dẫn dắt có tầm nhìn tổng thể, dài hơi. 

 PHƯƠNG ANH

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top