Di tích quốc gia đình Tri Chỉ tiếp nhận 22 đạo sắc phong

VHO- Ngày 30.10, UBND xã Tri Trung đã tổ chức lễ trao tặng và tiếp nhận 22 đạo sắc phong của đình Tri Chỉ (thôn Tri Chỉ, xã Tri Trung, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) từ nhà sưu tập Đặng Vũ Khương. Đây là 22 trong số 27 sắc phong quý giá của các triều đại vua chúa bị thất lạc từ 16 năm về trước.

Ngay từ sáng sớm, toàn bộ các cụ cao niên, lãnh UBND xã Tri Trung cùng toàn bộ người dân thôn Tri Chỉ đã có mặt tại trụ sở UBND xã để chứng kiến lễ trao tặng và tiếp nhận 22 đạo sắc phong của Đình Tri Chỉ. Tham dự buổi lễ còn có nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ, các nhà sưu tập, thành viên group Hội mê sắc phong…

Di tích quốc gia đình Tri Chỉ tiếp nhận 22 đạo sắc phong - Anh 1

Từ sáng sớm, các cụ cao niên và nhân dân làng Tri Chỉ đã có mặt ở trụ sở UBND xã Tri Trung

Làng Tri Chỉ, nay là thôn Tri Chỉ, xã Tri Trung, huyện Phú Xuyên, Thành phố Hà Nội là miền đất địa linh nhân kiệt, có bề dày truyền thống văn hóa, lịch sử lâu đời, cách mạng và hiếu học. Đình làng Tri Chỉ theo truyền thuyết và thần phả thờ 6 vị thần có công với nước với dân, có đức là những người tài cao học rộng, được các nhà vua  ban phong sắc chỉ, truyền các nơi thờ phụng để nhớ công đức các ngài.

Đình làng Tri Chỉ còn thờ hai vị Thánh sư Tổ nghề làm áo tơi là ngài Nghiêm Thắng và ngài Đặng An, nhờ có nghề thủ công đã làm cho đời sống của nhân dân được ấm no hơn. Đình Tri Chỉ được khởi công xây dựng vào khoảng giữa thế kỷ XVII và đã trải qua nhiều lần trùng tu, tuy có nhiều lớp kiến trúc kế thừa, bổ sung nhưng cơ bản vẫn giữ được ngôi đình cổ gồm các ngôi đại bái, trung cung và hậu cung. Đình được xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1985.

Di tích quốc gia đình Tri Chỉ tiếp nhận 22 đạo sắc phong - Anh 2

Chủ tịch UBND xã Tri Trung phát biểu tại lễ tiếp nhận

Phát biểu tại lễ trao tặng và tiếp nhận 22 đạo sắc phong, ông Lê Hữu Cường, Chủ tịch UBND xã Tri Trung cho biết: Thực hiện Nghị quyết Trung ương về phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, những năm qua địa phương đã quan tâm việc bảo tồn, gìn giữ, phát huy các giá trị, di tích lịch sử văn hóa truyền thống của dân tộc và quê hương như đã khôi phục, trùng tu, tôn tạo, bảo vệ các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn xã, trong đó có đình làng Tri Chỉ. Trong những năm các đạo sắc phong do các vị vua của các triều đại phong kiến Việt Nam ban cho các vị thần được lưu giữ thờ tại đình làng Tri chỉ hiện đang bị thất lạc, chính quyền địa phương và người dân trong làng không ngừng phối hợp với các tập thể, cá nhân, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà sưu tầm cổ vật để tìm kiếm.

“Chính vì vậy, ngày hôm nay, các nhà nghiên cứu khoa học, các nhà sưu tầm cổ vật bàn giao, trao tặng 22 đạo sắc phong về với xã Tri Trung, đình làng  thôn Tri Chỉ đã đáp ứng nguyện vọng thiết tha và mong mỏi của lớp lớp các thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân  trong thôn. Thông qua việc làm đặc biệt ý nghĩa này đã khẳng định sâu sắc vị trí, vai trò, tầm quan trọng của thiết chế văn hóa cơ sở, góp phần vào việc xây dựng đời sống văn hóa cơ sở lành mạnh, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - văn hóa, xã hội của xã”, Chủ tịch UBND xã Tri Trung nhấn mạnh.

