Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Ngăn chặn tình trạng lai căng văn hóa trong giới trẻ: Để không mang “di chứng” khi hội nhập

Thứ Hai 14/11/2022 | 09:56 GMT+7

VHO- Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng với thế giới, giới trẻ có nhiều cơ hội được giao lưu, tiếp cận với văn hóa bên ngoài, tuy nhiên họ lại đang đối mặt với nguy cơ bị những trào lưu lai căng “thao túng”. Thực tế, đã xuất hiện thực trạng văn hóa ngoại lai phản cảm len lỏi vào đời sống tinh thần của tầng lớp thanh, thiếu niên…

Nhóm bạn trẻ giả chết, đắp chiếu, thắp nhang ngay trên phố đi bộ Nguyễn Huệ dịp Halloween, bị dư luận lên án kịch liệt

 Việt Nam là quốc gia có vị trí đặc biệt, là nơi giao thoa của văn hóa Đông, Tây. Người Việt nói chung và lớp trẻ nói riêng một mặt phải giữ gìn bản sắc của dân tộc, một mặt cũng phải học tập, tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa thế giới. Công nghệ càng phát triển, người trẻ càng có nhiều cơ hội tiếp cận sâu hơn với văn hóa quốc tế. Tuy nhiên, mặt trái của vấn đề này là nếu họ không có “sức đề kháng tốt”, sự lai căng kệch cỡm sẽ dần ăn sâu vào nhận thức, gây ra những hành vi trái với thuần phong mỹ tục, ảnh hưởng xấu đến đạo đức xã hội.

Những “di chứng” nặng nề

Đơn cử, Halloween là lễ hội hóa trang du nhập vào Việt Nam, thông điệp mà ngày lễ này mang lại là sống không nên tham lam, keo kiệt; phải có lòng bác ái, biết giúp đỡ những người khó khăn, không nên lừa lọc, đe dọa, làm cho người khác sợ hãi. Thế nhưng khi vào nước ta, lễ hội này đã bị biến tướng bởi nhận thức không đầy đủ của một bộ phận giới trẻ. Họ cho rằng Halloween phải mặc những trang phục kinh dị, hù dọa nhau để đem lại tiếng cười mới thật sự là tinh thần của lễ hội. Có cầu ắt có cung, mỗi mùa Halloween đến, không khó để bắt gặp hình ảnh những chiếc mặt nạ, trang phục ma quái được bày bán trên nhiều tuyến phố của Hà Nội, TP.HCM... Thậm chí mới đây, hình ảnh một nhóm bạn trẻ hóa trang Halloween bằng việc nằm giả chết, đắp chiếu, cắm nhang ngay giữa phố đi bộ Nguyễn Huệ (TP.HCM) không khỏi khiến dư luận bức xúc bởi họ đã hiểu sai hoàn toàn ý nghĩa của sự kiện này.

Không chỉ trong lễ hội, sự lai căng văn hóa còn thể hiện trong ngôn ngữ của giới trẻ. Cách đây không lâu, nhiều người thở dài ngao ngán khi chứng kiến diễn viên Chi Pu giao tiếp theo kiểu “nửa Tây, nửa ta” trong livestream dù mới ra nước ngoài. Cụ thể, cô này nói: “Sự thật thì luôn luôn đơn giản nhưng people make it complicated (mọi người cứ thích phức tạp hóa lên). Nên là mình cứ enjoy cái moment (tận hưởng khoảnh khắc) này”; “Throwback (suy ngẫm lại) những gì đã xảy ra trong suốt khoảng thời gian rất là dài”... Xen nhiều từ nước ngoài vào câu chuyện nhưng Chi Pu lại phát âm sai, diễn đạt chưa chuẩn khiến người nghe vừa buồn cười vừa khó chịu. Ngôn ngữ luôn gắn chặt với văn hóa của một quốc gia, việc cố tình chêm những từ tiếng Anh không phải thuật ngữ chuyên ngành quốc tế là minh chứng rõ nét cho việc nếu không nhận thức đầy đủ về khái niệm giao lưu, tiếp biến văn hóa, thứ virus “lai căng” sẽ để lại những di chứng nặng nề trong nhận thức và hành động. Bên cạnh đó, việc pha trộn ngôn ngữ tưởng chừng như “sang” nhưng thực chất lại đang làm mất đi những đặc trưng quý giá trong ngôn ngữ và văn hóa dân tộc.

Đừng là “bản sao mờ” của văn hóa nước ngoài

Trao đổi với Văn Hóa, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhận định, quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng và sự tăng trưởng nhanh chóng của các phương tiện truyền thông đã khiến cho giới trẻ năng động, hiểu biết, có thể giao tiếp rộng rãi hơn với thế giới. Tuy nhiên, xét ở khía cạnh cụ thể, một số bạn đã có những biểu hiện lệch lạc trong suy nghĩ, hành vi và lối sống. “Việc bắt chước những trào lưu như thần tượng thái quá các ngôi sao; chơi kumanthong hay sử dụng ngôn ngữ nước ngoài vô tội vạ... đã gây ra những hậu quả hết sức tai hại, hình thành nên những nhận thức mới, thói quen mới, tạo ra những định hướng giá trị xa lạ với văn hóa truyền thống, có nguy cơ trở thành những bản copy mờ của văn hóa nước ngoài. Điều đó khiến giới trẻ mất phương hướng trong việc xây dựng và hình thành nhân cách con người Việt Nam, không có sự tự tin để hội nhập quốc tế. Nguy hiểm hơn, lai căng văn hóa sẽ khiến văn hóa đất nước nói chung dễ bị phai nhạt, mất sức sống, ảnh hưởng đến sức mạnh chung của quốc gia”.

Cũng theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, tâm lý sùng ngoại, muốn chứng minh mình tiên phong trong xu hướng khiến giới trẻ Việt Nam tiếp thu văn hóa nước ngoài một cách dễ dãi. Hơn nữa, sự phát triển và phổ biến các phương tiện truyền thông mới đã khiến cho hiện tượng lai căng văn hóa lan truyền nhanh chóng mà không bị kiểm soát, kích thích và thu hút sự tò mò của giới trẻ.

“Tôi luôn tin rằng, nâng cao nhận thức của mỗi người chính là giải pháp quan trọng nhất để chúng ta loại bỏ hoàn toàn tình trạng này. Chỉ khi có nhận thức đầy đủ, chính xác về tác hại của những hiện tượng lai căng văn hóa, chúng ta mới thật sự tự tin để hội nhập tốt hơn vào đời sống văn hóa quốc tế. Để làm được điều này, cần phải tuyên truyền một cách hiệu quả, nội dung phong phú và hấp dẫn như thông qua những người nổi tiếng, các kênh truyền thông gần gũi với giới trẻ. Bên cạnh đó, cần có thêm biện pháp mang tính căn cơ hơn như sử dụng công cụ luật pháp, xử phạt mang tính chất làm gương để gia tăng sức ảnh hưởng. Có được hệ thống các quy định chặt chẽ, đủ sức răn đe, những kẻ trục lợi từ sự lai căng văn hóa sẽ không thể, không dám làm những hành động gây ảnh hưởng tiêu cực đến văn hóa dân tộc và giới trẻ. Hoàn thiện hệ thống pháp lý cũng là cách khích lệ, tạo ra nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật bổ ích cho sự phát triển toàn diện nhân cách con người”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn khẳng định. 

ĐÌNH TOÁN

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top