Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Đà Nẵng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thực tế ảo để số hóa bảo tàng

Thứ Năm 27/10/2022 | 16:00 GMT+7

VHO-Đà Nẵng vừa có năm thứ 3 liên tiếp được vinh danh trong hạng mục “Cơ quan Nhà nước chuyển đổi số xuất sắc” tại giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam (Vietnam Digital Awards-VDA). Đóng góp vào kết quả này không thể không kể đến nỗ lực của Ngành văn hóa thành phố, trong đó có các bảo tàng trong tiến trình chuyển đổi số.

Số hóa di tích, di sản bằng công nghệ thực tế ảo

Đến Đà Nẵng du lịch và ghé thăm Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng trong dịp lễ Quốc khánh 2.9 vừa qua, gia đình anh Hoàng Hữu Minh (trú quận Hoàng Kiếm, thành phố Hà Nội) bày tỏ sự thích thú khi được trải nghiệm trực quan, chi tiết về các hiện vật đã được số hóa 3D cùng các điểm di tích Chăm tiêu biểu do bảo tàng này giới thiệu. “Tôi từng “tham quan” Bảo tàng Điêu khắc Chăm thông qua mạng internet từ dự án “Google Arts & Culture: Kỳ quan Việt Nam” và ứng dụng quảng bá du lịch VR360 – Một chạm đến Đà Nẵng. Bản thân tôi rất ấn tượng trước cách mà Đà Nẵng số hóa những giá trị văn hóa Chăm và lan tỏa nó đến với du khách”, anh Minh chia sẻ.

Hình ảnh Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng được số hóa bằng công nghệ thực tế ảo trên ứng dụng VR360 - Một chạm đến Đà Nẵng.

Là một trong những đơn vị văn hóa sử dụng công nghệ thực tế ảo trong công tác bảo tàng, từ năm 2017, Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng đã triển khai hệ thống hỗ trợ tại các phòng trưng bày nhằm giúp du khách có thể tham quan, tìm hiểu chi tiết về các hiện vật đã được số hóa 3D cùng các điểm di tích Chăm tiêu biểu. Thông tin về bảo tàng cũng được tích hợp, đồng bộ trên nền tảng ứng dụng quảng bá du lịch VR360 – Một chạm đến Đà Nẵng và mới nhất được thử nghiệm giới thiệu lần đầu tiên trên không gian vũ trụ ảo (Metaverse).

Trong năm 2021, Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng cũng được tôn vinh trên nền tảng trực tuyến bảo tàng số hóa Google Arts & Culture thông qua dự án “Google Arts & Culture: Kỳ quan Việt Nam” do Tổng cục Du lịch phối hợp Tập đoàn Google, Công ty Oxalis Adventure, địa phương và nhiếp ảnh gia Trần Tuấn Việt thực hiện. Thông qua đó, công chúng được tiếp xúc với những hình ảnh và video của các tác phẩm nghệ thuật và hiện vật văn hóa bằng công nghệ mới như thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR).

Giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm Hồ Tấn Tuấn cho biết, thông tin hồ sơ khoa học của hiện vật và các bộ sưu tập được cập nhật liên tục, kiện toàn, đáp ứng các quy chuẩn thông tin không chỉ trong nước mà trong môi trường học thuật quốc tế; qua đó bảo đảm việc thông tin, giới thiệu cho nhiều đối tượng công chúng tham quan tìm hiểu, nghiên cứu.

Ngày 30.9 vừa qua, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng ký kết hợp tác với Công ty Cổ phần Giải pháp Chuyển đổi số (VR360) - thành viên của Bizverse, nhằm cải thiện, nâng cao chất lượng phục vụ công chúng, tăng trải nghiệm cho khách tham quan trong và ngoài nước, thực hiện ứng dụng công nghệ số vào công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung, di sản mỹ thuật nói riêng…

Theo đại diện VR360, nhận thấy Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng là một đơn vị sự nghiệp công lập, hoạt động thường xuyên vì mục tiêu phục vụ công chúng và sự phát triển của cộng đồng, doanh nghiệp này thống nhất ký kết hợp tác nhằm hỗ trợ, tư vấn công nghệ cho bảo tàng trong lĩnh vực chuyển đổi số. Theo đó, tiến trình chuyển đổi số của Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng chia làm 3 giai đoạn. Trong giai đoạn đầu được tiến hành trong năm 2022, phía VR360 sẽ hỗ trợ hoàn thành các hạng mục ở giai đoạn đầu như: tạo VR Tour cho tổng quan dự án, vẽ model 3D lên Map 3D, lập trình  MC ảo giới thiệu tổng quan bảo tàng...  Trong tương lai, VR360 tiếp tục hoàn thiện và nâng cấp công nghệ chuyển đổi số cho Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng. 

