Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Hôm nay, khai mạc Tuần Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam năm 2022

Thứ Sáu 18/11/2022 | 10:22 GMT+7

VHO- Hôm nay 18.11, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) diễn ra Lễ khai mạc Tuần Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam năm 2022 và “Liên hoan trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam khu vực phía Bắc lần thứ I năm 2022”.

 Một số tiết mục nghệ thuật trong chương trình “Khát vọng Việt Nam”

 

 Trước đó, vào tối 17.11, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt đã dự và chỉ đạo buổi tổng duyệt cho Lễ khai mạc.

Khát vọng Việt Nam

Chương trình nghệ thuật chào mừng Lễ khai mạc diễn ra vào 20h tối nay và được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1. Đây là hoạt động mở đầu trong khuôn khổ Tuần lễ diễn ra sự kiện, tái hiện không gian chợ phiên khu vực miền núi phía Bắc; trưng bày giới thiệu sản phẩm văn hóa đặc trưng và trình diễn thêu, dệt thủ công truyền thống; gặp mặt nghệ nhân và những người có nhiều đóng góp trong bảo tồn, phát huy văn hóa cổ truyền của đồng bào…

Với chủ đề Khát vọng Việt Nam, chương trình sẽ nhấn mạnh vào hai nội dung: Đại đoàn kết toàn dân tộc và Tôn vinh di sản văn hóa. Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Trần Ly Ly, Tổng đạo diễn cho biết, toàn bộ chương trình diễn ra trên sân khấu nổi, được thiết kế theo hình chiếc quạt - hình ảnh quen thuộc trong văn hóa Việt Nam, với tất cả các nan quạt chụm về một hướng tượng trưng cho tinh thần đại đoàn kết dân tộc. Trên tổng thể sân khấu lớn còn có 4 sân khấu nhỏ để 200 diễn viên chuyên nghiệp và 170 nghệ nhân tham gia đồng diễn (sân khấu đảo lớn, sân khấu mặt nước, sân khấu đường pist trước khu vực khán giả, sân khấu cầu xi măng). Phần trình diễn trang phục truyền thống sẽ được lồng ghép vào tổng thể chương trình nghệ thuật.

Tham gia Liên hoan có 22 dân tộc với gần 500 nghệ nhân, diễn viên quần chúng. Đặc biệt sẽ có màn trình diễn trang phục dân tộc mặc hằng ngày và các dịp đặc biệt như đám cưới, lễ, Tết. Phần biểu diễn của lực lượng nghệ sĩ chuyên nghiệp có những tên tuổi như: NSND Thanh Ngoan, NSND Thanh Hải, NSƯT Mai Hoa, NSƯT Việt Hoàn, NSƯT Thanh Vân, NSƯT Khánh Trang và lớp nghệ sĩ trẻ như Đinh Mạnh Ninh, Hà Lê, Phương Mai... để tạo nên sự tiếp nối đầy tươi mới.

Một trong những hoạt động nổi bật tại sự kiện là giải vô địch “Anh tài vật dân tộc quốc gia năm 2022” với sự tham gia của các VĐV chuyên nghiệp đến từ nhiều địa phương. Đây là hoạt động thực hiện cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, đồng thời góp phần thúc đẩy phong trào tập luyện môn vật dân tộc trong thanh thiếu niên....

Để đa dạng trải nghiệm cho du khách, BTC sẽ lựa chọn tái hiện không gian chợ phiên của một địa phương miền núi phía Bắc gắn với hoạt động trao đổi, mua bán hàng hóa, thưởng thức ẩm thực truyền thống, sinh hoạt, giao lưu văn hóa tại chợ phiên. Cùng với đó, nhiều hoạt động đặc sắc của cộng đồng các dân tộc được tái hiện như: Lễ kết nghĩa mẹ con của dân tộc Ê Đê tỉnh Đắk Lắk; Giới thiệu Nghệ thuật Bài chòi và Lễ hội cầu ngư của tỉnh Phú Yên; Giới thiệu sắc màu văn hóa của đồng bào dân tộc Chăm tỉnh An Giang; Tái hiện nghi lễ mừng lúa mới của dân tộc Gia Rai tỉnh Gai Lai; Hoạt động của các cộng đồng thường xuyên; Ngày hội văn hóa các dân tộc các vùng miền Tây Bắc, Đông Bắc, Bắc Trung Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ và các hoạt động trải nghiệm của du khách…

