Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Đánh thức tiềm năng du lịch Đức Phổ

Thứ Năm 10/11/2022 | 15:15 GMT+7

VHO- Sáng 10.11,  Liên Hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với UBND thị xã Đức Phổ tổ chức Hội thảo chủ đề “Du lịch Đức Phổ - Tiềm năng, kết nối và phát triển”. Tham dự Hội thảo có lãnh đạo một số sở, ban ngành và các nhà khoa học, chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong nghiên cứu, phát triển du lịch…. 

Chủ tịch Liên Hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Quảng Ngãi Lê Quang Thích phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ tịch Liên Hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Quảng Ngãi Lê Quang Thích cho biết, theo đánh giá của các cấp, ngành, các chuyên gia, nhà khoa học, du lịch Đức Phổ vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế vốn có. Hiện tại du lịch Đức Phổ vẫn chỉ ở dạng tiềm năng và chưa được sự quan tâm, chú trọng đúng mức; chưa có nhà đầu tư “đủ tầm” đến Quảng Ngãi nói chung và Đức Phổ nói riêng để đầu tư du lịch. Hơn nữa, các sản phẩm du lịch của Đức Phổ còn khiêm tốn, chưa có sức cạnh tranh. Hạ tầng giao thông, hạ tầng du lịch, nguồn nhân lực chưa đáp ứng được nhu cầu. Hội thảo được tổ chức nhằm cung cấp các căn cứ và luận cứ về quan điểm chủ trương, phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp mang tính lý luận, tính pháp lý, tính khoa học và thực tiễn để làm cơ sở tham vấn cho UBND thị xã Đức Phổ nghiên cứu, chỉ đạo xây dựng và thực hiện kế hoạch phát triển du lịch trên địa bàn thị xã Đức Phổ, góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thị xã lần thứ XXI. 

Ông Đỗ Tâm Hiển – Chủ tịch UBND thị xã Đức Phổ phát biểu

Theo ông Hoàng Nam Chu - nguyên Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Quảng Ngãi, về tài nguyên du lịch nhân văn, thị xã Đức Phổ có 4 di tích lịch sử văn hoá đã được công nhận là di tích quốc gia, trên 20 di tích lịch sử văn hoá, thắng cảnh cấp tỉnh đã được công nhận. Nơi đây còn là “chiếc nôi” của nền Văn hoá Sa Huỳnh. Bởi trên vùng đất này từ năm 1909 các nhà khảo cổ học người Pháp đã phát hiện khai quật hàng trăm mộ chum có nhiều hiện vật của Văn hoá Sa Huỳnh ở gò Ma Vương (Phổ Thạnh) Phú Khương (Phổ Khánh). Chính vì vậy, tỉnh Quảng Ngãi đã đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động Nhà trưng bày văn hoá Sa Huỳnh tại Long Thạnh - Phổ Thạnh, đồng thời phục dựng 2 hố khai quật hiện vật văn hoá Sa Huỳnh ở gò Ma Vương. Các thiết chế này sẽ là điểm đến để các nhà khảo cổ học trong nước, quốc tế và du khách đến tham quan tìm hiểu, nghiên cứu về văn hoá Sa Huỳnh. Ngoài ra ở vùng ven biển Phổ Khánh, Phổ Thạnh còn có những di tích của văn hoá Chăm Pa như: Cầu đá Phú Long, các giếng Chăm và bia ký Chăm.

Ông Chu cho rằng, Đức Phổ có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển du lịch nhưng trong thời gian qua du lịch Đức Phổ vẫn phát triển chậm, chưa tương xứng với tiềm năng, lượng khách du lịch đến Đức Phổ bình quân trong 5 năm gần đây mỗi năm chỉ có khoảng 30 ngàn lượt khách. Trên địa bàn thị xã chưa xây dựng được điểm đến, khu du lịch đạt các điều kiện theo quy định. Sản phẩm du lịch còn nghèo nàn, đơn điệu thiếu những dịch vụ phục vụ khách du lịch như vui chơi, giải trí, thưởng ngoạn, hạ tầng kỹ thuật du lịch chậm được đầu tư xây dựng, nâng cấp. Tài nguyên du lịch tự nhiên của Đức Phổ đến nay chủ yếu còn là tiềm năng, hầu hết chưa được đầu tư, tôn tạo để phát triển du lịch. “Cần xúc tiến du lịch ở từng địa phương nhằm tuyên truyền giới thiệu về đất nước, con người, văn hoá, tài nguyên, môi trường du lịch và sản phẩm du lịch, huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển du lịch nhằm xây dựng được nhiều điểm đến, thu hút ngày càng nhiều khách tham quan du lịch đến với địa phương…”, ông Chu nhấn mạnh.

