Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trước những luận điệu sai trái, thù địch: Bài 2 – Phản biện các luận điệu xuyên tạc, sai trái

VHO - Các luận điệu xuyên tạc, sai trái cho rằng quan điểm đấu tranh giai cấp là tính hiếu chiến của những người cộng sản và là nguyên nhân gây ra chiến tranh, nhưng thực tế lịch sử phủ nhận hoàn toàn luận điệu bịa đặt đó.

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trước những luận điệu sai trái, thù địch: Bài 2 – Phản biện các luận điệu xuyên tạc, sai trái - Anh 1

Nguyện mãi đi theo con đường Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn

“Đọc ngược lịch sử”

Các luận điệu xuyên tạc, sai trái cho rằng quan điểm đấu tranh giai cấp là tính hiếu chiến của những người cộng sản và là nguyên nhân gây ra chiến tranh, nhưng thực tế lịch sử cho thấy chiến tranh, không phải bắt nguồn từ khi có quan điểm đấu tranh giai cấp của chủ nghĩa  Marx mà từ trước đó  rất lâu, kể từ những cuộc “thập tự chinh”, xung đột sắc tộc và thôn tính lãnh thổ, đến khi xảy ra chiến tranh thế giới thứ nhất và thứ hai đều do các nước tư bản gây ra. Ngược lại chính đất nước XHCN đầu tiên là Liên Xô đã là lực lượng chủ yếu đánh bại chủ nghĩa phát xít, và sau đó là Việt Nam cũng là nước XHCN đã đánh bại chủ nghĩa thực dân kiểu cũ và kiểu mới. Điều đó chứng tỏ bản chất hòa bình, nhân đạo của chủ nghĩa cộng sản đã được minh chứng bằng thực tế lịch sử. Nói cách khác, đấu tranh giai cấp bắt nguồn từ việc chủ nô bóc lột nô lệ,  phong kiến bóc lột nông dân, tư sản bóc lột công nhân tàn bạo đến mức không thể chịu đựng được. Đó là quy luật tự nhiên “ở đâu có áp bức, ở đó có đấu tranh”, “tức nước vỡ bờ”. Như vậy Marx không phải là người gây ra đấu tranh giai cấp, mà chỉ là người phân tích các thủ đoạn bóc lột giá trị thặng dư của giai cấp tư sản và tình cảnh khốn cùng của vô sản, đồng thời chỉ ra cho giai cấp vô sản phương pháp đấu tranh tự giác và đoàn kết để chống lại những thủ đoạn thâm độc của tư sản mà ngày nay ở các nước tư bản phát triển, công nhân vẫn đấu tranh vì giới chủ tư bản vẫn bóc lột giá trị thặng dư. Như vậy “đấu tranh giai cấp”, kể cả bằng biện pháp bạo lực và “chiến tranh” là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau về bản chất. Các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch không thay đổi được thực tế lịch sử nên  họ dùng thủ đoạn vu cáo trắng trợn, họ đã “đọc ngược lịch sử”, thực tế là Hồng quân Liên Xô đã giải phóng các nước Đông Âu nhưng ngày nay họ nói ngược lại là “Hồng quân xâm lược Đông Âu”. Còn ở Việt Nam, kháng chiến để thống nhất đất nước thì họ nói ngược lại là miền Bắc xâm lược miền Nam… Các luận điệu ấy vẫn lừa bịp được  một số người thiếu thông tin về lịch sử.

Hiện tượng sụp đổ của hệ thống XHCN: lý giải từ quy luật phủ định

Sự kiện sụp đổ của hệ thống XHCN cuối thế kỷ XX được các thế lực thù địch triệt để lợi dụng để chứng minh sự sai lầm về lý luận và phá sản về thực tiễn của chủ nghĩa Marx, đồng thời là sự cáo chung của CNXH. Vậy bản chất của sự việc đó là gì? Cần hiểu rõ điều này để củng cố niềm tin khoa học, vững chắc vào nền tảng tư tưởng của Đảng, đồng thời vạch trần âm mưu xuyên tạc về lý luận.