Hoạt động của các nhóm nghệ nhân sinh sống tại Làng hưởng ứng Tuần Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam năm 2022 có: Giới thiệu nghề thủ công truyền thống và những sản phẩm mang tính ứng dụng trong sinh hoạt; trải nghiệm quy trình thao tác một trong những công đoạn của quy trình ấy và mua những sản phẩm bà con tự làm; chơi các trò chơi dân gian như ném còn, đi cà kheo, đánh đu, đi cầu kiều, đánh yến, tó má lẹ...; giao lưu văn nghệ và biểu diễn các loại hình nghệ thuật như chơi đàn Chapi, đàn đá, hát những ca khúc về Tây Nguyên…

Chắp cánh thêm cho tình yêu quê hương, đất nước

Vinh dự được chọn tham gia trình diễn tại Liên hoan, chị Vàng Thị Tồng (Tuyên Quang) mang đến bộ trang phục truyền thống của người Mông. Chị cho biết, các đường nét trên trang phục không chỉ là họa tiết thông thường để trang trí mà nó còn có ý nghĩa kết nối quá khứ với hiện tại, thể hiện ước vọng trong cuộc sống và nhắc nhở nhau nhớ về lịch sử, văn hóa của cha ông. “Được trực tiếp trình diễn trang phục tại Liên hoan, tôi thật sự tự hào, hạnh phúc khi những nét đặc sắc của dân tộc mình được quảng bá rộng rãi đến bạn bè trong nước và quốc tế. Tôi tin rằng, không chỉ tôi mà đồng bào các dân tộc khác khi đến với Liên hoan cũng cùng chung niềm tự hào ấy. Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Tuần Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam là nơi kết nối, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa của các dân tộc trên khắp dải đất hình chữ S. Những ngày qua, chúng tôi đếm ngược từng ngày để chờ ngày khai hội chính thức; cùng nhau trao đổi, lên ý tưởng để có được phần trình diễn thật ấn tượng cho du khách”.

Những ngày này, trời đang nắng gắt trái mùa, phải tập luyện, chuẩn bị cho Liên hoan trong điều kiện thời tiết không mấy chiều lòng người, nhưng đồng đào vẫn rất hăng say. Lau vội giọt mồ hôi trên má, chị Mông Thị Dung, dân tộc Nùng đến từ tỉnh Thái Nguyên mỉm cười: “Nắng thì kệ nắng, chúng tôi vẫn sẽ tập luyện đến sát giờ khai mạc Liên hoan cho thật thuần thục. Nhập cuộc rồi thì mọi người đều quên đi sự vất vả. Ai cũng động viên nhau phải cố gắng hơn nữa. Mong sao phần trình diễn sẽ giúp người dân, du khách trong nuớc và quốc tế thêm hiểu, thêm yêu hơn văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc”. Chia sẻ thêm về bộ trang phục tham gia Liên hoan, chị Mông Thị Dung cho hay: “Quần áo của người Nùng chúng tôi giản dị lắm, được cắt may từ loại vải chàm tự dệt tại nhà. Chúng tôi lựa chọn những bộ trang phục có hoa văn, phụ kiện mang đậm đặc trưng văn hóa của dân tộc Nùng, đây không chỉ là sản phẩm vật chất do con người tạo ra, mà trong đó còn chứa đựng niềm tự hào và tình yêu với quê hương, xứ sở của người dân chúng tôi”. 

 Với chủ đề Khát vọng Việt Nam, chương trình sẽ nhấn mạnh vào hai nội dung: Đại đoàn kết toàn dân tộc và Tôn vinh di sản văn hóa. Đêm Khai mạc diễn ra trên sân khấu nổi, được thiết kế theo hình chiếc quạt - hình ảnh quen thuộc trong văn hóa Việt Nam, với tất cả các nan quạt chụm về một hướng tượng trưng cho tinh thần đại đoàn kết dân tộc. Trên tổng thể sân khấu lớn còn có 4 sân khấu nhỏ để 200 diễn viên chuyên nghiệp và 170 nghệ nhân tham gia đồng diễn (sân khấu đảo lớn, sân khấu mặt nước, sân khấu đường pist trước khu vực khán giả, sân khấu cầu xi măng). Phần trình diễn trang phục truyền thống sẽ được lồng ghép vào tổng thể chương trình nghệ thuật.

(NSƯT TRẦN LY LY, Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn)

 

 HOÀNG NGUYÊN - ĐÌNH TOÁN; ảnh: TRẦN HUẤN

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top