Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Xây dựng văn hóa giao thông ở "siêu đô thị"

Thứ Sáu 11/11/2022 | 11:48 GMT+7

VHO- “Siêu đô thị” là những thành phố trên 10 triệu dân và đều có đặc điểm là quá tải dân số dẫn đến quá tải nhiều mặt, trong đó quá tải giao thông là bài toán khó nhất. Các “siêu đô thị” đã áp dụng nhiều giải pháp hành chính và kỹ thuật. Nhưng cho đến nay ùn tắc giao thông vẫn là một vấn nạn.

Bài toán về “dân số, mật độ “ khi dân số TP.HCM lên hơn 10 triệu, cùng với khoảng 7 triệu xe gắn máy và hàng trăm ngàn xe hơi thì ùn tắc giao thông trong nội đô đã, đang trở thành vấn đề. Điều đó chứng tỏ dân số và mật độ là một trong những nguyên nhân căn bản.

Nhưng không thể giải quyết bằng cách giảm dân số vì TP có nhu cầu thu hút lao động từ bên ngoài. Đồng thời sức hấp dẫn về kinh tế giữ chân những người đã ở TP. Như ở Nhật Bản, Chính phủ khuyến khích và bù tiền cho những người chuyển nơi ở ra khỏi Tokyo nhưng vẫn không giảm được dân số. Từ đó suy ra vấn nạn ùn tắc giao thông sẽ còn lâu dài ở các “siêu đô thị”.

Bài toán về lòng đường và vỉa hè, đó là diện tích dành cho giao thông động và tĩnh ở TP.HCM, nhưng nó mới chiếm khoảng 10%, chưa bằng một nửa tiêu chuẩn của đô thị hiện đại, nên khó tránh khỏi cảnh ùn tắc. Khi vỉa hè bị chiếm dụng làm nơi buôn bán, đậu xe và bị xây dựng lấn chiếm thì chính quyền buộc phải tiến hành các đợt giải tỏa. Điển hình như “chiến dịch lập lại trật tự vỉa hè” ở quận 1 với những biện pháp mạnh chưa từng có như dùng xe chuyên dụng phá dỡ mái hiên và bậc thềm xây lấn vỉa hè, xe tải chở hàng hóa, đồ dùng bị tịch thu trên vỉa hè, phạt nóng tại chỗ… Nhưng người dân ở đó nhận xét chỉ như “ném đá ao bèo”, vỉa hè lại nhanh chóng bị “tái chiếm”.

Bài toán về phương tiện giao thông và tổ chức, điều hành ở “siêu đô thị” tập trung rất nhiều loại phương tiện giao thông. Nhiều nhất là xe gắn máy, đến xe hơi cá nhân, xe taxi, xe bus, xe vận tải, xe ba gác... đến những khung giờ mà hầu như tất cả các loại phương tiện đó cùng tham gia giao thông sẽ tạo ra mật độ rất cao khó tránh khỏi va chạm, hư xe… dẫn đến ùn tắc giao thông. Từ đó có ý kiến cho rằng xe gắn máy là “thủ phạm” chính gây ra ùn tắc giao thông và đề xuất phải hạn chế, đi đến loại bỏ xe máy ở “siêu đô thị”. Tuy nhiên đa số người dân không đồng tình vì xe máy là công cụ mưu sinh, là “đôi chân nối dài” của người lao động nên không thể loại bỏ trong ngắn hạn. Như vậy nếu còn nhiều xe máy và nhiều loại xe khác thì khả năng ùn tắc giao thông vẫn còn xảy ra thường xuyên ở “siêu đô thị”.

Bài toán về giao thông công cộng, tính toán lý thuyết cho rằng xe bus chở được nhiều người. Nếu tăng thêm nhiều xe cỡ lớn hơn và trợ giá thì có thể thu hút được nhiều người và sử dụng thay cho xe máy. Nhưng trên thực tế, số người đi xe bus vẫn chiếm tỷ lệ rất thấp. Có ý kiến cho rằng người dân chưa quen đi xe bus, hoặc phục vụ chưa tốt nên đã thí điểm chương trình bus nhanh (BRT) có đường dành riêng… nhưng vẫn không thu hút được nhiều người dùng. Thực ra việc lựa chọn phương tiện đi lại không phải do “thói quen” mà do “lợi ích”. Vì xe bus kém tiện lợi và chủ động hơn so với xe gắn máy nên sự lựa chọn nhiều nhất của cư dân “siêu đô thị” vẫn là xe gắn máy.

Bài toán về ý thức chấp hành luật giao thông, cư dân ở “siêu đô thị” là cộng đồng đa văn hóa, đa trình độ dân trí… nên vẫn có một bộ phận còn thiếu ý thức cộng đồng. Hành vi thiếu tôn trọng luật giao thông của một người cũng có thể gây ra ùn tắc giao thông cho hàng trăm người. Văn hóa giao thông đô thị còn tùy thuộc vào lực lượng cảnh sát thực thi luật giao thông, họ có vai trò quyết định duy trì trật tự giao thông, nhưng cũng không tránh khỏi có những cá nhân vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Hành vi ấy tuy không nhiều nhưng ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình xây dựng văn hóa giao thông đô thị. Tuy nhiên ngay cả khi tất cả người tham gia giao thông và cảnh sát giao thông đều có ý thức cao và có “văn hóa nhường nhịn” thì cũng không loại trừ được hoàn toàn vấn nạn ùn tắc giao thông ở “siêu đô thị”. Vì điều đó không thay đổi được tình trạng quá tải nhiều mặt, ảnh hưởng tiêu cực đến xây dựng văn hóa giao thông ở siêu đô thị.

Xây dựng văn hóa giao thông ở “siêu đô thị” kết hợp chặt chẽ với các biện pháp hành chính, kỹ thuật và luật pháp. Tuy chưa giải quyết được triệt để vấn nạn ùn tắc giao thông nhưng có thể kiềm chế không cho vấn nạn ấy trở thành “bệnh mãn tính” ở các “siêu đô thị”. 

TS NGUYỄN HỮU NGUYÊN

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top