Trước hết phải nhìn nhận sự vật thật khách quan và từ góc độ của quy luật “phủ định của phủ định”. Cụ thể là khi lực lượng sản xuất phát triển đến cao độ sẽ phủ định quan hệ sản xuất cũ để thay thế bằng quan hệ sản xuất mới, như lực lượng sản xuất TBCN đã phủ định quan hệ sản xuất phong kiến. Ở vào thời điểm cuối thế kỷ XX, các nước có trình độ phát triển kinh tế cao nhất-như Mỹ thì lực lượng sản xuất cũng chưa phủ định được quan hệ sản xuất TBCN, do đó trình độ phát triển kinh tế xã hội của hệ thống XHCN còn non kém hơn nên chưa thích ứng với quan hệ sản xuất cao hơn là XHCN. Giống như khi xây một ngôi nhà cao tầng khi chưa có các vật liệu chịu lực cao nên sự sụp đổ của hệ thống XHCN vào thời điểm cuối thế kỷ XX không chứng minh sự sai lầm của chủ nghĩa Marx, mà ngược lại càng làm sáng tỏ quy luật “phủ định của phủ định”. Thực tế lịch sử cho thấy sự biến đồi từ hình thái kinh tế xã hội này lên hình thái cao hơn là một quá trình lâu dài, phức tạp và phải trải qua những thất bại mới đến thành công, như từ chế độ nô lệ lên phong kiến, lên TBCN phải trải qua những thất bại của nhiều cuộc khởi nghĩa nông dân, nhiều cuộc cách mạng tư sản mới thiết lập được mô hình xã hội mới. Như vậy sự sụp đổ của hệ thống XHCN ngày nay không có nghĩa là thất bại vĩnh viễn về nguyên lý của CNXH. Trên thực tế nó giống như các cuộc thử nghiệm chưa thành công trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật như cuộc thử nghiệm chiếc máy bay đầu tiên tuy thất bại, nhưng lý thuyết về khí động học vẫn đúng nên ngày nay con người đã bay được lên vũ trụ. Tuy nhiên hệ thống XHCN đã tồn tại nửa thế kỷ, trong thời kỳ đó đã từng có lúc Liên Xô vượt Mỹ về kinh tế và khoa học kỹ thuật-điều đó chứng tỏ những nguyên lý cơ bản của CNXH vẫn thể hiện tính ưu việt ngay cả khi chưa đủ các điều kiện về trình độ của lực lương sản xuất. Nói cách khác sự sụp đổ của hệ thống XHCN chỉ là bước tạm dừng để nhận thức quy luật trên con đường dài  tiến đến CNXH và CNCS trong tương lai.

Từ những luận điệu phủ nhận chủ nghĩa Marx, các thế lực thù địch còn  tuyên truyền sự lãnh đạo của Đảng là “toàn trị”, không có dân chủ, không có tự do ngôn luận… Họ gọi tên những người bị pháp luật Việt Nam trừng trị  do  vi phạm luật pháp là “tù nhân lương tâm” để vu cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền, đàn áp tự do ngôn luận…Nhưng thực tế là ngược lại: trong đại dịch tòan cầu, VN vừa là nước tăng trưởng dương, vừa chống dịch đạt hiệu quả-trong khi một số nước khác phải trả giá đắt cho sự tôn sùng tự do cá nhân cực đoan. Vì ở đó có những người đã sử dụng “quyền tự do ngôn luận” để công khai tuyên truyền chống tiêm vắc xin ngừa Covid 19. Như vậy Việt Nam trừng trị những phát ngôn xuyên tạc sự thật của một số ít người là để bảo vệ quyền tự do ngôn luận chân chính của cả cộng đồng (còn nữa).

TS NGUYỄN HỮU NGUYÊN

Ý kiến bạn đọc