Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Vun đắp hệ giá trị gia đình Việt Nam hiện đại (Bài 1): Những thảm án “nồi da xáo thịt”

Thứ Sáu 11/11/2022 | 11:03 GMT+7

VHO- Vì nửa mét đất mà anh ruột thảm sát cả gia đình em trai ở Đan Phượng (Hà Nội); Nữ sinh 21 tuổi đầu độc cha ruột, giấu xác rồi dựng hiện trường giả; Phiên tòa “rúng động” xét xử Nguyễn Võ Quỳnh Trang bạo hành đến chết con riêng của người tình; hay gần đây nhất là vụ 3 cô con “gái rượu” tưới xăng đốt mẹ đẻ… Có thể nói, những vụ án mạng gia đình xuất hiện dồn dập với tính chất cuồng bạo ngày càng gia tăng khiến người người bàng hoàng, nhà nhà bất an, dư luận xã hội lo lắng, phẫn nộ.

 Hành vi phạm tội chắc chắn sẽ bị pháp luật trừng trị, nhưng đằng sau đó là những giọt nước mắt xót xa, ân hận, những nỗi đau đớn không bao giờ có thể nguôi ngoai... Đây không chỉ là bất hạnh riêng của từng gia đình mà còn cho thấy sự xuống cấp đạo đức trầm trọng, sự băng hoại các giá trị nhân văn đang ở mức báo động, cần có biện pháp chấn chỉnh, khôi phục những giá trị tốt đẹp của văn hóa truyền thống gia đình Việt Nam.

 Hội thi nấu ăn “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương” do Công đoàn Bộ VHTTDL tổ chức

Tại sao nạn nhân lại chính là người thân?

Đã 10 ngày trôi qua, tại thôn Thiên Lộc, xã Trung Hòa (Hưng Yên), người dân vẫn chưa hết bàng hoàng khi chứng kiến sự việc xảy ra tại gia đình bà Vũ Thị Đ (SN 1960). 3 cô con gái rủ nhau đến tưới xăng đốt mẹ đẻ khiến cả bốn người bị bỏng nặng phải đưa đi bệnh viện cấp cứu. Nguyên nhân là do mâu thuẫn trong việc phân chia tài sản (đất đai) thừa kế. Nhiều năm trước, vợ chồng bà Đ mua được một mảnh đất ở mặt đường làng. Năm 2021, người con trai xây nhà mới trên mảnh đất này và đón bà Đ về ở cùng, còn ngôi nhà cũ ở trong xóm (ông cha để lại) hiện tại bỏ không. Bà Đ định cho cậu con trai thừa kế miếng đất ngoài mặt đường, còn nhà trong xóm sẽ chia đều cho 3 cô con gái. Tuy nhiên, 3 người con gái kịch liệt phản đối bởi họ muốn mẹ chia thêm phần đất mặt đường. Do bà Đ không đồng ý nên bốn mẹ con đã xảy ra mâu thuẫn, cãi vã. Dù địa phương đã nhiều lần hòa giải và các đối tượng đều đã thống nhất về nhà thương lượng, cam kết không để xảy ra tranh chấp, nhưng rốt cuộc tình máu mủ cũng chẳng nặng bằng tiền. Bà Đ đã bị chính những đứa con mình dứt ruột đẻ ra lạnh lùng “xuống tay” khiến bà bị thương nặng. Thông tin từ Viện bỏng Quốc gia cho biết, bà Đ bị bỏng trên 60%, 3 cô con gái cũng đang phải điều trị và đối mặt với bản án “giết người”. Còn người con trai ở ngoài chạy vạy khắp nơi để vay tiền cứu mẹ.

Cũng vào thời điểm này, Viện kiểm sát TPHCM hoàn tất cáo trạng truy tố bổ sung đối với Nguyễn Võ Quỳnh Trang (27 tuổi, quê Gia Lai) và Nguyễn Kim Trung Thái (37 tuổi, ngụ quận 1, TP.HCM) trong vụ bạo hành bé gái 8 tuổi đến chết. Dù chưa đi đến hồi kết, nhưng hai kẻ thủ ác đã phải hứng chịu sự phẫn nộ đến tột cùng từ mọi tầng lớp trong xã hội, tất cả đều mong pháp luật sẽ đưa ra bản án cao nhất cho hai kẻ “máu lạnh”.

 Cả nước chung tay phòng, chống bạo lực gia đình

Những nỗi đau không gì bù đắp nổi

Chỉ cần một cú click chuột là vô vàn những vụ thảm án gia đình đã hiện ra trước mắt chúng ta: Nào là vợ chồng ly hôn, người cha nhẫn tâm đuổi vợ cũ và các con ra đường tay trắng, người vợ uất ức siết cổ chồng cũ đến chết (TP.HCM); nào là vì xin tiền không được, con trai giam cha ruột và tra tấn suốt 10 ngày ở Phú Nhuận, TP.HCM; cũng khó có thể tin người nông dân cục mịch như Nguyễn Văn Đông ở Đan Phượng, Hà Nội lại có thể bạo tàn vung dao đuổi cùng giết tận cả nhà em trai ruột chỉ vì một nửa mét vuông đất bờ rào...

