Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Khắc phục tình trạng thiếu giáo viên và có chính sách trọng dụng nhân tài

Thứ Sáu 04/11/2022 | 17:33 GMT+7

VHO-Sau khi kết thúc nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực thông tin truyền thông, chiều 4.11, Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn với nhóm vấn đề nội vụ. Trả lời chất vấn là Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ

Đặt câu hỏi chất vấn, đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt (đoàn Đắk Lắk) nêu rõ việc giao số lượng biên chế viên chức sự nghiệp của Bộ Nội vụ những năm qua đã làm cho nhiều địa phương không thể bố trí giáo viên theo đúng định mức, vị trí việc làm dẫn đến tình trạng nhiều điểm trường, điểm lớp ở vùng biên giới, biển đảo, vùng sâu, vùng xa thiếu giáo viên và bố trí giáo viên không đúng việc làm. Đại biểu Nguyệt hỏi về trách nhiệm của Bộ trưởng và Bộ Nội vụ có trách nhiệm ra sao để giải quyết thực trạng này?

Trả lời câu hỏi, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, thực chất việc giao biên chế viên chức hàng năm, Bộ Nội vụ không có thẩm quyền mà chỉ có nhiệm vụ thẩm định biên chế viên chức hàng năm. Bộ Nội vụ có nhiệm vụ đề xuất tham mưu cho Chính phủ bổ sung biên chế giáo viên đáp ứng yêu cầu có học sinh thì phải có giáo viên. Tới đây, Bộ tiếp tục kiến nghị sửa đổi cho phù hợp hơn về nội dung này, đề nghị giao biên chế trên cơ sở định mức, các địa phương cũng cần sắp xếp lại quy mô hệ thống trường lớp, giảm bớt các điểm trường lẻ để giảm đầu mối, giảm biên chế giáo viên.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ trả lời chất vấn chiều 4.11

Bộ trưởng Trà cũng cho biết, hiện nay, theo định mức của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra, tới đây cần có sự sửa đổi sao cho phù hợp với thực tế. “Tôi lấy ví dụ như năm 2021 – 2022, chúng tôi xác định số lượng viên chức ngành giáo dục còn thiếu là hơn 65.980 người trên định mức của Bộ Giáo dục nêu ra. Từ đó, chúng tôi sẽ báo cáo Ban tổ chức Trung ương, báo cáo Ban chỉ đạo Trung ương về biên chế để giao biên chế giáo dục trong giai đoạn 2022-2026”, bà Trà cho biết.

Cùng trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, vấn đề thiếu giáo viên là vấn đề nóng được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, thể hiện trong phiên thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội vừa qua và hôm nay cũng đã có 2 ý kiến về vấn đề này. Bộ trưởng Sơn cho biết, tổng số giáo viên còn thiếu, cần bù đắp của ngành Giáo dục, tính từ nay đến năm 2026 là 107 ngàn người trong khi chỉ tiêu được duyệt là hơn 65 ngàn giáo viên.

Người đứng đầu ngành giáo dục cũng cho biết, ngành Giáo dục tính ra con số còn thiếu 107 ngàn giáo viên là dựa theo thực tế. Bởi ở miền núi, vùng sâu, xa có thể có những lớp học không theo tiêu chuẩn, khi chỉ có 5-7 học sinh nhưng vẫn phải duy trì điểm trường, theo tiêu chí ở đâu có học trò, ở đó có giáo viên. Hiện sự chênh lệch giữa nông thôn, miền núi và đô thị vẫn còn rất lớn.

Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, một trong các khâu cần làm ngay là rà soát, sắp xếp lại các cơ sở giáo dục từ mầm non đến phổ thông. Bộ đã chỉ đạo công tác trong hai năm qua và có những kết quả khả quan. Tuy nhiên mỗi địa phương có một kết quả rà soát khác nhau, có địa phương sắp sếp tương đối cơ giới, máy móc, cứng nhắc. Do đó, đề nghị tới đây việc sắp xếp cần đảm bảo khoa học để các học sinh có điều kiện học tập thuận tiện nhất, giáo viên cũng đỡ vất vả nhất trong việc dạy của mình…

Một giải pháp nữa theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT là cần tiếp tục tuyển theo chỉ tiêu cũ, vừa khẩn trương tuyển theo chỉ tiêu mới. Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề xuất, tạm tuyển đối tượng giáo viên đạt được tiêu chuẩn cũ nhưng chưa đạt tiêu chuẩn mới, đồng thời đề ra lộ trình bồi dưỡng, nâng chuẩn cho các đối tượng này để đạt được tiêu chuẩn mới vào năm 2030.

Đại biểu Lê Thanh Vân chất vấn về vấn đề thu hút, trọng dụng nhân tài

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ, đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) nêu rõ “trọng dụng nhân tài và thưởng phạt nghiêm minh” là thuật dùng người, cũng là luật trị quốc. Ngày 22.9.2021, Bộ Chính trị cũng đã ban hành Kết luật số 14 trong đó có chủ trương khuyến khích bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung. Vậy với nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Bộ trưởng đã làm gì để biến chủ trương trên thành pháp luật, thành quy tắc xử sự có tính chất áp dụng chung?

Trả lời câu hỏi của đại biểu Lê Thanh Vân, Bộ trưởng Bộ Nội vụ khẳng định, đây truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta và cũng là quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta về thu hút và trọng dụng nhân tài. Điều đó đã được thể hiện rất rõ trong các nghị quyết, văn kiện, chỉ thị, kết luận của Đảng mà gần đây nhất là Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

“Nhìn ra thế giới, nhiều nước đã làm nên kỳ tích phát triển đất nước bằng cách trọng dụng nhân tài như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore”, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nêu dẫn chứng và cho biết, với chức năng, quyền hạn, Bộ Nội vụ cũng đã tham mưu để Chính phủ ban hành Nghị định số 140/2017/NĐ-CP về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ.

Nhiều địa phương cũng chú trọng thực hiện chủ trương này như Hà Nội, TP.HCM, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng… Đến thời điểm này, các địa phương đã thu hút sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc và cán bộ khoa học trẻ nhưng đây là con số quá ít ỏi vào làm việc trong khu vực công.

Thời gian tới, Bộ Nội vụ sẽ xây dựng để trình các cấp có thẩm quyền ban hành đề án chiến lược quốc gia để thu hút, trọng dụng nhân tài với cơ chế, chính sách hấp dẫn hơn…

THU SÂM; ảnh: TRẦN HUẤN

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top