Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Lương y người Mường hết lòng vì cộng đồng

Thứ Bảy 12/11/2022 | 12:48 GMT+7

VHO- Phòng khám xinh xắn của lương y Đỗ Thị Yến, có tên Thái Hiếu Đường nằm khiêm tốn trên một con đường nhỏ ở Thôn Cố Thổ, xã Hòa Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình. Lâu nay, nơi này đã trở thành địa chỉ lui tới thường xuyên của hàng trăm bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo, người cơ nhỡ, mắc bệnh nan y, mãn tính… 

Lương y Đỗ Thị Yến được biết đến với tấm lòng vì cộng đồng

Phòng khám nhỏ nhưng với tấm lòng rộng mở, dốc lòng dốc sức vì cộng đồng, lương y Đỗ Thị Yến được bà con yêu mến gọi bằng thầy, bà lang. Nhiều bệnh nhân, gia đình sau khi khỏi bệnh đã mang ơn và nhiều lần quay trở lại thăm bà lang người Mường. Tình người thấm đẫm nơi góc nhỏ giữa bản phố núi vốn còn nhiều khó khăn này.

Duyên nghề!

Gặp chúng tôi giữa buổi trưa nóng rát, lương y Đỗ Thị Yến với dáng vẻ nhanh nhẹn, say sưa giới thiệu về phòng khám Thái Hiếu Đường- thành quả của những đam mê và tận tâm cống hiến, được hình thành sau nhiều năm theo đuổi, thực hành với nghề thuốc Nam. Sinh năm 1983, cái tuổi không còn non nớt nhưng vẫn là trẻ so với nghề, nữ lương y khiến người đối diện không khỏi ngạc nhiên bởi kiến thức và độ dầy dặn trong nghề y mà chị từng trải qua. Cuốn sổ ghi chép hồ sơ bệnh án của từng bệnh nhân cứ dần đầy lên. Tiếng lành đồn xa, bệnh nhân là người địa phương và từ nhiều tỉnh, thành tìm đến lương y Đỗ Thị Yến để được thăm khám, bốc thuốc chữa bệnh ngày càng đông.

“Tôi đến với nghề này cũng bởi cái duyên. Những ngày trẻ tuổi, căn bệnh đau xương khớp hành hạ khiến tôi vô cùng khổ sở, nhiều lúc cứ về đến sân là bị đổ xe, tay chân mặt mày xước xát. Ngày đó chưa học y nên tôi cũng không biết vì sao, thậm chí mái tóc dài còn phải cắt bớt cho đỡ đau đầu. Đến khi gặp thầy, gặp thuốc, tôi chữa được căn bệnh này và từ đó, tôi tìm hiểu rồi quyết tâm theo đuổi nghề thuốc Đông y để giúp đỡ những bệnh nhân cùng gặp phải căn bệnh như mình”, lương y Đỗ Thị Yến kể chuyện.

Năm 2002-2005, Yến tốt nghiệp Trung cấp du lịch với tấm bằng giỏi. Thế nhưng ước mơ trở thành hướng dẫn viên du lịch đã không thành hiện thực vì căn bệnh đau xương khớp hành hạ. “Thầy thuốc bảo tôi bị phong tê thấp, sau này khi thạo nghề tôi biết căn bệnh của mình gọi tên là viêm thần kinh liên sườn. Theo chữa bệnh bằng thuốc Đông y, thoát khỏi căn bệnh khổ sở bấy lâu, tôi quyết chuyển hướng không đi làm du lịch nữa...”.

Tận tâm cống hiến, lương y Đỗ Thị Yến tâm niệm, chỉ cần còn sức khỏe thì còn gắn bó với nghề y để chữa bệnh cứu người

Đến với nghề là một cái duyên, từ chỗ không hiểu vì sao chữa bệnh lại bằng nhiều loại lá đến thế, rồi được thầy y chỉ đến địa chỉ học nghề, được truyền dạy thêm nhiều kinh nghiệm…, cho đến ngày hôm nay, lương y Đỗ Thị Yến đã vững vàng và tự tin khi chữa bệnh cứu người. Phòng khám Thái Hiếu Đường của chị luôn tất bật từ sáng sớm đến đêm khuya, không có ngày nghỉ.

