Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Xây dựng thương hiệu văn hoá đặc sắc trên nền tảng các giá trị văn hoá căn cốt của dân tộc

Thứ Năm 17/11/2022 | 21:12 GMT+7

VHO- Tối 17.11, tại Quảng trường Đinh Tiên Hoàng Đế, TP. Ninh Bình (tỉnh Ninh Bình) đã diễn ra lễ khai mạc “Festival Ninh Bình 2022 - Tràng An kết nối di sản”. Sự kiện do UBND tỉnh Ninh Bình tổ chức nhằm mục tiêu kết nối các di sản văn hóa giữa các vùng miền, quốc gia, cùng chung định hướng cốt lõi là bảo tồn, tôn vinh các giá trị văn hóa. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã tới dự và phát biểu chỉ đạo.

Phó Thủ tướng Chính Phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại lễ khai mạc Festival

Cùng dự lễ khai mạc có Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương cùng đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương và các địa phương,  ĐSQ các nước tại Việt Nam. Về phía tỉnh Ninh Bình có Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thị Thu Hà, cùng lãnh đạo UBND, HĐND, MTTQ tỉnh…

Thông điệp “chung tay giữ gìn di sản”

Phát biểu tại Lễ khai mạc, Phó Thủ tướng Chính Phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh, nằm ở cực Nam của đồng bằng châu thổ sông Hồng, Quần thể danh thắng Tràng An là một khu vực hòa lẫn giữa thiên nhiên và văn hóa, đan xen giữa vẻ đẹp của cảnh quan các-xtơ, thảm rừng nhiệt đới nguyên sinh bao trùm, quanh năm sương sớm, mây chiều, khí núi với những ngôi chùa, đền, phủ  mái ngói cổ kính, rêu phong, thâm trầm, chứa đựng những giá trị bản địa đồng điệu với cảnh quan tựa mình bên vách đá. “Quần thể danh thắng Tràng An, hình mẫu nổi bật về  tương tác giữa con người và môi trường, được UNESCO chính thức ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới, di sản hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam và Đông Nam Á. Là vùng đất in dấu con người từ thời tiền sử, có địa hình đa dạng, tỉnh Ninh Bình được thiên nhiên và con người dành tặng nhiều di sản văn hoá giá trị, tiêu biểu…”, Phó Thủ tướng phát biểu.

Phó Thủ tướng Chính Phủ Vũ Đức Đam dự lễ khai mạc Festival

Theo Phó Thủ tướng, nói tới Tràng An, người Việt Nam ai ai cũng tự hào về những thời kỳ lịch sử rất đỗi hào hùng mà đậm nét văn hóa của dân tộc. Núi là thành lũy, sông là chiến hào, hang động là nơi đồn trú. Tại nơi đây, vào thế kỷ thứ X, vị Hoàng Đế Cờ Lau đã từ đây khẳng định nền Độc lập của nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên ở Việt Nam; ghi dấu một cột mốc chói sáng về tinh thần độc lập, thống nhất, tự chủ, tự cường của dân tộc ta.

Qua tới triều đại Tiền Lê, nhà Lý, những vần thơ bất hủ “Nam Quốc Sơn Hà Nam Đế Cư” còn âm vang mãi muôn đời. Tràng An sau này cũng là căn cứ củng cố binh lực của Nhà Trần trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông và cũng là nơi phát tích, mở mang Phật Giáo ở nước ta.

“Kế thừa và phát huy truyền thống rất đỗi tự hào của quê hương, Đảng bộ, quân và dân Ninh Bình đã bám sát chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tập trung xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, chú trọng phát triển văn hoá, để văn hoá thực sự là nền tảng tinh thần, là nguồn lực và động lực cho phát triển. Đặc biệt, trong 30 năm kể từ khi tái lập, Ninh Bình đã chuyển mình mạnh mẽ, phát triển trên tất cả các lĩnh vực, trở thành một điểm đến hấp dẫn đối với bạn bè trong nước và quốc tế…”, Phó Thủ tướng ghi nhận.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương tại lễ khai mạc

Theo Phó Thủ tướng, sáng kiến của tỉnh Ninh Bình tổ chức Festival di sản Ninh Bình lần thứ nhất với tên gọi “Tràng An kết nối di sản” nhằm từng bước xây dựng một thương hiệu văn hoá đặc sắc, sáng tạo trên nền tảng các giá trị văn hoá căn cốt của dân tộc, thể hiện sức lưu truyền, lan toả của tinh hoa văn hóa và tiếp thu văn hóa của thế giới; tạo cơ hội để kết nối di sản văn hoá tới các địa phương trong cả nước và các nước láng giềng anh em.

Nhắc lại Hội nghị văn hoá toàn quốc được tổ chức cách đây vừa tròn một năm, Phó Thủ tướng nêu, Hội nghị đã khẳng định thành tựu nổi bật trong xây dựng và phát triển văn hoá sau 35 năm đổi mới và đề ra các giải pháp xây dựng và phát triển văn hoá giai đoạn 2021 – 2026, tầm nhìn 2045, nhằm đồng thời bảo tồn và phát huy tốt hơn các giá trị các di sản văn hoá, phát triển các công trình, sản phẩm văn hoá hiện đại, có ý nghĩa biểu tượng quốc gia, hướng tới mục tiêu chiến lược xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Chương trình nghệ thuật đặc sắc đưa người xem đi qua các miền di sản

Việt Nam hiện có khoảng 7 vạn di sản được kiểm kê, 416 di sản được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 14 di sản được UNESCO vinh danh. Riêng tỉnh Ninh Bình đã có gần 400 di tích xếp hạng cấp tỉnh, 81 di tích cấp quốc gia, 03 di tích quốc gia đặc biệt và là địa phương duy nhất ở Việt Nam sở hữu Di sản thế giới hỗn hợp, bao gồm cả tiêu chí văn hoá và thiên nhiên. Đây là nguồn lực quan trọng để Ninh Bình đẩy mạnh phát triển du lịch văn hoá nói riêng, phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân nói chung.