Hiện tại, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng cũng đang triển khai phần mềm Quản lý hiện vật nhằm số hóa thông tin về hiện vật. Theo ông Hà Thanh Vân - Giám đốc bảo tàng, với xu hướng chuyển đổi số đang lan tỏa trên toàn cầu như hiện nay, công nghệ số cần được ứng dụng cấp thiết vào công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa nói chung và di sản mỹ thuật nói riêng.

Từ năm 2018, Bảo tàng Đà Nẵng xây dựng website địa chỉ bandodisandanang.vn nhằm phát triển Bản đồ di sản số bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Từ website này, những thông tin, hình ảnh về hệ thống di tích trên địa bàn thành phố với 12 di tích cấp quốc gia và 34 di tích cấp thành phố như: thành Điện Hải, danh thắng Ngũ Hành Sơn, Hải Vân quan… được chia sẻ rộng rãi và trực quan.

Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng ký kết hợp tác với Công ty Cổ phần Giải pháp Chuyển đổi số (VR360) - thành viên của Bizverse.

Được biết, Bảo tàng Đà Nẵng có hơn 600 hiện vật trưng bày được số hóa và kèm theo hồ sơ thuyết minh trong tổng số hơn 25.000 hiện vật được lưu giữ tại kho. Đơn vị cũng đang tiến hành chuyển đổi số đối với toàn bộ hiện vật đang trưng bày và bảo quản thông qua mã QR nhằm cải thiện chất lượng phục vụ du khách và thuận lợi hơn cho khâu lưu trữ và quảng bá giá trị các di sản văn hóa vật thể.  Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện - Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng cho hay: “Các hình ảnh, hồ sơ, hiện trạng hiện vật được chúng tôi phục dựng và số hóa bằng phim 2D và 3D. Đặc biệt thực hiện công nghệ phim 3D phục dựng hình ảnh danh thắng Ngũ Hành Sơn, Hải Vân quan, Thành Điện Hải cũng như các hiện vật cấp quốc gia và thành phố”.

Hình thành và phát triển môi trường số an toàn, tiện ích

Ứng dụng thực tế ảo vào số hóa bảo tàng là một trong nhiều nội dung được đề cập trong kế hoạch chuyển đổi số của ngành Văn hóa và Thể thao thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Theo định hướng này, trong tương lai Đà Nẵng có phương án ứng dụng thuyết minh trên thiết bị di động thông minh thông qua công nghệ chuyển đổi giọng nói tiếng Việt và các ngôn ngữ thông dụng khác; ứng dụng công nghệ thực tế ảo tại các Bảo tàng Điêu khắc Chăm, Bảo tàng Đà Nẵng, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng và các công trình kiến trúc – văn hóa mang giá trị lịch sử trên địa bàn. Ứng dụng công nghệ kinh tế số vào hệ thống trưng bày hiện vật, tư liệu tại trụ sở mới của Bảo tàng Đà Nẵng. Đồng thời phát triển và tối ưu hóa nền tảng số Website và ứng dụng di động (Mobile App) đưa vào sử dụng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành kết nối, tích hợp với các cơ sở dữ liệu UBND thành phố, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và quốc gia.

Theo Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Đà Nẵng Phạm Tấn Xử, mục tiêu chuyển đổi số của ngành là ứng dụng mạnh mẽ, toàn diện CNTT, nhất là công nghệ số trong các hoạt động của ngành văn hóa và thể thao, xây dựng cơ quan quản lý số, đơn vị số, góp phần hoàn thiện mô hình chính quyền số. Dùng công nghệ thông tin và truyền thông, công nghệ số làm động lực để phát triển văn hóa, thể thao thành phố Đà Nẵng. Hình thành và phát triển môi trường số an toàn, tiện ích phục vụ tối đa nhu cầu hưởng thụ văn hóa, thể thao của người dân.

TRƯỜNG THÀNH

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top