Quang cảnh Hội thảo

Bà Nguyễn Thị Diễm Kiều - Giám đốc  HTX Du lịch cộng đồng làng Gò Cỏ nêu ý kiến, cần xác định cộng đồng là chủ thể trong phát triển bền vững du lịch Đức Phổ. Nhà nước giữ vai trò điều tiết và xây dựng các mô hình điều phối trong cộng đồng để nâng cao tính hợp tác, minh bạch, công bằng, kích thích sáng kiến của cộng đồng trong hoạt động bảo tồn và phát triển kinh tế. Chú trọng các giải pháp phát triển du lịch nông thôn và các dự án xây dựng các mô hình thí điểm về phát triển du lịch, nông – lâm – ngư – diêm nghiệp; trong đó, đề cao vai trò của thành phần kinh tế tập thể; đẩy mạnh hỗ trợ xây dựng, phát triển sản phẩm OCOP nhằm nâng cao chất lượng, thương hiệu sản phẩm làng nghề truyền thống hay các sản phẩm đặc thù của địa phương…

Tại Hội thảo, ông Nguyễn Thanh Sơn Chủ tịch HĐQT Công ty CP Du lịch Sa Huỳnh đã chia sẻ các giải pháp đánh thức tiềm năng du lịch của Đức Phổ, theo ông Sơn cần rà soát hết các điểm tham quan và khu di tích trên địa bàn phù hợp cho việc nâng cấp mở cửa đón khách du lịch. Phải có cán bộ thuyết minh tại điểm nếu là điểm tham quan lịch sử văn hoá. Liên kết đội xe du lịch đủ cung ứng mùa cao điểm, hệ thống lại các nhà hàng, khách sạn đạt chuẩn phục vụ du khách. Tập trung quảng bá du lịch vào mùa hè, mùa hạ và mùa xuân. Kêu gọi đầu tư các nhà hàng và khách sạn đủ chuẩn từ 3 sao trở lên. Mời các công ty du lịch địa phương và các tỉnh bạn như Bình Định, Quảng Nam, Lâm Đồng, Kon Tom, Gia Lai, Đắk Lắk và các chuyên gia từ các tỉnh thành lớn là người gốc quê hương Đức Phổ để cùng hiến kế, kêu gọi nhà đầu tư.

“Tổ chức các sự kiện cộng đồng như Hội thi Marathon Chinh phục cánh đồng muối Sa Huỳnh hoặc Chinh phục con đường huyền thoại bác sĩ Đặng Thùy Trâm …để khơi dậy những hình ảnh đẹp của Đức Phổ trong lòng du khách trong tỉnh và ngoài tỉnh. Tổ chức các Lễ hội ẩm thực dân gian, Lễ hội ẩm thực đặc sản của Đức Phổ hàng tháng để thu hút du khách, bởi Đức Phổ là cái nơi ẩm thực được coi là ngon nhất, ấn tượng nhất của tỉnh Quảng Ngãi. Đặc biệt tận dụng không gian thiên nhiên đã ban tặng như Cửa biển Mỹ Á, Biển Phổ Vinh, Quy Thiện, Sa Huỳnh, Châu Me. Tổ chức các dịch vụ trên mặt nước như Ca nô lướt sóng, chèo ghe bầu, chèo ghe tam bảng, chèo xuồng, đạp vịt, dù lượn… Không gian tổ chức đẹp và gây ấn tượng nhất là Đầm An Khê”, ông Sơn nêu ý tưởng. 

Thị xã Đức Phổ có nhiều tiềm năng phát triển du lịch

Tại Hội thảo đã có 17 tham luận và nhiều ý kiến thảo luận trực tiếp tập trung làm rõ một số nội dung: Vai trò của ngành du lịch đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và trong đời sống của con người; Thực trạng kinh tế xã hội và hoạt động du lịch trên địa bàn huyện Đức Phổ; Các chính sách, cơ chế từ Trung ương đến địa phương về phát triển du lịch; Bàn luận về xu hướng phát triển du lịch trong tương lai; Quan điểm, định hướng và giải pháp phát triển du lịch trên địa bàn thị xã Đức Phổ….

Phát biểu bế mạc Hội thảo, ông Đỗ Tâm Hiển – Chủ tịch UBND thị xã Đức Phổ khẳng định, Hội thảo lần này đã phân tích đầy đủ các cơ sở lý luận khoa học và thực tiễn, thực trạng phát triển du lịch của địa phương. Đồng thời, khẳng định tiềm năng, vị trí về du lịch Đức Phổ trên bản đồ du lịch của tỉnh, khu vực và cả nước. Trong thời gian tới, thị xã Đức Phổ tạo sự kết nối,hình thành chuỗi du lịch, điểm đếm về du lịch, tạo thương hiệu du lịch đặc biệt là nền Văn hóa Sa Huỳnh. Huy động các nguồn lực tổng thể để phát triển kinh tế - xã hội thị xã Đức Phổ, trong đó chú trọng nguồn lực về du lịch (con người, cơ sở vật chất, môi trường…). Sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của người dân trong việc xác định du lịch là ngành mũi nhọn, đánh thức tiềm năng du lịch của thị xã Đức Phổ…

NHƯ ĐỒNG

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top