“Theo học tại Trường Tuệ Tĩnh, tôi được cấp bằng Y sĩ Y học cổ truyền. Sau khi tốt nghiệp, tôi tiếp tục trải qua 4 năm thực tập tại Bệnh viện Y khoa Hà Đông, Bệnh viện Quốc Oai. Sau khi được cấp chứng chỉ hành nghề, tôi quyết định mở một phòng khám nhỏ tại huyện Lương Sơn, tỉnh Hoà Bình để có địa chỉ cho các bệnh nhân, nhất là người bệnh ở xa thuận lợi tìm đến…”, lương y Đỗ Thị Yến mộc mạc.

Phòng khám của tình yêu thương

Nhớ lại những ngày tháng thuốc kê đầu giường, lương y Đỗ Thị Yến nói đến giờ chị vẫn còn ám ảnh. Thuốc Tây uống nhiều đến mức bị phù, đau dạ dày, viêm xoang... Theo thuốc Nam thấy hiệu quả, chị tâm niệm phải gắn bó với nghề đã gieo duyên này cho mình. “Giai đoạn đầu mới đi học nghề, chữa thử cho chính người nhà, mọi người đều thấy hiệu quả, tôi như có thêm động lực để bước tiếp. Tìm tòi, học hỏi, nghiên cứu, tìm về nguồn gốc của nghề từ các cụ người Mường ngày xưa. Gom góp kiến thức từ nhiều nguồn, vừa học vừa thực tập, từ năm 2014 đến nay tôi mới tự tin, chính thức mở phòng khám…”, lương y bộc bạch.

Như được tổ nghề đãi, lương y Đỗ Thị Yến chữa bệnh được cho nhiều người, từ những căn bệnh nhiều người gặp phải như gan, viêm xoang, khớp, u thanh quản, thoái hoá, đau đầu mất ngủ, đau vai gáy, sỏi thận… cho đến những căn bệnh khó nói. Đam mê với nghề, lương y Đỗ Thị Yến vẫn luôn tâm niệm với những công hiệu thần kỳ của thuốc nam mà cho đến bây giờ nhiều người vẫn chưa biết đến. Thấy mình có duyên với nghề, phòng khám của chị thờ Thầy Tuệ Tĩnh- vua thuốc Nam. “Tất cả đều là những động lực để tôi tiếp tục phấn đấu, cố gắng với nghề đã chọn”, Yến nói.

Nhưng điều ấm áp nhất mà chúng tôi cảm nhận được khi gặp lương y và thăm phòng khám nhỏ chính là tình yêu thương, tràn ngập sự chia sẻ với cộng đồng. Phòng khám mới đi vào hoạt động một thời gian nhưng luôn tất bật. Đã từng mang trong mình căn bệnh oái oăm nên bản thân Yến rất thấu hiểu bệnh nhân. Tiếng lành đồn xa, bệnh nhân chủ yếu là bà con nông dân, đồng bào người dân tộc thiểu số chân chất, thật thà. Có người ở xa, tận Lâm Đồng, Bình Dương, Hà Nam, Quảng Ninh, Hải Phòng, Tuyên Quang... được họ hàng, người quen giới thiệu đều đã tìm cách kết nối để được điều trị. Thời buổi công nghệ hiện đại, nhiều người không đủ sức khỏe, kinh phí đến tận nơi đều liên hệ qua zalo, facebook và được hướng dẫn tận tình.

Nhiều bệnh nhân nghe giới thiệu đã tìm đến phòng khám của lương y Đỗ Thị Yến ngày càng đông

“Điều vui nhất là hầu như các bệnh nhân tìm đến tôi đều nói bệnh đã khỏi hoặc thuyên giảm nhiều. Nghe vậy tôi thấy vui khôn xiết. Vui hơn nữa là tôi tự thấy mình đã giúp nhiều người có thêm kiến thức và tin tưởng công dụng chữa bệnh  của thuốc nam, dần từ bỏ thói quen lạm dụng các loại thuốc giảm đau có thể gây nên nhiều biến chứng. Tất nhiên, với những căn bệnh hiểm nghèo như ung thư, cần sự can thiệp điều trị của Tây y, tôi đều khuyên bệnh nhân đến các bệnh viện điều trị kịp thời”, lương y Đỗ Thị Yến chia sẻ.

Ngày mỗi ngày, nữ lương y tận tình điều trị, thăm khám cho mọi người. Chị tâm niệm, chỉ cần còn sức khỏe thì vẫn luôn cố gắng hết sức để giúp đỡ cộng đồng. Nhìn những bệnh nhân nghèo vì không có tiền điều trị, mỗi ngày phải cắn răng chịu đựng những căn bệnh quái ác hành hạ, Yến lại nhớ đến những ngày đã qua và động viên mọi người kiên trì, có niềm tin để chữa bệnh.