Nỗi đau và hệ lụy phía sau những vụ thảm án không chỉ ảnh hưởng đối với gia đình, người thân nạn nhân, hung thủ mà với cả xóm làng, dòng họ. Đối tượng sau khi gây án cũng phải đối mặt với những bản án nghiêm khắc nhất của lương tâm. Chứng kiến giọt nước mắt lăn dài trên gương mặt tột cùng thống khổ của gia đình và ngay cả kẻ ngồi sau vành móng ngựa, không ai là không khỏi chạnh lòng buông tiếng thở dài. Đã nhiều câu hỏi được đặt ra để đi tìm nguyên nhân cho việc “tại sao con người ngày càng tàn ác đến vậy?”. Sự tàn ác bắt nguồn có khi chỉ từ những mâu thuẫn nhỏ như ghen tuông, nghi ngờ mà nhiều người đã gây nên cái chết cho vợ/ chồng mình. Như câu chuyện của bị cáo Võ Thanh Vân (sinh năm 1973, Hậu Giang), cho rằng vợ ngoại tình nên Vân đã dùng khúc gỗ đánh vợ liên tiếp rồi siết cổ nạn nhân đến chết. 20 năm tù cho Vân cũng không nghiệt ngã bằng bản án lương tâm suốt những tháng ngày sau song sắt. Cũng chỉ vì ghen tuông mà người phụ nữ lớn tuổi như Nguyễn Thị Chai (sinh năm 1957, Đại Từ, Thái Nguyên) đã dùng búa đinh “tiễn” chồng sang thế giới bên kia và phải chịu án 15 năm tù...

 Những giọt nước mắt ân hận muộn màng của hung thủ Huỳnh Văn Hậu (37 tuổi ở Xuân Lãnh, Đồng Xuân, Phú Yên) sát hại vợ vì ghen tuông. Ảnh: CS

Thảm án gia đình liên tục xảy ra đã gióng lên những hồi chuông cảnh báo cần phải có giải pháp để xử lý, giải quyết mâu thuẫn, khúc mắc một cách hữu hiệu. Có trường hợp tuy chưa xảy ra án mạng nhưng bạo lực gia đình vẫn hằng ngày, hằng giờ hiện hữu, gây tổn hại cho người trực tiếp hứng chịu và tác động tiêu cực đến những người xung quanh và rối loạn trật tự, an toàn xã hội. Nhức nhối là vậy, song vì nhiều lý do, tình trạng trên vẫn chưa được đẩy lùi. Đau đáu trăn trở khi những giá trị tốt đẹp trong truyền thống gia đình Việt Nam bị đảo lộn, xuống cấp, rất nhiều nhà khoa học, xã hội học, nghiên cứu phê bình trong lĩnh vực gia đình đã lên tiếng lý giải, đồng thời gợi mở nhiều giải pháp để bảo tồn văn hóa gia đình trong xã hội hiện đại. Cùng với đó, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) đang được trình Quốc hội phê duyệt và nhận được ý kiến đồng tình, tán thành cần gấp rút áp dụng trong thực tiễn. Bộ VHTTDL đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình đến năm 2025... Hàng loạt những nỗ lực của cơ quan quản lý nhà nước đang vào cuộc đã cho thấy mức độ cấp thiết để chấn chỉnh và phục hồi những giá trị tốt đẹp của truyền thống gia đình Việt Nam trong quá trình tiếp biến và hấp thu những giá trị mới từ thế giới bên ngoài. 

 Đau đáu trăn trở khi những giá trị tốt đẹp trong truyền thống gia đình Việt Nam bị đảo lộn, xuống cấp, rất nhiều nhà khoa học, xã hội học, nghiên cứu phê bình trong lĩnh vực gia đình đã lên tiếng lý giải, đồng thời gợi mở nhiều giải pháp để bảo tồn văn hóa gia đình trong xã hội hiện đại. Cùng với đó, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) đang được trình Quốc hội phê duyệt và nhận được ý kiến đồng tình, tán thành cần gấp rút áp dụng trong thực tiễn. Bộ VHTTDL đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình đến năm 2025... Hàng loạt những nỗ lực của cơ quan quản lý nhà nước đã cho thấy mức độ cấp thiết để chấn chỉnh và phục hồi những giá trị tốt đẹp của truyền thống gia đình Việt Nam trong quá trình tiếp biến và hấp thu những giá trị mới từ thế giới bên ngoài.

Kỳ 2: Lý giải nguyên nhân từ góc nhìn xã hội học

 

THÚY HIỀN

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top