Di tích quốc gia đình Tri Chỉ tiếp nhận 22 đạo sắc phong - Anh 3

Nhà sưu tập Đặng Vũ Khương (ngoài cùng bên trái) cùng đại diện bậc cao niên làng Tri Chỉ, nhà nghiên cứu, chính quyền xã Tri Trung kiểm đếm sắc phong

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ, các đợt sắc phong đều gắn với vận hội lớn của toàn thể quốc gia, toàn thể dân tộc như gắn với hoạt động xây dựng kinh thành, đê điều, đào mương đắp đập để cầu mong mọi sự hanh thông. Sắc phong lúc đó là biểu tượng cho tinh thần của toàn thể nhân dân. “Sắc tại như thần tại”, nhưng trải qua chiến tranh, trải qua biến động xã hội, rất nhiều di tích lịch sử bị mất mát sắc phong, lúc đó lòng dân kết tụ cũng bị thất tán theo tín ngưỡng. Do đó, sắc phong phải được giữ gìn một cách trang nghiêm, trang trọng, kính trọng nhất vì đó chính là lòng dân. “Chúng tôi - những người nghiên cứu văn hóa rất trân trọng tấm lòng yêu quý văn hóa dân tộc của các thành viên Hội mê sắc phong. Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, những vấn đề của văn hóa truyền thống được nhấn mạnh và Hội nghị đề ra trong năm 5 giai đoạn 2022 – 2027, tất cả các tỉnh, thành phố phải đưa ra chương trình bảo tồn, phát huy, quảng bá di sản văn hóa của mình. Chúng tôi cho rằng, với sự kiện đón nhận sắc phong này là một trong những hoạt động văn hóa dân gian lớn thành phố, và xin được chung niềm vui với người dân thôn Tri Chỉ”, ông Nguyễn Hùng Vĩ chia sẻ.

Di tích quốc gia đình Tri Chỉ tiếp nhận 22 đạo sắc phong - Anh 4

Sắc phong được rước ra kiệu Long đình

Trong niềm tự hào, phấn khởi của người dân làng Tri Chỉ, nhà sưu tập Đặng Vũ Khương cho biết, 22 sắc phong đã được ông sưu tập trong nhiều năm và hầu như vẫn còn nguyên vẹn. Ông bày tỏ niềm vui mừng, xúc động khi tâm nguyện của mình đã hoàn thành là trao sắc phong về cho nhân dân. Ngay sau khi được tiếp nhận, toàn bộ sắc phong được giao cho Ban bảo vệ Di tích lịch sử xã Tri Trung gìn giữ và bảo quản, tổ chức nghi lễ rước sắc phong về Đình Tri Chỉ.

Di tích quốc gia đình Tri Chỉ tiếp nhận 22 đạo sắc phong - Anh 5

Đình Tri Chỉ được xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1985

“Hôm nay, các cụ, cán bộ và nhân dân làng Tri Chỉ long trọng mở hội để đón rước 22 đạo sắc phong loan giá hồi cung về Đình làng, nhằm mục đích bày tỏ lòng tôn kính với thành thần và trân quý giá trị của các di sản do tiền nhân để lại. Qua đó, để mọi người dân trong làng cùng nhau đoàn kết, chung tay bảo tồn, gìn giữ các di sản quý giá, giữ gìn phong tục nét đẹp truyền thống, bản sắc văn hóa của mảnh đất và con người Tri Chỉ”, ông Lê Đăng Phát, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Tri Chỉ xúc động.

Nghinh rước 22 đạo sắc phong loan giá hồi cung về đình làng Tri Chỉ: 

Di tích quốc gia đình Tri Chỉ tiếp nhận 22 đạo sắc phong - Anh 6

Di tích quốc gia đình Tri Chỉ tiếp nhận 22 đạo sắc phong - Anh 7

Di tích quốc gia đình Tri Chỉ tiếp nhận 22 đạo sắc phong - Anh 8

QUỲNH HOA

Ý kiến bạn đọc