Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Miệt mài cắm bản gieo từng con chữ

Chủ Nhật 20/11/2022 | 08:07 GMT+7

VHO - Với tất cả tình yêu nghề dạy học, những thầy cô giáo cắm bản nơi biên giới Việt Lào ở tỉnh Quảng Bình đang ngày ngày vượt qua mọi khó khăn, thiếu thốn để mang con chữ lên vùng biên giới, xa xôi trên đỉnh Trường Sơn bốn mùa mây phủ để miệt mài “gieo” cái chữ cho trẻ em đồng bào các dân tộc.

Nơi sinh sống của đồng bào ở nơi đại ngàn Trường Sơn

Gian nan ‘cõng chữ’ lên non

Ở nơi đại ngàn, giữa bạt ngàn màu xanh của rừng, sừng sững của núi, nơi “sơn cùng thuỷ tận” của xã Trường Sơn (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) có 52 giáo viên cắm bản ở 24 điểm trường mầm non và tiểu học. Ngày tháng kiên trì gieo con chữ ở nơi biên giới này, thầy cô giáo cắm bản gặp muôn vàn khó khăn về cơ sở vật chất trường lớp, đi lại vất vả, chưa có điện lưới, sóng điện thoại...

Cô giáo Văn Thị Thu Hiền, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Long Sơn (xã Trường Sơn) cho biết, trường có 5 điểm trường lẻ ở những bản Đá Chát, Chân Trôộng, Dốc Mây, Liên Thượng, Trung Sơn nhưng ở Dốc Mây là điểm trường xa nhất, đường sá đi lại khó khăn nhất.

Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng thầy cô giáo vẫn kiên trì bám bản, bám điểm trường

Bản Dốc Mây nằm ở trên núi cao ở nơi biên giới Việt – Lào. Để vào dạy chữ cho các em học sinh ở bản, từ trung tâm xã Trường Sơn, các thầy giáo của trường phải mất gần nửa ngày đường để vượt hơn 30km đường rừng, vượt suối, lội đá tai mèo mới đến được bản.

Chưa kể nơi ăn chốn ở còn lắm khó khăn, với các cô giáo của Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Trường Sơn (xã Trường Sơn, Quảng Ninh) cõng chữ lên non ở các điểm trường Hôi Rấy, Nước Đắng, Ploang, Zìn Zìn… cũng lắm gian truân.

Nếu như ở bản Dốc Mây, các thầy cô phải lội suối băng đèo, trèo đá tai mèo cả nửa ngày mới đến nơi thì các cô giáo dạy ở bản Hôi Rấy, Nước Đẳng – hai bản ở sâu giữa đại ngàn Trường Sơn phải đi đò dọc trên dòng Tam Lu hơn 3 tiếng đồng hồ mới tới điểm trường.

Thầy cô giáo đi đò dọc để đến điểm trường

Với các cô Đỗ Thị Hồng Lê và Nguyễn Thị Duyền, giáo viên người miền xuôi (ở thị trấn Quán Hàu) đang dạy ở điểm trường Hôi Rấy không thể nào nhớ hết bao lần xuôi ngược trên con thuyền nhôm chồng chềnh vượt thác Tam Lu trên sông Long Đại. Chỉ biết rằng, các cô giáo đã gắn bó với các bản làng nơi “sơn cùng, thuỷ tận” ở Trường Sơn đã hơn 25 năm để gieo từng con chữ cho con em đồng bào dân tộc.

Cùng với việc kiên trì bám bản dạy chữ cho trẻ ở bậc mầm non, tiểu học, nhiều năm qua, các thầy cô giáo ở Trường phổ thông dân tộc Nội trú Quảng Ninh (huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) luôn có mặt ở khắp bản làng dọc dãy Trường Sơn để tiếp tục vận động học sinh đến trường học bậc THCS.

Trên những chuyến đò dọc hay những con đường lầy lội bùn đất giữa rừng sâu, nơi sườn núi luôn in đậm dấu chân của các thầy cô tìm đến các bản làng như Zin Zin, Hôi Rấy, Nước Đắng, Chân Trôộng, Bến Đường, Đá Chát, P Loang, Dốc Mây… để “dân vận” phụ huynh cho em tiếp tục đến trường học cái chữ.