San sẻ với cộng đồng

Nhiều hoạt động thiết thực đã được lương y Đỗ Thị Yến và các cộng sự triển khai giúp đỡ những người nghèo. Vì bệnh nhân đa phần đều là những người có hoàn cảnh khó khăn nên lương y người Mường luôn không nề hà việc giúp người, giúp đời. Từng hai lần mang thai đầy khó khăn, những bào thai bị động, dọa sẩy… nên giờ Yến thường xuyên chữa chứng bệnh động thai cho các sản phụ mà không lấy tiền. “Có người chữa mười mấy năm không thể sinh con, đến khi tôi đã chữa được bệnh, đứa nhỏ sinh ra cứ lên nhận tôi làm mẹ…”, chị rơm rớm xúc động.

Một bệnh nhân lớn tuổi vì bệnh đau khớp lâu năm không khỏi, đau đớn tìm đến lương y, giờ cụ bà 86 tuổi đã có thể đi lại bình thường. Nghe những câu chuyện của từng bệnh nhân và lời nói biết ơn từ họ, lương y Đỗ Thị Yến càng cảm thấy con đường mình lựa chọn là đúng đắn. Cảm động trước những phận đời cơ nhỡ, ai đi ngang qua phòng khám gặp khó khăn chị đều mời vào nhà, nhiều lúc chỉ có bát mì tôm chia đôi, giản dị mà ấm lòng.

Phòng khám Thái Hiếu đường đến nay đã trở thành một địa chỉ tin cậy của cộng đồng, là nơi lan tỏa tình yêu thương

Trên hành trình chữa bệnh vì cộng đồng đó, nhiều ca bệnh đặc biệt khiến lương y nhớ mãi. Một cậu bé 13 tuổi ở Quốc Oai (Hà Nội) bị u hạch góc hàm do lao, chữa không khỏi khiến thể trạng rất gầy gò. Tìm đến phòng khám được chữa trong 3-5 tháng thì bệnh khỏi hẳn.  “Một bệnh nhân là cụ bà ở Chúc Sơn, Chương Mỹ, Hà Nội bị u thanh quản, bệnh viện đã trả về. Còn nước còn tát, nghe mọi người giới thiệu, gia đình tìm đến tôi, cuối cùng bà cụ khỏi ho không phải đi viện nữa. Rồi một nam sinh viên năm thứ 3 bị vôi hóa cột sống, trắng hết các đốt sống, việc học hành, sinh hoạt bị ảnh hưởng. Ròng rã 6 tháng đắp thuốc, đến giờ đã khỏe mạnh...”, chị Yến kể chuyện.

Bận rộn với nghề, nhưng chỉ cần có chút thời gian rảnh rỗi là lương y Đỗ Thị Yến lại kết nối với các nhóm từ thiện, yêu thương. Sinh ra và lớn lên ở vùng đồng bào dân tộc Mường, thấu hiểu tình cảnh khó khăn của nhiều gia đình, chị Yến thường xuyên chữa bệnh không lấy tiền. Chị cũng thường quyên góp để gửi đến các nhóm yêu thương, tham gia các hoạt động giúp đỡ cộng đồng thông qua các nhóm từ thiện như nấu ăn cho trại phong, giúp đỡ các cụ già neo đơn, bị bệnh, trẻ nhỏ vùng cao. Giai đoạn khó khăn vì Covid-19, lương y Đỗ Thị Yến đã cấp thuốc trị cảm cúm và nhiều loại thuốc khác cho mọi người. Với người từ địa phương khác đến Lương Sơn lao động bị kẹt lại, chị tặng các suất quà để họ lấy tiền về quê; tặng  quần áo, gạo… cho người nghèo để cùng nhau vượt qua đại dịch

Với tiếng nói uy tín, lương y Đỗ Thị Yến và phòng khám của chị đã trở thành nơi kết nối, gặp gỡ của những trái tim yêu thương. Đến nay, khi phòng khám Thái Hiếu đường đã trở thành địa chỉ tin cậy của cộng đồng, lương y Đỗ Thị Yến ấp ủ sẽ tiếp tục phát huy nghề thuốc Nam; mở rộng quy mô phòng khám, làm thêm phòng cho bệnh nhân lưu trú, kho thuốc, mua máy móc để chiết xuất thuốc… “Tôi muốn đem sức lực của mình để tận tâm cống hiến, đưa thuốc Nam của người Việt đến với thật nhiều người Việt…”, lương y Đỗ Thị Yến tâm sự.

HẢI NAM

 

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top