“Chúng ta mong và tin rằng thông qua các hoạt động trong khuôn khổ Festival này, Ninh Bình tiếp tục quan tâm dành ưu tiên xây dựng văn hoá, con người tăng cường công tác bảo tồn và phát huy giá trị các văn hóa, tôn vinh những giá trị văn hóa Việt Nam nói chung và của “vùng đất cố đô Ninh Bình” nói riêng. Đặc biệt chú trọng các giải pháp để huy động nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp tham gia công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, xây dựng và phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn...”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Dân ca quan họ Bắc Ninh

Phó Thủ tướng biểu dương, đánh giá cao Bộ VHTTDL, tỉnh Ninh Bình cùng các địa phương trong cả nước đã có nhiều hoạt động tôn vinh, phát huy giá trị các di sản của cộng đồng các dân tộc Việt Nam với thông điệp “chung tay giữ gìn di sản”. Đồng thời bày tỏ: “Mong rằng các hoạt động giao lưu văn hóa nói chung của Việt Nam và Festival nói riêng  sẽ tiếp tục nhận được sự hưởng ứng và tham gia rộng rãi và đông đảo hơn nữa của các miền di sản trong nước, trong khu vực và trên toàn thế giới; phát triển thành một thương hiệu di sản tiêu biểu của Ninh Bình”.

Thương hiệu mới cho văn hóa Ninh Bình

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Ninh Bình Tống Quang Thìn, Trưởng BTC “Festival Ninh Bình 2022 - Tràng An kết nối di sản”, là một vùng văn hóa độc đáo, có nhiều đóng góp trong bức tranh đa sắc của văn hóa dân tộc Việt Nam, những năm qua tỉnh Ninh Bình đã tích cực nghiên cứu, nhận diện,làm rõ và thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa, để di sản văn hóa thực sự là nguồn lực và động lực trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh.

Để tiếp tục đẩy mạnh quảng bá di sản văn hóa Ninh Bình nói riêng và các tỉnh, thành phố trong cả nước nói chung đến bạn bè trong nước và quốc tế, tỉnh Ninh Bình tổ chức “Festival Ninh Bình 2022 - Tràng An kết nối di sản”, với phương châm các tỉnh, thành phố trong nước và quốc tế có di sản văn hóa tiêu biểu cùng tham gia trên tinh thần kết nối, giao lưu, chia sẻ và quảng bá; tạo mối liên hệ khăng khít, đồng cảm trong việc chung tay giữ gìn, phát huy các giá trị di sản. “Thông qua sự kiện, tỉnh Ninh Bình cũng mong muốn đưa sự kiện trở thành hoạt động văn hóa du lịch quy mô lớn, có tính chất thường niên, hướng tới xây dựng một sản phẩm văn hóa, một thương hiệu mới cho văn hóa Ninh Bình”, ông Tống Quang Thìn nói.

 “Festival Ninh Bình 2022 - Tràng An kết nối di sản” diễn ra từ ngày 17- 19.11, với sự tham dự của 14 tỉnh, thành phố trên cả nước, bao gồm: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Hà Nam, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Gia Lai, Đắk Lắk, Bạc Liêu, Cà Mau và Ninh Bình. Tại đây, các tỉnh, thành đã cùng phối hợp tổ chức nhiều hoạt động hấp dẫn, nhằm tôn vinh, quảng bá tinh hoa di sản văn hóa, thúc đẩy du lịch di sản phát triển. Có thể kể đến Lễ hội đường phố “Hành trình theo miền di sản” với sự tham gia của đoàn nghệ thuật các tỉnh, thành phố, đoàn hoa hậu du lịch thế giới… tham gia diễu hành; chương trình đại nhạc hội; các hoạt động diễn xướng: Múa rồng, múa lân, biểu diễn cồng chiêng, biểu diễn hoạt cảnh “Cờ lau tập trận”, hát xẩm, nghệ thuật trống nhảy, hát múa Ải Lao, khèn Lào…

Lễ khai mạc “Festival Ninh Bình 2022 - Tràng An kết nối di sản” diễn ra với chương trình nghệ thuật đặc sắc có chủ đề "Hoa Lư vang mãi ngàn năm" với 4 phần trình diễn: Tinh hoa di sản Ninh Bình, Di sản văn hóa Bắc bộ, Di sản văn hóa Trung bộ và Tây Nguyên, Di sản văn hóa Nam bộ. Hòa vào sắc màu rực rỡ của di sản văn hóa hội tụ tại Festival, còn có màn trình diễn của đoàn nghệ thuật từ tỉnh Udomxay - Lào, phần trình diễn trang phục dân tộc Việt Nam của các người đẹp tham gia vòng chung kết cuộc thi Hoa hậu Du lịch thế giới 2022 diễn ra tại Việt Nam, đem đến bức tranh nghệ thuật lộng lẫy và mãn nhãn cho công chúng và du khách trong, ngoài nước.

PHƯƠNG ANH; ảnh:  ĐÌNH NAM - HỮU TRƯỞNG

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top