 “Chúng tôi như người con của bản”

Chúng tôi trở lại các bản vùng biên giới ở xã Trọng Hoá (huyện Minh Hoá). Bản Dộ - Tà Vờng ở nơi xa nhất, nằm dọc theo đường biên giới với nước bạn Lào. Dộ là một trong 7 điểm trường của trường PTDT bán trú TH&THCS số 2 Trọng Hóa gồm có: Pa Choong, Ka Óoc, Ra Mai, Si Mới, Cha Cáp, Dộ, Lòm.

Theo thầy giáo Cao Văn Bảo, tổ trưởng chuyên môn bậc tiểu học tại điểm trường Dộ, người đã gắn bó 26 năm với các bản làng từ Thượng Hoá đến Trọng Hoá chia sẻ, ngoài khó khăn bởi đi lại, ăn ở, đối với người giáo viên cắm bản, ngôn ngữ giao tiếp cũng là rào cản lớn nhất. Vì vậy, để bám trụ được với đồng bào người Khùa, người Mày, người Mã Liềng và dạy chữ cho trẻ em nơi đây, trước hết mình phải học tiếng của họ, rồi làm quen với họ, gần gũi với họ để giao tiếp và vận động các em đến trường.

Cô giáo như mẹ hiền, niềm vui ở nơi điểm trường bản Dộ (xã Trọng Hoá, Minh Hoá, Quảng Bình)

Riêng chuyện cùng ăn, cùng ở là bởi những lúc rảnh rỗi các thầy đến nhà các em để trò chuyện với phu huynh, vận động bà con xoá bỏ các tập tục lạc hậu, ăn uống vệ sinh, quan tâm đến chuyện học hành của con cái.

Gần đây nhất để giúp người dân ở bản Dộ - Tà Vờng trồng lúa nước, tranh thủ những ngày được nghỉ, các thầy cô giáo cắm bản đã cùng làm, cùng hướng dẫn để người dân bản địa biết cách trồng lúa nước, qua đó góp phần thắt chặt tình đoàn kết giữa thầy cô giáo và người dân bản địa. Chúng tôi như những người con của bản làng.

Trong cuộc chuyện, cô giáo Đinh Thị Hương Giang, người đã hơn 26 năm gắn bó với học sinh các bản làng ở huyện Minh Hoá cho hay, mặc dù cách sông trở núi, đời sống còn nhiều khó khăn nhưng chuyện học chữ, dạy chữ ở điểm trường Dộ rất nền nếp, chất lượng.

“Những khi các em bỏ học theo cha mẹ lên nương rẫy, chúng tôi phải vào tận nơi để giải thích cho bố mẹ các em việc cho con cái đến trường đầy đủ để biết viết, biết đọc để nâng cao hiểu biết. Sinh sống với bà con dân bản người Khùa, người Mày, chúng tôi rất trân trọng tình cảm của bà con”, cô Giang chia sẻ thêm.

Chụp ảnh kỉ niệm của cô và trò ở điểm trường Hôi Rấy, trường PTDT bán trú Tiểu học Trường Sơn (xã Trường Sơn, Quảng Ninh, Quảng Bình)

Trưởng bản Dộ -Tà Vờng Hồ Khiên nói: “Dân bản mình quý thầy cô giáo lắm. Họ không chỉ dạy cái chữ cho con em trong bản mà còn giúp dân bản mình nhiều việc từ ăn uống vệ sinh, sinh đẻ có kế hoạch, sống định canh định cư, xoá bỏ các thủ tục lạc hậu đến cầm tay chỉ việc trong cách trồng cây lúa nước, cách nuôi gia súc đạt hiệu quả”.

Mặc dù cuộc sống của giáo viên cắm bản ở trên địa bàn tỉnh Quảng Bình còn nhiều vất vả nhưng bằng tình yêu nghề, những người thầy giáo cô giáo đã vượt qua mọi khó khăn, động viên nhau mang con chữ lên dạy ở những bản làng xa xôi nơi biên giới Việt Lào.

TÂN BÌNH

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top