Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Vai trò “đầu tàu kinh tế” và cơ chế đặc thù

Thứ Hai 31/10/2022 | 11:00 GMT+7

VHO- Ở nước ta hiện nay có một số tỉnh, thành được xác định vai trò là “đầu tàu kinh tế” của từng vùng và của cả nước như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP.HCM, Cần Thơ… Đồng thời cũng xuất hiện nhiều đề nghị về “cơ chế đặc thù” cho các đầu tàu và cho một số địa phương khác. Như vậy vai trò “đầu tàu kinh tế” và “cơ chế đặc thù” có mối liên hệ như thế nào?

 Khái niệm “đầu tàu kinh tế “ không nên hiểu theo nghĩa đen như đầu máy tàu hỏa được “gắn cứng” với các toa ở phía sau và kéo chúng chạy trên đường ray, mà nên hiểu theo nghĩa là địa phương có tiềm năng kinh tế mạnh nhất trong vùng, dẫn đầu nhiều chỉ tiêu kinh tế, xã hội, có khả năng lan tỏa, liên kết, hỗ trợ, thúc đẩy các địa phương khác cùng phát triển nhanh hơn nhưng không “gắn cứng” với các địa phương khác như đầu tàu gắn với toa xe. Nói cách khác, vai trò “đầu tàu kinh tế” không phải là “độc quyền đi trước”, mà những người ở phía sau vẫn có cơ hội và không gian để bứt phá, đuổi kịp và vượt lên nhằm đưa cả đội về đích nhanh hơn, chứ không phải chỉ cần tốc độ nhanh của người dẫn đầu.

Khái niệm “cơ chế” là “cách thức theo đó một quá trình thực hiện” như cơ chế thị trường là cách thức vận hành nền kinh tế theo quy luật cung cầu, cạnh tranh, lợi nhuận. Khái niệm “đặc thù” là “nét riêng biệt làm cho sự vật này khác với sự vật cùng loại khác”, do đó “cơ chế đặc thù” là cách thức riêng biệt không nằm trong cơ chế chung.

Từ những khái niệm trên, vấn đề đặt ra là những địa phương “đầu tàu kinh tế” có nhất thiết phải kèm theo “cơ chế đặc thù” do có những nét riêng biệt nổi bật mà các nơi khác không có? Ví dụ Hà Nội là thủ đô, là trung tâm chính trị, văn hóa của cả nước, các tỉnh, thành khác không có chức năng này. Hay TP.HCM là nơi dân số đông nhất nước, là trung tâm kinh tế lớn nhất, các tỉnh, thành khác không có quy mô đó. Phải chăng “cơ chế đặc thù” chỉ dành cho những chức năng, nhiệm vụ rất riêng biệt, không dành cho tất cả sự khác biệt. Tương tự như chỉ có các loại xe có chức năng đặc biệt như cứu hỏa, cứu thương, cứu hộ khẩn cấp… mới có “cơ chế đặc thù” là được vượt đèn đỏ. Còn tất cả các loại phương tiện giao thông khác dù có nhiều sự khác biệt nhưng vẫn phải theo cơ chế chung của luật giao thông đường bộ.

Lãnh đạo TP.HCM đã khẳng định: Mọi hoạt động của TP phải “nằm trong tổng thể quy hoạch đô thị đã được Thủ tướng phê duyệt”. Vậy TP cần “cơ chế đặc thù” để được thực hiện những việc vượt khung quyền hạn? Điều này Thủ tướng đã nói rõ: “Bất cứ vấn đề nào được cho là quá thẩm quyền của tỉnh, thành phải báo cáo, giải trình bằng văn bản…, nhưng đường đi của văn bản còn rất lòng vòng…”. Nhưng ngay cả những việc đã được phê duyệt vẫn phải chịu sự kiểm tra, giám sát của các Bộ, ngành cũng như ở TP, công việc của quận, huyện đều do các Sở, ban ngành giám sát. Từ đó suy ra trở lực của sự phát triển, đột phá của TP không phải ở chỗ không có “cơ chế đặc thù” mà ở khâu thủ tục hành chính của các cấp còn rất “lòng vòng” như Thủ tướng đã nói.

Thực tế cho thấy, dù có hay không có “cơ chế đặc thù” thì việc giải quyết những đề nghị vượt khung cũng vẫn có thể thực hiện được. Ví dụ như việc điều chỉnh tỷ lệ giữ lại ngân sách cho TP.HCM từ 23%, TP xin tăng thêm nhưng không được mà phải hạ xuống 18%, rồi một thời gian sau lại được tăng lên 23%. Hay như trường hợp chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp. Do TP.HCM còn hơn 50% là đất nông nghiệp trong khi nhu cầu đất đô thị rất cao nên Thủ tướng đã cho phép chuyển đổi một phần.

Từ những phân tích trên cho thấy “cơ chế đặc thù” tuy rất cần cho “vai trò đầu tàu kinh tế” nhưng không phải là yếu tố quyết định nhất. Vì vai trò đó tùy thuộc nhiều hơn vào năng lực lãnh đạo, quản lý kinh tế cùng với sự năng động, sáng tạo và khả năng ứng phó với những khó khăn do thế giới biến động, dịch bệnh và biến đổi khí hậu gây ra. Từ đó có thể nói, chính nội lực và tài năng đã tạo ra vai trò “đầu tàu kinh tế”, chứ không phải vì có cơ chế đặc thù. Mặt khác, TP.HCM có khẩu hiệu “cùng cả nước, vì cả nước”. Với ý nghĩa nhân văn sâu sắc là không chỉ vì thành tích phát triển kinh tế mà còn là cùng chia sẻ, gánh vác những khó khăn chung của cả nước. Đó là sự thể hiện tầm văn hóa của thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

 TS NGUYỄN HỮU NGUYÊN

 

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top